“HÃY ĐỂ CHO NGHỀ GIÁO TỐT ĐẸP TRỞ LẠI”

Ngồi trên máy bay và sân bay suốt 24 tiếng, quá nhiều cảm xúc và suy nghĩ cứ chạy loạn tứ tung trong đầu óc lùng bùng, sau một chuyến đi đủ dài để mình vỡ ra thêm nhiều điều. Chợt nhớ mai là 20/11 rồi, nên muốn viết cái gì đó thật cảm hứng để gởi tặng cho những người đứng trên bục giảng mà mình thấy đúng là họ đang đi ngược gió trong một guồng chạy xô bồ, thương mại, vật chất, thiếu niềm tin nhưng thừa thãi những ganh đua, nhỏ nhen và lắm lúc… mù quáng.

Trong lòng lại không khỏi đau đáu tự hỏi, không hiểu vì sao nhiều người lớn bây giờ không thể đối xử với thầy cô như cái cách mà truyền thống Việt Nam ngày xưa vẫn thế. Liệu họ có biết rằng, cái cách mà mình đang vô tình hay cố ý đối xử với thầy cô đã, đang và sẽ… xua đuổi nhiều người ra khỏi cái nghề vốn dĩ rất cao quý này.

Chính bản thân mình cũng nhiều lúc muốn từ bỏ cái con đường này, vì lắm lúc không thể nào chịu nổi những gì mình tận mắt chứng kiến: những đôi chân mỏi mệt ngã rục trên ghế, những bờ vai ngã sạp trên bàn chợp mắt giờ trưa, những giọt nước mắt gạt đi để gượng cười, những lời chia tay trong nuối tiếc với cái nghề đam mê,…

Chợt nhớ các buổi trò chuyện với Sở Giáo dục của 5-6 tiểu bang trong chuyến đi Mỹ lần này. Ngồi xuống với ai là cũng nghe họ lắc đầu, tặc lưỡi trước sự “xuống cấp” của giáo dục vì chất lượng giáo viên đang báo động, để rồi bản thân giật mình: Sao giống ở nhà thế? Liệu rằng chúng ta có thể tránh khỏi cái cảnh “xế chiều” của nghề giáo như nền giáo dục tiên tiến ở cái nước mơ ước trong con mắt của nhiều người không?

Đây là 3 hiện tượng xảy ra với cái nghề giáo ở xứ Tây “tiên tiến” của họ. Và có lẽ ở quê Ta cũng không khác lắm đâu nhỉ?
 

HIỆN TƯỢNG 01: MỘT NGHỀ TỐN NÃO, TỐN SỨC, TỐN THỜI GIAN NHƯNG… RẺ

 
Nhiều người giờ đây cứ nghĩ rằng một ngày của thầy cô bắt đầu từ 8 giờ sáng, và đến tầm 4 giờ chiều là xong. Thế nhưng, chắc chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ là có khi một ngày hơn 12 tiếng đều dành trọn cho cái nghề này: từ soạn bài đến chấm bài, thậm chí giờ nghỉ ngơi ở trường cũng chưa chắc có với bao nhiêu sổ sách, giấy tờ, báo cáo cho đủ bộ ban ngành. Cuối tuần mà có sự kiện, lễ hội gì thì… bay luôn.

Ai đó chưa “nếm mùi” phấn bảng thì cứ thử đứng giảng bài 2-3 tiếng ròng rã liên tục đi rồi sẽ hiểu. Thế nhưng, phần lớn người ta đâu có hiểu là chưa có cái nghề nào vừa tốn não, tốn sức, tốn thời gian, mà được trả lương… rẻ như nghề giáo.

Angela Duckworth, chuyên gia về GRIT – tính lì đòn, có chia sẻ với mình một câu: Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được và thật sự đồng cảm với nỗi khổ của người khác, nếu chúng ta chưa bao giờ thực sự trải qua. Còn nếu chúng ta nghĩ là mình hiểu, thì thật ra tất cả chỉ là do tâm lý đang “đánh lừa” bản thân mà thôi.

Và nếu bố mẹ chưa từng làm giáo viên bao giờ, nên họ không bao giờ hiểu hết những giọt nước mắt “đằng sau cánh gà” của nghề này. Để rồi, trong thời buổi kinh tế thị trường, khi các tư tưởng kinh doanh thương mại len lỏi vào cái nghề cao quý này, thì cũng là lúc xã hội “đẻ ra” thêm hiện tượng số 2.
 

HIỆN TƯỢNG 02: BỐ MẸ LÀ KHÁCH HÀNG THƯỢNG ĐẾ

 
Howard Gardner – cha đẻ của học thuyết Đa Trí Thông Minh – đã chia sẻ rằng ông ta không thích cái cách mà tư tưởng kinh tế thị trường đã, đang và chắc là vẫn sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến giáo dục. Vì chính nó đã tạo ra một cái tư tưởng khá nguy hiểm: khi có tiền bạc, bố mẹ chính là thượng đế và các nhà trường phải chạy theo để phục vụ nhu cầu của khách hàng, trong khi những thượng đế đó chưa chắc đã biết điều gì mới thật sự là tốt cho các “hoàng tử, công chúa” của mình.

Vậy là với một cái nghề tốn não, tốn sức, tốn thời gian và rẻ như nghề giáo, giờ đây thầy cô lại phải căng giò, căng mắt, căng não và cắn răng chạy theo những đòi hỏi để làm hài lòng các thượng đế. Giám đốc Sở Giáo Dục của các tiểu bang còn chia sẻ: giáo viên mà có nhận xét gì không tốt về học sinh thì thay vì đồng hành cùng thầy cô để sửa sai cho con ở nhà, nhiều phụ huynh lại quay ngược lên trường và mắng vốn về thầy cô, để rồi thầy cô bị… đuổi việc.

Nghe xong, lòng mình mặn chát. Còn nhớ ngày xưa bố mẹ mình từng là thầy cô của bao nhiêu giáo viên dạy mình, thế nhưng có bao giờ ông bà yêu cầu thầy cô phải dạy mình thế này, thế kia đâu. Thầy cô có nhận xét về hành vi và thái độ không tốt của mình, bố mẹ sẽ “làm việc” với mình ngay.

Thế nhưng giờ đây, lắm khi phụ huynh cứ thích lấn át, chất vấn, vặn vẹo thầy cô kèm theo bao nhiêu yêu cầu, mỗi ngày một tăng chứ có bao giờ giảm đi đâu: phải nhắn tin tình hình học tập hàng ngày của con, phải nhắn bài tập về nhà trang mấy cho con kỹ càng, con ôn tập gì thì cũng phải nhắn tin,… Cứ mất thời gian cho những dịch vụ đó thì lấy đâu ra thời gian mà thầy cô đầu tư vào… chuyên môn. Ôi, nhiều khi tự hỏi là thầy cô đang đi dạy hay đang đi làm dịch vụ chăm sóc khách hàng.
 

HIỆN TƯỢNG 03: NHÂN TÀI NHƯ LÁ MÙA THU

 
Vì mức lương thấp, công việc lại hại não hại thân, cộng thêm sức ép quá khủng từ tư duy thị trường và đòi hỏi của phụ huynh, mà giờ đây bao nhiêu tiểu bang của Mỹ đang phải đối mặt với một thực trạng đau lòng, nếu không muốn nói là… báo động: người giỏi không còn lựa chọn vào các trường sư phạm nữa, và những giáo viên giỏi thì cũng gần như chuyển nghề đi hết.

Người nào giỏi mà còn sót lại là vì đam mê của họ quá lớn, hoặc họ đã đi qua gần hết cuộc đời để chạm đến cái ngưỡng… bất chấp thiên hạ, hoặc họ phải làm 2-3 nghề tay trái mới đủ mưu sinh để bám trụ với đam mê cuộc đời. Nhiều người còn đùa bảo: chẳng ai lựa cái nghề này mà bảo là "vì nó kiếm ra nhiều tiền cả", mà chọn là vì họ hiểu mình đang làm gì vượt qua chuyện tiền bạc.

Nhân tài rụng tơi tả như lá mùa thu mà nhìn quanh mọi nơi, họ tìm mỏi mắt cũng chưa chắc thấy những chiếc lá xanh kế cận cho cái nghề gieo chữ này.

Càng đi, càng nhìn, càng nghe, mình mới càng hiểu, càng thấm, và càng trân trọng những người giáo viên bao năm qua vẫn bám lấy cái mảnh đất càng ngày càng khô cằn sự tử tế, thiếu hụt sự thấu hiểu, đồng cảm này. Bất chấp bao nhiêu khó khăn của nghề và những điều dở hơi của cuộc đời, họ vẫn ôm lấy cái đam mê mà chắc có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu: Nước mắt nuốt ngược vào trong có nhiều vị đắng nhưng lấp ló đâu đó cũng còn chút ngọt từ sự trưởng thành mỗi ngày của lũ trẻ.

Nếu như biết rằng có nhiều thứ về chế độ, chính sách khó có thể thay đổi để làm cho nghề giáo “tươi tắn” hơn, thì ít ra phụ huynh cũng cần có một sự đồng cảm và thấu hiểu, để rồi đồng hành và truyền cảm hứng cho những người giáo viên đang cần lắm những lời động viên để bám trụ lại với cái nghề lắm lúc quá nhiều tủi nhục này.

Một chuyến bay tổng cộng 24 tiếng, về đến nhà cũng là lúc trời Hà Nội vừa cựa mình chuyển lạnh, và ngày 20/11 lại vừa chớm đến. Nghĩ về những ngày xưa đi học với bao cô thầy đáng quý mà mình thấy vị ngọt ấm lòng, nhưng nhìn vào thực tại và tương lai thì cái vị ngọt ấm lòng đó dường như bị pha loãng vì chút vị chua và đắng. Liệu cái cảnh “nhân tài như lá mùa thu” này sau vài năm có biến thành “đông sang trơ cành, trụi lá” hay không?

Tiểu bang North Carolina có câu khẩu hiệu thế này mà mình rất thích:

“Hãy để cho nghề giáo tốt đẹp trở lại”.

Mình chỉ nghĩ rằng điều tốt đẹp đôi khi chỉ là thay đổi cách nhìn của người lớn về nghề giáo, để quay về với truyền thống: Muốn con hay chữ, hãy yêu lấy cô thầy. Và nhiều khi yêu chẳng cần quà cáp hay gì cả, mà chỉ cần thật tâm thấu hiểu, đồng hành và yêu thương thầy cô, để cuộc đời bớt đi những nước mắt tủi hờn, và thay vào đó là thêm nhiều nước mắt của hạnh phúc và yêu thương. Vì thầy cô xứng đáng được những điều tốt đẹp như thế.

Gởi đến những người đang đam mê với con đường khó nhằn này ngàn lời yêu thương và tri ân nhân ngày 20/11. Với con – em – tớ – anh, thật ra ngày nào cũng là 20/11 cả. Vì mỗi ngày, những người cầm phấn viết bảng đều đang đi gieo… cuộc sống và tương lai cho lũ trẻ. Và ở cuộc đời này, ít có nghề nào tốt đẹp như cái nghề này, để chúng ta đủ can đảm và đam mê mà sống trọn một đời vì nó.

Đó có lẽ là HẠNH PHÚC mà chỉ có người trong cuộc như chúng ta mới hiểu.

Tôi yêu cái nghề này cũng vì lẽ đơn giản thế thôi.
 
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10101217134884101&set=t.37007161


Jun 07, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL