"Giáo Dục Ưu Tú" Đang "Kìm Chân" Những Đứa Trẻ Ưu Tú... - Thầy Hiếu
"GIÁO DỤC ƯU TÚ” ĐANG “KÌM CHÂN” NHỮNG ĐỨA TRẺ ƯU TÚ...
Lại xong hai ngày dài làm việc với đội ngũ giáo sư Khoa giáo dục của Đại học Duke, mình học hỏi được nhiều về công trình kỳ công của họ trong việc phát triển chương trình, phương pháp và mô hình trường học dành cho học sinh TÀI NĂNG ƯU TÚ.
Suốt buổi trao đổi về những gì họ đánh giá thực trạng của “GIÁO DỤC ƯU TÚ” ở Mỹ, mình lại cứ “giật mình” vì nhìn đâu cũng thấy: Sao giống ở nhà quá vậy?
Nhưng điều đáng buồn là…
Với một nền giáo dục được cho là ưu tú mà bao người đang thèm khát gởi gắm con em đi du học, mà ở đây chính họ còn nhận định là nhà trường, thầy cô và phụ huynh ở phần lớn nước Mỹ đang “kìm chân” những đứa trẻ ưu tú.
Còn ở nhà mình thì không biết khi nào chúng ta mới nhận ra, nhận ra rồi thì sẽ làm gì, và làm rồi thì có đeo đuổi đến cùng để nó thành hiện thực. Vì chính chúng ta cũng đang bị “kìm chân” giữa muôn vàn tạp âm oang oang của thị trường, thương mại và sự “lơ ngơ” của nhiều người vẫn còn quẩn quanh trong một rừng sản phẩm, phương pháp và các “ngôi sao” quá lớn?
Thôi thì lại phải mượn chuyện xứ người để chúng ta đọc, hiểu và hy vọng sẽ thấm, để rồi một ngày nào đó sẽ đổi thay. Hy vọng không quá muộn, có còn hơn không.
Phần lớn người đang làm giáo dục ở Mỹ, theo đội ngũ giáo sư nghiên cứu giáo dục của Duke, đang bị lẩn quẩn và lơ ngơ, thậm chí nhiều khi mù tịt, không biết định nghĩa thế nào là TÀI NĂNG ƯU TÚ. Chính vì vậy, họ làm chưa tới và “kìm chân” tụi nhỏ, thậm chí lắm lúc kéo tụi nhỏ theo một hướng hoàn toàn phản lại những gì mà TÀI NĂNG ƯU TÚ lẽ ra nên có.
Tất cả khởi nguồn từ cái cách mà nhiều người làm giáo dục đang nhầm tưởng, định nghĩa TÀI NĂNG ƯU TÚ một cách khá… NÔNG.
Trong khi đó, TÀI NĂNG ƯU TÚ nên được định nghĩa một cách sâu sắc hơn như sau...
Tài Năng Ưu Tú Bằng Khả Năng Vượt Trội
Một học sinh ưu tú đúng là cần có khả năng vượt trội, nhưng phần lớn nhà trường, thầy cô và phụ huynh lại định nghĩ khả năng vượt trội chính là khả năng giải đề nhanh, làm bài chính xác để được điểm cao trên trường, tức: khả năng vượt trội = điểm số cao. Và đó chính là sai lầm… “lâu đời” nhất. Được điểm cao ở trường với những bài kiểm tra thường thấy, đó không phải là đang kiểm tra khả năng vượt trội đúng nghĩa, vì sự “ưu tú” đó chỉ là một… ảo tưởng chông chênh.
Lẽ ra khả năng vượt trội ở đây phải được nhìn nhận một cách sâu sắc hơn nhiều, bao gồm hai mảng:
- Khả năng tổng quát: lập luận ngôn ngữ và số học, trí nhớ, độ lưu loát trong diễn đạt suy nghĩ bằng nói và viết, tư duy trừ trượng, xử lý và thu thập thông tin, thích nghi và điều chỉnh tư duy với những trường hợp ngoại lệ
- Khả năng chuyên biệt: năng lực kết hợp những khả năng tổng quát ở trên vào trong từng lĩnh vực để thu thập kiến thức và kỹ năng, để giải quyết vấn đề, và để chiết xuất, phân tích, phản biện thông tin trong từng mảng kiến thức.
Khả năng vượt trội thật sự chính là vượt trội ở những năng lực đó. Nhưng tiếc thay, giờ đây các trường học đang dần biến thành những giờ học “nhồi nhét kiến thức”, luyện giải đề cho quen tay, phân tích các bẫy đề và ghi nhớ kiến thức một cách bị động. Vì vậy, các bài kiểm tra gần như chỉ kiểm tra một ngách nhỏ trong chùm khả năng vượt trội, để rồi ai cũng nhầm tưởng: Điểm cao chính là vượt trội.
Vì lẽ đó, có những đứa trẻ điểm cao ở trường phổ thông nhưng ra biển lớn thì vẫn “ngộp thở” vì bơi không nỗi giữa những đề bài, vấn đề đụng chạm đến chùm khả năng ở trên. Ngược lại, có không ít đứa trẻ điểm trên trường cũng “tàng tàng”, nhưng khi học lên cao và ra biển lớn thì lại băng băng “ào ào”. Vì có lẽ, bằng một cách nào đó, chúng được phụ huynh và thầy cô có tầm nhìn, đã trang bị nguyên bộ bí kíp KHẢ NĂNG VƯỢT TRỘI trong bao nhiêu năm một cách âm thầm.
Để đến thời điểm chín muồi, bộ bí kíp đó chính là một mảnh ghép của TÀI NĂNG ƯU TÚ nơi xứ người, biển cả, trời cao.
Tài Năng Ưu Tú Bằng Độ Cam Kết Với Việc Học
Đây chính là nơi mà nhiều người làm giáo dục tiếp tục “đứt gẫy” trong cách nhìn nhận, để rồi càng lún sâu trong cách nghĩ nông và hời: Điểm cao chính là bằng chứng rõ nhất của sự vượt trội.
Độ cam kết với việc học chính là:
- Sự yêu thích và đam mê, nhiệt tình và hào hứng với một vấn đề, một lĩnh vực học
- Khả năng chịu đựng, quyết tâm, nỗ lực và tự tin, tự do không gò bó để có động lực theo đuổi đến cùng một bài tập, một vấn đề, một dự án
- Đặt ra tiêu chuẩn cao cho chất lượng bài tập và sản phẩm của chính mình, cởi mở đón nhận những lời nhận xét, và chịu khó học hỏi từ sự ưu tú của người khác
Độ cam kết với việc học là điều mà nhiều học sinh dù điểm cao cũng chưa chắc đã có.
Chúng có thể có điểm cao do được rèn luyện đều tay, làm đi làm lại các mẹo, bẫy đề hay những dạng bài tập, đề thi truyền đi truyền lại qua bao nhiêu năm. Nhưng chúng gặp khó thì nản, làm một chập lại chán, bảo làm thêm thì lắc đầu, dễ bằng lòng với nỗ lực của bản thân, và không chịu khó khiêm tốn học hỏi từ bạn bè hay những người khác.
Để rồi, bao nhiêu đầu tư của bố mẹ để chúng đạt điểm cao và trở thành “tài năng ưu tú” ở trường, nhưng “tài năng ưu tú” đó cũng dần bị “xói mòn” và “khấu hao”. Đến một thời điểm nào đó, khi bước chân ra khỏi nhà trường, chúng cảm thấy đuối khi ĐỘ ĐAM MÊ, SỨC LÌ ĐÒN và TÍNH KHIÊM TỐN HỌC HỎI chính là 3 thứ tài sản mà bao nhiêu năm qua bố mẹ và thầy cô đã “quên” xây dựng cho chúng.
Vì tất cả đã mải mê chạy đua đuổi theo sự ưu tú được định nghĩa bằng những con số không mấy ý nghĩa nơi biển lớn.
Tài Năng Ưu Tú Bằng Sáng Tạo
Đây chính là điểm chết của nhiều trường học.
Giờ đây ở trường học, sự sáng tạo gần như bị “bóp nghẹt” khi tất cả việc học và câu trả lời “đúng” đều đến từ thầy cô. Học sinh không được dẫn dắt để khai phá những lối đi nào khác ngoài lối đi đã được vạch sẵn trong bài giải, cách giải đề đã quá “kinh điển” trong chục năm qua, những mẹo ra đề bất di bất dịch. Học sinh được điểm cao và “ưu tú” lắm lúc chỉ là những học sinh được làm dạng đề, bài mẫu đó nhiều lần nhất và nhớ rõ nhất.
Trong khi đó, sự sáng tạo lại chính là:
- Những suy nghĩ và ý tưởng mới, không rập khuôn, linh hoạt và mạch lạc
- Độ mở trong tư duy với những trải nghiệm mới và đa dạng, thậm chí có vẻ không “hợp lý” của chính bản thân và của những người khác
- Sự tò mò, ưa khám phá, thích ngọ nguậy trong đầu óc để dám mạo hiểm với ý tưởng, suy nghĩ, hành động vì không bằng lòng với lối mòn và rất thích nghi với những tác động từ bên ngoài để điều chỉnh ý tưởng của mình.
Sáng tạo là một khả năng “trời ban” cho bất cứ một đứa trẻ nào, chỉ có loài người là có được khả năng tưởng tượng. Vậy mà từ chương trình, cách dạy cho đến cách kiểm tra ở nhà trường đang giết chết cái khả năng đó nhiều khi… trắng trợn, để rồi dần dần tước đoạt đi của tụi trẻ cái khả năng ưu việt của loài người.
Vì lẽ đó, càng lên bậc học cao và ra biển càng lớn, nơi đòi hỏi càng nhiều sự sáng tạo trong cách nghĩ và trong kỹ năng, thì rất nhiều “tài năng ưu tú” thuở bé càng… tịt ngòi. Chúng gần như không có bất cứ ý tưởng nào mới, chúng chỉ giỏi ghi nhớ và áp dụng, làm đi làm lại những công thức lối mòn. Để rồi chúng dần mờ nhạt và thụt lùi trên con đường… sáng tạo.
Ai có kiên nhẫn đọc đến đây và đã từng dạy học, hoặc có con em đi học thì chắc cũng “lờ mờ” nhận ra những sai lầm “ngớ ngẩn” ở “giáo dục ưu tú” của Mỹ trên chính những đứa trẻ quê mình. Còn nếu chưa nhận ra thì mình đành… “bó tay chấm com”.
Cái chưa được của nhiều nhà trường, thầy cô và phụ huynh chính là không nhìn được một chặng đường dài phát triển của học sinh, từ mẫu giáo đến cấp 1, lên cấp 2 rồi cấp 3, đại học, cao học và đi làm. Để hiểu những gì họ đang làm ở trường và ở nhà cho học sinh có thật sự… tới nơi, có thật sự đang phát triển TÀI NĂNG ƯU TÚ, hay chỉ là kìm chân chúng trong những con điểm, huy chương, thành tích mà bản thân cái đề kiểm tra cũng đã định nghĩa chưa trọn vẹn, nếu không muốn nói là sai lầm về… TÀI NĂNG ƯU TÚ.
Ngồi trao đổi với đội ngũ giáo sư ở Duke về học sinh nước họ, mình không khỏi nhìn lại cả rừng học sinh mình đã dạy gần chục năm qua. Từ học sinh cao học, đại học, xuống cấp 3 rồi tụi nhóc cấp 2 và đám trẻ cấp 1, mình chỉ thấy 2 từ: ĐÚNG QUÁ. Dạy học sinh được điểm cao trong mấy bài thi chuẩn hóa, chưa chắc mình đã vui; và nhìn nhiều học sinh điểm chưa được cao, chưa chắc mình lại buồn.
Trao đổi xong, đội ngũ giáo sư ở Duke hỏi thế mình đã làm gì?
Thay vì trả lời dong dài với nghiên cứu hoành tránh như họ, mình chỉ thích… kể chuyện. Kể chuyện hai ngày thì dài lắm, nên ở đây chỉ tóm gọn lại bằng 4 mấu chốt sau:
- Quy trình: 10 buổi học liên tiếp, mỗi buổi một kiểu nương theo năng lượng, thái độ, khả năng, tâm tình của học sinh
- Môi trường học: lúc ngồi bàn ghế, lúc trong thư viện, lúc lăn lê trên sàn, lúc café sân vườn
- Nội dung chương trình: học sinh lớp 8-9 đang đọc Stephen Hawkings, Yoval Noah, Jared Diamond, Thich Nhat Hanh…
- Sản phẩm học tập: bản nháp của quyển sách chúng sắp xuất bản bằng tiếng Anh
Nhìn mấy thứ đó trên laptop của mình và nghe mình “chém gió” một hồi xong, họ nhìn nhau rồi bảo: Hè năm sau qua lại Duke để dạy một khóa học ngắn cho sinh viên đại học và cao học sư phạm nhé!
Mình gật đầu đồng ý, muốn trả lại cái ơn họ dành thời gian hai ngày qua cho mình, chợt thấy có tí vui vì họ trân trọng những gì mình đang nghĩ và làm. Nhưng không hiểu sao khi đó, trong lòng lại chùn xuống và… đắng đậm: Khi nào ở nhà, người ta mới nhận ra những điều này, để thay đổi cho tụi nhỏ, để tụi nó không bị mãi kìm chân ngày qua ngày trong suốt 12 năm học… chỉ để có những điểm số mà mỗi lần nhìn vào hay nghe chúng kể, mình chỉ biết nói:
“Con ơi, 9-10 điểm thì tốt rồi, nhưng nó chưa đủ để mai kia con được “9-10 điểm” khi đi xa hay bước ra cuộc sống đâu nhé. Hôm nay, chúng ta đừng nói chuyện điểm số trên trường nữa, mà hãy xem con còn thiếu gì nhé. Và chúng ta bắt đầu từ đó.”
Chia tay Duke với kiến trúc Gothic đẹp như mơ và hẹn năm sau quay lại thỉnh giảng, trong lòng mình vẫn nặng như chì. Cứ mãi nghĩ về những đứa trẻ “ưu tú” đang bị “kìm chân”, khi nào mới được tháo gỡ để chúng được bay xa, đến những chân trời mà lẽ ra chúng hoàn toàn có thể đặt chân đến.
Chợt nhớ một ý mình viết trong Bé Bơ: Sự xuất sắc không nằm ở thời khắc máy bay cất cánh, mà nằm ở suốt quãng thời gian nó chạy lấy đà trên đường băng.
Rất tiếc là cái đường băng mà nhiều người đang định hướng, hay lót đường cho tụi nhỏ không đủ “êm” để mai kia chúng… cất cánh, vì chính họ đã hiểu sai, hoặc không trọn vẹn cái gì mới thật sự là... TÀI NĂNG ƯU TÚ.
Nguồn tham khảo:
Thầy Hiếu: https://www.facebook.com/photo/?fbid=10101209885951021&set=a.782855694121
Thầy Hiếu: https://www.facebook.com/photo/?fbid=10101209885951021&set=a.782855694121
— at Duke University.
Jul 05, 2023