Gốc Rễ Của Viết Là Tư Duy

Con bé 12 tuổi, lớp 7, viết lách cứ như là hơi thở, chạm đến những điều bản chất của thế giới, cuộc đời và bản thân. Bài viết này em dịch hổng nổi và cũng không muốn dịch; ai hiểu Tiếng Anh thì chịu khó đọc và ngẫm vậy.

Nó nói về Karma và Afterlife cứ giống như là Phật giáo gặp gỡ triết học phương Tây, còn nói về individuality & life cứ giống như On Earth We're Briefly Gorgeous của Ocean Vương, dù em “chưa dám” cho lớp đọc mấy cái cuốn này (chắc chờ chúng lớn thêm chút). 

Mỗi lần đọc câu chữ tư duy như này là em lại càng ước mơ ngày càng nhiều bạn HS, dù là chuyên chọn hay tư thục, song ngữ hay quốc tế, cấp 2-3 hay sinh viên, cũng được tưới tắm những điều bản chất, sâu sắc như ri, bên cạnh hoặc thay thế cho những cái Tiếng Anh đang "làm khổ, dập khuôn" tâm trí của tụi nó. 

Thú vị một điều, ngày xưa em cũng có ít lần được làm trợ giảng cho GV Tây (thực ra là đi đào tạo GV, trong vai trợ giảng ^_*) cho lớp nó từ hồi lớp 1 đến hết lớp 5. Nên cũng có cái duyên nhìn nó lớn lên từ hồi lớp 1, giờ mới có dịp được chính thức… dạy. ^_*

Mọi người hay hỏi em là dạy viết cho bọn trẻ kiểu gì mà tụi nó viết “deep” và viết cứ như là không viết, mỗi đứa một kiểu, chẳng ai giống ai, mà lắm lúc như mấy… “ông bà cụ non”. Em trả lời với mọi người là thật ra em chẳng dạy viết gì cả, chẳng có kỹ thuật viết, cấu trúc bài viết, dàn ý bài viết gì cả… thì ít ai chịu tin. 

Nhưng đúng thật là mấy năm qua dạy viết cho bọn trẻ con, em chẳng bao giờ đưa ra một cái cấu trúc bài, dàn ý, câu mẫu, kỹ thuật viết gì cả.

Vì gốc rễ của viết lách không nằm ở những thứ “máy móc, công cụ” đó, mà gốc rễ là ở tư duy.

- - - - -

Thế nên, “công thức” của em dạy cho bọn nhỏ nó cũng chỉ “đơn giản” vài bước “rập khuôn” như sau thôi:

1. Cho tụi nó đọc sách, xem phim.

—> Quan trọng nhất là chọn sách gì và phim gì.

2. Lên lớp thì cho thảo luận về sách, phim đã đời. Đi từ tóm tắt, phản biện phim sách, cho đến mở rộng, nâng cao, rồi lại chắt lọc điều gì cho bản thân, rồi sau đó là sáng tạo suy nghĩ của riêng mình.

—> Quan trọng nhất là ngồi nghĩ mấy cái câu hỏi “chẳng giống ai” cho tụi nó suy nghĩ.

3. Thỉnh thoảng, mình “xí xọn” chen vào vài câu bình luận, chất vấn nếu thấy suy nghĩ của tụi nó còn chưa thật sự… chạm đến bản chất.

—> Quan trọng là chia sẻ, chứ đừng áp đặt suy nghĩ của mình. Câu cửa miệng luôn là: Cái này là suy nghĩ của thầy nha. Còn tụi con được quyền lựa chọn suy nghĩ cho mình.

4. Nói mỏi miệng rồi thì chuyển sang viết. Cứ 10-15 phút là một câu hỏi thầy quăng ra, và mỗi đứa ngồi tĩnh lặng, suy tư “hack não”. Đứa nào viết được cả nửa trang cũng được, đứa nào viết mãi chỉ được đôi ba dòng cũng được.

—> Quan trọng là cho tụi nó không gian và thời gian được tĩnh lặng với suy nghĩ. Và chỉ cần nỗ lực hết mình, thì “bài văn” nào cũng là tuyệt vời.

5. Cứ sau 2-3 buổi một chủ đề, thì là một bài luận dài để tổng hợp tất cả sách đã đọc, câu hỏi đã trả lời và cả những sách chưa đọc, nghiên cứu chưa thảo luận và những câu hỏi chưa tung ra. Có bài thì 1000-2000 từ, có bài thì 4000-5000 từ. Đứa có sức viết thì mấy con số từ đó chẳng có ý nghĩa gì, đứa nào viết còn yếu thì cứ nỗ lực hết mình, được 1/3 hay 1/2 số từ cũng được.

—> Quan trọng là cho thời gian đủ dài để tụi nó được tổng hợp bao la kiến thức, tư duy và chắt lọc, sáng tạo cái của riêng mình.

- - - - -

Đã rất lâu rồi và đến giờ vẫn vậy, người ta vẫn dạy viết theo kiểu đưa cấu trúc, dàn bài, từ vựng, mẫu câu, kỹ thuật cho bọn trẻ con. Cái này không sai, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó và tất cả cũng chỉ có thế, thì có lẽ chúng ta đã đi lệch với gốc rễ của viết.

Gốc rễ của viết là tư duy. Vậy nên, người ta mới hay nói: Người tư duy tốt chưa chắc viết tốt. Nhưng người viết tốt chắc hẳn là người tư duy tốt.

Quan trọng hơn cả, đừng nghĩ rằng bọn trẻ con KHÔNG THỂ tư duy được như người lớn. Bởi vì bản thân cách nghĩ “trẻ con biết gì mà nói” đó của người lớn đã là một cách nghĩ rất “trẻ con” rồi. Bọn trẻ, nếu được khơi gợi và “cho phép”, có thể tư duy ở những phương hướng, tầng lớp mà nhiều người có khi đi cả đời cũng chưa… vỡ ra.

Tôn trọng tư duy và cách nghĩ của mỗi đứa trẻ, dù chúng có được “dán nhãn” thế nào bởi xã hội và con người thông thường, có lẽ mới là bản chất của dạy học.

Đó là tôn trọng bọn trẻ, tôn trọng nghề dạy và tôn trọng chính chúng ta


Jun 27, 2023

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL