Con Thích Vẽ, Có nên Chọn Học Ngành Mỹ Thuật? – Phần 2

Bài – CON HỌC VẼ, CÓ NÊN HỌC NGÀNH MỸ THUẬT? – Phần 2

Series CHỌN NGÀNH ĐỂ HỌC, CHỌN NGHỀ ĐỂ LÀM

Bài hôm qua, mình chủ yếu viết về mỹ thuật ứng dụng, với các đầu cv thiết kế. Có vài bạn comment hỏi về ngành kiến trúc, bài này, mình viết riêng về sự khó khăn của ngành kiến trúc.

Mình viết dựa trên chia sẻ của bạn bè, người quen, đối tác làm trong ngành kiến trúc. Và cũng dựa vào thực tế mình đã làm việc với kts cho 7 căn hộ mà mình đã từng đầu tư qua. Kts có rất nhiều mảng, nhưng mình chỉ chia sẻ kts của công trình dân dụng - những thứ mà mình có trải nghiệm.

Bài viết này nếu có gì sơ sót hoặc chưa chính xác, hoặc chưa đầy đủ, mong các bạn góp ý nhé.

---------------------------------------------------

Ngành kiến trúc là ngành học của con nhà khá giả. Ngoài mức học phí, SV còn phải làm đề tài, dự án – tốn kém khá nhiều. Bạn nào muốn theo đuổi ngành này, nên tìm hiểu kỹ.

Tốt nghiệp ra trường, nếu bạn chỉ có năng lực trung bình, bạn sẽ không thể vào các cty lớn. Ở các cty nhỏ, bạn sẽ bị cạnh tranh với những họa viên, những người không học kiến trúc, chỉ học phần mềm đồ họa, và sẽ làm theo ý tưởng phác thảo của kts trưởng – chính là người chủ cty. Để tiết kiệm chi phí, các kts tự mở cty và là người gánh phần ý tưởng, chỉ cần thuê họa viên thôi, để giảm thiểu chi phí tiền lương. Điều này làm tăng thêm sự khó khăn khi tìm job và thương lượng mức lương của kts.

Nếu bạn có chút thực lực, bạn sẽ được nhận vào các cty kha khá. Những cty này sẽ nhận dự án nhà phố lớn, biệt thự, khách sạn, nhà hàng… Là những công trình mà nhất định cần có tính thẩm mỹ, có tay nghề chuyên nghiệp. Tại VN, những cty kiến trúc tầm cỡ không nhiều, so với số SV kiến trúc tốt nghiệp hàng năm. Ở các cty này, bạn cần phải giỏi mới được nhận vào và trụ lại.

Đó là bạn làm thuê, còn bạn tự ra ngoài làm việc như một kts tư vấn thiết kế, thi công độc lập, thì sao?

Dưới đây là vài nét sơ qua về các khó khăn bạn phải đối mặt.

Nói sơ qua, trong lịch sử, ngày xưa kiến trúc sư là những người chỉ làm những công trình vĩ đại cho giới vua chúa, hoàng tộc, quan lại; hoặc các công trình tôn giáo: nhà thờ, thánh đường, chùa chiền. Mỗi 1 công trình là 1 tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, trường tồn với thời gian. Vì vậy, di sản kiến trúc được xếp vào hạng mục fine-art: tác phẩm nghệ thuật mỹ thuật.

Còn nhà thường dân thì chỉ cần thợ xây là đủ.

Ngày nay, thế giới tiến bộ, vai trò của kiến trúc sư phổ biến hơn, tham gia thiết kế mọi loại công trình, kể nhà nhà ở. Nhưng ở nhiều quốc gia, kể cả Mỹ, sự tiến bộ chỉ đi từ thợ xây đến nhà thầu.

Theo BS Wynn Trần, người từng học kts rồi sau đó chuyển qua học và trở thành bs ở Mỹ, kts ở Mỹ chỉ thiết kế nhà ở lớn (diện tích 1.000m2). Còn lại phần lớn nhà ở của Mỹ được thiết kế bởi nhà thầu (builder) hơn là kts.

Ở VN mình cũng vậy, xây nhà toàn giao cho thầu xây dựng. Nhưng, thầu cũng có thầu this thầu that. Nhà thầu ở Mỹ thì hẳn là chuyên nghiệp hơn nhà thầu VN rồi. Nhà thầu ở Mỹ (hoặc ở Úc) thường sẽ thuê các kts thiết kế vài mẫu nhà. Mỗi mẫu sẽ có bảng báo giá. Khách đến chỉ việc chọn mẫu vừa ý, vừa tiền và ký kết HĐ thôi. Vì đặc trưng nhà Mỹ được xây trên khu đất rộng, mẫu nhà nào đặt lên cũng vừa vặn, nên cách làm này phổ biến. Còn ở mình, mỗi căn mỗi kiểu, chủ nhà giao cho thầu thi công, còn thiết kế thì chủ nhà tự lo liệu, hoặc thảo luận với nhà thầu.

Nói đâu xa, ông anh rể của mình, khi quyết định xây căn nhà 4m8x22m, xây 3 tấm 1 lửng, thời đó, chi phí xây nhà không dưới 100 cây vàng. Nhưng mà, ảnh vẫn nhất quyết tự tay thiết kế cho tổ ấm của ảnh, không chịu chi 1 đồng cho kts.

Cách thức ảnh làm là: lên mạng, xem tất cả các kiểu nhà, rồi tự tay vẽ bố cục. Xong thì đưa cho nhà thầu làm.

Diện tích nhà mênh mông vậy đó, mà khi khách đến nhà chơi, cần đi rest-room thì phải vào cái toalet nhỏ xíu, nằm dưới gầm cầu thang, bí hơi hôi rình, chứa nào là cây lau nhà, xô hứng nước, giẻ lao và nhiều món đồ vệ sinh cá nhân của người giúp việc. Vào 1 lần là tởn thần luôn. Dĩ nhiên, căn nhà đó còn có nhiều thứ vô lý khác nữa.

Cho đến khi ảnh bán nhà, người mua chê thậm tệ và chỉ trả giá theo giá trị miếng đất. Ảnh mới thấm thía sự “tiết kiệm” của mình mang lại lợi ích bao nhiêu.

Nếu ít tiền thì đã đành, nhưng nhiều người giàu có vẫn thích “tự tay thiết kế” và sau đó giao cho nhà thầu. Đây là 1 “hệ tư tưởng” thú vị mà mình nghĩ ngành kiến trúc nên làm 1 nghiên cứu nghiêm túc để hiểu nguyên nhân sâu xa là gì.

Với những nhà giàu trọc phú, thì dù sẵn sàng mời kts, nhưng lúc này họ đóng vai trò “chỉ đạo nghệ thuật”. Họ đi đông đi tây về, cái gì họ thích là họ cho vào bản vẽ. Kts lúc này cắn răng chấp nhận, và khi thiết kế được duyệt và ngôi nhà hoàn thiện, đôi khi kts không dám nhận đó là tác phẩm của mình.

Lại có thêm những chủ nhà rất “tinh vi”. Đi xin bản thiết kế cũ của người quen về “chế biến” dùng lại cho nhà mình. Cứ áng chừng theo đó mà làm, phiên phiến là được. Tiết kiệm cả mớ tiền.

Vì người người nhà nhà “tiết kiệm” phí thiết kế như vậy, nên kts khó sống bằng nghề tư vấn thiết kế đơn thuần. Họ phải nhận thầu thi công trọn gói, và phải free 100% phí thiết kế khi chủ nhà đồng ý chọn họ thi công. Mình rất không thích cách này.

Có lẽ do mình làm trong ngành quảng cáo đủ lâu, mình hiểu giá trị của sáng tạo, của chất xám, nên mình không bao giờ muốn free. Lần sửa căn hộ gần nhất của mình, mình chủ động yêu cầu cty thiết kế “Em cứ tách riêng phí thiết kế ra, chị sẵn sàng trả tiền thiết kế (gần 30 tr) cho em. Rồi sau đó, em cứ báo đúng giá của vật liệu + chi phí thợ thi công; rồi mới cộng phí giám sát 15% trên tổng phí nữa là được.”

Cách làm này rất minh bạch chi phí. Thoải mái cho đôi bên. Cứ vậy mà làm. Dù mình chọn vật liệu gì, đắt hay rẻ, thì 2 bên cũng vui vẻ mà làm với nhau.

Mở ngoặc: cách làm này là mình áp dụng theo phong cách của các cty QC đa quốc gia. Khi làm job nào, họ cũng sẽ rạch ròi charge phí khách hàng như sau: phí ý tưởng sáng tạo, chi phí sản xuất (chi phí này do bên thứ 3 báo giá minh bạch) và cuối cùng là phí giám sát 15 – 20% trên chi phí sản xuất.

Dù bạn có sản xuất cái phim QC vài trăm ngàn ông ngoại, hay bạn chỉ làm 1 đoạn animation trị giá vài ngàn, thì chi phí ý tưởng sáng tạo vẫn không khác nhiều. Job lớn hay job nhỏ, thì cũng charge phí sáng tạo như nhau. Thậm chí, khi khách hàng brief là tụi tui không có nhiều tiền, thì việc của bên Sáng tạo còn cực hơn, phải làm sao đưa ra ý tưởng hay ho, độc đáo, mang đến thành công cho nhãn hàng, dù tiền sản xuất không nhiều, mẫu QC đơn giản.

Có nghĩa là, khi bạn nhiều tiền, bạn muốn gì cũng được. Lúc bạn ít tiền, thì bạn càng cần có giải pháp thông minh, sáng tạo. Và chỉ những chuyên gia mới có thể giúp bạn. Làm nhà cũng vậy thôi. Nếu bạn ít tiền, nhưng bạn vẫn sẵn sàng trả phí thiết kế, và bạn cứ nói thẳng với cty kiến trúc: “Anh chị chỉ có chừng này ngân sách cho thi công, tụi em cố gắng đưa ý tưởng làm sao vừa vặn trong chừng đó ngân sách nhé”. Và, tin mình đi, các kts sẽ làm rất tốt luôn.

Thật ra, khi bạn chịu bỏ tiền mua chất xám của kts, thì bạn mới đúng là khôn ngoan. Vì kts sẽ cho bạn giải pháp hợp lý, dài hạn và tăng giá trị ngôi nhà. Nhà là nơi bạn ở nhiều năm. Nhà là tài sản mà.

Ngôi nhà được thiết kế bởi kts chuyên nghiệp, thì khi ở cũng thoải mái hơn, cho thuê hoặc bán cũng được giá hơn, dễ thanh khoản hơn. Khách đến xem là ưng ý liền. Hơn hẳn việc tiết kiệm chút tiền, nhưng sẽ nhận về 1 mớ bất cập mà bạn phải chịu đựng khi sống trong căn nhà đó.

Quay lại chuyện nhà mình, lúc mình yêu cầu như vậy, bên cty kiến trúc rất ngạc nhiên, và họ cũng rất vui vẻ làm. Kết quả là mình rất mãn nguyện về căn hộ hiện nay của nhà mình. Mình nghĩ, thị trường xây dựng nên minh bạch và nhân văn như vậy. Chứ đừng ép người ta free chi phí thiết kế, vì không có cái gì free mà làm tốt cả. Thiết kế free thì chỉ làm đại khái. Hoặc lấy mấy cái thiết kế đại trà rồi áp vào. Nhìn rất chán.

Hơn nữa, họ free mình cái này, thì họ sẽ lấy lại bằng cách khác. Lúc thi công, họ sẽ đề xuất những loại vật liệu đắt tiền, càng đắt thì họ càng được hưởng nhiều từ chiết khấu của nhà cung cấp. Đó là cách các đơn vị thiết kế bù lại cho phần thiết kế free kia.

Cách này làm cho các kts phải nhức đầu tính toán sao cho có lời đủ để vận hành cty, dù họ không thích nhưng cũng phải làm (không làm thì lỗ). Mà gặp khách hàng dễ thương để cty thiết kế bao thầu mua vật liệu luôn thì còn đỡ. Nếu gặp người khó nhằn, vừa đòi free phí thiết kế, vừa đòi tự đi mua vật liệu tận gốc luôn. Lúc đó, mấy cty kiến trúc chỉ biết thở dài.

Nỗi đau khổ khác của kts chính là “thầy phong thủy”. Nhiều gia đình tin vào tâm linh đến mức mê tín dị đoan. Ông thầy phong thủy phán cái bếp chổ này, cái giường phải xoay ra đầu kia, thì gia chủ tin lời răm rắp. Kts rất là đau khổ vì những yêu cầu đó quá trái khoáy. Mặt bằng nhà ở xứ mình có diện tích khá nhỏ, đâu phải rộng rãi mà muốn đặt ở đâu, theo hướng nào cũng được.

Phong thủy đúng nghĩa sẽ giúp mình sống dễ chịu trong không gian đó. Nhà có phong thủy tốt là ngôi nhà thoáng đãng, không khí được lưu thông tốt, có đủ ánh sáng tự nhiên, bố cục không gian sống hài hòa và phù hợp với nhu cầu và tính cách người ở. Bước vào 1 ngôi nhà có phong thủy tốt, ta sẽ cảm nhận được ngay trường năng lượng tích cực. Và ngược lại.

Phong thủy không phải là mê tín dị đoan đến mức bất chấp mọi quy chuẩn của thiết kế kiến trúc. Chính những bất tiện trong ngôi nhà đâm chất mê tín đó sẽ làm giảm chất lượng sống của mình. Đó mới thật là phong thủy kém.

Một khó khăn khác của kts là gặp chủ nhà hay đổi ý. Bản vẽ ok duyệt rồi, nhưng đến khi thi công, họ muốn đổi là đổi. Hoặc gặp người quen nào đó, cho ý kiến nào đó, là họ gọi ngay cho kts đòi thay đổi. Thậm chí đến lúc thi công, họ không thích, muốn đổi, phải đập ra, xây lại.

Việc thay đổi này mất thời gian cho kts kinh khủng. Vì không phải đơn giản như người ngoài nghĩ, muốn đổi là đổi ngay đâu. Đổi 1 phát là sẽ dính líu đến nhiều cái: lối đi, hướng gió, đường điện, đường nước, hệ thống xả nước… Mỗi lần đổi là kéo dài thời gian thi công, mà cty kiến trúc thì phải nuôi thợ và phải điều thợ cho các công trình sao cho tối ưu nhân lực. Chủ nhà thay đổi xoành xoạch như vậy thì họ bị động, dẫn đến thi công trễ kéo dài hàng loạt, ảnh hướng đến nhiều công trình khác nữa, và chi phí nuôi quân cũng đội lên thêm.

Nhận công trình gặp chủ nhà “cái gì cũng biết, mà không biết điều” thì kts mệt mỏi lắm đa.

Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, nếu bạn có tài, bạn vẫn có chổ đứng trong ngành. Nhé. Vấn đề là tài năng của bạn đến đâu thôi.

---------------------------------------------

Có vài bạn hỏi mình, nếu du học kiến trúc sư ở Mỹ thì sao?

Theo BS Wynn Trần, trong cuốn tự truyện “Từ kiến trúc sư trở thành BS tại Hoa Kỳ”, anh cho biết:

Tại Mỹ, kts là 1 nghề chuyên nghiệp. Để hành nghề, ứng viên phải có đủ 3 yêu cầu 3E: Education (kiến thức), Experience (kinh nghiệm), Examination (thi lấy bằng hành nghề). Từ lúc học kts cho đến khi có bằng hành nghề chuyên nghiệp ở Mỹ, phải mất từ 8 – 10 năm.

Ở Mỹ có 3 dạng bằng kiến trúc.

- Cử nhân kiến trúc: học 4 - 5 năm

- Thạc sĩ kiến trúc: học 6 năm

- Tiến sĩ kiến trúc: học 8 năm

Dù bạn học văn bằng nào, thì bạn phải cần có đủ 3E nói trên thì mới có thể hành nghề.

- Bằng cử nhân 4 năm: cần 5 năm kinh nghiệm, dưới sự giám sát của kts lành nghề

- Bằng cử nhân 5 năm: cần 4 năm kinh nghiệm

- Bằng thạc sĩ: cần 3 năm kinh nghiệm

- Bằng tiến sĩ; cần 1 – 2 năm kinh nghiệm

Có nghĩa là bạn phải có đủ các năm kinh nghiệm như trên thì bạn mới được thi lấy bằng hành nghề.

Tại 1 số tiểu bang, như Cali, bạn có thể thi bằng hành nghề mà không cần phải đi học chính quy. Trường hợp này, bạn cần phải có ít nhất 11 năm làm việc dưới sự giám sát của 1 kts lành nghề.

Nghề kiến trúc là 1 nghề rất cạnh tranh ở Cali. Cái khó nhất của kts là tìm nơi thực tập và tìm việc làm. Kts đang thừa mà lại không có nhiều cty kiến trúc tuyển dụng. Cường độ làm việc tại Mỹ quá nhanh, kts thực tập phải làm 10 – 12 tiếng/ ngày. Những bạn kts thực tập chưa có bằng hành nghề tại Cali được trả lương khá thấp so với mức sống và các nghề khác. Người dân Cali thường cản con họ học kiến trúc, vì học và đi làm quá lâu mà không có tiền. Người Ấn Độ ở Mỹ chỉ học bs và kỹ sư, chớ ít ai học kiến trúc.

Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích cho các bạn nhỏ trong việc tìm hiểu về nghề nghiệp.

---------------------------------------------

P/S: hình minh họa: là tựa đề bài viết của kts Michael Riscia – Kiến trúc sư hiện đang hành nghề ở Portland, bang Oregon, Hoa Kỳ. Ông đã có nhiều bài viết chuyên ngành trên YoungArchitect.com – trang tin kiến trúc dành cho Kiến trúc sư trẻ và sinh viên kiến trúc.

10 lý do không nên trở thành kts (ở Mỹ):

  1. Luôn tiêu cực:

“Ly nước chỉ đầy 1 nửa” là điều mà nghề kiến trúc sẽ dạy bạn. Luôn luôn có nhiều hơn những điều bạn có thể làm hay những cách để làm tốt hơn. Còn đồ án của bạn sẽ không bao giờ là hoàn hảo. Nhiều người đã dồn hết tâm huyết vào một đồ án nhưng cuối cùng lại phải trải qua quãng thời gian mệt mỏi bởi những lời chỉ trích.

Một trong những giải pháp cho việc này là học cách tách riêng “Công việc”. Bởi lẽ công việc cũng có “cuộc sống riêng” của nó. Sự thật là “Công việc” mới là đối tượng đang chịu những lời chỉ trích, chứ không phải cá nhân bạn. Tuy đơn giản như vậy nhưng lại có rất nhiều sinh viên chẳng thể vượt qua năm thứ nhất chỉ vì điều này.

  1. Quá phấn khích khi mình là KTS:

Nhờ nhà tiểu thuyết Ayn Rand, nhiều người (không phải giới nghề) đã có một sự “thần tượng hoá” đối với hình ảnh của Kiến trúc sư. Vì vậy, khi bạn nói mình là Kiến trúc sư có thể sẽ rất “oai” trong một một số tình huống mới gặp, hay chỉ trong chốc lát. Nhưng nếu điều này trở nên quá quan trọng với bạn, thì có lẽ bạn nên cân nhắc về việc trở thành KTS.

Những người thành công trong nghề này quan tâm nhiều hơn đến công việc và sẽ được công nhận bởi những gì họ làm. Giấc mơ trở thành Kiến trúc sư chỉ nên theo đuổi khi bạn thật sự đam mê với nghề nghiệp và làm việc.

  1. Vấn đề tiền bạc:

Có một sự khác biệt rất lớn khi so sánh lợi nhuận của nghề kiến trúc với các nghề khác. Khi mới vào nghề không những phải nhận mức lương thấp mà còn đòi hỏi cường độ làm việc cao.

Nhiều kiến ​​trúc sư không nhận được mức lương xứng đáng cho đến khi họ trở thành đối tượng có kinh nghiệm hay có chứng chỉ hành nghề. Trong khi, điều này thường mất 5 đến 10 năm sau khi tốt nghiệp.

Tôi đã chứng kiến nhiều người thuộc ngành nghề khác nhận được số lương gấp đôi của một KTS mặc dù thời gian làm việc, học tập ít hơn. Có lẽ, trở thành Kiến trúc sư chỉ đơn giản là một cách sống khác.

Là một kiến ​​trúc sư nghèo cũng là điều đáng để suy nghĩ. Không phải mọi KTS đều có trách nhiệm thay đổi điều này nhưng lại có rất nhiều cách để vượt qua nó. Điển hình như biến điều này thành thách thức cho một nhiệm vụ thiết kế to lớn của bản thân. Bắt đầu nghiên cứu về kinh doanh, và học cách để cung cấp các dịch vụ kiến trúc.

  1. Không thực sự thiết kế:

Thực tế đáng buồn là trong quá trình trở thành kiến ​​trúc sư, nhiều sinh viên đã nhầm tưởng bản thân như một “Ngôi sao kiến trúc” khi được chủ động đưa ra các “quyết định” với đa dạng thể loại công trình trong các đồ án, nhưng lại không thật sự đối mặt với những vấn đề khắc nghiệt trong thực tế như kinh doanh, những quy tắc, khả năng xây dựng và cộng đồng.

Sinh viên mới tốt nghiệp thường chỉ thực hiện các công việc dưới sự chỉ đạo của người khác, trong bộ phận sản xuất của công ty, mà ít khi được đưa ra quyết định. Họ chỉ đơn giản là dành toàn bộ khoảng thời gian làm việc để hoàn thành nốt các thiết kế theo ý đồ của người khác.

Tuy nhiên, mặt tích cực là bạn sẽ học hỏi được nhiều thứ và bạn đang dần tiến bộ để trở thành một Kiến trúc sư có kinh nghiệm và có quyền quyết định trong tương lai.

  1. Căng thẳng với Toán học:

việc KTS gặp khó khăn trong môn Toán là điều khá phổ biến. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, KTS đang liên tục thực hiện các phép toán phức tạp mà không dùng đến máy tính. Nếu đã từng vật lộn với toán học thì khi học Kiến trúc, bạn sẽ tiếp tục phải đối mặt với giải tích, vật lý, tĩnh học và cơ học kết cấu. Sau đó sẽ lại phải tiếp tục nghiên cứu để tính toán dầm, sàn, cột gỗ, thép và bê tông.

Kiến trúc sư làm các phép tính nhanh trong hầu hết thời gian. Nếu bạn không thể thích nghi với toán học, thì có lẽ kiến trúc không dành cho bạn.

  1. Phải rất nỗ lực khi làm việc:

Kiến trúc là một trong những ngành nghề cạnh tranh nhất, đây là điều dễ thấy ngay từ khi bạn bước vào trường học và sẽ không bao giờ dừng lại. Nhiều người có thể khám phá ra vô vàn những sáng tạo của bản thân trong một môi trường cạnh tranh. Chắc rằng sẽ có nhiều người ngạc nhiên với những khả năng của họ, giống như một nhà thiết kế.

  1. KTS với giấy hành nghề hợp pháp:

Hãy biết rằng, bằng tốt nghiệp kiến trúc chưa đủ để bạn trở thành Kiến ​​trúc sư. Hơn nữa, nó cũng không hợp pháp để bạn cung cấp dịch vụ kiến ​​trúc với khách hàng.

Ví dụ ở Mỹ, chỉ đến khi bạn đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và vượt qua kỳ thi cấp Chứng chỉ hành nghề Kiến trúc thì mới được công nhận là Kiến trúc sư. Nếu chỉ tốt nghiệp đại học, bạn có thể gọi mình là: Nhà thiết kế, Nhà tư vấn kiến trúc,…(hoặc bất cứ thứ gì tương tự nhưng không phải là Kiến trúc sư). Nếu bạn cung cấp dịch vụ thiết kế kiến trúc, hoặc bạn tự công nhận mình là một Kiến trúc sư trong quá trình làm việc, bạn có khả năng nhận án phạt bởi Hội đồng thẩm định của tiểu bang. Mặc dù một số Hội đồng có thể “thoáng tay” hơn, nhưng lời khuyên là bạn nên tìm kiếm những giới hạn công việc cho một Kiến trúc sư chưa được cấp phép tại nơi làm việc.

Luôn luôn có rất nhiều tranh cãi xung quanh sự khắc nghiệt của chủ đề này. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành các thủ tục cấp phép để trở thành Kiến trúc sư hợp pháp, quan điểm của tôi đã thay đổi. Tôi nhận thức rất rõ việc tại sao lại tồn tại những quy tắc này. Kiến trúc sư thực hiện một trách nhiệm to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe, an toàn và phúc lợi của công chúng. Xác định rõ bản thân là kiến trúc sư cũng tương tự gọi mình là bác sĩ, luật sư hay nhân viên cảnh sát.

  1. Suy nghĩ như KTS hay luật sư?

Một bộ hồ sơ bản vẽ theo quy cách có thể được xác định là văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn cho nhà thầu thi công. Tôi đã làm việc với các nhà thầu có kinh nghiệm để nhận ra những lỗi nhỏ trong các bản vẽ kiến ​​trúc và biến chúng thành sự thay đổi rất tốn kém cho chủ đầu tư. Mặc dù các bản vẽ và thông số kỹ thuật sẽ rất khó để trở nên hoàn hảo vì vẫn sẽ có những lỗi rất nhỏ mà KTS không ngờ tới. Tuy nhiên, khi trình bày các bản vẽ thi công (để giao cho nhà thầu xây dựng), bạn cần dành nhiều thời gian kiểm tra bản vẽ cùng các thông số kỹ thuật để tránh việc chủ đầu tư sẽ bị choáng khi làm việc với nhà thầu.

Thông thường thì vẫn liên tục có trục trặc cho các dự án, mọi thứ như rối tung. Nhưng nếu không có những trục trặc ấy, thì không ai có thể học được gì. Đơn giản là, học cách tránh những vấn đề này và đối mặt với chúng cũng có nghĩa đang học cách “sống sót” qua những rắc rối của dự án. Kiến trúc sư sẽ tăng khả năng quan sát, tư duy có hệ thống, và có phương pháp trong việc xây dựng bộ bản vẽ thi công.

  1. Những việc tốt thường bị "trừng phạt"?

Có những điều kinh khủng thường xảy ra trong công việc. Đôi khi những người mà bạn đang cố gắng giúp đỡ sẽ chống lại bạn, đơn giản vì họ không quan tâm đến dự án của bạn. Chủ đầu tư quyết định không trả tiền và sẽ có những người cướp đi ý tưởng. Ý tưởng của bạn bị hạ thấp bởi những người không trân trọng nó. Nhà thầu tiếp cận chủ đầu tư và chỉ thẳng tay vào bạn. Cho dù bạn làm việc rất chăm chỉ với các dự án nhưng kết quả lại không được công nhận. Bạn có thể làm một dự án trong nhiều năm nhưng lại đột nhiên bị đưa vào xó tủ, và cuối cùng, chẳng bao giờ được xây dựng…

Những điều này hết sức bình thường và nó xảy ra với hầu hết mọi người. Điều quan trọng là đừng cho rằng đây là chuyện của riêng mình. Bạn vẫn sẽ còn phải làm hàng trăm dự án khác trong suốt cuộc đời. Sau khi vượt qua những tai họa, bạn sẽ quen và biết cách kiểm soát những lúc căng thẳng một cách hiệu quả.

May mắn thay, các dự án “thảm hoạ” đấy sẽ nhanh chóng được thay thế bằng các dự án mới, và nhìn lại thì, tất cả những nỗi thất vọng rồi cũng sẽ bị lãng quên theo thời gian.

  1. Quá bi quan khi hành nghề:

Rất nhiều KTS đã không hành nghề thuận lợi, họ sẽ luôn nhắc nhở bạn về những cuộc hành trình dài khắc nghiệt phía trước. Sẽ có nhiều người khiến bạn nản chí giấc mơ trở thành kiến ​​trúc sư. Hãy nỗ lực đừng để rơi xuống dốc. Thêm những tiêu cực vào chủ đề này sẽ không giúp được gì.

Texvn tham khảo từ nguồn Phạm Hương


Phạm Hương - Nov 03, 2024

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email