Sự Sụp Đổ Của Nghề Làm ... Bố Mẹ - Phần 1: Vì sao giới trẻ béo phì, hỗn hào, học dở và mong manh dễ vỡ?

SỰ SỤP ĐỔ CỦA NGHỀ LÀM... BỐ MẸ

PHẦN 1: Vì sao giới trẻ béo phì, hỗn hào, học dở và mong manh dễ vỡ?

So với 25 năm trước, những đứa trẻ của nước Mỹ ngày nay nhìn chung béo phì hơn, biếng lười hơn, hỗn hào hơn, học dở hơn, dùng nhiều thuốc điều trị tâm lý hơn, và đứng trước những va đập dù là nhỏ nhoi của cuộc sống, chúng cũng mong manh dễ vỡ hơn? Trong cuốn sách SỰ SỤP ĐỔ CỦA NGHỀ LÀM BỐ MẸ, bác sỹ – nhà tâm lý học Leonard Sax đã “moi móc” ra 6 cội rễ cho “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” này.

Từng trang sách bình yên giở qua lại là những suy nghĩ khuấy động cái đầu đã thấy và đã nghĩ quá nhiều của mình. Để rồi, khép lại chuyện Xứ Người mà cứ ngỡ: Mình đang đọc chuyện Quê Ta.

Có thể một phần đang diễn ra nơi trời xa chưa "nhập khẩu" vào quê mình, nhưng cái mầm móng đã bắt đầu ló dạng và nếu không dè chừng, có ngày chuyện xứ người sẽ được bê nguyên sì si thành phiên bản Việt.

Tất cả bắt đầu từ chính cái cách trường học đang “bóp nghẹt” học sinh như… vắt cam.

Đến Trường Là ... "Học"

Trong cuộc chạy đua cạnh tranh với nhau, kèm theo yêu cầu thái quá của phụ huynh, các trường học mỗi ngày càng tập trung vào HỌC THUẬT.

Vì lẽ đó, rất nhiều giáo viên tập trung luyện học sinh một cách kinh khủng để chạy đua theo các kỳ thi, mà chính họ quên mất rằng Giáo Dục cũng có trách nhiệm... dạy VĂN HOÁ LÀM NGƯỜI. Cái tư duy chạy đua thị trường len lỏi một cách âm thầm nhưng chóng mặt xuống cấp 1 và cả mẫu giáo.

Tụi nhóc đến trường gần như chỉ để học đọc, học đếm, học tính toán, học chép văn, học chém tiếng Anh… mà trong những giờ học đó, chúng chỉ học những cái vỏ học thuật. Để rồi cái CHẤT văn hóa chẳng xây được là mấy, và chúng chẳng thấm được tẹo nào cách ứng xử văn hóa. Vậy thì lấy đâu ra những giá trị nhân văn của NGƯỜI?

Văn hóa trong tiếng Anh là CULTURE, nguồn gốc từ tiếng Latin có nghĩ là GIEO TRỒNG. Và gieo trồng mà cứ theo kiểu tư duy thị trường – nhanh chóng, vội vàng, chạy đua – thì làm sao ra được những cái cây lâu năm đứng vững giữa giông bão. Có chăng là chỉ cho ra được những cây bông đẹp lung linh, kiêu hãnh nhưng sớm nở tối tàn.

Về Nhà Là ... "Bung"

Trong khi nhà trường đang càng ngày càng chú trọng vào quá nhiều học thuật – dẫu rằng đó chưa chắc đã là thứ học thuật đúng nghĩa – thì về nhà, trong cái thời nhà nhà làm kinh tế, bố mẹ ngày ngày chạy sô, thì việc dạy văn hóa ở nhà cũng mau chóng tan biến.

Không ít bố mẹ thời nay quên rằng, việc dạy văn hóa chưa bao giờ là việc riêng của nhà trường mà đúng ra, nó bắt đầu ở gia đình. Từ cách ăn nói, cư xử, hành vi và thái độ, đứa trẻ đầu tiên là bắt chước bố mẹ. Bố mẹ hống hách, nóng vội, xấu bụng thì cũng khó cho ra một đứa trẻ khiêm tốn, nhẫn nại, và tử tế.

Một bộ phận bố mẹ khác thì chắc ít khi nào gặp mặt con, sống chung nhà mà mỗi ngày chỉ gặp con được 1-2 tiếng. Gặp con rồi thì có khi mỗi người một cái máy mà bấm bấm, lấy gì mà dạy cho nó văn hóa. Đó là chưa nói trong lúc “bắn game, lượn net”, tụi nhỏ cứ như một cái giẻ thấm nước, gôm được một đống văn hóa “tạp nham”, nếu không muốn nói là độc hại.

Bất Chấp Uy Quyền

Không biết từ khi nào cái phương châm “Hãy để con trẻ tự quyết định” đã len lỏi và chiễm lĩnh hệ tư tưởng của nhiều bố mẹ Mỹ thời nay. Thế nhưng, vì nhiều người học hiểu không sâu nên vô tình biến cái này thành “chân lý”, đem đi mà áp dụng tuyệt đối 100%, mà họ quên rằng, có những thứ không thể nào để con trẻ tự quyết định.

Giờ học là học, giờ chơi ra chơi, gia đình nào cũng cần có những nguyên tắc của nó, vì mai kia đi đâu, làm gì thì cũng có những nguyên tắc của mỗi nơi. Một khi bố mẹ buông bỏ cái uy quyền của bố mẹ, mà cái gì cũng “thảo mai”, thì con nít cái gì cũng trả treo.

Đến giờ học thì cho con chơi thêm vài phút, để rồi vài phút biến thành… vài chục phút. Lên trường thì chửi thề, thậm chí đánh bạn bè, đánh thầy cô. Ra quán cà phê thì chạy long nhong, hò hét ồn ào. Du lịch nước ngoài thì chen chân, lấn hàng, ăn to nói lớn, đứng lên ghế mà vẫn bê nguyên đôi giày bẩn.

Vậy mà, bố mẹ chúng cứ “ngó mặt làm ngơ” hoặc cứ đi theo năn nỉ, ỉ ôi. Bố mẹ là bố mẹ, con là con. Có những thứ bố mẹ sẽ đồng hành, hỗ trợ và tâm sự cùng con để giúp con lựa chọn, nhưng có những điều bố mẹ cần có… uy quyền. Uy quyền ở đây không có nghĩa là kỷ luật đánh đập, chửi bới, mà là những nguyên tắc được thiết lập, và uy quyền của bố mẹ cần con làm theo.

Đôi khi chúng ta phải biết chờ trước khi được ăn bánh. Và thậm chí thi thoảng, chúng ta phải chấp nhận sự thật là không có bánh mà ăn. Đó là cuộc sống.

Ôm Ấp Bạn Bè

Cùng với sự buông rơi uy quyền của bố mẹ, kèm theo quy luật vận hành của một xã hội nhiều lơ ngơ và lắm hời hợt, tụi trẻ giờ đây chăm chăm nhiều hơn vào ý kiến, sở thích của bạn bè thay vì là của bố mẹ. Chúng lo ngại là bạn bè không chơi, không thích và cô lập chúng. Trong khi đó, bố mẹ chúng không thích cái gì thì cũng mặc.

Một điều tưởng chừng đơn giản ấy đã biến cho nhiều đứa trẻ thời nay dựa dẫm vào “tư tưởng” của bạn bè để đưa ra quyết định có học hay không, học gì, chơi gì, nghĩ gì, nói gì, làm gì, thích gì, ghét gì,… Tất cả cứ như bạn bè của chúng là THÁNH.

Để rồi chúng trở nên lạc lõng, mong manh, dễ vỡ nếu một nhóm bạn nào đó không chơi với chúng, không thích cách chúng kém sành điệu, nhiều khi là vì chúng… chăm học, mọt sách. (Xin lỗi, ngày xưa từ lớp 1 đến lớp 12, chính tôi cũng bị nói là mọt sách và không "sành điệu" như nhiều đứa khác đấy, thì đã sao nào.)

Để chính những đứa trẻ vốn dĩ rất ngoan đó tưởng rằng chuyện học là không “cool” và sành điệu như bạn bè mới là “cool”. Mà thật ra, nhiều khi bố mẹ chúng cũng thế đấy chứ, cứ chăm chăm chạy theo những môn học, kỳ thi nhìn “cool cool” sành điệu, còn chuyện học thật sự và giáo dục chân chính thì cứ vô tình bị đối xử như những thứ… lỗi thời.

Để rồi, lắm lúc cả phụ huynh và học sinh ngó mặt làm ngơ với những thầy cô chân chính, tận tụy, dạy thực chất, để miệt mài chạy theo những thứ huy chương, giải thưởng mà chẳng ai thật sự hiểu mấy cái đó dạy cho tụi nhỏ thứ gì thực chất.

Mê Mẩn Ngôi Sao

Ngoài bạn bè chúng ra, lũ trẻ còn tôn sùng những ngôi sao trẻ trung, ngầu ngầu và “chất lừ”. Chúng sẵn sàng bỏ hàng giờ để xem ca nhạc của Justin Bieber, Taylor Swift hay đọc những bài báo dài lòng thòng về chuyện đời tư của thần tượng. Còn bắt chúng đọc một bài văn ngắn củn so với bài báo lá cải thì chúng than mệt, ngán ngẩm.

Để rồi thần tượng ăn mặc gì, tóc tai gì, nói gì, làm gì thì chúng đều xem đó là kim chỉ nam, còn thầy cô, sách vở dặn dò gì thì chúng phán là lạc hậu, quê mùa.

Bắt đầu từ những thứ nhỏ như con muỗi, nhưng ngấm ngầm, chúng học đòi theo các ngôi sao mà không ai dạy cho chúng rõ rằng: Sao gì thì cũng có sao tốt và sao xấu. Và cái hệ giá trị hay văn hóa cư xử, lối sống của sao không phải là thứ duy nhất trên đời, hay hợp với chúng nhất, và chúng có thể còn tốt đẹp hơn sao, theo cách riêng của mình.

Trong khi đó, không ít ngôi sao và cả giới truyền thông lắm lúc cũng chẳng ý thức được tầm ảnh hưởng của mình với giới trẻ, vì nhiều khi chính họ cũng chưa chắc có... văn hóa. Vì thế, trong cuộc chạy đua làm thương mại, kinh tế, những gì họ làm và nói ra lại đang lan tỏa và bóp méo cách nghĩ của lũ trẻ như một liều thuốc độc, càng ngấm lâu càng khó chữa.

Nhồi Nhét Công Nghệ

Hàng năm, ngành giáo dục Mỹ và các ngành nghề liên qua đổ cả tỉ đô vào các “đồ chơi” công nghệ cho trường học, giáo viên và học sinh. Thêm nữa, công nghệ 4.0 là một thứ gì đó rất… sexy trong miệng đời thời nay. Thế nhưng, số lượng công nghệ thật sự có giá trị cho việc học và giáo dục chân chính thì lại rất nhỏ.

Người ta cứ cuồng “ăn theo” cái làn sóng công nghệ như vũ bão, và quảng cáo cứ như rằng công nghệ là lời giải số 1 cho giáo dục. Trong khi đó, hầu như không mấy ai kiểm soát được tổng thời gian trong một ngày những đứa trẻ tiếp xúc với công nghệ là bao nhiêu. Thậm chí, nhiều người còn mù tịt về tác động của công nghệ đến cấu trúc não bộ, tư duy và tính cách của lũ trẻ.

Giờ đây, thời gian ít ỏi được ở cùng nhau là bố một máy, mẹ một máy, hai đứa con mỗi đứa cũng một máy, đi học trên trường cũng máy, đi học trung tâm cũng máy, về nhà tối khuya cũng máy, đi chơi du lịch cùng gia đình cũng máy. Máy cứ như nấm sau mưa, mọc lên mọi lúc mọi nơi, mà không biết rằng có khi để đó một hồi là thành... nấm mốc.

Có một ngày, tôi đi dạy mà thấy "bực mình" vì bước vào lớp, tụi nhỏ mỗi đứa một máy. Tôi tịch thu hết và cấm sử dụng. Thế là, giờ ra chơi, chẳng có “máy xịn” để chơi, 2-3 đứa túm tụm nhau mượn cái bảng "nông dân" tôi dạy để chơi caro, 2-3 đứa khác lấy giấy ra vẽ vời, còn một nhúm 4-5 đứa thì vo tròn giấy nháp lại mà đá banh. Chúng đang học được bao nhiêu thứ mà có cái dấu vết nào của công nghệ đâu.

Nếu như cả Bill Gates và Steve Jobs đều hạn chế thời gian tiếp xúc công nghệ mỗi ngày của chính con mình, hay không cho chúng có iPhone đến tầm 14-15 tuổi, thì chính nhiều người lớn chúng ta cũng cần xem lại cái cách công nghệ đang “cướp đi” con mình như thế nào.

Trong sách, Leonard Sax có nói văn hóa của nhiều đứa trẻ Mỹ giờ đây là văn hóa HỖN HÀO, TRỊCH THƯỢNG. Và 6 điều nêu trên chính là lý do.

Để rồi từ đó, nhiều đứa trẻ học hành thất bát, nói chuyện xấc láo, cơ thể ì ạch, và cả tinh thần, tâm lý có khi cũng ì ạch không kém. Chúng lớn lên đói văn hóa, thiếu giá trị và vô cùng mong manh, dễ vỡ trước cuộc sống vốn dĩ nhiều bão tố.

Đó là chuyện của xứ người. Bao nhiêu điều trong đó cũng đang là chuyện của quê ta, chuyện trong nhà, chuyện của chính mình và con em của mình?

Câu trả lời thì có lẽ ai mắt sáng, tâm sạch, mà chịu nhìn là sẽ rõ.

(PHẦN 2: Ở nhà dạy gì cho con?) 

Nguồn tham khảo:

Thầy Hiếu: https://www.facebook.com/photo/?fbid=10101224116822241&set=t.37007161


Jul 05, 2023

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL