Sự Sụp Đổ Của Nghề Làm Bố Mẹ: Phần 2 - Ở Nhà Dạy Gì Cho Con?
PHẦN 2: Ở nhà dạy gì cho con?
Khi được phỏng vấn là liệu con mình có đang đi đúng hướng, phần lớn bố mẹ đều trả lời là con đang học trường gì, điểm trên trường thế nào, và con đạt được những thành tích, huy chương gì.
Và đó là tất cả những gì họ đổ xô toàn bộ thời gian, tiền bạc, công sức để trang bị “súng ống” cho tụi nhỏ, mà không chịu nhìn sâu hơn là thật sự điều gì mới quyết định đến thành công và hạnh phúc lâu dài của tụi trẻ. Đó cũng chính là lẽ vì sao mà nghề làm bố mẹ đang trên đà… sụp đổ.
Thay vào đó, giá như bố mẹ hiểu được rằng giáo dục ở nhà có thể dạy cho tụi nhỏ được nhiều điều bổ ích hơn những cái tên trường, điểm số, huy chương hay giải thưởng – những thứ mà bố mẹ gần như là người tốt nhất có thể làm được điều đó.
Cũng không nhiều lắm đâu, dạy được 4 điều này thôi cũng đã được rất nhiều rồi.
Khổ Trước, Sướng Sau Con Nhé
Ít bố mẹ biết rằng, với một đứa trẻ 11 tuổi, đâu mới là yếu tố quan trọng nhất cho hạnh phúc trong cuộc sống của 20 năm về sau:
A. Chỉ số thông minh IQ
B. Điểm trung bình trên trường
C. Năng lực kiểm soát bản thân
D. Tư duy mở với những ý tưởng mới
E. Tính tình thân thiện
Nghiên cứu đã chỉ ra câu trả lời là C.
Năng lực KIỂM SOÁT BẢN THÂN (self-control) quyết định rất nhiều về thành công khi lớn lên, dù người đó là giàu hay nghèo, thông minh hay không thông minh, và nằm ở bất cứ tầng lớp nào trong xã hội.
Để tránh sự sụp đổ trong tương lai của con và của chính nghề làm bố mẹ, đó là dạy cho con trẻ cách kiểm soát bản thân: giải thích điều gì chấp nhận được và điều gì không, thiết lập những giới hạn và hệ quả. Trẻ con cần được thấy uy quyền. Gia đình cần có sự hiện diện của uy quyền. Vắng bóng uy quyền, gia đình giống như một cái máy hút bụi: hỗn loạn và tạp nham, không có trật tự nề nếp nào là bền vững và sâu sắc.
3 điều đơn giản mà bố mẹ có thể làm để “thiết lập lại kỷ cương” trong văn hóa gia đình:
Khi phù hợp, đừng hỏi mà hãy ra lệnh. Thay vì nói “Con có nghĩ là đã đến lúc về nhà chưa?”, thì hãy nói “Đã đến lúc về nhà” khi thời gian chơi đã quá hạn hơi bị lâu.
Ăn tối cùng con trẻ và khi ăn tối thì không có điện thoại, không có ti vi gì cả mà là những cuộc trò chuyện. “Con không được xem tivi hay dùng internet cho đến khi con ăn cơm và làm xong bài tập về nhà”.
Dùng mọi cơ hội có thể để dạy cho con những thói quen tốt. Nề nếp, văn hóa, cách sống và tính cách sẽ đến từ những thứ “mưa dầm thấm lâu” đó.
Trong cuốn sách “Tất cả những gì tôi thật sự cần học ở mẫu giáo”, Robert Fulghum tâm đắc ghi:
- Chia sẻ mọi thứ
- Không được đánh người khác
- Trả mọi vật về đúng nơi của chúng
- Tự dọn dẹp đồ dùng, đồ chơi của cá nhân
- Không được lấy đồ không thuộc về mình
- Nói xin lỗi khi mình làm sai với người khác
- Sống một cuộc sống cân bằng: có học, có suy nghĩ, có vẽ, có tô, có hát, có múa, có chơi, và có lao động mỗi ngày
Dường như những điều đơn giản để dạy cho con trẻ tự kiểm soát bản thân đã từ từ rơi rớt, để nhường chỗ cho toàn chuyện học và được phục vụ mọi lúc mọi nơi, đến mức tụi nhỏ thời nay được gán cho một cái tên, “thế hệ không biết cầm đũa, cầm muỗng nhưng biết bấm ipad, iphone lia lịa.”
Cần Cù Ắt Sẽ Bù Thông Minh
Trong tất cả các đức tính của con người, không một đức tính nào quyết định sự giàu có, sức khỏe và hạnh phúc nhiều hơn là tính CHUYÊN CẦN (trừ trường hợp sinh ra đã thừa hưởng tài sản kết xù thì không bàn tới).
Thế nhưng giờ đây, tính chuyên cần đang xuống cấp một cách không phanh trong giới trẻ. Chúng sinh ra cái gì cũng có sẵn và hầu như ít được dạy dỗ là: mọi thứ bền vững có được trong đời đều phải do lao động bền bỉ mà ra; còn những thứ được tặng được cho thì trước sau gì cũng lụi tàn.
Thời nay, nhiều phụ huynh đã vô tình dạy cho con học… LƯỜI. Để rồi một cách vô tình, tụi nhỏ nhầm tưởng THÍCH THÚ có nghĩa là HẠNH PHÚC, khi chúng thích ôm trò chơi điện tử, đồ ăn nhanh, đi chơi chém gió với bạn bè, xem phim, mặc quần áo đẹp,… mà không hiểu rằng tất cả những thứ bề ngoài này chỉ có giá trị tức thời.
Trong khi đó, hạnh phúc thật sự đến từ việc bền bỉ theo đuổi và hiện thức hóa tiềm năng của mình. Vì vậy, bố mẹ cần dạy cho con trẻ đi tìm những niềm vui vượt qua bánh kẹo, đồ chơi, điện tử, mạng xã hội, mà thay vào đó là chuyên cần xây dựng năng lực bản thân – đọc sách, viết lách, lao động, tình nguyện,… để sau này chúng đủ năng lực tự đi tìm đam mê.
Hãy tạo ra khoảng không và thời gian để con trẻ IM LẶNG, CHÚ TÂM, PHẢN CHIẾU.
Lùi Một Bước, Trời Cao Biển Rộng
Khiêm tốn có nghĩa là quan tâm đến ý kiến, quan điểm của người khác, chứ không phải chăm chăm đề cao những cái của riêng mình. Khi bố mẹ ảo tưởng sức mạnh, con trẻ cũng nghĩ mình hơn bạn bè và chẳng có gì cho chúng học từ những đứa “thấp hơn” chúng.
Lòng tự tôn quá lớn sẽ dựng lên một bức tường cao ngút, ngăn cản đứa trẻ học tập mọi lúc mọi nơi và vô tình làm chúng chững lại trong tri thức và tư duy. Tính khiêm nhường là chất xúc tác để nuôi dưỡng sự tò mò, thích thú học tập, để tri thức của lũ trẻ không ngừng vươn vai lớn lên từng ngày.
Ngoài ra, sự khiêm tốn còn là tiền đề cho thái độ trân trọng và biết ơn từ những điều đơn giản, nhỏ nhoi. Và chính thái độ trân trọng, biết ơn đó là vitamin cho một tinh thần khỏe mạnh, và một cảm giác bình yên.
Lùi một bước, trời cao biển rộng, để thấy mình mãi “bé nhỏ” dẫu rằng tri thức đang lớn lên như thổi mỗi ngày.
Đâu Mới Là Ý Nghĩa Cuộc Đời
Phần lớn học sinh, khi được hỏi vì sao chúng đi học, đều trả lời là: Để vào đại học tốt. Và khi được hỏi tiếp vì sao phải vào đại học tốt, câu trả lời sẽ là: Để có thể kiếm được một công việc và cuộc sống tốt.
Leonard Sax gọi đó là “kịch bản của giới trung lưu”, mà theo ông, mỗi câu trả lời không chắc đã đúng:
- Chỉ chăm chú học ở trường để được điểm cao chưa chắc là được vào đại học tốt. Hàng năm các trường đại học hàng đầu vẫn thẳng tay từ chối những điểm SAT gần tuyệt đối, thậm chí là tuyệt đối.
- Học một trường đại học tốt cũng chưa chắc kiếm được một công việc tốt. Hàng năm vẫn có nhiều sinh viên tốt nghiệp Princeton và Harvard thất nghiệp và lạc lõng, không biết mình muốn gì.
- Kiếm được một công việc tốt cũng chưa chắc là có một cuộc sống tốt.
Vì vậy, mục tiêu của giáo dục ở nhà – và cũng như ở trường – là dạy tụi nhỏ chuẩn bị cho cuộc sống, và đại học cũng chỉ là một phần trong cái bao la cuộc sống ấy. Đặc biệt khi mà những nguyên tắc để thành công trong trường học hiện nay đang không giống với những nguyên tắc để thành công trong cuộc sống.
Trường học đang KHÔNG DẠY cho học sinh biết cách tiếp nhận và học từ thất bại vì hầu như đứa nào học cũng 9-10 điểm. Trong khi đó, để thành công trong cuộc sống, chúng phải học cách đón nhận và ứng phó với thất bại.
Rồi đây chán chường và tuyệt vọng sẽ liên tục kéo đến với chúng khi ước mơ bị đập tan, người thân sẽ lần lượt ra đi, những mối quan hệ sẽ chấm dứt, những công việc bị chối từ,… Tụi trẻ cần được dạy dỗ để học cách buông bỏ những thứ đã qua và lạc quan đón nhận những điều sẽ tới. Nếu trường học không dạy, ở nhà phải dạy cho chúng.
Chúng cần được dạy về ý nghĩa cuộc sống, để hiểu rằng hạnh phúc cần cái nhìn sâu sắc hơn là quần áo, máy tính, xe cộ, khách sạn, nhà hàng, tiền bạc, danh vọng, hay số bạn bè trên facebook. Hiệu trưởng của một trường học ở Sydney (Úc) có nói rằng, trường ông ta chỉ có trách nhiệm dạy học sinh mình chuẩn bị cho cuộc sống, và cuộc sống có 3 thứ cần:
- Một công việc ý nghĩa
- Một con người để yêu
- Một mục đích để nắm giữ và theo đuổi
Nếu chúng ta buông lỏng tụi nhỏ trong cái kỷ nguyên thông tin nhiều hỗn tạp này mà không dạy cho chúng biết về ý nghĩa thật sự của cuộc sống, thì điều chúng lượm nhặt và tích tụ được là văn hóa của internet, của mạng xã hội, của trò chơi điện tử, của phim ảnh người lớn.
Chúng cũng sẽ không có một hệ giá trị nào làm trục tọa độ để bản thân đánh giá hành vi, thái độ và lối sống của các ngôi sao như Miley Cyrus, Nicki Minaj hay của chính bạn bè quanh mình, để từ đó biết được đâu mới là con đường mình cần đi, và đâu mới là thành công, hạnh phúc thật sự cho riêng mình.
Ngày nay, bố mẹ bận rộn làm kinh tế và đang “đuối dần” vì không theo kịp sự phát triển tâm sinh lý của tụi trẻ. Trường học thì đang loay hoay giữa một rừng triết lý, đang bị thương mại hóa chóng mặt, và thiếu nguồn lực để giữ vững chất giáo dục. Thêm vào đó, các show truyền hình, giới truyền thông, mạng xã hội và cuộc sống ngoài kia đang đậm đặc những thứ “rác rưởi” đậm chất thương mại và thiếu tính giáo dục.
Thế là, tụi trẻ cứ như những cây cỏ dại mọc lên nhưng thiếu định hướng, uốn nắn để gom nhặt những điều tốt đẹp. Thay vào đó, chúng “nhập khẩu” không biết bao nhiêu tư tưởng hời hợt, nếu không muốn nói là độc hại. Để rồi, một lúc nào đó, bố mẹ chợt ngỡ ngàng nhận ra mình đã “đánh mất” con trẻ giữa cái dòng xoáy vũ bão của “văn hóa đại chúng” ngoài kia.
Vì chính mình đã đánh rơi cái vai trò quan trọng nhất của nghề làm bố mẹ: Dạy văn hóa cho con.
Dạy cho con trẻ tính cách, đạo đức và văn hóa không phải là một môn học tự chọn có thể nâng lên đặt xuống, mà đó là một môn học bắt buộc chính bố mẹ cần "đứng lớp". Ở đó, bố mẹ phải làm hết mình như một người giáo viên đau đáu cùng giáo án, phương pháp sư phạm, bài kiểm tra và sự hỗ trợ dành cho học sinh.
Có lẽ khi đó, sự sụp đổ của nghề làm bố mẹ ngày nay mới bắt đầu có tia sáng ở cuối đường hầm.
Có lẽ khi đó, tụi nhỏ mới thật sự được “thấm nhuần” tri thức và nhân văn.
Và có lẽ khi đó, chúng ta mới có một niềm tin: Trên con đường nhiều biến số của tương tai, những thứ ta gieo trồng trong lũ trẻ ngày nay sẽ tự nở hoa để dắt chúng đến với thành công, hạnh phúc, và bình an của riêng mình.
Đó chính là THIÊN CHỨC mà cũng là NIỀM HẠNH PHÚC của cái nghề… LÀM BỐ MẸ
Nguồn tham khảo: thầy Hiếu
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10101225261129041&set=t.37007161
Oct 02, 2023