Hãy cho con, cho mình, cho học sinh một... Growth Mindset
Lần đầu đọc cuốn này là do thấy Bill Gates giới thiệu 10 cuốn sách hay của 2015. Hôm nay là lần thứ 4 đọc lại cuốn sách này rồi, mà vẫn thấy hay và ngộ ra thêm nhiều điều.
Ai là bố mẹ, thầy cô, người theo đuổi giáo dục, đi làm hay cả học sinh cấp 3, sinh viên đại học nên tìm đọc nhé. Đọc để hiểu và để thay đổi. Thay đổi bản thân và thay đổi người khác, từ chuyện nuôi dạy con, chuyện học hành, công việc, cuộc sống và cả những mối quan hệ xã hội.
Tất cả đôi khi chỉ cần một chữ, một câu, một lời nói hay một hành động rất nhỏ với bản thân, với con em, hay với học sinh, nhưng mỗi ngày một chút lại có thể thay đổi rất nhiều.
Có khi là thay đổi được cả một... đời người.
Riêng bản thân, lần này đọc lại Growth Mindset và tự chiêm nghiệm với chính mình, chợt nhớ ra và muốn kể 3 câu chuyện.
1. Chuyện của 2004: Chuyện học
Tháng 2.2004, buồn lắm. Cambridge - cái tên trường đã nói lên tất cả. Mình bị ngay ngôi trường mơ ước từ chối, đặc biệt với cả trường A-level lúc đó, trong mắt của gần như tất cả thầy cô và học sinh, Cambridge-Oxford là cái gì đó rất... quý tộc. Vào được Oxbridge là một... đẳng cấp khác.
Thằng nhóc 19 tuổi lúc đó cũng không thoát khỏi cái bóng quá lớn. Và khi niềm tin, hy vọng của bản thân, thầy cô và bạn bè đặt vào nó quá nhiều, thất bại - theo cách nó gọi việc bị từ chối lúc đó - quá khó để tiếp nhận, đặc biệt là khi trường mình lại thắng lớn trong cuộc chạy đua vào Oxbridge năm ấy.
Buồn. Tức. Giận. GATO. Chán chường. Thất vọng. Mất phương hướng.... tất cả những cảm xúc tiêu cực chiếm lĩnh toàn bộ đầu óc và cuộc sống của nó. Chẳng biết làm gì, nó xin phép 'trốn học' 1 tuần, dùng tiền tiết kiệm từ việc chạy bàn nhà hàng gần 2 năm qua, để xách balo lên và đi. Chuyến đi bụi đầu đời. Đi không phải để tìm câu trả lời. Đi là để... trốn tránh. Trốn tránh mọi người và trốn tránh bản thân. Trốn tránh câu hỏi: rồi đời nó sẽ đi đâu và về đâu.
Ngồi trên đồi Acropolis, sau lưng là đền Parthenon hơn nghìn tuổi, trước mắt là nắng chiều trên nền ngói đỏ Athens rộng lớn, nó chợt nhận ra hoá ra nó quá bé nhỏ với thế giới, cả về không gian lẫn thời gian. Cái mà nó gọi là thất bại to lớn của bản thân và đời mình - dù đời nó lúc đó chỉ mới có 19 năm - chẳng là gì so với cuộc sống to lớn và tươi đẹp ngoài kia. Mọi thứ vẫn tiếp diễn, còn nó có dậm chân tại chỗ hay không thì đời chưa chắc thèm quan tâm. Tất cả chỉ là do nó. Cuộc sống tươi đẹp như nắng chiều Athens hay đen tối như cái nó tự vẽ ra trong đầu, tất cả chỉ là một... nút công tắc trong cách nghĩ.
Đơn giản vậy thôi, nó tự nói với bản thân: tốt hay xấu là do chính mình quyết định, từ suy nghĩ đến hành động.
Để rồi nó quay về, tiếp tục học, học với niềm tin và đam mê, để chứng minh với bản thân là con đường mình đi không chỉ do tên trường hay người khác quyết định. Con đường mình đi là do chính mình quyết định.
Để rồi 8 tháng sau, nó trở thành sinh viên giỏi nhất nước Anh, dù rằng những năm trước giải thưởng này toàn thuộc về sinh viên bản xứ vào Oxbridge.
3 năm sau nữa, nó được nhận thẳng vào làm tiến sĩ ở Cambridge chỉ trong vòng 4 ngày nộp đơn. Nhưng lúc đó, nó đã lỡ 'dính duyên' với Stanford, mà ít người biết rằng đó cũng là lần thứ 3 nó nộp vào Stanford vì 2 lần trước nộp đơn cũng là lá thư từ chối.
Trong 3 năm đó - và cả về sau - chưa bao giờ nó để những lá thư từ chối quyết định đường nó đi. Để đến tận hôm nay, mỗi thất bại với nó là một điều may mắn. Để mỗi ngày bản thân được rèn luyện... growth mindset.
2. Chuyện của 2013: Chuyện dạy
Sau một năm về Việt Nam, cái tiếng dạy luyện thi rất 'mát tay' có thể cho mình rất nhiều tiền bạc. Nhưng nhìn quanh cứ thấy một điều hơi hơi... không ổn.
Nhiều người dạy giỏi, lại là du học sinh tốt nghiệp trường top, cứ tung hô thành tích học sinh trên mạng. Để rồi ai cũng thích dạy những học sinh giỏi nhất, những lớp advanced nhất. Rồi khi học sinh được điểm khủng, thì lại tranh giành nhau học sinh này là của tôi hay của anh chị.
Đồng ý mình cũng rất thích dạy học sinh giỏi, và cũng có những học sinh rất đỉnh. Nhưng nhìn nhiều người cứ từ chối dạy những học sinh học hoài không lên điểm vì tụi nó... học hoài không lên điểm, mình tự hỏi đó có phải là giáo dục?
Nghe tâm sự của phụ huynh và nhìn học sinh, mình không nỡ lòng từ chối và nhận dạy, từ những bạn học rất chậm, mất căn bản, mất niềm tin hoặc đã bị những cái mác 'thương mại' làm cùn tư duy trong bao năm qua... dù biết rằng rất khó để giúp các em được một phần như các bạn siêu sao. Và các em cũng khó mà xuất hiện trên cái bảng 'vinh danh điểm cao' để nhiều người trầm trồ khen ngợi. Nhưng mình muốn: chính các em sẽ tự tạo ra định nghĩa thành công của riêng mình, chứ không phải chạy theo định nghĩa thành công của người khác.
Để rồi ngày qua ngày, bản thân nhận ra và tin rằng chỉ cần mỗi ngày cho các em một growth mindset, các em sẽ làm được rất nhiều. Tiến bộ của các em so với chính mình không kém ý nghĩa hơn so với thành công của các siêu sao. Và biết đâu sau này chính các em sẽ tạo ra nhiều thay đổi cho bản thân và cho người khác, những thứ mà chưa chắc điểm số cao hay giải thưởng bự có thể làm được.
Vì trong em có... growth mindset.
Học trò nào cũng là học trò cả, bạn ạ. Đừng so sánh vì tất cả mọi so sánh đều là khập khiễng, nếu không muốn nói thẳng ra là đôi khi sẽ 'dở hơi' và 'phi giáo dục'. Vì khi đó, vô tình chúng ta đã không coi mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng để cho chúng một... growth mindset.
3, Chuyện của 7 năm qua - Chuyện du học
7 năm qua, học sinh mà mình từng có duyên được dạy hoặc giúp đỡ một phần nào đó vào Ivy League, Oxbridge hay các trường đình đám khác... không ít. Mà học sinh vào các trường xếp hạng thấp hơn hoặc không được xếp hạng hoặc thậm chí không hiện thực hoá được ước mơ du học... cũng nhiều lắm.
Nhưng chẳng bao giờ mình chạy theo kiểu quảng cáo tung hô các siêu sao, để vô tình góp phần tạo ra một xu hướng 'cuồng' Ivy hay Oxbridge. Vì hơn ai hết, bản thân mình biết rõ hai mặt của vấn đề, giữa cái bề nổi trước mắt và phần chìm trong tương lai, từ chính con đường của bản thân mình, của bạn bè và của 7 lứa học trò du học, gap year hay... 'ở lại'.
Một điều đơn giản thôi: vào đâu cũng được, chỉ cần có growth mindset, các em sẽ đi rất xa. Hãy tin như vậy. Vì khi các em đánh mất niềm tin đó, có thể chính các em đã tự đặt dấu chấm hết cho những cơ hội đang chờ mình trong tương lai.
2004- Tôi tin vào growth mindset. Và tôi đã miệt mài học và hoạt động với hết khả năng, dù là ở LSE, Stanford hay Oxford.
2005- Tôi tin vào growth mindset. Và tôi đã cần mẫn dạy với hết đam mê, dù là dạy 'siêu sao' hay những học sinh 'bình thường', mà 'siêu sao' hay 'bình thường' chỉ là theo cách gọi của... xã hội thôi.
7 năm qua. Tôi tin vào growth mindset. Và tôi đã lặng lẽ giúp học sinh với hết tâm huyết, dù là học sinh có khả năng vào trường top hay vào trường không top, còn 'top' hay 'không top' thì còn tuỳ định nghĩa của mỗi người.
Và tôi đã làm được. Để rồi hôm nay và ngày mai, tôi vẫn tiếp tục làm. Còn bạn? Bạn có cho mình một growth mindset? Bạn có cho học sinh và con em mình một growth mindset?
Đôi khi chỉ là đơn giản bật công tắc ON cho growth mindset, con đường mình đi đã bắt đầu thay đổi. Giống như cái ngày tôi ngồi nhìn trời chiều Hy Lạp, vô tình đã chạm đến nút công tắc ấy mà không biết, và từ đó đến nay, công tắc ấy vẫn ON.
Từ suy nghĩ đến hành động, lúc nào công tắc ấy vẫn chỉ nằm ở một bên. Growth Mindset.
Note: Sách hay nên mình muốn mọi người tìm đọc, chứ chẳng có tí hoa hồng, quảng cáo gì ở đây đâu nhé
thầy Nguyễn Hiếu - Jul 25, 2024