Để Con Trẻ Thực Sự "Bước Ra Thế Giới"
Cải cách, đột phá, cách mạng giáo dục luôn là một trong những mối ưu tiên hàng đầu của các quốc gia. Nhiều mô hình và phần mềm giáo dục EdTech được ào ào sản xuất với hy vọng đem lại những giá trị ưu việt cho học trò.
Thế nhưng, theo thời gian, hầu hết thay đổi đều quàng thêm gánh nặng lên vai học trò với những bài kiểm tra ăn sẵn và những thước đo chật chội, cứng nhắc và có phần lệch pha với năng lực mà chúng ta khao khát ươm mầm cho trẻ.
Vậy nên, ở nhiều môi trường và gia đình, số tiền đổ vào giáo dục không phải là ít, thế nhưng những đứa trẻ được đầu tư quá nhiều ấy vẫn bước ra thế giới với tư duy “luyện thi, điểm số” đậm đặc và bám sâu đến mức chúng không hề hay biết khoảng cách từ “luyện thi, điểm số” đến “thực học” là… không hề nhỏ.
Và vì vậy, dù là học sinh giỏi, xuất sắc trong những hệ thống “xuất sắc” và những điểm số long lanh, chưa chắc chúng đã đủ để bản lĩnh ra thế giới và tự tin sải cánh.
Mọi nỗ lực để đạt được điểm này, giải kia đều đáng ghi nhận và khích lệ – vì để đạt được những thành tích đó thì đúng là cần nỗ lực – nhưng chúng ta cũng cần đủ tỉnh táo và khách quan để tránh ôm khư khư cái tư duy chắc như đinh đóng cột rằng: Như thế là đủ để được xem là xuất sắc và tài năng.
Tư Duy "Luyện Thi, Điểm Số"
Mục tiêu tối thượng của không ít công ty luyện thi là “giam chân” học sinh càng lâu càng tốt trong những khóa học nhiều cấp độ, nhiều đề thi và cách làm bài rập khuôn. Để rồi phần lớn thời gian đang được nướng cháy trong những lò luyện thi.
Thời gian đó lẽ ra có thể dành cho tụi trẻ tìm tòi, khám phá và chiêm nghiệm về bản thân trước khi chúng bước vào đại học – một bầu trời tự do nhiều cơ hội và cám dỗ, đòi hỏi sinh viên cần có sự trưởng thành trong nhận thức, suy nghĩ và hành động.
Thêm vào đó, những loại đồ chơi và phần mềm giáo dục giờ đây đã vượt mặt đồ chơi truyền thống về độ phủ và sức ảnh hưởng. Nhiều trẻ mầm non giờ đây “đốt” hơn 4 tiếng mỗi ngày trên các màn hình, còn trẻ em 8 tuổi “đóng đô” trước màn hình nhấp nháy khoảng 8 tiếng.
Điều đáng nói là phần lớn những sản phẩm đồ chơi và công nghệ giáo dục đó không xuất phát từ các nghiên cứu khoa học về việc học, về cách não bộ của học sinh phát triển, về giáo dục toàn diện cho học sinh.
Chúng được thiết kế bằng cách góp nhặt nhanh vội kiến thức và kỹ năng, cộng với nghiên cứu đặc điểm và tính năng để người dùng dính mắt lâu nhất vào màn hình, càng dùng càng nghiện. Đa phần cũng chỉ để luyện cho học sinh những thao tác tư duy bậc thấp, theo đúng hình thức mà lũ trẻ sẽ được kiểm tra ở trường lớp.
Linda Darling-Hammond, giáo sư Khoa Giáo dục của Đại học Stanford, đã phát biểu như sau trong một buổi diễu hành mang tên Giải cứu con trẻ:
“Vì sao chúng ta ở đây? Chúng ta ở đây bởi vì chúng ta muốn chuẩn bị cho con trẻ bước vào thế giới của thế kỷ 21, chứ không phải là một chuỗi dài bất tận những bài kiểm tra trắc nghiệm. Bản chất của những bài thi này đang kéo chúng ta đi rất xa với sứ mệnh giáo dục lũ trẻ”.
Cây bút kỳ cựu David Kohn của tờ báo The New York Times đã viết:
“Kiểu giáo dục đó [luyện thi] sẽ thất bại, không đào tạo ra những con người có thể khám phá và sáng tạo, chỉ cho ra lò những người tiêu thụ kiến thức bị động, những người lẽo đẽo theo sau chứ không phải là người sáng tạo. Chúng ta muốn gởi vào thế kỷ 21 những công dân loại gì?”.
Cái "Khôn" Của Người Lớn
Giống như cách một chuỗi thức ăn nhanh nhồi cho cơ thể chúng ta những calorie trống rỗng kém chất, ngành công nghiệp dạy – học giờ đây, dù vô tình hay có chủ đích, đã gieo mầm một số niềm tin “mù quáng”.
Không ít người tin rằng việc ghi nhớ kiến thức, mẫu câu, cách làm bài, giải đề,... chính là những gì học trò cần để thành công trong trường học và trường đời cũng như có một cuộc sống hạnh phúc.
Đó là một nhận định khá méo mó, nếu không muốn nói là độc hại một khi bị lạm dụng quá đà. Nó như một kẻ trộm âm thầm núp trong bóng tối, chực chờ đánh cắp những điều tốt đẹp lẽ ra đã có thể sinh sôi nảy nở trong con người đứa trẻ.
Rất nhiều bố mẹ và thầy cô, một cách vô thức, đang phẫu thuật tuổi thơ của lũ trẻ bằng cách tối ưu hóa mọi khoảnh khắc lũ trẻ mở mắt, để bắt chúng học theo đúng một kiểu rập khuôn, luyện gà.
Nhiều người đổ xô lên mạng, mong mỏi tìm kiếm một công thức chế biến điểm số và thành tích nhanh chóng từ một bố mẹ thành công hay tổ chức tư vấn nào đó. Họ mong lót sẵn thật kỹ con đường dẫn dắt tụi trẻ đến đại học đình đám với những suất học bổng hậu hĩnh.
Thế nhưng, thành công và hạnh phúc trong tương lai thường ít khi đến từ việc một đứa trẻ thuộc nằm lòng cả rừng đề cương ôn tập, những phần mềm được cho là ưu việt, hoặc những mẫu đề cách giải mà ngành công nghiệp luyện thi đang gò và ốp tụi nhỏ mỗi ngày.
Phần lớn những bài thi chuẩn hóa chỉ kiểm tra được những kỹ năng dễ dàng cân đo đong đếm. Chúng được thiết kế dưới một hình thức làm sao để hạn chế sự sáng tạo, để chấm bài nhanh và ít sai sót nhất. Điều này dẫn đến kiểu tư duy giáo dục và kiểu dạy học “đổ đầy con thuyền” đã tràn lan, ăn quá sâu vào đầu óc của những người dạy trẻ.
Mọi tập trung dường như đổ dồn vào việc khoanh tròn các ô trắc nghiệm, dễ dẫn đến kiểu đánh bừa hoặc tư duy manh mún là cứ đánh hết câu A cả bài thì thể nào cũng trên điểm liệt.
Thậm chí, có lò luyện thi còn dạy học sinh những cái mưu mẹo kiểu như: câu trả lời nào dài nhất thường là câu đúng, câu có mấy từ dạng này thì thường là câu sai, hoặc đưa luận mẫu cho học sinh học thuộc mà viết,… mà chẳng có một cái lập luận gì gọi là khoa học hay mang tính giáo dục cả.
Những điều này không hề khuyến khích học sinh lập luận sâu, tư duy sáng tạo, đa chiều hoặc những kỹ năng mềm cần có để chinh phục thách thức của thế kỷ 21.
Khảo sát trên các nhà tuyển dụng của Viện Nghiên cứu Gia đình và Công việc Hoa Kỳ đã cho thấy chỉ một phần nhỏ, khoảng 20-25% sinh viên hiện tại, được cho là đủ kỹ năng cần thiết cho tương lai.
Một Cách Nghĩ Mới
Diễn đàn Sáng kiến giáo dục thế giới (Global Initiative on Education) của Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng:
“Thế giới chúng ta, dù ở đâu, đều đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu và đòi hỏi những giải pháp toàn cầu. Những thử thách này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi trong tư duy và cách làm giáo dục. Sẽ không đủ nếu giáo dục đào tạo ra những cá thể chỉ biết đọc, viết và làm toán. Giáo dục cần phải chuyển hóa và đưa những giá trị chung đến với cuộc sống, và cần dạy học trò trả lời những câu hỏi lớn của hôm nay”.
Để trả lời những câu hỏi ấy, đòi hỏi chúng ta dẫn dắt học sinh tiếp cận với kiến thức theo một kiểu rất khác với cách chúng ta được dạy bảo ngày xưa. Điều này càng cấp bách trong thời buổi mà như Eric Schmidt, nhà sáng lập của Google, đã ước tính: Cứ hai ngày, chúng ta lại tạo ra lượng thông tin tương đương với toàn bộ tri thức từ bình minh của nhân loại cho đến năm 2003.
Giáo sư Howard Gardner, cha đẻ của học thuyết Đa Trí Thông Minh, cũng đã nói chúng ta đang sống trong thời kỳ bị thả bom liên tục bởi thông tin, dữ liệu. Chúng ta phải học cách “thuần hóa” và làm chủ thông tin. Khả năng xử lý thông tin nhanh và có chiến thuật mới có thể tạo ra nền tảng tốt cho tư duy phản biện và sáng tạo.
Điều này khó đạt được với kiểu học và cách dạy, kiểm tra mà phần lớn trường học vẫn đang khư khư ôm ấp, xem đó là tôn chỉ sinh tồn và vận hành.
Thời buổi toàn cầu còn tạo ra những cơ hội làm việc, cạnh tranh, hợp tác và tương tác đa văn hóa, đa chủng tộc. Vì lẽ đó, năng lực toàn cầu (global competence) trở thành một chìa khóa thiết yếu.
Bánh xe thời cuộc đòi hỏi một sự chuyển mình mạnh mẽ, quyết liệt để chúng ta gởi ra thế giới những lứa học trò có thể nắm bắt dòng chảy và bơi tốt giữa biển lớn, chứ không thể bó hẹp trong tư duy ao làng, loanh quanh chỉ có điểm số và luyện thi.
Cái gì, dù có tốt đến đâu đi nữa, thì cũng cần cân bằng. Luyện thi và điểm số dù có tốt thì cũng nên được “tém” và cân bằng trong một chừng mực nào đó thôi.
Chứ không phải từ lớp 1 đến lớp 12, từ trường chính khóa đến lớp học thêm, từ sáng đến tối, từ trong tuần đến cuối tuần, từ trong năm học đến nghỉ lễ thì chẳng có mục tiêu nào khác ngoài điểm số và chẳng có cách học nào khác ngoài luyện.
Thế nhưng, khá nhiều người làm giáo dục, như “thiên hướng” lâu nay, thường ngại đổi thay. Người dạy ngại thay đổi, bố mẹ ngạy thay đổi và nhà trường ngại thay đổi.
Có thể khá nhiều người cũng nhận ra những hạn chế đã nói ở trên và cũng muốn thay đổi, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu khi mà cả hệ thống, guồng chạy đang như những toa xe lửa rầm rập lao đi.
Mình lao theo thì mệt mỏi cả người lớn lẫn trẻ con, mà mình buông tay thì lại bất an lo ngại: Làm sao con mình có thể theo kịp bạn bè. Điều này dễ hiểu và dễ thông cảm, vì không phải dễ mà tách bản thân và con trẻ ra được khỏi guồng máy ấy.
Vậy nên, ai làm được gì thì làm trong vị trí mình đang đứng, thay đổi một chút mà tích cực còn hơn là không thay đổi gì. Còn với tất cả, mình xin gởi tặng vài câu trong cuốn sách How to Raise Joyful Kids in a Stressful World (tạm dịch: Dạy con trong một thế giới đầy stress) của nhà điều trị tâm lý Katie Hurley.
Để giúp con tìm được đam mê, cha mẹ cần phải:
- Tìm hiểu những sở thích của con;
- Suy nghĩ vượt ra khỏi những khuôn khổ trào lưu thịnh hành;
- Nuôi dưỡng tinh thần lạc quan và tích cực;
- Phớt lờ những đánh giá “ất ơ” của người đời.
Liệu có bao nhiêu người đủ kiên nhẫn để làm được những điều đơn giản ấy nhỉ? Những điều đó có khó làm đâu. Nếu có khó thì chắc tại do lòng người chưa đủ bền thôi, có phải không?
Nguồn tham khảo: thầy Hiếu
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10101618625987711&set=t.37007161
Jul 23, 2023