Đi Tìm Phong Cách Làm Cha Mẹ, Hãy "Giải Phóng" Cho Bản Thân

Nuôi dạy con cái không chỉ là một môn khoa học, và nếu nó là một hình thức nghệ thuật, thì nó rất chi là góc cạnh. Mối quan hệ mẹ và con gái, cha và con trai, con gái với cha, và mẹ với con trai đều khác nhau, và “kịch bản” có thể căng thẳng bất cứ lúc nào. Bạn cần đối xử công bằng với con cái nhưng không được cùng một cách. Bạn cần tùy chỉnh mối quan hệ với từng đứa trẻ.

Chúng sẽ đối ứng với bạn theo đúng bản chất của chúng và cách chúng “định vị” bản thân trong gia đình: con cả, con út, hoặc đâu đó ở giữa. Phương pháp như nhau vẫn cho ra kết quả rất khác nhau, tùy thuộc vào đứa trẻ. Đứa này thì sung sướng hỉ hả, với đứa kia lại thành phim đầy kịch tính.

Trước khi bước vào “cuộc chơi trọn đời” này, để tránh nhiều tổn thương cho cả bố mẹ và con trẻ, có lẽ điều trước tiên là mỗi người lớn cần “giải phóng” tư tưởng của bản thân về cái “nghề” này.

Giải Phóng Cho Chính Mình Trước:

Hãy tạm “quên” những đứa trẻ trong giây lát. Bạn cũng có cuộc sống của mình. Là cha mẹ, bạn phải đối mặt với áp lực từ mọi hướng. Bạn có thể tung hứng cuộc sống công việc, cuộc sống làm cha mẹ, cuộc sống hôn nhân và đời sống xã hội.

Và rồi, tất nhiên, hầu hết chúng ta vẫn đang cùng nhau làm cha mẹ với một “bạn đời”. Cách bạn và “cộng sự” của bạn kết nối với con cái ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ giữa hai người.

Có lẽ bạn cũng đang chứng kiến những gì xảy ra trong cuộc sống của các bậc cha mẹ khác thông qua mạng xã hội và tự hỏi liệu bạn có theo kịp họ không. Nếu vậy, có thể là bạn đang gồng gánh một phiên bản “nâng cấp” của áp lực bạn bè (peer pressure) mà chính bạn đang cố gắng giúp con thoát khỏi.

Một blogger có tên Foggy Mummy đã trực diện giải quyết vấn đề áp lực bạn bè “phiên bản phụ huynh”:

"Tôi đổ lỗi cho Pinterest rất nhiều trong chuyện này. Việc nhìn thấy tất cả các ý tưởng dễ thương và 'độc đắc' cho mọi thứ, từ trang trí tiệc sinh nhật đến món tráng miệng, cho đến việc bày biện những búp bê trên giá sách, dẫn đến cảm giác bạn phải thực hiện chúng; và nếu bạn không làm tức là bạn không thông minh, sát sao, khéo tay như các bà mẹ đó. Tôi thừa nhận là tôi thích ngó nghiêng những thứ này.

Nhưng sau đó tôi cảm thấy yếu kém, vì tôi biết, tôi không 'có máu' để thử nghiệm bất cứ thứ gì trong đó. Nó chỉ làm trầm trọng thêm cảm giác tội lỗi làm mẹ của tôi. Không chỉ là việc biết làm này nọ, mà còn phải biết tổ chức các hoạt động gia đình, các truyền thống gia đình, những kỳ vọng xã hội được ;ấn định' cho các bậc cha mẹ. Và phần lớn những áp lực đó được 'bơm thổi' bởi mạng xã hội."

Những áp lực bạn bè phiên bản phụ huynh này đã tạo ra những mẫu hình cha mẹ “siêu nhân”, người hướng đến mục tiêu “làm cha mẹ hoàn hảo, nhưng họ còn muốn trở thành vợ/chồng tuyệt vời, một nhân viên xuất sắc toàn tài với một ngôi nhà sạch sẽ, thân hình cân đối, với một nụ cười trên khuôn mặt”.

Một số cha mẹ cảm thấy như mình thất bại mỗi khi có điều gì đó không ổn với con mình. Chuẩn mực được nâng lên rất cao bởi một tập thể các ông bố bà mẹ (trên mạng) chẳng dính dáng gì, mà chính họ cũng chưa chắc đã đạt đến chuẩn mực lý tưởng đó (vì phần lớn hình anh cũng chỉ mang tính chất minh họa).

Thế nhưng, chuẩn mực cao đến mức chúng ta gần như lúc nào cũng cảm thấy yếu kém. Điều quan trọng là bạn phải hiểu mình là ai hoặc bạn muốn hướng đến kiểu cha mẹ nào.

Tôi không nói đến việc bạn là cha mẹ tốt như thế nào; ý của tôi là bạn thực hiện vai trò làm cha mẹ ra sao. Việc đó được hình thành bởi tích cách của riêng bạn và bởi trải nghiệm được nuôi dưỡng của chính bạn. Tất cả những yếu tố này sẽ hòa trộn vào phong cách nuôi dạy con của cá nhân bạn.

Các Phong Cách Làm Cha Mẹ

Đầu những năm 1960, nhà tâm lý học Diana Baumrind đã thực hiện một cuộc khảo sát lớn, từ đó bà đưa ra ba phong cách nuôi dạy con cơ bản. 30 năm sau, Eleanor Maccoby và John Martin, dựa trên nghiên cứu đó, đã xây dựng và đề xuất phong cách thứ tư. Bốn phong cách đó là độc đoán, thông thái, dễ dãi và phớt lờ.

Cha mẹ ĐỘC ĐOÁN áp đặt một mớ quy tắc mà con cái phải răm rắp tuân theo, không để “lọt khe hở” nào mà cũng chẳng giải thích tại sao các quy tắc tồn tại. Phá rào là ăn đủ hình phạt khắc nghiệt. Cha mẹ độc đoán mong đợi con cái tuân theo mệnh lệnh của họ mà không được hỏi han gì.

Nghiên cứu cho thấy con cái của cha mẹ độc đoán có xu hướng giỏi về những gì chúng được “cài đặt” để làm; chúng cũng thường không mấy hạnh phúc và gặp khó khăn trong các tương tác xã hội.

Cha mẹ DỄ DÃI có xu hướng rất khoan dung đối với con cái, thường coi chúng như những người đồng đẳng hoặc bạn bè. Họ đặt ra rất ít quy tắc cho con, với loe hoe một vài lý giải. Họ ưu tiên việc nuôi dưỡng, ôm ấp và giảm thiểu hậu quả.

Những đứa con của cha mẹ dễ dãi thường va phải những vấn đề với người “bề trên” ở ngoài gia đình và thường không giỏi ở trường lớp cũng như ở những môi trường khác.

Cha mẹ PHỚT LỜ thì lại tránh né vai trò càng nhiều càng tốt. Họ đảm bảo rằng con cái có thức ăn và chỗ ở, nhưng họ “nhỏ giọt” sự giáo dưỡng hoặc hướng dẫn. Vì những lý do khá hiển nhiên, con cái của cha mẹ phớt lờ thường gặp vấn đề với sự tự chủ, lòng tự trọng và hạnh phúc.14

Cha mẹ THÔNG THÁI cũng có các quy tắc cho con cái, nhưng họ sẵn sàng giải thích lý do đằng sau, thảo luận và điều chỉnh quy tắc nếu cần. Khi đứa trẻ phá vỡ một quy tắc, đó được xem là một khoảnh khắc giáo dục, là lúc để giải thích hơn là trừng phạt.

Cha mẹ thông thái cho con cái làm theo các hướng dẫn mà họ đặt ra nhưng chấp nhận rằng các hướng dẫn này là cả một quá trình chưa hoàn thiện. Con cái của cha mẹ thông thái thường hạnh phúc nhất và có năng lực xã hội nhất, có cơ hội tốt để thành công ở những gì chúng theo đuổi.

Ở phía cuối của phổ phong cách “hành nghề” là cha mẹ TRỰC THĂNG. Thuật ngữ này được đặt ra để mô tả các bậc cha mẹ luôn bảo vệ con cái thái quá: giám sát chúng liên tù tì, luôn kè kè bên cạnh để đảm bảo chúng không bao giờ té ngã hoặc bị thương, hoàn thành bài tập về nhà cho chúng, và chạy đến trường khiếu nại ngay khi vừa chớm dấu hiệu của bất kỳ hành động nào mà giáo viên hoặc học sinh khác động chạm vào lòng tự trọng của con.

Chris Meno, một nhà tâm lý học tại Đại học Indiana, nói:

“Khi trẻ em không có cơ hội tự mình đấu tranh để vượt qua mọi thứ, chúng không học được cách giải quyết vấn đề tốt. Chúng không học được cách tự tin vào khả năng của bản thân, và điều đó có thể ảnh hưởng tới lòng tự trọng của chúng.

Vấn đề khác của việc không bao giờ phải ‘lăn lộn’ là bạn không bao giờ trải nghiệm thất bại và có thể hình thành nỗi sợ hãi choáng ngợp về thất bại và về việc làm phật lòng người khác. Sự kém tự tin và nỗi sợ thất bại đều có thể dẫn đến trầm cảm và lo âu.”

Đi Tìm Phong Cách Của Bạn

Thật dễ dàng để ngó vào danh sách này và nói: “Rõ ràng, tôi cần phải là một phụ huynh thông thái”. Chắc chắn, con cái của cha mẹ thông thái dường như sẽ có xác suất cao nhất để có một cuộc sống hạnh phúc, thành công. Nhưng có một số điều bạn cần lưu tâm.

Một là, không phải ai cũng “sẵn nong sẵn nia” để khoác lên phong cách nuôi dạy con này. Có thể sự trưởng thành của chính bạn, nền tảng hoặc hoàn cảnh của bạn làm cho điều này không thực tế. Có thể con bạn có những nhu cầu đặc biệt khiến việc nuôi dạy con thông thái trở nên khó khăn hơn. Rất ít người trong chúng ta “đa di năng”, và con cái chúng ta cũng vậy.

Sự ủng hộ của bạn, cho các con giới hạn và dành thời gian với mỗi đứa trẻ không nhất thiết phải giống nhau, và những mối quan hệ này sẽ thay đổi theo thời gian. Con cái cần bạn cho những việc khác nhau ở những thời điểm khác nhau trong cuộc sống của chúng, và cách tiếp cận của bạn cần đủ linh hoạt để bạn chính là người chúng thật sự cần khi chúng cần.

Bạn không thể sử dụng cùng một kịch bản lặp đi lặp lại; bạn sẽ cần phải xem xét cách tiếp cận của mình để “tái khởi động” việc nuôi dạy mỗi lần thử nghiệm và “thất thủ”.

Có những lúc đặt ra các quy tắc và khăng khăng chúng phải theo, miễn bàn, là cách tốt nhất: ví dụ, khi trẻ nhỏ và sự an toàn đang là mối quan tâm, hoặc trong trường hợp mà giải thích có thể gây lo lắng, hoang mang không cần thiết cho con bạn.

Phong cách dạy con tự nhiên của bạn có lẽ là sự kết hợp của ba kiểu kia. Nếu bạn cố gắng quá nhiều để đi ngược lại phong cách tự nhiên của bạn với tư cách là cha mẹ, thì xác suất là cả bạn và con bạn cũng chẳng tốt hơn.

Làm cha mẹ có thể là trải nghiệm sâu sắc nhất trong cuộc sống của bạn. Mặc dù vậy, chúng ta cũng nên khôn ngoan và chấp nhận rằng nó có thể gây đau tim lẫn đau đầu.

Nó có thể là một cuộc đấu tranh liên tục để khiến con bạn cư xử như bạn nghĩ chúng nên làm và đi theo con đường bạn nghĩ là tốt nhất: không chỉ trong giai đoạn trứng nước, mà còn xuyết suốt thời hỗn loạn của tuổi mới biết đi và sự rối rắm của tuổi mới lớn.

Bạn có thể yêu thương, động viên và ủng hộ chúng; thiết lập ranh giới, trừng phạt, khuyên răn và hy vọng điều tốt nhất. Nhưng với tư cách là cha mẹ, bạn phải đối mặt với tất cả các khía cạnh mà bạn không thể trực tiếp kiểm soát nhưng lại liên quan đến vai trò của mình.

Dù tốt hơn hay tệ hơn, bạn sẽ có một ảnh hưởng không thể xóa nhòa đối với con trẻ, nhưng bạn không thể kiểm soát tâm hồn của chúng hoặc những gì chúng sẽ làm trên đời.

Điều tốt nhất bạn có thể làm là giúp con bạn phát triển theo những cách khác nhau và giúp chúng xác định tài năng, sở thích cá nhân mà chúng “kết dính” nhất. Con trẻ sẽ kiến tạo và sống cuộc sống của chính mình, cũng như bạn đã làm cho bản thân vậy.

Cho dù bạn có quan tâm con và cố gắng giúp con đến đâu đi nữa, thì bạn không thể làm điều đó thay con. Tất cả những gì bạn có thể hy vọng làm là tạo những điều kiện và cơ hội tốt nhất cho con phát triển.

Đó là vai trò của bạn.

(Lược dịch từ Bố mẹ, Con & Trường học – Sir Ken Robinson)

Nguồn tham khảo: thầy Hiếu

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10101648488727541&set=t.37007161

 


Jul 22, 2023

5 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email