Làm Phụ Huynh Kiểu Gì, Để Tụi Nhỏ Thành Công?

Một chuyến bay không dài từ Raleigh lên Boston nhưng cũng vừa đủ để mình khép lại những chương cuối của cuốn sách Grit – Tính lì đòn (Angela Duckworth), mà đọc mãi mấy tuần mới hết, không phải vì lười mà là vì từng trang sách cứ như đang đồng điệu với chính bản thân.

“Hàng bao thế hệ nhà tâm lý học đã tốn nhiều thập kỷ để tìm kiếm bí mật của thành công, và Angela Duckworth chính là người tìm ra câu trả lời”. Một trong những nhà tâm lý học hàng đầu, Daniel Gilbert, đã ghi lời tựa như thế cho cuốn sách này.

Trong chuyến bay hôm nay, có một trang đọng lại rõ nhất với một sơ đồ đơn giản, “tuy nhỏ nhưng có võ”, như gói ghém lại hết những gì mình cũng đã tận mắt trải nghiệm. Dõi theo cả hơn 5,000 học sinh trong gần chục năm, có đứa theo nó từ năm lớp 7 đến khi nó vào đại học, kèm theo trải nghiệm của chính bản thân, cũng đủ cho mình cái “trực giác” lờ mờ về điều mà Angela đã nghiên cứu ra.

Giờ đây, đành “mượn tay” cao thủ như Angela Duckwork, mình có nói lên thì cũng không bị bắt bẻ là “lên mặt dạy đời” hay “chưa có con mà cũng đòi phán”.

Vì thích quá mà ngồi trên máy bay, tay chân ngứa ngáy, lấy giấy báo, bút viết, máy tính ra nguệch ngoạc cho có tí ngộ nghĩnh, chủ yếu là chuyển sang tiếng Việt cho bà con dễ hiểu.

Và đây là 4 “xì-tai” làm phụ huynh mà có lẽ ai trong các ông bố bà mẹ cũng sẽ tìm thấy mình ở đâu đó: có khi thì là ô này, có lúc là ô kia, hoặc muôn đời vẫn “bền vững” trung thành một ô.

Điều mà nhiều bố mẹ có thể không ngờ tới đó là: 4 phong cách tưởng chừng đơn giản, dễ hiểu này lại có một hệ lụy lâu dài và nhiều khi quyết định cả cuộc đời của con.

Bốn Phong Cách, Mỗi Người Một Vẻ.

1. Phụ huynh thờ ơ – “Con cứ làm gì mà con thích”

Bố mẹ kiểu này thường chỉ đề ra vài luật lệ và chẳng bao giờ kiểm soát, cũng ít khi nào chịu đồng cảm, thấu hiểu con để hỗ trợ con kịp thời. Bố mẹ chỉ đáp ứng đủ những nhu cầu cơ bản của mấy đứa trẻ và gần như tách biệt, mỗi ngày một xa chúng. Với những thứ mà đứa trẻ cần học hay làm – từ chuyện nhỏ như việc trong nhà đến chuyện lớn như thi cử - thì bố mẹ… phớt tỉnh Ăng lê: Thôi kệ, nhiêu đó được rồi. Thậm chí, nhiều khi bố mẹ còn chẳng thèm đoái hoài gì tới hoặc khước từ những nhu cầu của con.

2. Phụ huynh dễ dãi – “Bố mẹ hoàn toàn tin tưởng là con sẽ chăm ngoan”

Phong cách này thì cũng giống như trên, ở chỗ bố mẹ không đặt ra quá nhiều luật lệ và quy định, mà cũng chẳng buồn kiểm soát. Khác ở chỗ là bố mẹ rất chịu khó lắng nghe, khuyến khích và đồng cảm với con. Nói chung là bố mẹ theo kiểu nuông chiều, lúc nào cũng mong mang lại cho con những điều tốt đẹp nhất. Vì vậy, bố mẹ thường xuyên vì con mà “nới lỏng” những yêu cầu cao, vì sợ con mệt, sợ con ốm, sợ con chán, sợ con… không thích.

3. Phụ huynh độc đoán – “Con phải làm y như bố mẹ bảo”

Kiểu này thì đúng là Hitler thứ thiệt, đối ngược 100% với phong cách dễ dãi ở trên. Phong cách này thì đừng nói đến cái gì là thấu hiểu hay đồng cảm, khuyến khích hay lắng nghe tâm tư nguyện vọng cả. Chỉ có một rừng điều lệ, điều lệ và điều lệ, kèm theo đó là việc kiểm soát gắt gao, mà không cần mảy may cho một lời giải thích hay đối thoại với tụi nhỏ.

4. Phụ huynh thông thái

Bố mẹ thông thái là khi sự uy nghiêm không phải xuất phát từ quyền lực, mà là từ kiến thức và trí tuệ, khi phụ huynh thấu hiểu và đồng cảm sự phát triển nhu cầu tâm sinh lý của con qua từng giai đoạn. Đồng thời, phụ huynh cũng không dễ dãi trong chuyện học và chơi của lũ trẻ, để chúng cũng không được dễ dãi với chính bản thân. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa một Hitler và một Mẹ Theresa, như cụm từ “Kỷ luật trong bao dung” mà mình đã có lần chia sẻ.

LÀ… Kết Quả "Tình Cờ" & "Bất Ngờ"

Phụ huynh thờ ơ thì con cái hay ngỗ ngược, hành động theo cảm tính, phát triển nhiều thói hư và lâu dài dễ gây ra nhiều lỗi sai nghiêm trọng, còn trong chuyện học thì cũng thờ ơ giống phụ huynh, 2-3 điểm cũng không sao, vì học chi cho mệt, bố mẹ có bắt đâu.

Phụ huynh dễ dãi thì con cái cũng hành động theo cảm tính vì cũng chẳng có luật lệ gì mấy, và tuy là con được quan tâm nhưng cũng dễ dãi với mọi thứ, chưa nói đến là sẽ thường ích kỷ vì được nuông chiều.

Phụ huynh độc đoán thì có thể con cái sẽ học hành rất tốt nhưng thường là chỉ trong một giai đoạn khi chúng còn trẻ con và ngoan ngoãn nghe theo lời bố mẹ. Khi chúng đã đủ lớn sẽ là một sự “tức nước vỡ bờ” và đôi khi là một sự tụt dốc không phanh vì đã quá mệt mỏi, khi bao nhiêu năm qua chỉ có luật lệ mà thiếu đi sự lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm và tâm tình.

Điều đáng nói ở đây không phải chỉ là những lời miêu tả suông miệng, “chém gió” kiểu triết lý mà “khỏi nói, tôi cũng biết”. Điều đáng nói là cái nghiên cứu tiến hành ở hầu hết các quốc gia trong tất cả giai đoạn phát triển của trẻ suốt nhiều năm qua đều phát hiện ra một kết quả thống nhất là:

Bất chấp là giới tính của đứa trẻ, chủng tộc nào, tầng lớp xã hội, thu nhập ra sao, hay tình trạng hôn nhân của phụ huynh là gì, thì những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi bố mẹ thông thái đều có kết quả học tập vượt trội ở các bậc học, tự chủ và kiểm soát bản thân tốt hơn, ít gặp phải những cảm giác hoang mang, lạc long hay trầm cảm, và sẽ ít có xu hướng phát triển những thói hư tật xấu và tính cách loạng choạng.

Chắc Gì Bố Mẹ Đã Thông Thái?

Có một điều cũng hơi ngộ là không ít bố mẹ thường nghĩ rằng mình thuộc dạng phụ huynh thông thái, nhưng nhiều khi cảm nhận của họ và của lũ trẻ lại là một… khoảng cách xa vời, “bắn đại bác chưa chắc tới”.

Thay vì tự đánh giá bản thân, có lẽ bố mẹ nên lắng nghe xem tụi nhỏ nói gì về phụ huynh thông thái nhé, và đó cũng chính là điều mà các nghiên cứu giáo dục, tâm lý chỉ ra là bố mẹ nên hướng tới.

Con cái của phụ huynh THÔNG THÁI thường nghĩ là…

… bố mẹ chúng yêu cầu cao khi:
- Bố mẹ mong đợi tôi tuân theo nguyên tắc trong gia đình.
- Bố mẹ không dễ dàng phớt lờ những lỗi sai phạm của tôi.
- Bố mẹ thường chỉ ra cách để tôi có thể tiến bộ hơn.
- Khi tôi làm sai, bố mẹ sẽ có một hình phạt phù hợp.
- Bố mẹ tôi mong đợi tôi sẽ làm hết mình, thậm chí khi đó là một việc rất khó.

… bố mẹ chúng khuyến khích khi:
- Tôi có thể tin tưởng nhờ bố mẹ giúp đỡ khi gặp vấn đề.
- Bố mẹ thường dành thời gian trò chuyện, tâm sự cùng tôi.
- Bố mẹ và tôi thường cùng nhau giải trí, vui chơi.
- Bố mẹ thường muốn tôi kể cho nghe những vấn đề của tôi.
- Bố mẹ động viên tôi tiếp tục cố gắng khi tôi làm tốt một việc.

… bố mẹ chúng thấu cảm khi:
- Bố mẹ tin là tôi được quyền có chính kiến của riêng mình.
- Bố mẹ không phải lúc nào cũng cho là mình đúng.
- Bố mẹ tôn trọng sự riêng tư cá nhân và quyền tự do của tôi.
- Bố mẹ không phải lúc nào cũng quyết định giùm tôi hết.

Và nếu như xung quanh một đứa trẻ, ngoài những phụ huynh thông thái còn có những bạn bè và thầy cô thông thái thì đó sẽ là một điều thật sự may mắn cho đứa trẻ ấy.

Nhưng Vẫn Còn Thiếu ... Một Chút

Vẫn còn một yếu tố quan trọng nữa cho thành công của đứa trẻ, mà chưa chắc phụ huynh, thầy cô và cả bạn bè thông thái đã có. Đó chính là… TÍNH LÌ ĐÒN - GRIT, như tựa đề cuốn sách.

Để hiểu tính lì đòn là gì và vì sao nó lại quan trọng đến mức giờ đây đã có nguyên một viện nghiên cứu dưới sự lãnh đạo của Angela Duckworth để xây dựng TÍNH LÌ ĐÒN cho trẻ, thì phụ huynh tìm đọc cuốn sách này nhé.

Còn mình thì đang vừa tiếc hụt vì cách đây 4 tuần đã bị lỗi hẹn do lịch bận đột xuất của Angela, vừa đang ôm ấp hy vọng sẽ có một cuộc gặp khác để được “đối ẩm” với Angela về ý tưởng “điên rồ” của mình. Hy vọng khi đó, ngoài những gì học được từ trong cuốn sách, sẽ có thêm những “vũ khí bí mật” để chia sẻ và cùng nhau giúp lũ trẻ chúng ta được LÌ ĐÒN hơn, và lớn lên trong vòng tay của những phụ huynh vừa THÔNG THÁI vừa LÌ ĐÒN.

Có kiến thức hay “bí kíp” gì thì không bao giờ mình tiếc chia sẻ, nhưng chủ yếu là bố mẹ có chịu đọc và hiểu, để rồi thay đổi vì lũ trẻ hay không, hay suốt ngày vẫn cứ “sân si” chạy theo tiếng gọi của những thứ hào nhoáng, ganh đua, thị trường nghe đâu chừng rất “thông thái”, mà quên mất điều quan trọng nhất dẫn đến thành công chính là… TÍNH LÌ ĐÒN.

Để gợi mở, Angela đưa ra 4 yếu tố tạo nên TÍNH LÌ ĐÒN mà cô ta đã quan sát được trong hơn hàng nghìn con người thành công ở các môi trường giáo dục, thể thao, nghệ thuật, nghiên cứu, kinh doanh, công việc…

- Sở thích được tò mò, khám phá
- Luyện tập, luyện tập và luyện tập
- Mục đích lớn không phải vì bản thân
- Và… hy vọng là nỗ lực sẽ đem đến thành công.

Angela đã nói vậy, thì mình cứ HY VỌNG là bố mẹ – và cả thầy cô – sẽ chịu LÌ ĐÒN thay đổi vì một lũ trẻ cần… LÌ ĐÒN.

— feeling inspired in Boston, MA, United States.

Nguồn tham khảo: Thầy Hiếu

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10101210339242621&set=t.37007161


Jul 22, 2023

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email