Những "Vũng Bùn" Đang Nhấn Chìm Con Trẻ

NHỮNG “VŨNG BÙN” ĐANG “NHẤN CHÌM” CON TRẺ

Các nhà nghiên cứu giáo dục và xã hội học đang gióng một hồi chuông cảnh báo: Đám trẻ ngày này – và có khi kể cả người lớn – đang bị mắc kẹt trong cái gọi là low-level addictive behaviors (những hành vi gây nghiện “bậc thấp”).

Mỗi điều này – nếu đơn lẻ và trong chừng mực – thì không sao, nhưng khi tổng hợp tất cả và vượt tầm kiểm soát thì lại đang tước đoạt thời gian, cơ hội để giới trẻ phát triển theo đúng quy luật tự nhiên và tiềm năng của chúng.

Là bố mẹ và người làm giáo dục hoặc đang tác động đến con trẻ, đó là trách nhiệm mà cũng là sứ mệnh và niềm hạnh phúc của chúng ta để hỗ trợ lũ trẻ vượt qua những vũng bùn này, chứ không phải mặc kệ để cho “con ai người nấy lo, trò ai người đó dạy”.

Tác động một đứa trẻ đổi thay tích cực là góp phần giúp cho xã hội này và thế giới mai kia phát triển tích cực và đáng sống hơn.

Áp Lực

Hơn 8/10 thiếu niên ở Hoa Kỳ trải qua căng thẳng kha khá hoặc cực độ trong suốt năm học, và 1/4 học sinh đều kinh qua căng thẳng cực đại. Số lượng lớn bị triệu chứng đau đầu, mất ngủ, tức giận và dễ nổi cáu có “dây mơ rễ má” với căng thẳng. Theo Viện Nhi khoa Hoa Kỳ, 1/5 trẻ em ở Hoa Kỳ bị chẩn đoán rối loạn tâm thần, và chỉ 20% trong số đó được điều trị.

Có một khoảng cách lớn giữa mức độ căng thẳng của giới trẻ và mức độ mà các phụ huynh nghĩ chúng bị căng thẳng. Gần một nửa số thiếu niên cảm thấy căng thẳng nghiêm trọng; chỉ 1/3 cha mẹ của chúng nhận ra. Hơn 40% thiếu niên nói rằng chúng đau đầu; chỉ có 13% cha mẹ nhận ra điều này. Một nửa số thanh thiếu niên bị rối loạn giấc ngủ; chỉ hơn 1/10 cha mẹ biết chuyện. Khoảng 40% lo lắng về việc ăn uống; chỉ có 8% phụ huynh để tâm.

Tại sao giới trẻ thời nay căng thẳng đến thế? Hàng loạt nghiên cứu cho thấy học sinh trung học liệt kê những “tổ mối” gây căng thẳng lớn nhất của chúng bao gồm lo lắng về kết quả học tập, áp lực tàn nhẫn của kiểm tra, quan ngại về việc vào được một trường đại học tốt, áp lực của phụ huynh là chúng phải xuất sắc ở trường và được “đeo mác” là vượt trội.

Tất cả các nhu cầu còn lại chiếm thời gian của chúng đã tăng lên đáng kể trong thập kỷ qua: sự gia tăng của hàm lượng bài tập về nhà, các lớp luyện thi và các chương trình được tổ chức sau giờ học. Nhiều đứa phàn nàn về việc cảm thấy bị quá tải mà không có bất kỳ lựa chọn thực tế nào để giảm tải khối lượng công việc, sự cạnh tranh khốc liệt từ bạn bè, và những thách thức trong việc quản lý các mối quan hệ xã hội ở trường lớp.

Kết cục, mỗi giờ chúng “mở mắt” là được giao bài, được lên kịch bản và được lập kế hoạch mà không “hở ra” chút ít thời gian nào chỉ để được làm một đứa trẻ. 2/3 học sinh trung học đều quả quyết những rắc rối trong việc quản lý thời gian, và các cam kết ở nhà lẫn ở trường chính là “thủ thạm” chủ yếu cho mức độ căng thẳng tăng vọt của chúng.

Mạng Xã Hội

Đối với phần lớn lịch sử loài người, cách chủ yếu để xây dựng mối quan hệ với mọi người là gặp mặt trực tiếp. Khoảng 2.000 năm trước, hệ thống chữ viết đã sinh ra các lựa chọn khác để giữ liên lạc. Sau đó, không có mấy thay đổi cho đến khi điện thoại ra đời khoảng 120 năm trước. Mạng xã hội là một nút thắt mới. Khi vòng tròn bạn bè trên mạng bao gồm nhiều người bạn không biết, thì khái niệm về tình bạn cũng bắt đầu biến tướng.

Các mối quan hệ bạn bè trên mạng xã hội có thể không khác gì việc giao tiếp với một mạng lưới “tạp” của những người tương đối lạ: một ngón tay trỏ lên/trỏ xuống, hoặc thích/không thích. Mỗi bài đăng đều như một cuộc trưng cầu ý kiến nhỏ về dấu ấn xã hội của bạn. Bài hay được thả Like; những bài dở thì không.

Bạn vẫn có thể xây dựng quan hệ trực tuyến tốt với cả người mình không quen, nhưng những qui ước gây tò mò của mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến sự tự tin của người trẻ tuổi trong các mối quan hệ bình thường.

Có lẽ, “mạng xã hội” là một tên gọi đầy châm biếm. Trong tình huống nhất thì nó là phi xã hội, và ở phương diện tệ nhất, thì mạng xã hội thật ra là… phản xã hội. Có một số bằng chứng cho thấy các trang truyền thông xã hội có thể khiến con người thấy cô đơn hơn.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy giới trẻ càng dành nhiều thời gian trên mạng xã hội, chúng càng có nhiều xác suất cảm thấy bị cắt đứt với phần còn lại của xã hội. Hơn hai giờ trên mạng xã hội mỗi ngày sẽ nhân đôi nguy cơ có cảm giác bị cô lập. Số lần chúng truy cập các trang mạng xã hội là một yếu tố; một yếu tố khác là thời gian chúng nướng trên đó.

Giáo sư Brian Primack, từ Đại học Y khoa Pittsburgh, người đứng đầu nghiên cứu này, cho biết: “Đây là một vấn đề quan trọng cần nghiên cứu vì các vấn đề về sức khỏe tâm thần và sự cô lập xã hội đang trong cấp độ “dịch bệnh” ở thanh niên... Chúng ta về bản chất vốn là giống loài có tính xã hội, nhưng cuộc sống hiện đại có xu hướng tách bạch chúng ta thay vì đưa chúng ta lại gần nhau”.

Mạng xã hội cũng là một “kênh phát sóng” cho kiểu xấu tính xưa nay, ngoại trừ bây giờ con người có thể xấu tính một cách nặc danh trên các thiết bị cá nhân, nếu họ chọn. Thêm nữa là những trêu đùa, bắt nạt trên mạng và những kẻ “săn mồi” mà với họ, Internet là một con đường dễ dàng, ẩn danh để đe dọa, lạm dụng và tệ hơn thế nữa.

Một thiếu niên luôn có các vấn đề liên quan đến vị trí trong xã hội, cảm giác bất an, những mối tình lãng mạn đầu tiên và tình bạn thất thường. Mặc dù vậy, trước khi có mạng xã hội, bạn có thể nhìn thấy một hoặc hai người bạn sau giờ học, nhưng chủ yếu trường học vẫn nằm ngoài cuộc sống của bạn mãi cho đến sáng hôm sau. Với mạng xã hội, mạng lưới của bạn luôn kè kè sát bên.

Thật tuyệt nếu bạn quên bài tập khoa học hoặc cần nói chuyện với ai đó về một tập phim mới, nhưng sẽ không tốt tí nào nếu bạn đang “quằn quại” trong mớ lùm xùm kịch tính với chúng bạn hoặc bị đẩy đến một sự kiện mà bạn muốn tránh.

Ngày xưa, những vấn đề trong mối quan hệ vẫn được xử lý mặt đối mặt, còn ngày nay cách xử lý nhiều vấn đề lại được “số hóa”, và đó có thể lại là nguồn cơn của nhiều vấn đề hơn. Không thích nhau thì cứ lôi nhau lên mạng chửi bới, đấu đá, và rồi “văn hóa đám đông” lại không làm nó vơi đi, mà có khi còn đổ thêm dầu vào lửa.

Sốt Công Nghệ vs. Phát Triển Não

Công nghệ ngày nay không còn đơn thuần chỉ là một yếu tố khác trong cuộc sống của trẻ con; nó đang thay đổi cách chúng suy nghĩ và cảm nhận. Jim Taylor, giáo sư tâm lý học tại Đại học San Francisco, chỉ ra việc tiếp xúc thường xuyên với công nghệ điện tử “thực sự là kết nối bộ não theo những cách rất khác so với các thế hệ trước”.

Ví dụ, việc thường xuyên chơi video game và những dạng màn hình số khác có thể “cải thiện khả năng cảm nhận không gian, tăng khả năng chú ý, thời gian phản ứng và khả năng xác định chi tiết giữa các mớ hỗn độn... thay vì làm cho trẻ em trở nên ngu ngốc, nó chỉ làm cho chúng khác đi thôi”. Một lý do tại sao trẻ em và người lớn thích trò chơi điện tử: chúng mang tính giải trí cao và chơi chúng cũng mang lại những lợi ích nhất định cho con trẻ.

Những người khác lại thấy việc trẻ sử dụng công nghệ quá nhiều rất đáng lo ngại. “Các hệ thống giác quan, vận động và kết nối còn đang phát triển của trẻ vẫn chưa tiến hóa về mặt sinh học đủ để “cân” được bản chất “ù lì một chỗ”, điên cuồng và hỗn loạn của công nghệ ngày nay”, chuyên gia trị liệu nhi khoa Cris Rowan, Giám đốc điều hành của Chương trình Zone’in nói.

“Tác động của công nghệ phát triển đến chóng mặt đối với trẻ còn đang phát triển bao gồm gia tăng các rối loạn về thể chất, tâm lý và hành vi mà các hệ thống giáo dục, y tế cũng mới chỉ phát hiện, chứ chưa thật sự hiểu biết về chúng”.

Sức Khỏe Thể Chất

Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, trẻ con có lẽ sẽ sống ngắn hơn cha mẹ. Bệnh béo phì ở trẻ em và tiểu đường hiện là đại dịch quốc gia ở cả Canada và Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, béo phì ở trẻ em đã tăng hơn gấp đôi trong 30 năm qua và hơn gấp bốn lần ở thanh thiếu niên. Trẻ béo phì lại dễ lớn lên cũng béo phì, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, đột quỵ, và nhiều bệnh tật khác nữa.

Nguyên nhân thì rất nhiều nhưng đều “dính dáng” tới chế độ ăn uống và đặc biệt là sự hiện diện nhan nhản của thức ăn nhanh có hàm lượng cao các chất béo và đường, mức chi phí thấp hơn cho thực phẩm kém chất lượng và mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Sức khỏe thể chất kém cũng liên quan đến lối sống quá ít vận động, vốn có “mầm mống” từ việc lạm dụng công nghệ kỹ thuật số.

Tất cả những điều này cũng có thể góp phần làm tăng chẩn đoán hội chứng rối loạn tăng động, tự kỷ, rối loạn phối hợp, chậm phát triển, nói khó hiểu, khó khăn trong học tập, rối loạn xử lý giác quan, lo âu, trầm cảm và rối loạn giấc ngủ. Ấy thế mà, giờ đây, nhìn trên tay nhiều đứa trẻ toàn các bịch bim bim, khoai tây chiên, gà rán, bánh mì kẹp thịt, đồ uống có gas… cứ y như là tất cả những thứ đó đã trở thành CƠM của chúng.

Hoạt Động Trong Nhà

Khi còn là một đứa trẻ, bạn đã dành bao nhiêu thời gian ở ngoài trời, chơi một mình hoặc với bạn bè mà không có sự giám sát của người lớn? Còn con bạn thì sao? Bây giờ chúng dành bao nhiêu thời gian để chơi như vậy? Có lẽ ít hơn nhiều.

“Đất bẩn là tốt” là một sáng kiến quốc tế do Unilever tài trợ, muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chơi ở trẻ em. Nhóm dự án đã thực hiện một cuộc khảo sát với 12 nghìn phụ huynh trên khắp thế giới. Họ phát hiện ra rằng trung bình trẻ em hiện nay dành ít hơn một giờ mỗi ngày, thường là ít hơn nhiều, để chơi ngoài trời. Con số này còn ít hơn một nửa thời gian ở ngoài trời mỗi ngày mà luật pháp quốc tế yêu cầu đối với các nhà tù có mức an ninh tối đa.

Ở nhà tù Wabash Valley ở Indiana, các tù nhân nói về việc họ trân quý trọng như thế nào hai giờ ngoài trời mà họ có được mỗi ngày. Một người nói: “Bạn có thời gian để cảm nhận ánh nắng trên mặt mình. Đó là tất cả mọi thứ đối với tôi”. Họ được hỏi về cảm giác của bản thân nếu thời gian đó giảm xuống còn một giờ. Một người trả lời: “Nó sẽ làm gia tăng sự tức giận”. Một người khác nói: “Đó sẽ là sự tra tấn”.

Người phỏng vấn nói với họ rằng trẻ em trung bình chỉ có một giờ ở ngoài trời mỗi ngày. Các tù nhân phản ứng đầy bức xúc với điều nghe có vẻ sai sai. “Trèo cây, trật chân... đó là một phần của cuộc sống”, một người nói, trong khi một tù nhân khác chỉ nói thêm, “Hãy học cách trở thành một đứa trẻ”. Những tội phạm bị kết án vô cùng xúc động trước thực tế là một đứa trẻ bình thường không còn được ra ngoài chơi nữa.

Có một số lý do khiến trẻ không chơi ngoài trời nữa. Một là có rất nhiều trò giải trí trong nhà. Bây giờ, khi mà bạn có thể trở thành một thợ săn người ngoài hành tinh, lính đánh thuê hoặc siêu sao bóng đá mà không cần rời khỏi phòng khách, sẽ khó hơn khi thuyết phục bản thân chơi đá bóng với đám bạn, đặc biệt nếu đám bạn cũng đang rúc trong nhà tự chơi vài trò y hệt như con bạn. Một lý do khác mà các bậc cha mẹ đưa ra khi không cho con cái chơi ngoài trời là lo sợ cho sự an toàn của chúng.

Có thể hiểu được cảm giác của các bậc cha mẹ trước sự gia tăng của những tin tức khủng khiếp được “ra rả” cả ngày qua các mạng thông tin. Tất nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới có trẻ em dễ bị dính tất cả các loại chấn thương. Sự an toàn của con cái chúng ta là điều cần thiết, nhưng ý nghĩ rằng những thứ ngoài kia ngày càng nguy hiểm cho tất cả trẻ em ở khắp mọi nơi là một điều hư cấu.

Bố Mẹ Bận Rộn & Căng Thẳng

Sau thực phẩm và an toàn, thì sức khỏe xã hội và cảm xúc của con trẻ là điều tối quan trọng. Các bậc cha mẹ dường như không nhận thức được con họ căng thẳng như thế nào. Có thể có những lý do chính đáng cho điều này.

Một là chính cha mẹ cũng quá căng thẳng và bận rộn, đôi khi từ việc xử lý chuyện con cái. Sau đó là “hầm bà lằng” tất cả những yêu cầu khác chất lên cha mẹ từ công việc, các mối quan hệ và cố gắng tận hưởng cuộc sống của bản thân.

Trên hết, Tiến sĩ Lisa Firestone tin rằng việc cha mẹ thiếu nhận thức về trạng thái tâm thần của con cái thường xuất phát từ những mục đích tốt nhất.

“Là những bậc cha mẹ trong bối cảnh văn hóa ngày nay, chúng ta thấy mình được khuyến khích tập trung vào cuộc sống hàng ngày của con cái. Tuy nhiên, khi chúng ta tập trung chú ý vào phương tiện đến trường, bài tập về nhà và chuyện vui chơi của chúng, chúng ta có nguy cơ bị phân tâm một cách báo động, quên đi điều quan trọng nhất: cảm giác của con cái chúng ta”.

Căng thẳng liên tục có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến con trẻ, khiến chúng phải trải qua tuổi trưởng thành đầy lo lắng và bệnh tật mãn tính. Nhà tư vấn giáo dục Victoria Tennant cho biết: “Nếu căng thẳng kéo dài liên tục và không thuyên giảm, cơ thể có rất ít thời gian để thư giãn và phục hồi”.

Và điều này phải trả giá về mặt thể chất: “Nếu liên tục nhấn nút căng thẳng, các hormone căng thẳng liên tục được tiết ra kể cả khi chúng ta không cần đến chúng, khiến cơ thể rơi vào tình trạng quá tải”.

Các nhà khoa học gọi trạng thái này là nhạy cảm quá độ: huyết áp tăng, nhịp thở và nhịp tim tăng nhanh, mạch máu co lại và cơ bắp căng lên. “Tất cả điều này có thể dẫn đến rối loạn căng thẳng như huyết áp cao, đau đầu, giảm thị lực, đau dạ dày và các vấn đề tiêu hóa khác, đau mặt, cổ và lưng”. Có lẽ những triệu chứng này không chỉ rơi lên người lũ trẻ, mà chính bố mẹ chúng cũng đang phải hứng đủ.

[Lược trích và điều chỉnh từ Bố Mẹ, Con & Trường Học – Sir Ken Robinson]

Có lẽ những vấn đề này thì có người biết rõ, người không; có người đã trải qua với chính con cái, có người chưa. Thế nhưng, mọi thay đổi trước tiên là bắt nguồn từ nhận thức. Và giải pháp thì có nhiều, mỗi người một kiểu, mỗi nhà một cách. Nhưng có lẽ, một trong những điều tâm đắc nhất của mình chính là đúc kết của các triết gia về tính cách:

Tính cách không được xây dựng bằng việc ngồi một chỗ và nghĩ về Đúng – Sai, hoặc về việc cho trẻ tự trải nghiệm và “hy vọng” là chúng sẽ tự rút ra. Điều này có thể xảy ra nhưng thường khá hiếm.

Tính cách chính là việc kiểm soát bản thân khỏi những cám dỗ, chấp nhận “bớt đi một chút” hoặc thậm chí là “không có” những thú vui mà bạn bè xung quanh đang “dán mắt, dán mông, dán tâm trí” vào. Tính cách thường không đến từ sự “đủ đầy”, mà thường khởi nguồn từ sự “thiếu thốn”.

Và quan trọng hơn hết, bố mẹ cần thật sự dành thời gian SỐNG và TẬN HƯỞNG cuộc sống, thời gian và tuổi thơ cùng con, chứ không phải chỉ có “lên lịch học, dòm ngó nhà hàng xóm và gia tăng lo lắng không phanh” về con.

Với một đứa trẻ, điều nó cần nhất có lẽ không phải là điểm cao trên trường, giải thưởng cuối năm, huy chương vàng này kia nọ, mà chính là bố mẹ thật sự… HIỆN DIỆN trong cuộc sống mỗi ngày của chúng nó, dù chúng có là “ngôi sao con nhà người ta” hay chỉ đơn giản là một đứa trẻ “bình thường”, là… con nhà mình.


Jun 29, 2023

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email