Dạy Cho Trẻ Đi Tìm Sự Xuất Sắc Đích Thực

Người lớn suy nghĩ gì và đưa đẩy đứa trẻ chạy theo điều gì, thì thông thường đứa trẻ cũng lớn lên trong suy nghĩ rằng: đó chính là thước đo mà bố mẹ, thầy cô, người lớn và xã hội dùng để đánh giá nó và mọi điều nó làm. Thậm chí, một đứa trẻ có thể nghĩ rằng đó là tất cả mục đích của việc học và sống ở đời.

Chính vì vậy, dùng thước đo gì để nói chuyện với lũ trẻ con là một điều mà chúng ta cần cân nhắc kỹ, chứ không phải là cứ bước ra ngoài đường và vô thức gôm về một đống thước đo, để rồi tất tần tật áp lên người chúng nó, mà không hiểu vì sao phải như thế và bản thân mỗi thước đo đó là hợp hay không hợp, có lợi có hại gì, và liệu còn thước đo nào khác hay không.

Mình thì không rõ là mỗi đứa trẻ đã, đang và bị áp lên người bao nhiêu thước đo, nhưng mình nhìn rất rõ một điều trong gần 15 năm đi dạy khắp nơi, đó là:

Chúng nó sợ nhiều thứ lắm. Và phần lớn thước đo – khi bị áp quá đà, quá nhiều và quá lâu – lại đang từ từ giết mất động lực học tập tự nhiên, sự tò mò và cả sáng tạo của lũ trẻ.

Và cũng từ từ “bóp méo” cái nhìn của lũ trẻ về sự xuất sắc đích thực là gì.

Đêm Đen Rồi Cũng Rạng Đông

[…] Gần ba năm trời qua, nó đi từ cảm giác rụt rè, xấu hổ đến tránh né, rồi cặm cụi bắn tỉa “dêm den” với chính mình trong gương mỗi đêm để trị cái âm đ mà nó bị nói ngọng trong mấy năm trời.

Để mãi tận tối hôm đó, sau gần 365x3 ngày luyện công bất thành, thì “dêm den” đã bất ngờ chuyển mình hóa thành “đêm đen”, giống như chuẩn bị khởi đầu cho một ngày mới.

Đêm đen mãi rồi cũng tới lúc rạng đông.

Chuyện ở đời là vậy, việc học cũng chẳng ngoại lệ. Tất cả là do mình làm gì trong lúc đêm đen: chống cằm đợi trời sáng hay học cách đánh lửa, chong đèn và âm thầm tìm cách giữ mãi ánh sáng ấy, dẫu có le lói hay chập chờn tới đâu.

Rất nhiều năm sau, nó mới hiểu những món quà vô giá mà ba má đã rộng rãi trao tặng nó: sự bao dung chấp nhận cái lỗi tạm thời đâu đó trong con người nó, cho nó không gian và thời gian để vượt qua nỗi xấu hổ, tự ti để dũng cảm đương đầu với chướng ngại của chính mình, luôn nhẫn nại đợi nó phía bến bờ của thành công.

Và đến khi bén duyên với nghề gõ đầu trẻ, nó hiểu người thầy cần trao cho tụi nhỏ những gì khi chúng chưa làm được một điều gì đó: không phải những cái liếc háy, tằng hắng sắc lạnh, không phải tiếng quát nạt, càng không phải đòn roi, mà chính là sự bao dung và nhẫn nại.

Học Là Chính Mình

Hãy kết nối với tụi nhỏ, trao cho chúng niềm tim rằng ta đang đứng trên cùng thuyền với chúng, và chúng được quyền thoải mái bộc lộ những điều chúng nghĩ là xấu hổ, là chưa hoàn thiện, là “dêm den”.

Hãy kiềm chế sự kỳ vọng của bản thân và cứ chấp nhận mỗi đứa trẻ như chấp nhận rằng không có cá thể nào thật sự hoàn hảo. Hãy kiên nhẫn chờ tụi nhỏ cựa mình vươn đến sự hoàn thiện.

Hãy nắm chặt tay tụi nhỏ trên hành trình gian khó vượt lên chính mình ấy, và từ từ buông tay khi ta tin rằng, chúng đã có thể tự mình bước đi.

Hãy giữ vững niềm tin rằng đến lúc nào đó, tụi nhỏ sẽ làm được, sẽ đi từ xấu hổ đến tự tin, rồi đi từ tự tin đến tự hào về bản thân. Chắc chắn, sẽ có lúc, chiếc máy bay do tụi nhỏ cầm lái, sau bao thời gian chờ rồi chậm rãi hướng ra đường bay, cũng sẽ cất cánh chiếm lĩnh bầu trời.

Lâu nay đi dạy, mình tâm niệm, có thể những đứa trẻ này đang không theo đuổi bất kỳ sự xuất sắc nào vang dội hay nổi tiếng như nhiều người đang quan niệm, thèm khát và vật vã chạy theo (mà đôi khi chính họ cũng không biết vì sao phải chạy theo chúng).

Những đứa trẻ này không học để phục vụ cho những mục tiêu ngắn hạn của hôm nay, mà là cho những mục tiêu dài hạn của ngày mai. Chúng học không phải cho ai khác, không phải cho bất cứ công cụ nào do người lớn đẻ ra để làm thương mại hay vỗ về cái tôi của họ.

Chúng đang học là học cho chính mình.

Trước Giờ G

Cậu học trò đầu tiên mà mình dạy kèm 1-1 từ lúc mới trở về cũng có tư duy học vì mình như thế. Cậu bé ấy không phải là học sinh trường chuyên, điểm trung bình môn tiếng Anh thuộc loại khá.

Em thi bài thi SAT 3-4 lần, miệt mài đèn sách hai năm trời mới ngoi từ 1.400 lên được 1.800. Nhận được điểm số này, chắc nhiều học sinh khác sẽ hụt hẫng, lắm phụ huynh sẽ rầu rĩ và đôi khi quay ra giận hoặc trách con, bạn bè không tốt nhìn vào sẽ hơi khinh khỉnh, vì thời đó lắm người mơ và ca tụng con số SAT 2.200- 2.300.

Còn cậu bé ấy, khi nhận được điểm số 1.800 đã thốt lên:

“Như vậy là quá đẹp rồi!”.

“Đẹp” vì cậu học trò ấy đã có một bài học đầu đời vô cùng quý giá: cố gắng là vì sự tiến bộ của chính mình, cố gắng là cho chính mình chứ không phải để so kè với các “siêu sao”.

Khi được nhận vào nhiều trường đại học kha khá ở Mỹ, chứ cũng không phải là trường top, cậu ấy lại càng vui hơn vì tất cả công sức bỏ ra trong mấy năm cấp 3 vất vã nay đã hứng được quả ngọt.

Và người thầy của cậu học trò không phải hàng “sao” ấy, cũng cảm thấy kết quả đó quá đẹp. Nhìn trò hạnh phúc, hào hứng chuẩn bị cất cánh sang xứ người, lòng mình nhẹ nhàng, thênh thang.

Trong hình dáng của cậu học trò ấy, cũng như của bao nhiêu lớp học “rất dở” mà mình đã dạy, mình nhìn thấy hình dáng của bản thân trong những “dêm den” trước gương, cần mẫn làm tất cả chỉ để mình của ngày hôm nay tốt hơn bản thân của ngày hôm qua, bớt ngại ngần hơn một chút, phát âm rõ hơn một chút, kiên trì thêm một chút.

Khi những cái “một chút” đó góp lại với nhau sẽ tạo ra... sự xuất sắc đích thực.

Sự xuất sắc đích thực không nằm ở lúc người diễn viên bước lên sân khấu hay khi máy bay cất cánh, cũng chẳng phải ở chỗ lên sân khấu diễn ra sao và ở đường băng cất cánh như thế nào.

Sự xuất sắc đích thực nằm ngay ở chính những gì mà mỗi đứa trẻ tích lũy mỗi ngày, ở tất cả những điều diễn ra... trước giờ G.

Sự Xuất Sắc Đích Thực

Người ta cứ tung hô, đổ tiền quảng cáo để bao bố mẹ cứ thế dắt con chạy theo những “chuẩn mực điểm số”. Không ít người cứ ngỡ mình đang đưa con tiến phăng phăng trên đại lộ thênh thang, vững chãi, đẹp đẽ, nhưng có ngờ đâu đôi khi họ lại đang dắt con chạy quàng xiên trong hỏa mù.

Và cũng rất nhiều người đang chăm chăm nhắm mục tiêu làm sao cho con nói Tiếng Anh thật chuẩn và coi đó là thước đo số 1 của sự xuất sắc mà quên mất, cái nói cho chuẩn đó đôi khi chỉ là vỏ ngoài. Sự xuất sắc đích thực không thể có phần vỏ đẹp hơn phần ruột.

Ở ngoài kia, người ta không đánh giá một người giỏi bằng cái nói chuẩn như người bản xứ mà bằng nhiều thước đo khác nữa: năng lực tư duy, sức sáng tạo, khả năng vượt khó, năng lực tự học,...

Cái chuẩn của họ cũng muôn hình vạn trạng lắm, chứ không khư khư bó hẹp là nói tiếng Anh như người bản xứ, hoặc làm đúng ngữ pháp vèo vèo, hoặc chỉ dừng ở một vài điểm số.

Ngày xưa, nó ngọng âm “đ” cả mấy năm trời và chắc là té trượt xa lắc lơ cái chuẩn phát âm tiếng mẹ đẻ. Ngày trước và ngay cả bây giờ, nó cũng không dám tự nhận trình độ nói tiếng Anh của nó chuẩn như người bản xứ.

Nhìn lại những ngày xưa miệt mài “đêm đêm đối gương” hết luyện nói “dêm den” đến rèn phát âm tiếng Anh, nó hiểu rằng, thành tựu lớn nhất nó đạt được trong những ngày ấy không chỉ đơn giản là phát âm đúng “đêm đen” hay nói tiếng Anh được na ná người bản xứ, mà là điều quý hơn bất kỳ một chuẩn mực nào.

Là thái độ có trách nhiệm với việc học của bản thân.

Để từ ý thức trách nhiệm ấy, nó đi đến hành động, hành động và hành động mà chẳng cần ai thúc ép hay nhắc nhở, làm việc bền bỉ, không mệt mỏi với những gì nó chưa được tốt, với cả những điều nhỏ nhất và tự răn mình không bao giờ được phép từ bỏ.

Có nhiều thứ nó không tốt, có thứ chưa tốt và nhiều khi cả hai là một. Sự khác biệt giữa “không” và “chưa” vốn chỉ nằm ở thái độ và cách nhìn.

Nếu tư duy tin là “không” thì mãi mãi nó sẽ là như thế, cố định và cùn mòn như miếng gỗ tốt dần bị mục rữa vì khư khư nằm im mãi trong mưa. Còn nếu tư duy tin là “chưa” thì cũng như một hạt mầm, cố gắng mỗi ngày để phá nứt gỗ và phát triển lên cây.

Chỉ cần tin là có thể thay đổi từ “không” thành “chưa”, và làm với hết sức mình, thì đó chính là sự xuất sắc đích thực.

Nguồn tham khảo: thầy Hiếu

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10101618155775021&set=a.782855694121


Oct 02, 2023

3 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email