Hãy cho con một thói quen 'miễn phí.' Để thay đổi cả đường con đi.

Ngày xưa, mãi tận khi lên lớp 6, tôi mới bặp bẹ học "Hello, how are you?", mới biết I AM là gì, YOU ARE là cái chi, chứ trước đó tôi còn không hề biết có một thứ gọi là tiếng Anh tồn tại nữa cơ... Thầy cô dạy tiếng Anh của tôi không phải là những nhân vật khủng khiếp, vang danh toàn cầu. Bố mẹ tôi chỉ là giáo viên dạy Toán và Văn, nghỉ dạy ở nhà buôn bán nuôi 3 thằng con, nên ông bà cũng chẳng được biết tiếng Anh như nhiều bố mẹ thời nay.

Nhưng chính những con người bình dị, đáng quý đó đã cho tôi một thói quen từ nhỏ. Và chính thói quen đó đã thay đổi cả con đường dài tôi đi trong 20 năm qua và có lẽ là mãi về sau.

Luyện Thi vs. Viết Lách

Lớp 9, cái thời mà du học là một cái gì đó rất xa xỉ, ở quê tôi chẳng ai nghĩ đến, thì bố dắt tôi vào Sài Gòn thi TOEFL, điểm đọc nghe thì ổn, còn điểm viết thì... tuyệt đối 6/6. Hết lớp 12, tôi đi du học ở Anh và phải thi IELTS năm đầu, điểm viết cũng... tuyệt đối 9/9. Rồi thi GRE, GMAT hay thi gì đi nữa, điểm viết tôi cũng... tuyệt đối.

Viết luận nộp đơn hay xin học bổng nào, tôi cũng tự viết, dù là được viết ở nhà cả tháng hay phải viết tại chỗ trong vòng... mấy chục phút.

Đi học MBA, tổng cộng 24 môn mà tôi đạt điểm cao nhất 13 môn, thì hết 7 môn là viết, từ viết học thuật, báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh cho đến viết sáng tạo, mặc dù suốt 10 năm học đại học và làm tiến sĩ, tôi toàn 'chuyên trị' và 'qua lại' với các môn... tính toán, công thức, hay lập trình.

Kể ra ở đây không phải để khoe hay tự cao, vì nếu muốn tôi có nhiều cách khác để khoe và để tự cao lắm. Nhưng kể ra ở đây thật sự là để phụ huynh và học sinh nhìn nhận được một phần nào đó cái cốt lõi của vấn đề... học tiếng Anh nói riêng, cũng như chuyện học nói chung.

  • Không phải cứ đem con đi học ở trung tâm 1-2 khóa học viết là con viết hay đâu ạ.
  • Không phải cứ cho con suốt ngày luyện mấy mẫu cấu trúc bài viết TOEFL, IELTS, SAT do các 'siêu sao' đúc kết lại thành công thức để con copy theo là con viết hay đâu ạ.
  • Không phải cứ đem bài luận của con viết vội vã và sơ sài cho các trung tâm dịch vụ chỉnh sửa, để con vào được trường ABC hay XYZ là 100% tốt cho con về lâu về dài đâu ạ.

Mà có nên chăng chúng ta cho con... một thói quen?

Một thói quen... 'miễn phí'?

Thói Quen Tự Nhiên

Bố mẹ và thầy cô ngày xưa đã cho tôi một thói quen để tôi có thể đi bằng chính sức lực của mình và tự mở ra cơ hội cho chính bản thân, dù tôi có 'bị quăng' vào môi trường nào để tự bơi đi chăng nữa.

Họ cho tôi thói quen TỰ ĐỌC và TỰ VIẾT, vì mãi sau này tôi mới dần dần hiểu ra rằng hồi đó họ muốn cho tôi học cách... TỰ BƠI. Vì hơn ai hết, họ biết và hiểu một điều: trước sau gì, tôi cũng phải... tự bơi.

Hồi xưa ấy...

Cứ tối về, tôi học bài xong tầm 9h là tôi đọc sách đến khi sắp buồn ngủ thôi. Oliver Twist, 20000 Leagues under the sea, Grimms' Fairy Tales... toàn những cuốn sách cũ bố mua những lần vào Sài Gòn lấy hàng về bán, hay tôi mượn từ các thầy cô trong trường Sư phạm. Cứ đọc hết một chương mà thấy cái gì hay là tôi chép lại vào quyển tập - giấy trắng là do mẹ xé ra từ những quyển tập chưa viết hết, còn bố thì đục lỗ và ghép lại bằng dây đồng hoặc sợi chỉ may.

Rồi 5-10 phút trước khi đi ngủ, tôi lôi một quyển tập khác ra - cũng là giấy 'thừa' do mẹ xé ra và bố đóng lại - để viết nhật ký bằng tiếng Anh, sử dụng ngay chính những ý tứ và câu chữ tôi vừa 'ăn cắp' được từ những gì tôi đọc.

Rồi cuối tuần, tôi ngồi xem lại tuần vừa rồi quyển tập 'tái chế' của tôi có thêm những ý gì hay, câu văn nào đẹp, từ ngữ nào thật đắc. Rồi tôi tự viết các câu văn dùng chính những từ ngữ hay ý tứ đó. Rồi sau đó tôi viết thành cả bài văn. Đến mấy đợt nghỉ Tết hay nghỉ hè, có khi một ngày tôi viết một bài.

