Những con thiên nga Stanford
Stanford ‘Swan’ Syndrome & Cherry-Picking
Một tuần chạy túi bụi, giờ mới thư thả ngồi đọc sách, tình cờ gặp lại 'Stanford Duck Syndrome': con vịt (ý nói sinh viên) Stanford nhìn có vẻ yên bình trên mặt nước, nhưng bên dưới thì chân nó đang đạp ná thở... Mình thì thích gọi là ‘Stanford Swan Syndrome’, một là viết tắt 3S cho dễ nhớ, hai là vì nhiều người hay thích thiên nga cho bề ngoài lung linh, mỹ miều hơn. Nhân tiện đá qua chuyện 'cherry-picking' (lựa chọn quả anh đào). Mới nghe tưởng vô duyên, thiên nga và anh đào chả ăn nhập gì, ‘bà con xa bắn đại bác không tới’, nhưng thật ra lại là 'hàng xóm láng giềng gần'...
Cherry-picking là nói những gì mà người người nhà nhà MUỐN nghe, và để đánh bóng, tô vẽ điều đó nên chỉ nhặt ra đúng những dữ liệu CẦN để nói - nhưng chưa chắc ĐỦ, chưa chắc SÂU, và có thể SAI LỆCH. Kiểu như nghiên cứu thì chọn đúng một phần kết quả để báo cáo; báo chí truyền hình thì cho xem một phần câu chuyện; còn gần gũi hơn là… giáo dục tư vấn thì chỉ đưa ra những con số, kết quả đẹp lộng lẫy để PR.
Tất nhiên không phải là sai khi 'tốt khoe xấu che', nếu như cái tốt thì khoe để động viên tinh thần sĩ tử, còn mấy cái xấu thì trong nhà biết và quyết tâm khắc phục sau. Nhưng thường thì ít khi được như vậy. Và dù vô tình hay cố ý, chính kiểu ‘cherry-picking’ đó đã ít nhiều tạo ra một lối suy nghĩ chưa trọn vẹn - nếu không muốn nói là hơi lệch - cho bao nhiêu học sinh, phụ huynh.
Đa phần ai cũng nói điều người khác MUỐN nghe nên sẽ dễ lọt lỗ tai, còn mình thì hơi ‘bướng’ nên xin nói điều mình nghĩ người khác CẦN nghe. Có thể rất khó lọt lỗ tai và bao nhiêu cà chua trứng thối sẽ bay tứ tung, nhưng cũng đành chịu thôi.
Nãy giờ mở bài hơi dài, giờ vào vấn đề...
Với cách cherry-picking điểm số đẹp, kết quả tuyển sinh khủng của bao nhiêu công ty, tổ chức giáo dục, tư vấn, và báo chí truyền thông mà giờ đa phần phụ huynh và học sinh đều có suy nghĩ. Thành Công (mà chính xác hơn là ‘Được nhận vào trường xịn’) là một hàm số của các biến sau đây: điểm GPA, điểm SAT TOEFL, hoạt động ngoại khoá, bài luận hay, huy chương thành tích. Và với nhà có điều kiện thì sẽ xuất hiện thêm một biến số: dịch vụ tư vấn.
Tất nhiên công thức đó có điểm đúng và cái hay của nó. Nhưng vì ai ai cũng ca ngợi mấy điều 'quá đúng’ và ‘quá hay' đó rồi, nên giờ mình xin chia sẻ mặt trái của bức tranh, phần chìm của tảng băng, sắc đen đâu đó của cầu vồng. Chia sẻ những điều mà nhiều người né tránh không nói. Chia sẻ những điều mà mình nghĩ mọi người CẦN nghe. Chia sẻ để phản biện, để xây dựng, để cùng suy nghĩ… nếu chúng ta là người có TẦM và có TÂM.
Điểm GPA
Ai cũng biết điểm GPA ở nhà giờ bị thổi lên như bong bóng ra sao rồi. Ngày xưa thời mình học cấp 3, học lên bờ xuống ruộng được 8.0 là mừng hết biết, cả trường chắc được 10 học sinh giỏi; còn giờ thì đếm không xuể. Với kiểu học ‘kinh điển’ ở nhà, điểm tổng kết 9.0 không có nghĩa đi du học sẽ ung dung, mà thường là bơi mệt nghỉ mới đúng. Giống như thiên nga Stanford. Phải chăng cách học vì điểm số kiểu 'cherry-picking' này vốn có vấn đề…?...!
Điềm SAT - TOEFL
Nhiều công ty giật tít theo kiểu 'cherry-picking' điểm số khủng, cao tận mây xanh, nhưng lại không thấy đề cập đến những điểm số là đà mặt đất. Nhiều thầy cô dạy học sinh làm practice test, rồi practice test và rồi lại practice test tiếp, mà không để ý là họ đã vô tình biến học sinh thành những 'cỗ máy giải đề'. Điểm reading rất đẹp, nhưng bắt chúng cầm một quyển sách lên đọc từ trang đầu đến trang cuối còn khó, đừng nói chi là đọc say mê và thẩm thấu từng trang, từng câu, từng ý, từng chữ, để rồi cuối cùng kiến thức từ sách không đọng lại bao nhiêu… Điểm writing thật tuyệt, nhưng khi bắt viết một bài phân tích nghị luận thì lập luận lủng củng, câu chữ rập khuôn, chuyển sang viết sáng tạo thì vẫn bê nguyên văn phong 'học thuật'. Giống như thiên nga Stanford. Phải chăng cách dạy và luyện thi kiểu ‘cherry-picking’ này đã có vấn đề…?...!
Hoạt động ngoại khoá
Bao nhiêu học sinh bám víu bàn học bấy lâu nay, giờ trong vòng 1-2 năm phải ‘lăn xả’ theo phong trào, tổ chức, hoạt động, được thì cả mùa hè, tốt hơn chút thì rải rác trong năm, còn không có thời gian thì bỏ tiền ra làm theo tiêu chí Nhanh Gọn Nhẹ. Và cuối cùng, đa phần theo kiểu mì ăn liền. Dù có được những cái gạch đầu dòng thật đẹp trên hồ sơ, nhưng khi phỏng vấn hay nói chuyện thì không bật ra được những gì mình học; làm mà không thật sự cảm thì có thấm mấy đâu. Tham gia hay lãnh đạo bao nhiêu hoạt động, nhưng ít khi rút ra được kỹ năng, tư duy, tính cách gì cho thật SÂU và thật BỀN, để rồi nhiều người dù vào trường xịn nhưng khi ra trường thì cách làm việc... vẫn giận hờn vu vơ kiểu học sinh, đi du học về chưa chắc chuyên nghiệp bằng sinh viên ở nhà. Giống như thiên nga Stanford. Phải chăng cách hoạt động kiểu ‘cherry-picking’ này cũng có vấn đề…?...!
Bài luận
Một bài luận, nếu theo kiểu công nghiệp hóa, thật ra dễ lắm. Học trò viết đại một bản nháp; các bàn tay chuyên gia nhào nặn chừng 1-2 tiếng là xong, dù chưa chắc các chuyên gia đã thấu hiểu học sinh. Cái này áp dụng rất tốt trong tình huống khẩn SOS, khi deadline chỉ còn vài ngày hoặc vài tiếng, mà dịch vụ sửa luận thì nhan nhãn và giá hời. Và cứ như thế, những bài luận ‘quá đỉnh’ chào đời, nhưng khi học trò lỡ bị phỏng vấn thì mới té ngửa: suy nghĩ và cảm xúc thật sự không bắt kịp bài viết của ‘chính mình’. Liệu sau này khi vào đại học và ra trường, cách viết của chúng vẫn như hôm nay, hay theo như nhiều người lập luận, bây giờ cứ sản xuất kiểu công nghiệp, rồi đại học sẽ dạy cho chúng sau?... Bài luận theo cách mình hiểu là đi ra từ cuộc sống, và liệu một học sinh 17-18 tuổi có thể chiêm nghiệm cuộc sống theo kiểu công nghiệp như vậy ư? Hay lẽ ra ngay từ bây giờ, nên để chúng trằn trọc, trăn trở ngày qua ngày với những suy nghĩ ‘vụng dại’ của chính mình, để từ đó tìm ra được phần chìm của bản thân, để sau này dù có ở đâu thì cũng ‘hữu xạ tự nhiên hương’. Hay là cứ để chúng giống như thiên nga Stanford. Phải chăng cách cảm cuộc sống kiểu ‘cherry-picking’ này cũng có vấn đề…?...!
Thành tích giải thưởng
Tuy không phải 100%, nhưng xác suất rất cao là 5-10 năm nữa, khi nhắc đến bạn, sẽ ít người còn nhớ giải thưởng, huy chương của bạn. Đơn giản vì bây giờ nhiều giải thưởng, bằng cấp, huy chương quá, từ nhỏ tới lớn, từ trong nước đến quốc tế, từ các tổ chức chính thống đến kiểu tự biên, tự diễn, và tự khen. Cứ liếc mắt 360 độ là thấy ai cũng giải thưởng huy chương đầy mình. Nhưng chính vì suốt ngày học sinh – và phụ huynh – mải mê chạy đua mà không biết hoặc quên mất vì sao phải chạy, nên đôi khi học trò cũng quên mất: học là vì tò mò, vì đam mê, vì bản thân, chứ không phải vì giải thưởng. Giải thưởng chỉ là sản phẩm phụ, không phải đích đến. Và vì quỹ thời gian hạn hẹp mà chẳng ai nhắc nhở, những con người trẻ tuổi ấy ít khi ngồi lại suy nghĩ để rút ra: mình được gì và mất gì từ chính những giải thưởng đó, và quan trọng hơn hết, thật sự mình là ai. Giải thưởng huy chương lung linh, nhưng chưa chắc chúng cảm thấy an bình. Giống như con thiên nga Stanford. Phải chăng cách chạy đua kiểu ‘cherry-picking’ này càng thêm vấn đề…?...!
Dịch vụ tư vấn
Đúng là ở đời ai cũng cần giúp đỡ, cần tư vấn, cần người hướng dẫn vì không biết thì NÊN hỏi, và PHẢI hỏi. Nhưng nếu suốt ngày ỉ lại tư vấn, hoặc các chuyên gia tư vấn chủ yếu ‘phù phép’, thì học sinh sẽ không bao giờ trải qua cảm giác vật lộn hết mình, để rồi lo lắng, vui mừng, chờ đợi, chán chường, thất vọng, và hạnh phúc, để nhận ra rằng sau bao nhiêu cảm xúc đó thì tất cả cũng chỉ mới là điểm khởi đầu, và đường đi còn dài lắm mà không phải lúc nào cũng có tư vấn sát sát kè bên. Vậy mà, lên mạng thì toàn thấy báo chí ‘ùa theo’ công ty, tổ chức giáo dục, tư vấn để tung hô những kết quả 'khủng', không thấy ai nói về những kết quả chưa 'khủng' nhưng cũng rất đáng để học theo. Vẫn một câu nói cũ rích, nói đi nói lại hoài: vào trường ‘khủng’, chưa chắc học đã ‘khủng’, ra trường công việc sẽ ‘khủng’, và cuộc sống sẽ ‘khủng’. Có thể ai đó rất ‘khủng’, lên facebook giật bài kiểu ‘cherry-picking’ cho mọi người bão like, nhưng bên trong công việc và cuộc sống có ‘khủng’ hay không thì còn tùy. Hay lại giống như thiên nga Stanford. Phải chăng cách tư vấn và cách giật tít kiểu ‘cherry-picking’ này cũng là 1 vấn đề…?...!
Giờ quay lại công thức ở đầu, mình xin mạn phép thêm vào một nhân tố bí ẩn: Sai số (error term cho những ai học statistics, econometrics). Sai số là vì có quá nhiều lý do ‘thật tình cờ và cũng thật bất ngờ’: tài chính gia đình, chỉ tiêu tuyển sinh của trường, đôi khi là tâm trạng và ‘gu thẩm mỹ’ của người đọc hồ sơ, hoặc đơn giản hơn: hôm đi thi SAT bị đau bụng…
Nhưng công thức ở trên vẫn không quan trọng bằng công thức của thành công, mà theo mình, thành công là một hàm số của 5 biến số: kiến thức, kỹ năng, tư duy, thái độ, tính cách.
Đúng ra thì phải có thêm sai số như trên, vì sai số của thành công nhiều và ‘bự tổ chảng’ hơn sai số của việc được nhận vào trường. Nhưng mình không cho vào, vì mình vẫn tin với 5 biến số đó, mỗi người sẽ có cách xử lý gọn gàng các sai số. Để không phải ‘cherry-picking’. Để không phải làm thiên nga Stanford – hay thiên nga Ivy, thiên nga Oxbridge, hoặc thiên nga gì gì đó...
Mà hãy là những con chim tung cánh bay, dù ở bất cứ đâu, ABC hay XYZ. Nó không đẹp lung linh và không có vẻ an nhiên như thiên nga. Nhưng ít ra khi nó bay bằng chính đôi cánh và va đập với gió bão, thật sự nhìn được toàn cảnh 360 độ, nó sẽ biết đâu là điểm tựa, là nơi dừng chân… để rồi lại bay tiếp. Vì đường còn dài và đời còn khó. Nếu bay thì hãy bay một cách bình tĩnh, tự tin, đầy bản lĩnh nhưng vẫn ngập tràn hạnh phúc, bay đến nơi 'where the wind of freedom blows'.
Cuộc sống lắm cơ hội, nhưng cũng nhiều sai số. Lựa chọn là của mỗi người. Đôi khi cái mình muốn chưa chắc là cái mình cần, nên hãy lựa chọn có suy nghĩ, đừng a dua theo số đông, và cũng đừng tin sái cổ tuyệt đối vào kiểu giật tít dạng ‘cherry-picking’, dạng ‘Stanford Swan Syndrome’, bao gồm cả bài viết vu vơ này của mình. Đâu mới là điều bản thân mình CẦN nghe và CẦN biết, dù chưa chắc đã là điều mình MUỐN nghe và MUỐN biết.
Do not just make a choice.
Instead, make an educated choice.
That is TRUE education, not ‘cherry-picking’, not ‘Stanford Swan Syndrome’.
Aug 19, 2023