Khi bố mẹ buông rơi uy quyền - Phần 2: Trẻ học tụt dốc & mong manh
Khi bố mẹ buông rơi uy quyền
Phần 2: Trẻ học tụt dốc & mong manh
Đọc chuyện xứ người nhưng nhìn lại chuyện xứ mình, thấy vẫn có gì… trùng khớp. Thế nên, nhiều khi không biết là đang đọc chuyện xứ Người hay xứ Ta.
Một năm “lang thang” gần 20–30 trường, họp hành 40–50 cuộc họp phụ huynh đủ thành phần, và tiếp xúc cũng vài nghìn học sinh từ mầm non đến đại học, có những điều mắt thấy tai nghe nhưng không biết nói viết thế nào.
Thôi thì đành mượn lời sách vở chuyện xứ Mỹ để “nói nhẹ” chuyện quê mình.
Đầu Tư Nhiều Nhưng Học Hành Vẫn Tụt Dốc
Trẻ em Mỹ từng ở trong nhóm những học sinh giỏi nhất thế giới. Bây giờ chúng đứng sau trẻ ở Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khác.
Kyung-Hee Kim, nhà tâm lý học giáo dục Đại học William và Mary, đã phân tích kết quả từ các bài kiểm tra tư duy sáng tạo Torrance. Kim nhận thấy rằng điểm số sáng tạo của trẻ em Mỹ đã giảm dần trong 20 năm qua.
Theo Kim, điều này phần nào có nghĩa là những đứa trẻ Mỹ trở nên ít biểu cảm, ít năng lượng, ít nói và ít diễn đạt bằng lời, ít hài hước, ít tưởng tượng, ít độc đáo, ít sống động và đam mê, ít cảm nhận, ít khả năng kết nối những điều tưởng như không liên quan, ít tổng hợp và ít có khả năng nhìn mọi thứ từ một góc độ khác hơn.
Tại sao vậy?
Trong cuốn sách “Những đứa trẻ thông minh nhất thế giới”, nhà báo Amanda Ripley đã đưa ra một sự so sánh cẩn thận giữa Hoa Kỳ với các quốc gia vượt trội hơn trong kỳ thi PISA. Ripley xác định một yếu tố mà cô ấy nghĩ rằng Hoa Kỳ đã sai lầm: Đầu tư quá mức vào công nghệ.
Các trường học ở Mỹ, đặc biệt là trường con nhà khá giả, ngày nay đang tràn ngập các máy tính bảng, bảng thông minh công nghệ cao và các thiết bị không dây khác. Người Mỹ lãng phí một khoản tiền thuế “ấn tượng” vào đồ chơi công nghệ cao cho giáo viên và học sinh, hầu hết đều không có bất kì giá trị học tập được chứng minh nào. Tất cả chỉ là thông điệp truyền thông marketing “một cú lừa” của các sản phẩm công nghệ.
Còn thêm một điều nữa: văn hóa thiếu tôn trọng. Không lạ lẫm với “kịch bản” sau tại các trường học con nhà giàu của Mỹ. Giáo viên cố gắng tạo ra một bầu không khí lịch sự và trật tự trong lớp. Cô giải thích rằng cô sẽ không để cho học sinh xen lời nhau hay ngắt lời cô. Khi cô đang nói, một cậu bé ở cuối lớp ợ thật to rồi nói “Ôi, hãy IM ĐI”.
“Các con thấy đấy, đó chính xác là những gì cô đang nói”, giáo viên đáp lại. “Đó là sự ngắt lời khi không được mời nói. Điều đó thật là thô lỗ".
“Ôi, em xin lỗi,” cậu bé nói. “Hãy làm ơn im đi”. Các học sinh khác, cả nữ và nam, đều cười khúc khích.
Đừng nhầm lẫn giữa sự không vâng lời và tính sáng tạo. Không có gì nguyên bản hay sáng tạo về một đứa trẻ hay thanh thiếu niên người Mỹ bảo người lớn “im đi”. Trái lại, hành vi như vậy ngày nay chỉ đơn thuần biểu thị sự hòa nhập với văn hóa thiếu tôn trọng đang tràn lan.
Trong các quốc gia có thành tích cao nhất, học sinh thường coi trọng những gì cha mẹ của mình đánh giá cao, hơn là học sinh ở Mỹ. Giải pháp không phải là cứ mua ngày càng nhiều thiết bị điện tử và màn hình để trường học giống với trung tâm trò chơi điện tử. Giải pháp là thay đổi và định hướng lại văn hóa để học sinh quan tâm đến việc làm hài lòng những người trưởng thành hơn là trông thật ngầu trong mắt các bạn đồng trang lứa.
Trẻ Trâu Nhưng Lại Mong Manh Dễ Vỡ
Julia là một cô bé luôn muốn trở thành số một trong lớp. Cô bé có thể đã thừa hưởng động lực này từ cha mẹ: mẹ là chuyên gia ngân hàng đầu tư, và bố là bác sĩ phẫu thuật. Mọi lúc mọi nơi, cha mẹ rất tự hào về thành tích học tập mà cô bé đạt được từ tiểu học. Cô bé đang theo học trường tư hàng đầu thành phố, một ngôi trường thường xuyên có học sinh tốt nghiệp nhập học ở các trường đại học hàng đầu. Và cô bé là số một trong lớp, nhiều khả năng sẽ trở thành thủ khoa tốt nghiệp.
Cô bé học các khóa Nâng cao (AP) vào năm lớp 9 và đã đạt được điểm A trong tất cả các môn. Đầu năm 11, cô bé quyết định đăng ký AP Vật lý, một môn học mà thường lớp 12 mới học. Cô bé đã tự quyết định rằng việc học AP Vật lý ở lớp 11 chính là điều gây ấn tượng với bạn bè và ban tuyển sinh đại học.
“Con bé luôn luôn đứng đầu, hoặc rất gần vị trí đầu, về mặt học thuật”, mẹ của Julia, bà Jennifer, nói. “Tuy nhiên, đó chỉ là ưu thế nhỏ. Con bé đạt được 99 điểm, trong khi những đứa trẻ khác cũng đạt được 98 hoặc 97. Con bé muốn làm một cái gì để nâng mình lên một đẳng cấp khác. Nó muốn thứ gì đó sẽ khiến nó khác biệt hẳn với những bạn khác, không chỉ trong mắt các nhà tuyển sinh đại học mà trong mắt chính bản thân nó.
Một hôm, tôi về nhà sau giờ làm. Con bé đang ở trong phòng ngủ với cánh cửa đóng kín. Thường thì con bé luôn để cửa mở. Tôi đi đến cửa phòng ngủ, và nghe thấy một điều mà tôi chưa từng bao giờ nghe. Tiếng khóc nức nở. Tôi chưa từng nghe thấy con bé như thế kể từ khi nó còn bé xíu.
Chúng tôi có thuê một gia sư cho con bé, và tôi nghĩ gia sư đã rất hữu ích. Điểm của con bé trong bài kiểm tra tiếp theo là 79. Vẫn không phải là tuyệt vời, nhưng đã tốt hơn. ‘Nhưng con sẽ sẽ nhận điểm C!’, con bé nói. “Có những điều trong cuộc sống sẽ còn tồi tệ hơn việc đạt điểm C môn vật lý”, tôi nói. “Mẹ không hiểu đâu”, con bé nói. Và nó lại tiếp tục khóc.
Và khi tôi đưa con bé đến khám bác sĩ nhi, ông ấy đã kê đơn thuốc Lexapro, 10 miligam. Thuốc có hiệu quả một chút. Nhưng đến Lễ Tạ ơn, con bé dường như bị tuột lại, thu mình hơn, lúc nào cũng ủ rũ. Vì vậy, chúng tôi quyết định đưa nó đến bác sĩ tâm thần. Ông ấy bảo… uống thêm Risperdal”.
Còn rất nhiều câu chuyện tương tự như Julia. Khi Julia phát hiện ra rằng cô bé không thông minh như mình nghĩ, tại sao cô bé lại suy sụp? Câu trả lời trong cả hai trường hợp là những đứa trẻ này rất mong manh. Không mất nhiều thời gian để tụi nhỏ từ bỏ, rút lui, hoặc sụp đổ, như Julia.