Chuyện trên trời dưới đất, trong nhà ngoài phố, chình ình trước mắt hay âm ỉ trong đầu, nghị luận xã hội hay thơ ca vớ vẩn. Thích viết gì thì cứ tha hồ mà... ngoáy bút. Chẳng có chút bóng dáng của điểm số hay giải thưởng gì trong những trang giấy và trong đầu óc tôi cả. Viết xong chừng chục bài là đem lên cho các thầy cô xem mấy bài đáng xem để thầy cô góp ý, còn cái nào 'ngu ngu' hay 'xàm xàm', 'tạp nham' thì cứ ủ làm của riêng, của để dành. ^_*

Đơn giản vậy thôi mà cứ ròng rã ngày này qua tháng nọ tới năm kia, sách tôi đọc cứ thế nhiều lên và khó hơn, tập ghi chép của tôi cứ thế dày hơn và nhân bản ra tầm 10 quyển gì đó, bài luận tôi viết cứ thế dài hơn và sâu hơn.

Lúc đầu còn sai nhiều ngữ pháp, ý tứ còn lộn xộn, câu chữ còn lủng củng, nhưng dần dần cứ đọc rồi tự phân tích pattern về cấu trúc - câu chữ rồi viết, tự nhiên mọi thứ cũng từ từ... thành hình thành khối. Muốn viết kiểu gì, học thuật hay sáng tạo, trong đầu tôi tự điều chỉnh và ngòi bút cứ thế mà lướt đi.

Hồi đó, Đọc và Viết với tôi cứ như là hơi thở vậy, không gò ép hay luyện thi cái chi, mà chỉ đơn giản vì tôi thích, mà cũng chẳng bao giờ thắc mắc là làm như vậy để sau này được gì nữa. Chỉ đơn giản là tôi thích cái cảm giác khó tả khi mình chinh phục được ý tứ và câu chữ, không còn cảm thấy bất lực nữa, vì dần dần ngòi bút và lời nói cũng có thể bắt kịp và song hành với suy nghĩ.

Để mọi thứ cứ nhẹ nhàng và tự nhiên, đúng là như hơi thở vậy. Và hóa ra, theo từng trang giấy viết Tiếng Anh cứ dài ra và dày hơn, thì tôi cũng lớn lên từ đó, theo nhiều nghĩa.

Tài Sản Cả Đời

Để giờ đây, sau bao nhiêu năm, tôi vẫn giữ thói quen ấy. Mỗi ngày đọc một ít rồi highlight màu. Đọc xong cuốn nào thì ghi chép lại cái mình thích và lưu vào email. Cuối tuần hay khi nào rảnh rỗi thì ngồi xem lại email và cứ thế mà... viết.

Để mỗi ngày có thể dạy được học trò những kiến thức mới nhất và không ngừng sáng tạo trong cách viết. Để tháng nào cũng có thể hiệu đính sách hay bài viết cho đồng nghiệp, bạn bè trong và ngoài nước - kẻ viết báo, người làm sách, hay sáng tác thơ văn - mà bản thân tôi không bị... bí từ hay bí ý.

Để mỗi năm bản thân lại ra được một cuốn sách đúng như mình tưởng tượng. Để cảm thấy việc học không dừng lại sau khi mỗi bằng cấp đã 'xử lý' xong. Và quan trọng hơn cả là để tư duy của mình không bị... dậm chân tại chỗ.

Tất cả nhờ một thói quen mà bố mẹ và thầy cô đã cho tôi. Một thói quen gần như là miễn phí - trừ tiền mua sách cũ, giấy 'tái chế' hay vài sợi chỉ, dây đồng hồi đó ^_* - nhưng chính thói quen đó đã thay đổi cả đường tôi đi.

Đó không chỉ là kỹ năng viết để lấy học bổng này, dành học bổng kia. Đó còn là kiến thức và tư duy của chính bản thân mình, mà không cần cái gì cũng phải google trước khi tự suy nghĩ. Đó còn là tính cách bền bỉ, lắng đọng và sự bình an trong cõi lòng dẫu đi qua nhiều ất ơ của cuộc đời và dở hơi của lòng người.

Còn các con? Các con có được thói quen miễn phí nào không? Tuỳ các con vậy.

Đang đọc sách phải dừng lại để viết post này vì rất thích lời người bố dặn con gái trong quyển sách:

'Hãy làm điều đó [viết] mỗi ngày một chút, con nhé. Hãy làm điều đó cứ như là con đang chơi piano vậy. Hãy làm điều đó cứ như là do con đã tự hứa với chính mình. Hãy làm điều đó cứ như là con đang trả nợ - một món nợ rất đáng để trả.

Và hãy tự nói với lòng: viết cái gì cũng phải viết cho xong con nhé.'

Và cô con gái ấy hôm nay là một nhà văn tuyệt vời. Vì người bố đã cho cô bé ngày xưa một thói quen quá... tuyệt vời. Một thói quen... 'miễn phí'.

Còn các con? Các con có được thói quen 'miễn phí' nào không? Tuỳ các con và... tuỳ người lớn vậy.

Nguồn Tham Khảo: thầy Hiếu

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10100807060092271&set=t.37007161


Jul 23, 2023

15 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email