Những Trường Học "Ngôi Sao" Có Thật Sự Là ... Thành Công?

Tạo ra một môi trường giáo dục ưu việt, đột phá và mang lại nhiều giá trị giáo dục cho các thế hệ học sinh là một khao khát thật sự đáng quý của bất cứ ai lựa chọn con đường giáo dục thực chất, đặc biệt với những ai quyết tâm dành cuộc đời để theo đuổi giáo dục như là nghề và nghiệp.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do – cạnh tranh thị trường gay gắt, mong đợi phi mã của phụ huynh, các quỹ đầu tư ra vào liên tục, năng lực đội ngũ hạn chế – không ít người làm mọi cách để trường học nổi lên và “nở ra” nhanh nhất có thể, bất chấp bằng giá nào.

Đó có lẽ là lúc chúng ta dễ bị dính nhiều điểm mù nhất, và cũng vô tình – hoặc cố ý – vướng phải nhiều cách lựa chọn hời hợt nhất. Khi chiếc xe chạy càng nhanh, lẽ tự nhiên là chúng ta nhìn mọi thứ trong ngoài xe càng ít tỏ tường.

Nhiều trường học nổi rất nhanh, với đầy ngôi sao sáng chói, nhưng câu hỏi thật sự mà mình không ngừng tự hỏi hơn 10 năm qua:

Liệu đó có thật sự được xem là thành công của giáo dục? Và đó có phải là những học sinh ngôi sao thật sự trên con đường dài chúng sẽ đi với chuyện học, chuyện làm và chuyện sống?

Khi Giáo Dục ...  Thất Bại

Khi tôi hỏi Howard Gardner về cách ông nhìn nhận những trường học ngày nay, Howard ngẫm nghĩ tầm vài phút, rồi ông bảo:

“Nhiều trường học, nhìn từ bên ngoài, có vẻ thành công và thu hút được sự quan tâm, khao khát của nhiều người. Thế nhưng, kể cả khi họ tạo ra được nhiều thành tích mà cả hệ thống đã được thiết kế để gồng mình chạy theo, có thể những trường học ‘ngôi sao’ ấy thật ra đã THẤT BẠI trong những sứ mệnh giáo dục quan trọng nhất.”

Kể cả khi những ngôi sao sáng của các trường học đình đám ấy được huấn luyện để khoác lên mình những điểm số, thành tích sáng lóa, thì chưa chắc học sinh đã thẩm thấu sâu sắc về những gì chúng học. Đó là khi giáo dục thật sự thất bại, vì chúng ta mới chỉ khoác áo đẹp cho học trò, chứ chưa chắc chuyển hóa được bản chất của người học.

Ở nhiều trường học, thậm chí cả những trường “tốt xịn” trên khắp thế giới, hầu hết đã chấp nhận một số biểu hiện thành tích là thước đo “chuẩn mực” cho việc hiểu bài, nắm bắt kiến thức.

Nếu một học trò trả lời được những câu hỏi trắc nghiệm hay giải được bài toán bằng một cách thức đã được vạch ra sẵn, điều đó thường được cho là tương đương với việc “hiểu bài”. Không mấy người chịu bình tâm tự vấn: “Chúng có thật sự hiểu bài hay không?”.

Trong khi đó, khoảng trống giữa những thước đo cho việc hiểu bài và việc thật sự hiểu bài thường “khá” to. Không ít người dạy đã vô tình lập trình bộ óc ưu việt của trẻ con thành học gạo, giải đề, “ăn” theo khuôn mẫu và chỉ giỏi bắt chước.

Trào Lưu Giáo Dục

Giáo dục thường “bị” xâu xé giữa hai trào lưu: một là giáo dục bắt chước (mimetic education) và một là giáo dục chuyển hóa (transformative education). Cán cân ở rất nhiều ngôi trường “ngôi sao” thường hay thiên vị và bị lệch về phía giáo dục bắt chước.

Giáo dục bắt chước đặt người dạy vào vai trò như một người giao hàng (deliverer). Nó tập trung vào việc giáo viên thực hiện những thao tác khuôn mẫu, học trò chỉ việc làm theo với niềm tin vô thức rằng đó là tất cả những gì chúng cần thực hiện để làm hài lòng thầy cô và đạt được điểm cao, danh hiệu học sinh giỏi.

Việc đánh giá học trò thành công và xuất sắc được dựa trên khả năng ghi nhớ thông tin, làm đi làm lại thao tác cho đến khi thuần thục. Bất cứ một sự khác biệt hay chệch bánh nào ra khỏi những lời giải, khuôn mẫu thường sẽ bị khước từ, hạ bệ, mất điểm và “dán nhãn” là... yếu kém, ngu dốt.

Ngược lại, giáo dục chuyển hóa đặt người dạy vào vai trò của người điều phối (facilitator) và huấn luyện viên (coach). Người dạy giúp kích hoạt những hiểu biết thật sự của học sinh bằng cách đưa ra vấn đề, kiến tạo thử thách, tình huống để học sinh tự tìm ra đường đi và lời giải, tự thử nghiệm và kiểm tra bằng nhiều cách khác nhau, thu lượm hiểu biết dọc đường đi. Người giáo viên ở đó là để “bị” học trò hỏi han và truy vấn, để mở rộng hoặc phản biện tư duy của học trò.

Một xu hướng giáo dục chăm chăm tập trung vào việc thuần thục những kỹ năng cơ bản; xu hướng còn lại tập trung vào sự sáng tạo. Tất nhiên, chẳng có mô hình nào là không cần thiết cả. Việc theo đuổi mô hình giáo dục chuyển hóa không có nghĩa là chúng ta phải triệt tiêu mô hình giáo dục bắt chước. Ngược lại, việc tập trung vào giáo dục bắt chước không có nghĩa là chúng ta không thể tích hợp giáo dục chuyển hóa.

Giáo Dục Là Phải ... Chuyển Hóa

Điểm khác biệt lớn nhất chính là chỉ có mô hình giáo dục chuyển hóa – khi học sinh vận dụng kiến thức và kỹ năng học được để giải quyết những vấn đề mới và thậm chí tự tạo ra những vấn đề mới, rồi tự giải quyết – mới giúp cho học sinh thật sự hiểu bài.

Nhà nghiên cứu giáo dục Linda McNeil, trưởng khoa Giáo dục tại Đại học Rice (Mỹ), đã đúc kết khá ngắn gọn: “Khi việc tổ chức và vận hành trường học chăm chăm tập trung vào việc quản lý và kiểm soát, giáo viên và học sinh cũng sẽ xem việc dạy – học như là một nghi lễ hướng đến những tiêu chuẩn tối thiểu, chuẩn hóa và không cần nỗ lực mấy để thật sự hiểu bài”.

Thế nhưng, giờ đây tốc độ và quy mô phát triển của nhiều hệ thống trường học và cơ sở giáo dục quá lớn, cũng như nhu cầu điểm số và thành tích mì ăn liền ào ào lên cao. Dưới những sức ép đó, nhiều người dạy cũng không nhận thức được, hoặc đã quên đi một điều hết sức tự nhiên và bất biến:

Một đứa trẻ năm tuổi về bản chất rất nhiều năng lượng, sáng tạo vô cùng và là một người học có thể tích hợp thông tin rất nhanh. Nhiệm vụ của người dạy là khai thác những sức mạnh tư duy và cảm xúc của trẻ con, làm mọi cách để gìn giữ những điều này sống mãi trong đầu óc chúng.

“Mục đích của giáo dục là sửa chữa những khuôn mẫu và nhận thức chưa đúng về thế giới trong đầu lũ trẻ, nhưng đồng thời cũng phải giúp chúng bảo tồn những đặc điểm thuộc về bản năng của bộ óc tự nhiên trong lũ trẻ – tính ưa khám phá, tính sáng tạo, tính táy máy tò mò, và sự linh hoạt trong tư duy.”

Có những lời nói tuy ngắn gọn nhưng đủ sức nặng để định hướng cho cả một con đường và nhiều thế hệ. Với tôi, tuyên ngôn trên của Howard là một ví dụ chất lừ như thế.


Jun 29, 2023

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL