Viết Cho Bố Mẹ Có Con Học Cấp Hai

Nguồn tham khảo: https://www.facebook.com/photo/?fbid=10101558721436911&set=t.37007161

Gần 15 năm đi dạy, 5 năm đầu tập trung đại học, 5 năm tiếp theo là cấp Ba, và 5 năm trở lại đây thì chủ yếu là cấp Một, cấp Hai. Nhưng dính chưởng và nặng nợ nhiều nhất thì chắc chắn là cấp Hai. Có lẽ vì thế mà mình có cái duyên nhìn ra được nhiều điểm mù trong cách bố mẹ định hướng, đồng hành và dạy con ở cấp Hai, dẫn đến không ít câu chuyện buồn và đáng tiếc.

Vậy nên, hôm nay lại mạn phép viết đôi lời tâm sự với bố mẹ có con vào cấp Hai. Chia sẻ có thể đúng với một số người, có thể không, như quy luật tự nhiên: Ở đời cũng ít có cái gì là tuyệt đối cả. Thế nên, chia sẻ cũng chỉ để chúng ta cùng suy nghĩ và biết đâu phần nào sẽ đổi thay… vì lũ trẻ con.

Trân trọng cái Tôi khác biệt

“Em ơi, sao con chị giờ khác hoắc vậy? Năm trước nó còn dễ thương đến dường nào, còn giờ thì như một người khác vậy. Chị nói gì là nó cãi nấy, đến mức chị không dám động tới nó nữa.” Một người mẹ than với mình về cô con gái học lớp Bảy. Chắc không ít bố mẹ cũng có cảm giác như vậy. Nếu thế thì mình cũng muốn… chúc mừng bố mẹ. Như thế là bình thường. Lên cấp Hai mà tụi nó không thay dổi khác hoắc thì mới là... bất thường.

Lên cấp Hai, lũ trẻ bắt đầu suy nghĩ về chính suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, phát triển cái nhìn riêng về thế giới. Chúng kết nối những gì quan sát được từ cuộc sống, sách vở hay phim ảnh, để đối chiếu, phản biện, thẩm thấu. Đó là lúc chúng định hình và phát triển cái tôi.

Nhiều phụ huynh hay phủi tay kiểu như: “Ừ thôi, cứ để thế, rồi nó cũng sẽ qua thôi” mà không hiểu rằng đây là giai đoạn đẹp nhất, với nhiều tiềm năng có thể khai phá và phát triển cho lũ trẻ về nhiều mặt. Kiểu thờ ơ bỏ lơ hoặc chỉ có “kỷ luật thép” thường làm cho mối quan hệ bố mẹ – con cái vào giai đoạn cấp Hai căng thẳng và đứt gãy. Để rồi, khi đứa trẻ lên cấp Ba, dường như hai thế giới của bố mẹ và con cái cũng chẳng còn cái quấn quýt là bao.

Việc đồng hành cùng con cấp Hai có lẽ nên bắt đầu từ ý thức tôn trọng sự thay đổi khác biệt trong cái Tôi của lũ trẻ. Nếu không thì mọi sự “đồng hành” đều sẽ mang tính cưỡng ép, lại càng dễ dẫn đến những tổn thương bền vững trong mối quan hệ bố mẹ – con cái và nhiều khi là trong cả tính cách của lũ trẻ mãi về sau.

Giúp chắt lọc bạn bè

Suốt cả thời cấp Một, trẻ xem bố mẹ là hình tượng mẫu mực. Nhưng vào cấp Hai, chúng chưa chắc xem bố mẹ như thần tiên nữa, mà cũng chỉ là những người bình thường với những hạn chế, sai lầm. Thế nên, bố mẹ càng muốn khẳng định mình là đúng – mà nhiều khi chưa chắc đúng – nhưng lại thiếu cách giao tiếp tinh tế thì có lẽ càng làm cho chúng dễ phủi tay hoặc phớt lờ ý kiến của bố mẹ.

Ngược lại, chúng xem trọng ý kiến, quan điểm, sở thích của bạn bè hơn. Bị bố mẹ chê điều gì, đôi khi chúng cứ ngó lơ bỏ mặc, nhưng chỉ cần bị bạn bè có chút liếc háy, tằng hắng thôi là có khi trẻ suy nghĩ hoài không dứt. Trong chừng mực nào đó, “hội chứng mê bạn” này tốt cho lũ trẻ nếu có thể xây dựng những tình bạn đẹp, cùng tiến. Thế nhưng, trong khi trẻ nhiễm rất nhanh những thứ xấu, như giọt mực nhanh chóng hòa vào nước, thì với những cái tốt đẹp, trẻ thường chỉ có thể thấm từ từ theo kiểu hầm xương.

Có lẽ bố mẹ không nên can thiệp theo kiểu “camera giám sát” nhất cử nhất động của lũ trẻ với bạn bè, nhưng cũng đừng theo kiểu bỏ lơ, chẳng biết chúng nó chơi với ai, làm cái gì. Chúng ta cần chúng nó chơi với bạn bè tốt và tích cực. Còn nếu quanh quẩn chúng nó toàn bạn bè xấu, tác động tiêu cực thì cũng đừng ngại ngần mà cho chúng vào kỷ luật, để hiểu rằng:

Ở đời, có cái chúng được làm và có cái tuyệt đối… KHÔNG.

Quản lý công nghệ

Giờ đây công nghệ như một món ăn mà nhiều bố mẹ cứ vô tư quăng vào tay lũ trẻ mà không có bất cứ một nguyên tắc, thỏa thuận, quy luật nào cả. Nó chẳng khác gì cái cách mà nhiều người cứ quăng gà rán, khoai tây chiên, đồ uống có gas,… vào tay của chúng nó MỖI NGÀY.

Nói thật, mình chưa có “diễm phúc” được thấy đứa trẻ nào ghiền công nghệ, sử dụng bất cần mà học hành vẫn tiến bộ và phát triển bền vững nhiều mặt cả.

Đó là chưa kể ở tuổi teen, thời điểm mà melatonin, cái chất “gây ngủ” tự nhiên trong não, được tiết ra chậm hơn khoảng hai tiếng về buổi đêm. Thế nên, tụi nó có xu hướng thức khuya hơn người lớn. Sự xuất hiện ào ạt của công nghệ qua các thiết bị điện tử, cùng các trang mạng xã hội, các app vui chơi giải trí, và các kênh chat chit chằng chịt phủ lưới chụp xuống cuộc sống về đêm của trẻ.

Có đứa thức tới 1h đêm để lên mạng, có đứa chờ bố mẹ ngủ xong thì mò dậy bắn games đến 3h sáng rồi đi ngủ lại. Một cái sự “ngu dốt” phản khoa học trong cách “dạy con” sử dụng công nghệ. Xin lỗi, mình hơi mạnh miệng chỗ này vì chính mình đã chứng kiến vài đứa trẻ có cái lối sống vô tổ chức, do “bố mẹ con sắm máy tính, điện thoại trong phòng cho con và cứ thế con dùng”.

Khi chụp não bằng công nghệ fMRI, người ta phát hiện ra các kết nối giữa hai bán cầu não bị “biến chất” ở người nghiện cocaine như thế nào thì điều đó cũng tái hiện gần như bản sao y trong bộ não của đám trẻ tuổi teen nghiện công nghệ và Internet.

Ngoài ra, ở những người nghiện chơi game online, các vùng chất xám phụ trách về trí nhớ, cảm xúc, giao tiếp, định hướng mục tiêu, ra quyết định đều thay đổi, bị teo tóp đi khoảng 20%. Do vậy, nếu không có nguyên tắc sử dụng rõ ràng, thì nghiện công nghệ chính là chất xúc tác cho sự đứt thắng tụt dốc của động lực học tập, vốn dĩ vào cấp Hai cũng đã bị thâm hụt chục phần.

Lắng nghe cung bậc cảm xúc

Tuổi teen đến là lúc trẻ cùng một lúc phải đi qua nhiều cung bậc cảm xúc cơ bản của một con người: yêu thích, hào hứng, ngạc nhiên, buồn bã, sợ hãi, bực dọc, kinh tởm, tội lỗi và xấu hổ. Tất cả có thể làm trẻ choáng ngợp và lạc lõng, không biết ứng phó ra sao.

Một mặt, chúng có quá nhiều chất xám để xử lý thông tin, kiến thức cực nhanh, nên chúng học cái gì cũng nhanh. Mặt khác, bộ não kiểm soát về lý trí, logic, nguyên nhân hệ quả lại chưa đủ trưởng thành, chưa được kết nối với các phần não khác để có thể kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc, lời nói, hành vi. Đó cũng là lý do vì sao mà tuổi teen hay có những xử sự bốc đồng mà không thèm cân nhắc hệ quả. Đơn giản, chúng chưa biết cách ứng phó với những diễn biến phức tạp trong tâm sinh lý của chính mình.

Tất cả những điều ẩm ương này như một dòng chảy mạnh mẽ, tưởng chừng như không thể kiểm soát nổi. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem mọi thứ là bình thường, thì bố mẹ lại có thể hóa mình thành đôi bờ sông. Ta cứ thế mà giữ gìn dòng chảy cuồn cuộn của lũ trẻ, và biến những cái tưởng chừng khó kiểm soát ấy thành cơ hội để sinh ra nhiều điều hay.Thay vì tìm mọi cách để chặn lại, mà hãy cho chúng nó được xả, để rồi khi cảm xúc qua đi, bố mẹ lại cho chúng “vay mượn” cái đầu người lớn của mình để lý giải và chia sẻ suy nghĩ, không phải để áp đặt và bắt chúng nó phải nghe và hiểu ngay – thường thì không thế được đâu.

Hãy xem những điều chia sẻ ấy như những cơn mưa, thường xuyên tưới nước cho cỏ cây, để giữ cho chúng những suy nghĩ tích cực, nhân văn… Mai kia khi chúng “già thêm một chút”, chúng sẽ đủ thấm để tự lý giải suy nghĩ của mình.

Giữ gìn động lực học tập

Lên cấp Hai, nhiều đứa trẻ thường đi học với gương mặt lờ đờ như thể được lập trình sẵn thành chế độ mặc định. Chuyện học trở thành một cuộc chiến trường kỳ, căng thẳng leo thang giữa bố mẹ, thầy cô và chúng nó, thậm chí là giữa chúng với chính bản thân. Chuyện học không còn là cảm hứng, là đam mê, mà dần chuyển sang… đối phó.

Hầu như lớp học nào cũng là một chuỗi ngày dài học trò triền miên chiến đấu với việc luyện tập những kỹ năng cực kỳ cơ bản, lặp lại đến mức nhức đầu, phát ngấy. Càng ngày, các nội dung, dạng bài tập, câu hỏi ở trường học càng bị phức tạp hóa, đánh đố hơn mức cần thiết, những đứa trẻ cứ như đang bị nhồi bột để trở thành… chuyên gia ở mọi môn học. Đứa nào cũng căng não ra để ráng tiêu hóa theo kiểu nuốt ực, thi xong thì… xả tống tháo.

Nói thật, đã từng trực tiếp trò chuyện với nhiều ngôi sao cấp Hai đầy huy chương vàng bạc quốc tế, IELTS 7.0 – 8.0, tranh biện “bắn như súng”, nhưng mình không thấy cái tư duy sáng hay động lực học tập nội tại nào. Có lẽ mấy thành tích đó phần lớn là do sự “bơm thổi” của các chuyên gia luyện thi, mánh khóe, chúng nó đi thi mà thầy cô làm sẵn dàn ý cho chúng… học thuộc.

Đó là cái giáo dục mà nhiều người bây giờ theo đuổi, coi điểm số thành tích là thước đo tối thượng cho sự xuất sắc. Nhiều khi mình cũng phát mệt với cái kiểu tư duy đu trend và vụn vặt, lỏng lẻo nền móng này của không ít bố mẹ.

Thế nên, có lẽ để giữ lại cái động lực học tập cho lũ trẻ cấp Hai, thì hãy cho chúng nó thi cử ít ít lại một chút, và cho nó được theo đuổi những cái sự học sáng tạo hơn, theo đuổi 1-2 đam mê sở thích của chúng nó, thay vì cứ thấy cái gì hay là chạy theo… luyện, luyện và luyện.


Đừng cản sức sáng tạo bùng nổ


Bước vào độ tuổi này, lũ trẻ như một nhà máy khổng lồ sản xuất ý tưởng với công tắc bật Sáng Tạo bùng cháy dữ dội. Những ý tưởng của tuổi teen đôi khi còn bỏ xa người lớn. Cấp Hai là một giai đoạn phát triển mà bộ não của trẻ vươn vai, có thể vụt lớn nhanh như thổi ở những khả năng tư duy bậc cao. Những ý tưởng của tuổi teen đôi khi còn bỏ xa người lớn.

Thế nhưng, giờ đây, nhiều bố mẹ và thầy cô, trường lớp lại có phần đi ngược với dòng chảy của tự nhiên. Thậm chí, họ đóng băng nó bằng chính cách dạy cũ kỹ, rập khuôn ở trường và ở nhà vì họ sợ không kiểm soát nổi hoặc không biết cách kiểm soát tư duy của lũ trẻ đang như dòng chảy mùa tuyết tan. “Vượt trội” hơn cả thời cấp Một, cái hàm lượng học tập theo kiểu rập khuôn, luyện thi, giải đề ở cấp Hai còn bị tăng lên gấp 10-20 lần ở gần như mỗi môn học.

Thật là đáng tiếc: Vì ở cái độ tuổi mà sáng tạo bùng nổ nhiều nhất thì chúng ta lại đang đi chặn đứng, gò khuôn và thay vào đó bằng những thứ lặp đi lặp lại, ghi nhớ thuộc lòng. Nói như nhà văn Rosseau đã viết về giáo dục từ 250 năm trước: “Thay vì giúp ta tìm ra các chứng minh, người ta đọc cho ta viết các chứng minh ấy; thay vì dạy ta lập luận, ông thầy lập luận hộ ta và chỉ rèn luyện trí nhớ của ta thôi”.

Hãy trao trả lại không gian, thời gian và thói quen học tập sáng tạo cho lũ trẻ đang ở độ tuổi SÁNG TẠO của đời người.

Bồi bổ hạt mầm tính cách

Giáo sư Hall của Đại học Harvard, người Mỹ đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ về Tâm lý học, cũng là chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, đã gợi ý cho bố mẹ và cả những người làm giáo dục: Tuổi dậy thì không nên được nuông chiều mà nên được uốn nắn, và cấy vào trong tư tưởng những giá trị về kỷ luật, tôn trọng, yêu thương, vị tha và chia sẻ. Đó có lẽ là cách để xử lý tốt nhất những cơn bão tố mà người ta hay nhìn thấy ở cái tuổi ô mai lắm ẩm ương này.

Độ tuổi cấp Hai cần được xây thói quen phản chiếu, chiêm nghiệm, nhìn sâu vào con người bên trong của mình, chứ không phải suốt ngày chỉ nói, chỉ làm, chỉ nghĩ, chỉ chơi những điều “trâu trẻ”. Chỉ khi đó, chúng mới thật sự hiểu mình là ai, trong quá khứ, hôm nay và ngày mai. Việc soi chiếu vào bên trong bản thân sẽ giúp chúng đồng cảm, thấu hiểu với những người xung quanh, trước hết là bố mẹ và gia đình, sau đó là bạn bè và nhà trường, nhìn rộng ra nữa là xã hội và cuộc sống.

Đừng mãi mê chạy theo những thành tích, huy chương, điểm số để được bão like và bão share, tung hoa bung lụa của bạn bè trên mạng, mà bỏ quên việc rèn giũa giá trị tính cách và nhân sinh quan của trẻ cấp Hai.

Hãy nhớ là chúng còn phải đi qua thời cấp Ba – và nhiều năm sau nữa – mà từ cấp Ba trở đi, chúng càng ít có xu hướng nghe theo bố mẹ. Thế nên, có tạo nếp tính cách và nhân sinh quan, thì đừng nên bỏ qua giai đoạn tốt đẹp nhất để làm điều đó: Cấp Hai.

Kết nối bằng những câu chuyện

Mọi đứa trẻ vào giai đoạn cấp Hai đều đang có những cuộc chiến của riêng mình, và bố mẹ không thể nào đóng vai kẻ thù hoặc bên trung lập trong cuộc chiến ấy. Chúng ta phải đứng cùng chiến tuyến với lũ trẻ, giữ cái đầu lạnh và trái tim ấm. Cái đầu lạnh của bố mẹ là để trao tặng lý trí cho con, còn trái tim ấm là để chúng hiểu ẩn bên dưới những lời nhắc nhở chán ngấy kia là sự yêu thương, hy sinh hết mình vì chúng.

Vì vậy, bố mẹ cần dành thời gian để trao đổi với con trẻ, tập trung vào những điều tích cực và tốt đẹp mà chúng có. Cái hay và tinh tế của bố mẹ là phải tùy cơ ứng biến, kiên nhẫn và bình tâm nhắc nhở cái đám nhóc loi nhoi đó dưới nhiều hình thức khác nhau, ở nhiều địa điểm khác nhau. Chỉ cần chúng ta không miệt thị, khinh khi, chỉ trích gay gắt hoặc phớt lờ làm ngơ, thì trước sau gì chúng cũng ghi nhớ và thay đổi.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra việc kể chuyện giờ đây như là một môn nghệ thuật tuyệt vời đã bị đánh mất và lãng quên trong mỗi ngôi nhà. Người lớn quá bận, hoặc vịn cớ quá bận, không còn thong thả và đam mê kể chuyện cho lũ trẻ. Thay vào đó, họ đẩy chúng vào những lớp học thêm, hoặc để mặc cho chúng suốt ngày dán mắt vào truyền hình, máy móc, phần mềm giải trí.

Thế nhưng, họ quên mất rằng, kể chuyện về gia đình, về quá khứ, về việc bố mẹ ông bà đi lên từ đôi bàn tay trắng, về truyền thống văn hóa,… chính là lớp đất phù sa màu mỡ và vững chắc cho tính cách và giá trị của lũ trẻ, và của mối quan hệ bố mẹ – con cái bền vững qua thời gian. Ngày xưa cấp Một, chúng ta có thể ôm ấp chúng nó bằng vòng tay và những lời yêu thương “mật ngọt chết ruồi”, còn giờ khi chúng hơi “dị ứng”, thì chúng ta vẫn có thể ôm ấp lũ trẻ cấp Hai bằng tấm lòng rộng mở và những câu chuyện kể “mưa dầm thấm lâu”.

Đó là một thứ giáo dục ưu việt, không tốn tiền mà hiệu quả lâu dài và sâu sắc. Thế nhưng, nhiều người hoặc chưa vỡ ra, hoặc đã quên mất. Thế nên, họ cứ đổ cả đống tiền vào những chương trình luyện thi chất lượng cao, phần mềm siêu thông minh, công nghệ học tập tối ưu nhưng lại đánh rơi vũ khí bí mật của những “kho báu” từ chuyện ngày xưa.

Ngày trước, khi bắt đầu dạy cấp Hai, mình như một đứa trẻ… lơ ngơ, lóng ngóng không biết phải ứng phó với cái nhóm trẻ “ẩm ương, nổi loạn, khó đỡ” này thế nào. Còn nhớ hồi đó mình cứ ước sao cho chúng nó được trưởng thành và sâu sắc như đám học trò cấp Ba, đại học của mình. Được như thế thì sướng biết chừng nào, nhẹ cả đầu óc.

Thế rồi, mình cứ đọc, cứ nghiên cứu, cứ quan sát, thử nghiệm và đúc kết, rồi tự học khôn. Và mình đã thay đổi suy nghĩ… 180 độ: Cái ước mơ trước kia là một điều… ngu xuẩn và vô tri của bản thân.

Thay vào đó, mình suy nghĩ lại:

Hãy trân trọng và nắm chặt lấy chữ Duyên hiếm hoi trong đời này, để đồng hành, tác động và thay đổi lũ trẻ. Bởi vì đây chính là thời gian vàng để làm được điều đó, không chỉ là thay đổi năng lực ngoại ngữ, ý thức học tập của chúng nó mà có thể là thay đổi cả con đường và cách chúng đi qua cuộc sống mai kia.

Mỗi lần chia tay một lứa cấp Hai đi lên cấp Ba, nhìn từng đứa trẻ, mình nhiều khi chẳng để tâm đến mấy cái điểm số cao mà chúng nó tự gặt hái, hay kỹ năng Tiếng Anh của chúng nó đâu. Thay vào đó, mình nhìn vào con người và tính cách, cách suy nghĩ và cách sống của chúng nó, và mình thấy… an tâm được hơn phần nào.

Đi qua cấp Hai cùng lũ trẻ con thì đừng mãi dán mắt vào những cái thành tích bề nổi, mà hãy nhìn vào cách chúng suy nghĩ, cảm nhận, yêu thương và học tập. Tất cả cần là những điều tự nhiên lắng đọng trong con người chúng, chứ không phải là những sự gò giũa, áp đặt, khoác áo hồng nhưng dễ phai và cuốn bay theo gió.

Mình mãi nhớ câu nói của Nhà tâm lý học Granville Stanley Hall, người kiến tạo nền móng của việc nghiên cứu con trẻ, đã viết vào năm 1904 về sự khởi sắc của tuổi dậy thì như sau:

“Đây là cái thập kỷ tốt đẹp nhất của cuộc đời. Không một độ tuổi nào khác có thể ươm mầm và cấy những hạt giống, cả tốt lẫn xấu, mà bám rễ sâu, phát triển lên cây và cho ra hoa quả nhiều như độ tuổi này”.

Vậy chúng ta đang gieo gì cho lũ trẻ ở cái độ tuổi… thần thánh này?


Jun 29, 2023

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL