Mã số tài năng
3 Câu Hỏi Lớn
Vì sao một câu lạc bộ tennis ở Nga, gần như không một đồng xu dính túi, chỉ với một cái sân tập trong nhà, lại có thể đột nhiên tạo ra nhiều vận động viên tennis nữ nằm trong Top 20 thế giới hơn cả số lượng từ một nước Mỹ hoành tráng, rộng lớn, nhiều tiền lắm của?
Vì sao một lớp học âm nhạc bình dân, vốn chỉ là một cửa tiệm ven đường, ở Dallas, Texas lại có thể cho ra lò một chuỗi hiện tượng như Beyonce, Demi Lovato, Jessica Simpson, và một số lượng lớn những giọng ca bước vào vòng chung kết của American Idols?
Vì sao một gia đình nghèo rớt mùng tơi và gần như là “vô học” ở một làng quê nước Anh lại có thể sản sinh ra 3 nhà văn kỳ tài của thế giới, với những tác phẩm thuộc vào hàng kinh điển – chị em nhà Bronte?
Và 3 câu hỏi tưởng chừng như là cá biệt riêng lẻ đó lại là điển hình cho những hiện tượng “vĩ mô” hơn.
Vì sao Vienna ở thế kỷ 19 lại có thể cho ra lò một rừng cái nhà soạn nhạc tài ba mà các tác phẩm của họ đến giờ vẫn còn sức sống bất diệt?
Vì sao thời kỳ Shakespeare ở Anh lại cho ra hàng loạt cây bút cừ khôi hơn bất kỳ một giai đoạn nào khác?
Vì sao trong thời Phục Hưng ở Ý, một thành phố chỉ với 70,000 dân như Florence đang ngủ vùi lại đột nhiên bùng nổ vô tiền khoáng hậu những thiên tài về nghệ thuật, điêu khắc, kiến trúc?
Những tài năng này đến từ đâu và phát triển bằng cách nào mà bỗng chợt, những cái tên vô danh từ nơi xó xỉnh, khỉ ho cò gáy, lại có thể, trong một ngày đẹp trời ất ơ, khiến cả thế giới... ngoái nhìn và ngả mũ?!
Bố Mẹ Thời Nay
Ngày nay, không ít bố mẹ nuôi dạy con đều muốn con mình có tài năng, và họ sẵn sàng đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức để nuôi dưỡng cái ước mơ ấy trong con – mà nhiều khi trong bố mẹ thì đúng hơn. Thế nhưng, có lẽ cũng không ít bố mẹ có thể hiểu được: Tài năng đến từ đâu, và đâu mới là MÃ SỐ của tài năng?
Có lẽ cuốn sách The Talent Code – Mã Số Tài Năng – sẽ góp một phần lời giải cho câu hỏi đã làm nhức đầu bao nhiêu ông bố bà mẹ, thầy cô và nhà trường. Và ai có một ước ao, khát khao về tài năng thì cũng nên biết được cái gốc rễ này một chút, để không phải tốn tiền của, thời gian, tâm huyết, chỉ để rồi một ngày nào đó “té ghế” trong phũ phàng…
Đây có lẽ là một trong những cuốn sách về khoa học thần kinh có dính líu tới giáo dục mà mình thích nhất. Nó như củng cố thêm cho niềm tin sắt đá về những điều bản thân đang miệt mài theo đuổi cho chính mình, cho tụi nhỏ và cho nhân viên, đồng nghiệp. Nó còn giúp cho thêm bao ý tưởng để đưa vào những lớp học nhỏ nhỏ xinh xinh mỗi ngày, bất chấp miệng đời dị nghị và đôi mắt mù mờ của bao người chưa hiểu.
Vì chỉ cần mình hiểu điều đang làm cho lũ trẻ chính là đóng góp gì vào cái MÃ SỐ tài năng của riêng mỗi đứa, như vậy đôi khi đã là quá đủ để kiên định bước tiếp. Còn lại thì có lẽ chục năm sau người ta mới thấy và mới hiểu. Thôi thì cứ tự nhủ bản thân như ngày xưa vẫn thường hay được dạy: Vạn sự khởi đầu nan.
Mã Số Tài Năng
Nhà tâm lý học Anders Ericsson có thể được xem là cha đẻ của thuyết 10,000 giờ: Để thành “chuyên gia” của một kỹ năng nào, mỗi người cần 10,000 luyện tập kỹ năng đó. Thế nhưng, khoa học thần kinh, với sự phát hiện đáng được liệt vào hàng SỐC của một chất dịch trong não, đã bồi thêm như sau:
Để thành một chuyên gia tầm cỡ thế giới ở một kỹ năng nào thì đó là kết quả của: 10,000 giờ luyện tập x Myelin.
Vậy myelin là gì?
Nói một cách đơn giản dễ hiểu nhất có thể, mỗi lần chúng ta học một điều gì đó thì có nghĩa là vài chú nơron thần kinh đang được bắc cầu trong đầu. Còn nàng Myelin này chính là cái sợi dây sinh ra là để ôm ấp, bao bọc những kết nối ấy, để cho chúng bền vững hơn qua tháng năm. Mỗi lần chúng ta tương tác với một kiến thức hay những tình huống trong học tập, công việc và cuộc sống, nàng Myelin này chính là người cầm trịch, kiểm soát và quyết định tốc độ phản ứng của não có nhanh gọn nhẹ hay không.
Bất cứ một kỹ năng nào, muốn giỏi và thành “chuyên gia”, đều phải qua bàn tay của Myelin. Nàng Myelin chẳng hề kỳ thị hay phân biệt là bạn đang học toán, làm văn, tập nhảy, đánh đàn, vẽ vời, tính toán hay luyện thanh gì cả. Nó chỉ bình đẳng, vô tư bao bọc những kết nối thần kinh, và một khi đã bọc thì nó không bị gỡ đi, chỉ trừ khi là do bệnh tật hay tuổi già mà thôi.
Một khi Myelin đã sinh ra, nó sẽ “trùm chăn” và không bao giờ “cởi chăn”, để bảo vệ một kỹ năng gì đó. Nó như là con đường cao tốc một chiều. Càng đi nhiều, thì “xe não” càng chạy nhanh, đầu óc càng nhạy.
Tất cả đều là đa tạ nàng Myelin, được mệnh danh là MÃ SỐ của tài năng.
Vậy làm sao để não sinh ra mã số tài năng? Có 3 hạt giống sau.
a. Luyện sâu
Cái cần lưu ý nhất trong 2 chữ này không phải là chữ LUYỆN mà là chữ SÂU. Vì chính cái chữ SÂU này mới phân biệt được vì sao có nhiều người dành bao thời gian để học mà vẫn không giỏi; còn có người chỉ dành ít thời gian hơn rất nhiều nhưng lại quá siêu, trong khi đó nếu làm bài kiểm tra IQ thì chưa chắc nhóm dành thời gian ít hơn lại thông minh “vốn sẵn tính trời” hơn.
Luyện SÂU khác với phần lớn luyện NÔNG là ở chỗ: Luyện sâu không đòi hỏi sự hoàn hảo, không cần “đánh nhanh thắng nhanh”, không cần “nhảy cóc, ôm đồm”. Nó chỉ đơn giản là luyện tập những bước đi chập chững, từ từ như một đứa trẻ mới biết đi: đi một chập lại té, té xong lại ngó nghiêng, rồi đứng dậy, nhìn quanh, rồi lại bước tiếp, lần này cẩn thận hơn chút, nhưng rồi lại té nữa, tiếp tục đứng dậy, nhìn quanh, bước tiếp,… Cứ thế không biết khi nào dừng, “vật vã” từng bước chỉ để nhích đi từng bước, nhưng tất cả là sự tự thân vận động ĐI – NGÃ – ĐỨNG DẬY – NHÌN QUANH – LẠI ĐI…
Luyện SÂU về bản chất là sự chiến đấu, vật lộn ở ngay ranh giới của khả năng mỗi người, nơi mà mình sẽ làm bị sai nhiều lỗi nhất, và té ngựa nhiều nhất. Nhưng chính nhờ vậy, cái quá trình tập đi mới tạo ra nhiều myelin nhất. Và thật tình cờ nhưng cũng thật bất ngờ, chính myelin mới làm một người thông minh hơn, vượt ra ngoài cái DNA trời ban có sẵn.
Đó cũng là lý do vì sao mà có nhiều người học trong nhiều năm chỉ bị xem như là “trẻ con” so với dàn siêu sao, nhưng chúng cứ cần mẫn như rùa, đi rồi té, té rồi đứng, đứng rồi nhìn, nhìn rồi sửa sai, rồi lại đi,… để rồi một ngày đẹp trời, chúng bất chợt bỏ xa dàn siêu sao chỉ suốt ngày đâm đầu chạy mà không hiểu vì sao phải chạy. Dàn siêu sao ấy cứ ngỡ rằng chạy nhanh như thế là hay, và bố mẹ chúng cũng thường mừng húm, tưởng rằng như thế mới là thông minh.
Myelin – mã số tài năng – vốn dĩ là một cuộc vật lộn sinh học, khi mà não cứ bắn ra là mắc lỗi, mắc lỗi rồi lại soi mói cái sai, soi mói rồi lại bắn tiếp, rồi lại mắc lỗi. Và nàng myelin thường chỉ thích “kết duyên” cùng những cuộc chạy marathon bền bỉ, hơn là chạy 100 mét ào ào.
Đó là lẽ vì sao mà một đứa trẻ học trong 6 phút lại có thể ngang ngửa với công sức học 1 tháng của những đứa trẻ khác – một đứa thì vật lộn với giới hạn của não, còn một nhóm thì chỉ là làm đi làm lại những điều chúng quen làm và làm ào ào.
b. Bật lửa
Nếu như LUYỆN SÂU là một quá trình kiên nhẫn, từ từ, có ý thức và khá “nguội lạnh”, thì BẬT LỬA là một sự thức tỉnh nóng bừng, dữ dội và có phần… bí hiểm. Một khi mã số tài năng được bật lửa, nó giống như một bông hoa Bồ Công Anh, một hơi nhẹ thổi bùng cũng có thể sinh ra muôn vàn bông hoa khác, bay cao và vươn xa, phát tán muôn nơi.
Trong một thí nghiệm khá đơn giản, các nhà nghiên cứu hỏi lũ trẻ trước khi chúng bắt đầu buổi học đầu tiên với một môn học mới toanh: Con nghĩ là con sẽ chơi nhạc cụ này bao lâu? Từ đó, họ chia chúng ra thành 3 nhóm: nhóm nhìn gần (hết năm học), nhìn trung (hết tiểu học), và nhìn xa (hết cấp 3, hoặc suốt cả đời). Sau đó, họ tiếp tục dõi theo mật độ luyện tập của lũ tẻ, cũng phân thành 3 nhóm: ít (20 phút một tuần), vừa (45 phút một tuần), nhiều (90 phút một tuần).
Và họ đã phát hiện ra một sự chênh lệch… khủng: Nhóm nhìn xa vượt trội hẳn nhóm nhìn gần khoảng… 400%. Nhóm nhìn xa, chỉ với 20 phút một tuần, đã vượt xa nhóm nhìn gần dù nhóm “cận thị” có luyện 90 phút một tuần đi nữa. Còn khi Nhìn Xa ghép đôi với Luyện Nhiều, thì kỹ năng của chúng cứ gọi là… vút thẳng lên trời cao, và đám lao nhao còn lại thì không bao giờ theo kịp.
Và việc này lại không có liên quan gì mấy tới trí thông minh trời ban, mà chỉ là bàn tay "ma quái” của nàng Myelin đứng sau cánh gà.
Vậy cái BẬT LỬA cho mã số tài năng không phải là gen hay trí thông minh di truyền, mà là một ý tưởng nhỏ nhoi nhưng cực kỳ mạnh mẽ: cái nhìn về phiên bản tương lai của mình. Chính cái nhìn đó mới vạch lối và dẫn đường cho toàn bộ những hành động, năng lượng, sự chú tâm và sự vươn dậy, trở mình.
BẬT LỬA này nhiều khi đến từ môi trường bên ngoài: là gia đình, là khu phố, là thầy cô hay những người quen chúng thường tương tác. Nó cứ ngấm ngầm, im mà hiểm, vô thức “đốt cháy” tiềm thức của học sinh: Tôi cũng muốn được như họ. Tuy chỉ là tiềm thức thôi, nhưng nó lại có sức mạnh kinh khủng hơn cả nhận thức. Dù gì thì nhận thức cũng chỉ có thể xử lý được 40 đơn vị thông tin trong một giây, còn tiềm thức thì lại có thể nghiền được khoảng… 11 triệu đơn vị thông tin.
Và cái ý tưởng về thì tương lai này, dù chỉ là trong vô thức, lại có thể mở toang cửa cho năng lượng ào ào tuôn ra, để một đứa trẻ có thể “thăng hoa” với bất cứ một hoạt động nào: đọc sách, viết lách, vẽ vời, chơi đàn, luyện thể thao, hát múa, làm toán,… Chính vì vậy, nhà thơ W. B. Yeats mới có câu: "Giáo dục không phải là đổ đầy một cái xô, mà là nhóm lên một ngọn lửa". Và Socrates cũng nói tương tự, chỉ là thay cái xô bằng… cả con tàu.
Có lẽ người xưa nghe qua thì tưởng nói suông, kiểu châm ngôn ngạn ngữ, nhưng hóa ra họ lại đi trước cả thời đại, nói lên điều mà cả trăm năm sau, khoa học mới vỡ ra, còn nhà nhà thì có khi còn đang… mê muội.
c. Người dạy “Lỗi lạc”
Nghe qua hai chữ LỖI LẠC, chắc ai cũng ngỡ rằng người dạy ra những tài năng ấy phải là người xuất chúng, chèo lái cả một con tàu hoành tráng, hay cầm đầu lãnh đạo một tổ chức lộng lẫy nguy nga. Ngược lại, họ thường có DÁNG VẺ và cái CHẤT của một người nông dân, làm vườn: cẩn thận, tỉ mỉ, bình dân, kỷ luật. Cái họ đang gieo trồng không phải là điểm số, huy chương, giải thưởng, mà là gieo trồng và vun xới, nuôi dưỡng… myelin.
Một nghiên cứu của Đại học Chicago với hơn 120 nghệ sỹ piano, tay bơi lội, vô địch tennis, toán học gia, nhà thần kinh học, nghệ nhân điêu khắc,… hàng đầu thế giới đã phát hiện ra một sự thật khá sốc: Những tài năng hàng đầu thế giới đó đều “khởi nghiệp” với những giáo viên dường như rất… TRUNG BÌNH.
Nhưng rồi, đội nghiên cứu cũng nhận ra: Những giáo viên này thật sự không phải là dạng thường, mà họ chỉ là… “ĐỘI LỐT” trung bình. Bởi vì cái năng lực quan trọng, xuất sắc nhất nhưng lại thuộc hàng hiếm mà họ có được thì không bao giờ xuất hiện trong những thang cân đo đong đếm năng lực giảng dạy thường thấy.
Họ thành công vì họ đã CHẠM được vào cái yếu tố số hai ở trên của mã số tài năng: BẬT LỬA.
Họ tạo ra và duy trì được động lực cho học sinh. Họ dạy học trò về “tình yêu”: yêu những gì chúng làm, yêu người dạy của chúng, và yêu cách học của chúng. Họ “móc cá” được vào đầu học sinh, khơi dậy ở chúng sự tò mò, hứng thú với những điều mới và cả những điều tưởng chừng như đã cũ, và thôi thúc chúng một cách tự nhiên “thèm khát” tìm tòi và nỗ lực.
Họ có cái nhìn sâu sắc về việc học và năng lực học của học trò, biết đâu là giới hạn của học sinh và cách đưa chúng đi qua những giới hạn ấy, chứ KHÔNG bằng lòng với những điều tưởng chừng như đã là “xuất sắc”. Họ đưa học sinh “DẤN THÂN” mỗi ngày một sâu vào bất cứ tài liệu, kiến thức nào, bằng nhiều con đường khác nhau. Và trong quá trình đó, họ đã tạo ra muôn vàn kết nối trong đầu học sinh – những nàng myelin được đẻ ra và “không bao giờ” chết.
Họ nghiêm khắc nhưng yêu thương. Họ khó khăn, moi móc lỗi của học sinh, nhưng kiên nhẫn đợi chờ học trò sửa sai. Họ có chuẩn mực về đạo đức nghề và đạo đức người rất cao, nhưng họ cũng kết nối gần gũi, sâu sắc với học trò.
Và họ làm một điều rất quan trọng: Họ tự làm cho chính mình càng ngày càng… thừa thãi. Vì họ giúp cho học sinh mỗi ngày càng ít dựa dẫm vào người dạy. Họ giúp học sinh tự học, và tự tạo ra… myelin – MÃ SỐ của TÀI NĂNG.
Nói gì thì nói, tóm lại là ...
Carol Dweck, người “đẻ ra” Growth Mindset – Tư duy phát triển, chốt hạ là tất cả những lời khuyên về nghệ thuật làm cha mẹ có thể chắt lọc thành 2 nguyên tắc cơ bản:
- Để ý xem con trẻ thích thú và đam mê về điều gì
- Khen ngợi những nỗ lực của chúng
- Khen ngợi những nỗ lực của chúng
Còn Angela Duckwork, chuyên gia về Grit – Tính lì đòn, thì lại có một lời khuyên đơn giản như sau: "Bạn không thể trở nên xuất chúng ở thứ mà bạn không thích và không đam mê".
Có lẽ dù là ai và nói gì đi nữa, là một nhà nghiên cứu tài ba hay là một câu châm ngôn ngạn ngữ do ông bà ta để lại, tất cả đều một cách nào đó, dù vô tình hay cố ý, đã động chạm đến MÃ SỐ của TÀI NĂNG: Myelin.
Và để có Myelin, có lẽ điều quan trọng nhất là cần kiên tâm theo đuổi những điều tưởng khó mà dễ, dễ hóa ra lại khó:
- Luyện sâu
- Bật lửa
- Người dạy "lỗi lạc"
- Bật lửa
- Người dạy "lỗi lạc"
— feeling inspired at The University of Melbourne.
Nguồn tham khảo:
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10101257963782661&set=t.37007161
Jul 18, 2023