Sự mong manh đã trở thành điểm đặc trưng của trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ ở một mức độ chưa từng thấy 25 năm trước. Bằng chứng đầu tiên và rõ ràng nhất là sự gia tăng bất thường trong tỷ lệ thanh niên Mỹ được chẩn đoán và điều trị chứng lo lắng và trầm cảm ngày nay.
Khi gặp phải một vấn đề mà lần đầu chúng mắc phải, chúng dường như đang thiếu một điều gì đó ở bên trong: chính là sức mạnh nội lực mà chúng ta cho rằng những người trẻ tuổi vài thập kỷ trước đương nhiên có, nhưng lại không phát triển ở lứa trẻ ngày nay.
Cuối cùng, có đứa sẽ trốn khỏi thế giới thực, chui vào phòng ngủ của mình để chơi trò chơi điện tử. Lớn lên một chút, những người trẻ với những ước mơ không thành hiện thực, đã từ bỏ, rút lui và trở về nhà để sống với cha mẹ hoặc sống riêng nhưng vẫn được cha mẹ chu cấp. Cách nuôi dạy con của người Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra những đứa trẻ mong manh.
Một phần của câu trả lời nằm trong hệ tham chiếu của người trẻ, và đặc biệt là sự thay đổi từ hệ tham chiếu của người trưởng thành sang hệ tham chiếu của bạn bè cùng tuổi. Thường thì người trẻ đang sống ở nhà, phụ thuộc vào cha mẹ, nhưng không quá quan tâm đến những gì cha mẹ nghĩ về nó. Nó quan tâm nhiều hơn tới những gì bạn bè mình nghĩ. Và tỷ lệ cao rất nhiều người trong số đó đang sống trong nhà của bố mẹ, dành thời gian trên mạng xã hội hoặc làm video về chính họ để tải lên YouTube.
Trẻ em cần coi trọng quan điểm của cha mẹ chúng nhất, ít ra là trong suốt thời thơ ấu và thanh thiếu niên – tất nhiên quy tắc này không thể áp dụng nếu cha mẹ không đủ năng lực, bị bệnh lý hoặc vắng mặt hoàn toàn. Nếu cha mẹ không phải là quan trọng nhất, thì trẻ con trở nên mong manh.
Một mối quan hệ cha mẹ và con cái tốt đẹp là vô điều kiện và chắc chắn. Con gái tôi có thể hét vào mặt tôi, “Con gét bố!”. Nhưng con bé biết rằng sự bột phát của nó sẽ không làm thay đổi mối quan hệ của chúng tôi. Vợ tôi và tôi có thể đình chỉ một số đặc quyền của con bé trong một tuần, nhưng con bé sẽ biết rằng cả hai chúng tôi vẫn yêu nó. Điều đó sẽ không bao giờ thay đổi, và con bé biết điều đó.
Quan hệ bạn bè, ngược lại, bản chất đã mong manh. Julia không thể chịu đựng được ý nghĩ mình không phải là học sinh giỏi nhất. Phần lớn cũng là do cô bé suy nghĩ về cách bạn bè và người xung quanh sẽ nghĩ gì về mình nếu mình không còn là số 1. Khi cô bé không còn là số 1, hay gần với số 1, khái niệm bản thân của cô bé sụp đổ.
Và phương thuốc thích hợp cho Julia không phải là thuốc điều trị tâm lý Risperdal, mà là việc xây dựng một khái niệm khác về bản thân – không phải bắt nguồn từ thành tích học tập phi thường mà là từ tình yêu và sự chấp nhận vô điều kiện mà cha mẹ sẵn sàng dành cho cô bé.
Dạy Con Xây Dựng Khái Niệm Về Bản Thân
Nhiều phụ huynh Mỹ chấp nhận tình trạng trên là hậu quả tất yếu của cuộc sống thế kỷ 21. Nhưng họ đã nhầm. Hiện tượng này – những đứa trẻ coi trọng mối quan hệ với bạn bè cùng tuổi, hoặc các môn thể thao, hoặc chuyện học tập, hoặc các hoạt động sau giờ học, trên cả mối quan hệ của chúng với cha mẹ, xảy ra phổ biến hơn nhiều ở Bắc Mỹ so với những nơi khác.
Hầu hết trẻ em ở Ecuador, Argentina và Scotland vẫn mong muốn được dành thời gian rảnh rỗi với cha mẹ, ông bà, cô dì và chú bác, giống như hai thế hệ trước. Như một người Scotland đã nói với tôi “Chúng tôi không thể nghĩ nhiều về ‘các thế hệ’. Chúng tôi thích làm mọi thứ cùng nhau”.
Tất cả chúng ta, với tư cách là cha mẹ, cần đặt ra tầm quan trọng của mối quan hệ cha mẹ – con cái cao hơn so với mối quan hệ bạn bè, cao hơn việc học thuật và cao hơn các hoạt động khác. Làm thế nào để thực hiện điều đó?
Một chiến lược đơn giản là sắp xếp các kỳ nghỉ chỉ dành cho gia đình. Khi con gái bạn hỏi liệu cô bé có thể mang người bạn thân nhất của mình đi cùng không, câu trả lời phải là KHÔNG. Nếu bạn thân đi cùng, thì con gái bạn sẽ dành một phần lớn khoảng thời gian trong kỳ nghỉ để chơi với bạn. Mục đích chính của kỳ nghỉ gia đình nên là tăng cường sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái, chứ không phải để cho bọn trẻ thêm cơ hội đi chơi với nhau.
Thậm chí đơn giản hơn là tạo ra các thói quen hàng tuần, chẳng hạn như cha mẹ con cái cùng đến một quán cà phê gần nhà. Đi bộ cùng nhau đến quán cà phê, nếu gần, là một cơ hội tốt để nói chuyện và lắng nghe bất cứ điều gì con bạn có thể muốn nói. Bữa ăn tối gia đình, buổi đi xem phim cả nhà và thậm chí là những lần đi xe ô tô cùng nhau đều là cơ hội củng cố mối quan hệ này.
Trong mọi sắp xếp của bạn dành cho con mình, hãy cố gắng để kết nối với người lớn trở thành ưu tiên cao hơn so với kết nối với bạn cùng tuổi, hoặc học tập, hoặc các hoạt động sau giờ học. Ưu tiên gia đình và những người lớn thân thiết trong cuộc sống của con bạn. Nếu bạn có cơ hội ở gần ông bà, cô, dì, chú, bác của chúng, hãy làm điều đó. Bạn muốn cho con bạn một góc nhìn khác. Bạn muốn kết nối con cái với văn hóa của bạn. Nhiệm vụ đó ngày nay khó hơn nhiều so với trước, nhưng tuyệt đối không được buông lơi.
Một phần nhiệm vụ làm cha mẹ là cần giáo dục về khát vọng. Để dạy con bạn vượt lên khỏi việc “làm gì tùy thích”. Để tận hưởng, và muốn tận hưởng, những thú vui còn cao hơn và sâu sắc hơn các trò chơi điện tử và mạng xã hội. Những niềm vui đó có thể được tìm thấy trong cuộc trò chuyện với những người lớn khôn ngoan; hoặc trong thiền định, cầu nguyện, hoặc chiêm nghiệm; hoặc trong âm nhạc, khiêu vũ, hoặc nghệ thuật.
Sự gắn bó giữa cha mẹ và con cái phải là ưu tiên hàng đầu. Bạn phải dạy cho con bạn những giá trị của bạn, thay vì để mặc cho chúng tiếp nhận một cách nghiễm nhiên những giá trị được thúc đẩy bởi văn hóa Mỹ đương đại – một nền văn hóa khẳng định tính “ưu việt” của nó trong trái tim của trẻ em Mỹ là Internet và điện thoại di động.
Ngày càng phổ biến chuyện một đứa trẻ 9–10 tuổi người Mỹ có điện thoại di động riêng, nói chuyện với bạn bè hoặc nhắn tin cho chúng. Trong cách nghĩ của chúng, bạn bè dường như biết nhiều điều quan trọng hơn bố mẹ. Trẻ con càng dành nhiều thời gian để kết nối với bạn bè, chúng càng có xu hướng tìm đến bạn để được chỉ dẫn điều gì quan trọng và điều gì không.
Nhưng bạn bè của chúng, nói nhanh gọn, vẫn chỉ là… trẻ con. Công nghệ và các thiết bị tiếp tục chia cách các thế hệ và làm suy yếu thẩm quyền của cha mẹ.
Hãy xem xét một quả sồi. Vỏ ngoài cứng ngăn nó phát triển cho đến khi thích hợp. Nếu bạn đập vỡ vỏ quá sớm, bạn sẽ không kích thích sự phát triển của cây mới. Bạn chỉ có một quả sồi chết. Giống như với quả sồi, chìa khóa cho sự phát triển lành mạnh của trẻ là làm đúng việc vào đúng thời điểm.
Suốt thời thơ ấu và tuổi thiếu niên, sự gắn bó chính của một đứa trẻ nên là với cha mẹ. Nếu một đứa trẻ có sự gắn bó chính yếu với cha mẹ từ khi còn nhỏ đến tuổi thiếu niên, thì khi đứa trẻ trở thành người lớn, mối liên kết đó sẽ phát triển tự nhiên. Một quả sồi sẽ tự nhiên mở ra vào đúng thời điểm để một cây mới có thể phát triển. Một đứa trẻ như vậy, một khi trở thành người lớn, sẵn sàng hướng ra thế giới như một thanh niên độc lập.
Cha mẹ phải lấy lại vị trí trung tâm trong cuộc sống của con cái họ, thay thế vị trí của bạn bè cùng tuổi. Những người bạn cùng tuổi rất tốt cho con bạn. Nhưng con bạn phải có sự trung thành hàng đầu đối với bạn, không phải là với bạn thân.
Văn hóa đương đại của nhắn tin, Instagram, Snapchat, YouTube, Twitter, Facebook và các trò chơi điện tử trực tuyến đã che giấu sự thật nền tảng này, làm thúc đẩy và tăng tốc sự chuyển giao lòng trung thành quá sớm sang cho các bạn cùng tuổi.
Tại sao trẻ em Mỹ ngày nay học hành tụt dốc, trông thì có vẻ cool ngầu trẻ trâu nhưng thật ra là rất mong manh dễ vỡ? Lý do cơ bản là sự phá vỡ liên kết giữa các thế hệ, khiến cho trẻ em ngày nay coi trọng ý kiến của bạn bè cùng tuổi hoặc các khái niệm về bản thân do chính chúng tự xây dựng, hơn là quan tâm đến ý kiến tốt của cha mẹ và những người lớn khác.
Kết quả là một sự sùng bái thành công, bởi vì thành công là cách dễ nhất để gây ấn tượng với bạn bè và chính bản thân. Nhưng sự sùng bái thành công chỉ khiến đứa trẻ gặp phải thảm họa khi thất bại xảy ra, như chúng ta đã thấy trong câu chuyện của Julia. Và thất bại sẽ đến, không sớm thì muộn.
Thất bại đến với tất cả chúng ta. Sự sẵn sàng để thất bại, và sau đó bước tiếp mà không mất đi nhiệt tình, là một dấu hiệu của tính cách. Đối lập của mong manh là sự sẵn sàng thất bại.
Khi những đứa trẻ được đảm bảo an toàn trong sự chấp nhận vô điều kiện của cha mẹ, chúng có thể tìm thấy can đảm để mạo hiểm và thất bại. Khi những đứa trẻ đánh giá cao ý kiến của bạn bè hoặc nhận thức của bản thân hơn so với ý kiến của cha mẹ, chúng sẽ không còn sẵn sàng để thất bại. Chúng trở nên mong manh.
Thiết lập lại uy quyền của bố mẹ đôi khi đơn giản là sự nhận thức đặt cái gì và không đặt cái gì – hoặc đặt có chừng mực – vào trong tay trẻ.
(Trích Sự Sụp Đổ Của Nghề Làm Cha Mẹ)
Nguồn tham khảo:
Thầy Lê Hiếu: https://www.facebook.com/photo/?fbid=10101584120686611&set=a.782855694121
Jul 05, 2023