Tối đa thành công hay tổi thiểu thất bại?

Hình ảnh được vẽ theo prompt 1

Sáu năm học tập, nghiên cứu, làm việc về Vi sinh và Truyền nhiễm, mình cứ tưởng là sẽ theo đuổi lĩnh vực này mãi mãi, trở thành “chuyên gia” có số có má luôn ý chứ. Vậy mà lại không…

Vi sinh cơ sở và ứng dụng là môn mình có điểm tổng kết thấp nhất trong toàn bộ chương trình Đại học, chỉ có 11.3/20. Hồi đó trường mình không có quy chế thi cải thiện điểm, thế nên mình chỉ biết nhìn nó kéo tụt điểm GPA xuống. Sang năm thứ ba, mình được học một môn khác có tên là Vi sinh vật gây bệnh. Mình có cố gắng hơn nhưng mấy cái tên vi khuẩn dài loằng ngoằng hay cơ chế gây bệnh của các loài vi-rút vẫn không bám trụ trong não mình được lâu. Thế là mình tập tành học theo sơ đồ tư duy (mindmap), cũng như với mỗi đoạn kiến thức được học, mình tự tổng hợp lại 2-3 câu theo ý hiểu của mình để cho dễ nhớ. Điểm tổng kết môn nhận về là 17.9/20, cảm thất vui sướng hân hoan.

Khi bắt đầu phải chọn đề tài tốt nghiệp, mình lại muốn thử sức với mấy con sinh vật bé nhỏ ấy một lần nữa. Trong bài luận gửi cho thầy và Viện Nghiên cứu Vùng cực Hàn Quốc (Korea Polar Research Institute), mình viết về những suy nghĩ của mình về Vi sinh vật học, mình đã tự học lại môn đó ra sao, rằng cái điểm số thấp tè năm xưa không phản ánh được khả năng học tập và bây giờ mình đã tự tin với kiến thức mà mình có như thế nào. Và mình đã được trao cơ hội sang Hàn thực tập với học bổng toàn phần, làm nghiên cứu về các loài vi khuẩn trên tầng nước mặt của biển Thái Bình Dương. Không hiểu sao hồi đấy làm việc không biết mệt. Chắc là còn trẻ khoẻ. Nhiều hôm chạy điện di toét cả mắt, đổ đĩa môi trường nuôi cấy vi khuẩn nóng rát cả tay, hay ngắm nghía nuối nấng đống khuẩn lạc lồi lõm béo gầy tới tận 10-11 giờ đêm. Kết thúc kì thực tập, mình tìm ra 4 loài vi khuẩn mới và luận án của mình cũng được chấm điểm khá cao 18.6/20. Có thể nói, đây là đòn bẩy giúp mình tự tin bước tiếp trên con đường nghiên cứu Vi sinh.

Tốt nghiệp xong mình làm việc tại Đơn vị Nghiên cứu Lâm Sàng của ĐH Oxford tại Việt Nam (OURCRU), tham gia vào nhiều dự án trong và ngoài nước, được quen biết với nhiều cô chú anh chị đồng nghiệp giỏi, tích luỹ được dăm bảy bài báo quốc tế. Sau đó sang Anh học Thạc sĩ, mình cũng tập trung vào đề tài về vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh trong môi trường bệnh viện ở Việt Nam. Ngay cả khi bắt đầu học Tiến sĩ, chương trình học cho phép mình được làm ba dự án ngắn hạn ở ba lĩnh vực khác nhau trước khi chốt đề tài chính, mình thậm chí còn nghĩ bụng là để cho vui chứ sớm đã biết sẽ theo ngành Vi sinh.

Nhưng có lẽ, mọi chuyện xảy ra đều có lí do của nó. Vài vấn đề về sức khoẻ liên quan (mà mình đã chia sẻ ở những bài viết trước) đã đẩy mình sang một con đường nghiên cứu khác, về Ung thư và Đột biến gene. Mình đọc thêm về nguyên nhân gây ung thư, cơ chế phát sinh và vai trò của đột biến gene, ứng dụng của giải mã gene trong tầm soát và chẩn đoán ung thư .v.v. Mặc dù mới chỉ có 4 tháng làm dự án, nhưng mình cảm thấy thích thú vô cùng. Thế là nảy sinh ý định sẽ dành 3 năm học Tiến sĩ còn lại cho lĩnh vực này. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu mình có đang bị sự mới mẻ làm mê hoặc, mình được và mất gì khi quyết định chuyển ngành, có quá mạo hiểm để học Tiến sĩ một ngành mà mình mới chỉ có vài tháng kiến thức và kinh nghiệm?

Mình cân nhắc thêm vào một số yếu tố quan trọng như

1. Đề tài/lĩnh nghiên cứu (có đủ hay và thực tiễn để làm trong 3 năm hoặc lâu hơn nữa)
2. Thầy cô hướng dẫn (phong cách hướng dẫn, quỹ thời gian, tầm nhìn)
3. Anh chị đồng nghiệp (tính cách, năng lực)
4. Cơ sở vật chất (phục vụ cho wetlab và drylab)
5. Tiềm năng phát triển trong tương tai (academia và industry)

cũng như nói chuyện xin ý kiến của anh chị và các bạn đi trước, song gần như không có sự chênh lệch về điều kiện nghiên cứu giữa hai nhóm. Và chốt lại câu trả lời vẫn là ở mình. Nếu chọn Vi sinh và Truyền Nhiễm, mình đã có nền tảng khá chắc, có mối quan hệ, được thầy hướng dẫn thiết kế cho một dự án có thể về Việt Nam thường xuyên. Nhờ đó, mình sẽ giảm thiểu được những rủi ro hay thất bại trong quá trình học Tiến sĩ. Còn nếu chọn Ung thư và Đột biến, mình chưa có gì nhiều ngoài “niềm hứng thú” và một cái đầu mở cho những kiến thức mới. Vậy nên, điều mình phải làm là tận dụng mọi nguồn lực để tối đa thành công, cố gắng học được nhiều nhất có thể.

Cuối cùng, mình chọn rẽ sang một bước ngoặt mới. Thuyết phục được bản thân đã khó, mở lời với thầy hướng dẫn còn khó hơn. Bởi vì thầy quá tốt và nhiệt tình. Mình vẫn còn nhớ sự bất ngờ trên gương mặt thầy khi mình nói muốn chuyển ngành. “Thật á”, thầy hỏi với đôi chút nghi hoặc, song vẫn bình tĩnh phân tích tình hình và cho mình những lời khuyên quý giá. Sau hôm đó, mình cảm thấy thật tệ, như vừa phản bội một sự tử tế vậy. Mình viết một email dài, chia sẻ sự biết ơn và trân trọng của mình dành cho thầy. Thật may mắn khi nhận lại được sự trấn an và khích lệ, “…I think this is the right decision and I am very happy and pleased for you…” (Tôi nghĩ đây là một quyết định đúng đắn và tôi cảm thấy rất vui cho em”)

Tương lai phía trước còn rộng mở, có thể mình sẽ tiếp tục nghiên cứu về Ung thư, có thể mình sẽ quay lại làm Vi sinh, hoặc cũng có thể mình đủ thông thái để kết nối hai lĩnh vực đó với nhau? Ba năm học Tiến sĩ sắp tới hẳn sẽ tốn nhiều công sức, nhưng ít nhất là mình đã dám bước ra khỏi vùng an toàn.

Ta thường tiếc nuối điều mình không (thể) làm mà, đúng không?

Hà My - PhD student in Cancer, Ageing and Somatic mutations

Nguồn tham khảo: My Ở Cam


Jun 25, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email