Vài điều nhắn nhủ từ tiền bối: Study smart, not hard.
Nhiều lúc xem mục “Ngày này năm xưa” trên facebook cũng có cái hay. Hôm qua là tấm ảnh chụp lúc mình 19 tuổi, trẻ trung, xinh xắn lắm. Ừ, thì cũng chục năm rồi còn gì ha ha. Rồi mình chợt nghĩ, mình đã làm những gì ở độ tuổi đó? có bao giờ mình nghĩ là sẽ đạt được học bổng du học ở Cambridge hay không?
Mình đã từng có rất nhiều lo lắng và suy nghĩ cho tương lai khi mà điều kiện kinh tế gia đình dưới mức trung bình, ba mẹ không có mối quan hệ, và mình cũng chẳng phải là người sắc sảo, mồm miệng đỡ chân tay. Tuy nhiên, với tất cả nguồn lực cho phép lúc bấy giờ, mình nhìn lại và tự thấy rằng mình đã làm khá tốt đấy chứ. Và như thường lệ, sẽ là một vài kinh nghiệm từ thời đi học mà mình muốn chia sẻ với bạn.
𝟭. 𝗖𝗵𝗮̂́𝗽 𝗻𝗵𝗮̣̂𝗻 𝘃𝗶𝗲̣̂𝗰 𝗯𝗮̣𝗻 𝗰𝗼́ 𝘁𝗵𝗲̂̉ 𝗸𝗵𝗼̂𝗻𝗴 𝗯𝗮𝗼 𝗴𝗶𝗼̛̀ 𝗰𝗮̉𝗺 𝘁𝗵𝗮̂́𝘆 𝘀𝗮̆̃𝗻 𝘀𝗮̀𝗻𝗴
Có vô số quyết định được chúng ta đưa ra dựa vào cảm xúc. Bạn không học vì bạn thấy không muốn học. Bạn không giơ tay phát biểu vì bạn thấy sợ bị sai. Bạn không nộp hồ sơ vào ngôi trường yêu thích vì bạn thấy bản thân không đủ giỏi. Bạn không đi tập thể dục vì bỗng dưng bạn thấy hơi mệt. Và vô vàn những ví dụ khác nữa. Tất nhiên, việc mất động lực, chán trường là bình thường và xảy ra với bất kì ai. Nhưng việc đưa ra hành động thuận theo những cảm xúc trên sẽ khiến tăng thói quen trì hoãn.
Mình hay nói với bản thân là, chả biết khi nào mới là đủ, chả biết khi nào mới sẵn sàng, bởi có thể sẽ là không bao giờ. Do đó, bạn không cần chờ tới ngày mới, tuần mới, năm mới để hành động. Nếu uể oải, thay vì chơi bóng chuyền 2 tiếng, thì chơi 1 tiếng thôi rồi nghỉ. Và thường thì mình luôn thấy quyết định vác xác ra khỏi nhà là sáng suốt vì khi trở về thì có thêm hormone hạnh phúc, tinh thần phấn chấn. Trong việc học cũng vậy, nhiều người bảo mình có lối thuyết trình tự nhiên, nhưng mấy ai biết là kể cả bây giờ, mình vẫn hay bị đánh trống ngực và khát nước do lo lắng trước mỗi lần trình bày trước đám đông. Song chỉ cần vượt qua được nỗi sợ là mọi thứ lại đâu vào đấy. Và cái khoảnh khắc đó ngắn dần theo kinh nghiệm và thời gian, 10 phút, 5 phút … rồi vài giây. Sự tự tin cũng từ đó mà có được, không phụ thuộc vào tính cách.
Còn trẻ, đặc biệt là còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn có lợi thế là được phép sai. Điểm lần này có thể kém, nhưng có thể gỡ và lần sau sẽ có kết quả tốt hơn. Vậy nên, ngay cả khi những suy nghĩ chần chừ hiện ra trong đầu, bạn vẫn luôn có hai sự lựa chọn, làm hay không làm. Mình hy vọng bạn sẽ chọn cái đầu tiên để có thể chủ động cầm lái ước mơ cho riêng mình.
𝟮. 𝗣𝗵𝗮́𝘁 𝘁𝗿𝗶𝗲̂̉𝗻 𝗰𝗮́𝗰 𝗸𝘆̃ 𝗻𝗮̆𝗻𝗴 𝗺𝗲̂̀𝗺 𝗰𝘂̣ 𝘁𝗵𝗲̂̉
Trong một bài chia sẻ về lồng ghép kỹ năng mềm trong CV, mình đã viết rằng 𝟵𝟯% các nhà tuyển dụng nói rằng, kỹ răng mềm là yếu tố “thiết yếu” hoặc “rất quan trọng” khi cân nhắc ứng viên và đưa ra quyết định cuối cùng. Các nhóm kỹ năng mềm hỗ trợ bạn trong công việc và cuộc sống có thể kể tới: lãnh đạo, giao tiếp, tư duy phản biện, tư duy phân tích, quản lí thời gian, làm việc nhóm, thích ứng nhanh, tạo ảnh hưởng.
Một trong những hiểu lầm phổ biến với các bạn trẻ đó là gộp tất cả chúng vào với nhau. Bạn tham gia rất nhiều các hoạt động, công việc để phát triển <kỹ năng mềm>. Cho dù cuối cùng có nhận về chiếc certificate đi chăng nữa, nó cũng không có nhiều giá trị khi xin học bổng hay xin việc bởi cái họ muốn biết là bạn có những kỹ năng cụ thể nào.
Thay vì tham gia 10 hoạt động để lấy số lượng, bạn có thể cần nhắc xuống còn 3-4 theo từng nhu cầu kỹ năng muốn hoàn thiện dựa vào điểm mạnh và điểm yếu của bản thân; hoặc luân chuyển vai trò của mình trong các hội nhóm.
Có môi trường thực hành nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu thì cũng sẽ khiến bạn lúng túng. Để khắc phục điều này, hãy trang bị cho mình trước một chút lý thuyết. Các trang web như Courseara, edX, Alison, LinkedIn Learning, Udemy, FutureLearn cung cấp rất nhiều các khoá học/ hội thảo/ đào tạo ngắn hạn (từ vài giờ tới vài tháng) cho từng kỹ năng mềm. Bạn chỉ cần vào trang web và gõ kỹ năng mình muốn phát triển trong mục tìm kiếm. Miễn phí cả.
Quan sát, liên tục thực hành, tự đánh giá bằng các câu hỏi như “Mình đã xử lý tốt trường hợp này ở điểm nào?” hay “Có điều gì mình có thể/ muốn làm khác đi không?”, và tìm kiếm lời góp ý. Những việc làm trên sẽ thúc đẩy quá trình hình thành và hoàn thiện các kỹ năng mềm mục tiêu của bạn.
𝟯. 𝗟𝘂̛̣𝗮 𝗰𝗵𝗼̣𝗻 𝗽𝗵𝘂̛𝗼̛𝗻𝗴 𝗽𝗵𝗮́𝗽 𝗵𝗼̣𝗰 𝘁𝗮̣̂𝗽 𝗽𝗵𝘂̀ 𝗵𝗼̛̣𝗽
Chương trình học Đại học của mình chỉ có 3 năm nên khá là nặng. Thời gian biểu là 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều, từ thứ 2 tới thứ 6, có khi cả cuối tuần nữa. Khi lên giảng đường, mình để ý có những bạn làm việc riêng như đọc truyện, chơi game, thậm chí là ngủ. Sau đó, họ dành buổi tối hoặc thời gian phù hợp hơn để xem lại bài giảng của thầy cô giáo; hoặc chờ tới gần ngày thi thì học dồn một thể. Có những bạn thì luôn luôn ngồi bàn đầu, ghi chép đầy đủ lời thầy cô giáo nói, và học thuộc kiến thức không sót một từ, kể cả dấu chấm dấu phẩy. Không ít bạn đạt kết quả cao nhờ vào khả năng tự học và tự đọc như trên.
Tuy nhiên, mình không thể làm như vậy. Mình đi làm trợ giảng ở Trung tâm tiếng Anh và đi dạy gia sư vào gần hết các buổi tối trong tuần, nên quỹ thời gian của mình khá hạn chế. Và khi đã mệt rồi, thì việc học thuộc lòng với mình là không mấy vui vẻ. Có hôm cầm slides lên rồi úp vào mặt ngủ lúc nào không hay. Do đó, mình thường cố gắng nghe giảng và hiểu các vấn đề trọng tâm ngay ở trên lớp. Khi ở nhà, chỉ cần dành thêm chút thời gian tổng hợp kiến thức ra sổ, flashcard hoặc mindmap.
Do đã quen với cách học này, nên mình có thể nghe và hiểu những gì người khác nói và dạy khá nhanh. Cơ mà khi học lên Thạc sĩ, và bây giờ là Tiến sĩ, phần lớn lượng kiến thức mình cần thu nạp là thông qua số lượng lớn sách và báo khoa học chứ không còn là nghe giảng nữa. Thời gian đầu, mình còn dùng app để chuyển bài báo từ dạng chữ sang dạng nghe (audible). Sau đó thì dần dần phát triển kĩ năng đọc hiểu nhanh, ví dụ:
- Đọc lướt: tập trung vào phần cấu trúc và ý tưởng tổng quát của kiến thức
- Ghi chú: sử dụng ngôn ngữ và kí hiệu của bản thân để chuyển hoá kiến thức sang cách hiểu của riêng mình.
- Minh hoạ: hình ảnh sẽ được lưu lại lâu hơn là những dòng chữ trong đầu mình, nên mình cũng hay vẽ vời, hệ thống lại quy trình/ cơ chế với giấy bút nhiều màu.
- Đọc chủ động: Nghe và đọc và dạng tiếp thu kiến thức thụ động (so với nói và viết). Do đó, để nhớ lâu, mình cũng đặt những câu hỏi liên quan, so sánh với các kiến thức trước đây. Đôi lúc là vừa đọc vừa thảo luận với thầy cô, bạn bè.
Như từng đề cập trong các bài viết trước, mình thấy rằng, có được một phương pháp học tập phù hợp rất quan trọng. Nó không chỉ giúp nâng cao hiệu suất mà còn giảm được phần nào áp lực, chán trường khi nhìn vào kết quả của người khác. Để làm được điều này, bạn cần tự trải nghiệm nhiều cách học khác nhau (qua chữ, hình ảnh, âm thanh, hay hình động…). Chọn học một chủ đề ứng với một phương pháp, rồi xem xem bạn nhớ và hiểu chủ đề nào nhiều nhất. Sau đó, tập trung phát triển các kĩ năng cần có hoặc tìm kiếm các công cụ hỗ trợ cho phương pháp học tập mà bạn cho là phù hợp nhất. Thay vì cố tăng thời gian ngồi vào bàn học thêm 30 phút mỗi ngày, thì dành một buổi để tối ưu cách học sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn về lâu về dài.
𝗦𝘁𝘂𝗱𝘆 𝘀𝗺𝗮𝗿𝘁, 𝗻𝗼𝘁 𝗵𝗮𝗿𝗱!
My ở Cam
Jul 05, 2024