Các Kỳ Thi Chuẩn Hóa Đã "Phá Hỏng" Giáo Dục & Cuộc Đời Lũ Trẻ Ra Sao?

Khi Thượng Hải (Trung Quốc) tham gia PISA lần đầu tiên vào năm 2009, họ ngay lập tức đứng đầu ở cả ba hạng mục. Kết quả này đã làm rung chuyển rất nhiều nước phương tây. Báo giới phương tây khi ấy điên cuồng đồn đoán về sức mạnh của giáo dục theo “Mô hình Châu Á” và kêu gọi chính phủ nâng cao các chuẩn mực để bắt kịp với cạnh tranh toàn cầu.

Từ đó, những chính sách quốc gia đã gieo rắt, cài cắm những thông điệp về đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp và “các kỹ năng của thế kỷ 21”. Điều này lý giải tại sao người ta đang đổ rất nhiều tiền vào giáo dục và vì sao nó là một trong những thương vụ lớn nhất thế giới. Chỉ tính riêng Mỹ vào năm 2013, chi phí cho giáo dục đào tạo là 632 tỷ đô. Trên toàn thế giới, con số tổng đã vượt ngưỡng 4 nghìn tỷ đô.

Thế nhưng, hiệu quả thực tế ra sao với Mỹ – quốc gia có thể nói là “mẹ đẻ” và “đi đầu” về phong trào chuẩn hóa, mà nhiều môi trường giáo dục khác cũng đang “răm rắp học theo” mô hình chuẩn hóa “kiểu Mỹ” này với hàng loạt kỳ thi Cambridge, IELTS, TOEFL, SAT, ACT, AP,… bên cạnh hàng trăm bài thi học kỳ, chuyển cấp, tốt nghiệp, học sinh giỏi, đại học mà một đời học sinh phải kinh qua?

Giải Pháp "Ưu Việt"???

Việc nâng cao tiêu chuẩn trong giáo dục nghe có vẻ là một ý tưởng tốt. Chẳng có lý gì chúng ta nên hạ nó xuống cả. Nhưng những tiêu chuẩn ở đây là của cái gì? Tại sao chúng ta lại chọn những tiêu chuẩn đó, và chúng ta thực thi nó như thế nào?

Phong trào tiêu chuẩn tập trung hoàn toàn vào việc nâng cao chuẩn mực… học thuật. Một lần nữa, điều này nghe có vẻ hợp lý. Thế nhưng, học thuật chỉ là một phần của giáo dục. Nó chủ yếu bao gồm việc truyền đạt một số dạng tư duy phân tích, đặc biệt với chữ cái và con số, thường là những kiến thức chỉ có đúng hoặc sai. Cốt lõi của chiến lược này là chuẩn hoá nhiều nhất có thể.

Bởi coi trọng những kiến thức học thuật, phong trào chuẩn hoá đặt ít trọng tâm với những môn học thực tiễn như nghệ thuật, kịch, âm nhạc, thiết kế, giáo dục thể chất hay những môn học thiên về “kỹ năng mềm” như truyền thông giao tiếp – những môn được coi là không hàn lâm.

Những chương trình học nghề như quản lý kinh tế gia đình và cửa hàng nhỏ cũng bốc hơi ở nhiều trường học. Ở một số quốc gia, tất cả những môn học được coi là “môn phụ” này đã bị xóa sổ.

Khi nói tới việc dạy học, phong trào chuẩn hóa tập trung vào truyền đạt kiến thức đúng – sai và kỹ năng “thi cử, giải đề” cho cả lớp. Phong trào này không “xem trọng” sự sáng tạo, thể hiện cá nhân, hoạt động nhóm, những hình thức học phi ngôn ngữ và phi số liệu, hình thức học qua thực hành hay chơi sáng tạo, kể cả ở lứa tuổi mầm non.

Về kiểm tra đánh giá, phong trào này đề cao các loại bài thi dạng viết có cấu trúc và tận dụng triệt để các bài thi trắc nghiệm để có thể nhanh chóng mã hoá và chấm bài. Nó cũng không nhòm ngó gì đến các dự án học tập, các đề kiểm tra mở, đánh giá của giáo viên, đánh giá chéo giữa các học sinh và các phương pháp định tính.

Đây cũng là một phần lý do khiến học sinh dành rất nhiều thời gian dán chặt ở bàn học, làm việc một mình, mài dũa kỹ năng “giải đề sao cho đúng và nhanh nhất có thể”.

Giết Chết Động Lực Học

Nếu phong trào chuẩn hóa đang hoạt động tốt như kỳ vọng, thì sẽ chẳng có điều gì để nói. Nhưng ngặt nỗi, nó đang không làm được điều đó. Dù đã ngốn hàng tỷ đô, nhưng phong trào chuẩn hoá này cùng lắm là chỉ phần nào thành công.

Năm 2012, Paul R.Lehman, cựu giám đốc Hiệp hội Giáo dục Thanh nhạc Quốc gia chia sẻ: “Năm 2012, 17% học sinh tốt nghiệp phổ thông tại Mỹ không có khả năng đọc và viết trôi chảy và có vấn đề căn bản với chính tả, ngữ pháp và dấu câu. Hơn 50% người trưởng thành đạt dưới mức trung bình về đọc hiểu".

Vào tháng 3 năm 2013, Arne Duncan, Thư ký Giáo dục Mỹ, đã lưu ý với Quốc hội về tình trạng 80% các trường học cả nước sẽ có khả năng cao nằm dưới tiêu chuẩn đề ra trong chính sách giáo dục quốc gia năm 2014.

Bên cạnh việc không đạt được những mục tiêu đề ra, phong trào chuẩn hoá còn đang gây ra hệ quả nghiệm trọng tới mức độ gắn kết của học sinh và tinh thần của giáo viên.

Năm 1970, Mỹ sở hữu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông cao nhất thế giới, nhưng hiện tại lại nó đang ở trong nhóm cuối bảng. Nhìn chung, mỗi ngày có khoảng 7.000 học sinh trung học phổ thông bỏ học, tương đương với xấp xỉ 1,5 triệu học sinh một năm. Số liệu ở nhiều quốc gia khác cũng u ám không kém, dẫn tới nhiều hệ quả kinh tế xã hội nặng nề.

Năm 2013, ông Daniel Domenech, Giám đốc Hiệp hội quản lý trường học đã chia sẻ, “Đã 12 năm, cuộc cách mạng chuẩn hoá đã quét khắp cả nước Mỹ, kéo theo hàng loạt các phương án cải cách giáo dục mà phần lớn là đến từ những người không phải là nhà giáo dục. Vậy mà tới giờ, số lượng học sinh nghỉ học rất cao.

Trong khi đó, tỷ lệ giáo viên bỏ nghề tăng vọt một cách báo động. Tại Mỹ, mỗi năm đều có hơn 1/4 triệu giáo viên bỏ nghề. Ước tính có hơn 40% giáo viên mới sẽ từ bỏ công việc này trong vòng 5 năm đầu tiên”.

Mặc dù con số học sinh bỏ học đã đủ lo ngại, nhưng đó là còn chưa tính đến hàng triệu học sinh dù còn đi học nhưng cảm thấy chán nản và ngày càng “lạnh trơ” với việc học. Một nghiên cứu vùng Bắc Mỹ chỉ ra con số này đang ở mức 63% ở trường cấp ba. Những học sinh này chỉ là đang miễn cưỡng cố gắng tiếp tục học, nhưng không cảm thấy hứng thú với những gì chúng được dạy. Chúng chỉ là chờ đợi chuông báo hết ngày, tốt nghiệp và bước vào cuộc đời.

Học sinh và giáo viên đang phải đánh đổi những gì để có thể leo hạng trên bảng vàng PISA? Hãy nhìn thử Hàn Quốc, quốc gia luôn đứng trong Top 5. Hàn Quốc chi khoảng 8.200 đô cho mỗi học sinh. Thêm vào đó, cha mẹ Hàn Quốc sẵn sàng đổ hàng ngàn đô cho những những buổi học thêm ngoài giờ. Nhưng đó chưa phải cái giá đắt nhất họ phải trả: Hàn Quốc hiện giờ có tỷ lệ tự sát cao nhất trong các quốc gia công nghiệp thuộc OECD.

Trong vòng 45 năm vừa qua, tỷ lệ tự sát đã tăng thêm 60% trên toàn thế giới. Tự sát đã trở thành một trong ba nguyên nhân chính dẫn tới tử vong của nhóm 15-44 tuổi. Số liệu này còn chưa tính tới số những người tự sát bất thành; con số này có thể gấp 20 lần số người tự sát.

Ở đâu cũng có bằng chứng chỉ ra sự thất bại của phong trào chuẩn hoá và số vấn đề mà phong trào này gây ra còn nhiều hơn là số vấn đề nó đang cố giải quyết. Giờ đây, một số quốc gia đứng đầu trong bảng đánh giá hạn hẹp của PISA đang dần quay đầu và chuyển hướng giảng dạy để nuôi dưỡng cho học sinh những kỹ năng và thái độ mà chính phong trào chuẩn hoá đang bóp nghẹt một cách hệ thống. Nhu cầu thay đổi đang rất cấp thiết.

Mặc dù đứng đầu bảng xếp hạng của PISA, nhưng Thượng Hải lại không mấy tự hào về kết quả đó như cách những người khác nhìn vào nó. Ông Yi Houqin, một cán bộ cấp cao tại Ủy ban Giáo dục Thượng Hải, nói rằng hệ thống này đang chăm chăm luyện học sinh “học gạo” để làm tốt những dạng bài đó. Nhưng điều đó không quan trọng. Ủy ban này đang xem xét việc bỏ qua kỳ thi PISA.

“Thượng Hải không cần những ngôi trường hạng nhất. Điều chúng tôi cần là những ngôi trường theo đuổi những nguyên tắc giáo dục hợp lý, tôn trọng sự phát triển về cả thể chất và tâm lý của học sinh, giúp chúng có nền tảng vững chắc cho sự phát triển trọn đời”.

HỤT HƠI VỚI THẾ GIỚI

Phong trào chuẩn hoá này cũng không giải quyết được những vấn đề kinh tế mà chúng ta đang đối diện. Một trong những mục tiêu cốt yếu, theo tuyên ngôn của phong trào, là giúp người trẻ chuẩn bị cho thế giới việc làm. Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ đang ở mức cao kỷ lục. Có khoảng 600 triệu người trên hành tinh này đang ở độ tuổi 15 tới 24; có khoảng 73 triệu người đang ở trong tình trạng thất nghiệp kéo dài.

Tình cảnh thất nghiệp này thậm chí còn để lại hậu quả cho những người trẻ đã làm tất cả những gì hệ thống giáo dục yêu cầu và tốt nghiệp đại học. Từ 1950 tới 1980, tấm bằng đại học gần như là một tấm vé thông hành cho một công việc tốt. Chỉ cần bạn có bằng, các nhà tuyển dụng sẽ xếp hàng dài để phỏng vấn bạn. Nhưng giờ đã khác xưa.

Vấn đề cốt lõi không phải nằm ở chất lượng của bằng cấp, mà là số lượng. Các chứng chỉ học thuật cũng như một dạng tiền tệ, và như mọi loại tiền, giá trị của chúng sẽ biến thiên theo thị trường. Một tấm bằng đại học đã từng rất giá trị vì ít người có nó, nhưng nó sẽ mất giá trong một thế giới tràn ngập cử nhân.

Cuộc suy thoái năm 2008 đã khiến nhiều cử nhân đại học chật vật kiếm được công việc tận dụng được tấm bằng của mình. Rất nhiều tân cử nhân phải chấp nhận làm những công việc lương thấp hoặc làm bán thời gian để trang trải cuộc sống.

Ở nhiều nơi trên thế giới, viễn cảnh của cử nhân đại học cũng ngày càng xám xịt. Năm 1999, Trung Quốc bắt đầu mở rộng hàng loạt trường đại học và cao đẳng. Kế từ đó, tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng trầm trọng. Năm 1999, có khoảng 840.000 sinh viên trên cả nước, con số tốt nghiệp của năm 2013 lên tới 7 triệu người. Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phải buồn bã chứng kiến “dù cho 80% số sinh viên có thể kiếm được việc làm đầu tiên trong đời, thì số lượng thất nghiệp vẫn rất lớn”.

Với một số ngành nghề, việc sở hữu tấm bằng vẫn quan trọng. Một cử nhân vẫn có thể kiếm được nhiều tiền hơn trong đời đi làm so với những người không có bằng đại học. Nhưng việc có một tấm bằng đại học không còn bảo đảm một công việc ở bất kỳ lĩnh vực nào, và đôi khi nó còn là một tấm bằng đắt đỏ nhưng lại trật đường ray.

Rất nhiều sinh viên không có mục đích rõ ràng khi bước vào đại học, và cũng một số lượng lớn đứt gánh giữa đường. Một bộ phận khác tốt nghiệp nhưng không biết mình cần làm gì tiếp. Nhiều người thì nợ chồng chất.

Khoảng cách kỹ năng giữa những gì trường học đang dạy và những thứ mà nền kinh tế thật sự cần đang ngày càng phình ra. Điều đáng buồn là có rất nhiều quốc gia đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, nhưng quá nhiều người lao động lại không có đủ kỹ năng cần thiết, bất chấp số tiền khủng đầu tư vào giáo dục.

Mặc dù “biểu ngữ” của phong trào chuẩn hóa thường là nâng cao khả năng tuyển dụng, nhưng trọng tâm lại chỉ nhắm vào tăng cường các tiêu chuẩn học thuật, chứ không thực sự ưu ái những khóa học trực tiếp chuẩn bị người học cho thế giới việc làm.

Cộng đồng chúng ta dựa trên sự đa dạng về tài năng, vai trò và nghề nghiệp. Công việc của những thợ sửa điện, thợ xây dựng, thợ sửa đường ống, đầu bếp, nhân viên y tế, thợ mộc, công nhân cơ khí, kỹ sư, bảo vệ và rất nhiều ngành nghề khác (dù họ có cần bằng đại học hay không) đều cực kỳ quan trọng với chất lượng cuộc sống của mỗi người chúng ta. Rất nhiều người trong các ngành nghề này đều hứng thú và cảm thấy trọn vẹn, đong đầy với công việc của bản thân.

Thế nhưng, chính việc đặt nặng tính học thuật trong trường học đã bỏ lơ những ngành nghề này và dán nhãn cho chúng là những công việc thứ cấp, chỉ dành cho những đứa trẻ không đáp ứng được chuẩn học thuật.

Câu chuyện tiếp tục khi những đứa trẻ thông minh kia đi học đại học. Những đứa còn lại sẽ thường bỏ học và tìm việc làm, hoặc theo học một khoá dạy nghề buôn bán. Dù là hướng nào, chúng cũng bị người khác đánh giá là đã bước xuống nấc thang “danh vọng” trong giáo dục.

Sự phân chia “giai cấp” giữa học nghề và giáo dục hàn lâm chính một trong những vấn đề nguy hiểm, “bào mòn” nhất trong giáo dục.

Năm 1982, Wayne Gretzky là cầu thủ khúc côn cầu hàng đầu thế giới. Ông ta chia sẻ rằng mình chỉ có một bí quyết đơn giản. Trong khi những người chơi khác chạy đua đến chỗ quả bóng hockey thì ông ấy sẽ đến chỗ quả bóng đang hướng tới.

Tương tự vậy, trong cuộc đua chuẩn hoá này, rất nhiều quốc gia đang cố gắng chạy theo quả bóng (một cách không rõ ràng vì sao phải chạy theo quả bóng đó), thay vì là hướng đến chỗ nó sẽ tới – bản chất và đích đến thật sự của giáo dục.

Và đó là lý do vì sao dẫu có bao nhiêu tiền đổ dồn vào các kỳ thi chuẩn hóa, nhưng chất lượng giáo dục ở nhiều nơi không được cải thiện, hoặc nếu có thì đang được “cải thiện” theo một hướng rất khác xa với những gì thế giới đang cần từ những tú tài, cử nhân bước vào đời.

Tệ hại hơn, những hình thức giáo dục mà phong trào chuẩn hoá đang ủng hộ lại làm “bầu không khí” học tập ở các trường lớp tệ hơn. Bản chất của nền giáo dục chuẩn hoá này không khơi gợi cảm hứng hay truyền động lực tới những người học vốn đã, đang và vẫn sẽ mắc kẹt trong những lớp học “bền vững” rút kiệt động lực và nhiệt huyết, trí tò mò và sáng tạo tự nhiên của những khối óc trẻ.

Có đứa trẻ nào suốt ngày “được” luyện thi, gò vào những kiểu bài, mẫu đề, mẹo giải mà thực sự thích chuyện học như vậy đâu? Chỉ là chúng ta đang tự “mị dân” bản thân là những điều đó cần cho chúng nó thành công, trong khi cái thước đo thành công là gì thì chính chúng ta – trường lớp, thầy cô, bố mẹ - còn chưa biết hoặc không rõ đang thay đổi thế nào.

Còn hạnh phúc và niềm vui mỗi ngày của chúng thì sao?

[Lược dịch và biên tập từ “Trường Học Sáng Tạo” – Sir Ken Robinson]


Jun 29, 2023

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL