Con đường thành công: Không phải trường lớp, mà là phẩm chất
Mùa thi vào lớp 6 và lớp 10 công lập đang là chủ đề nóng hổi trên khắp các diễn đàn. Nhân cơ hội này, mình muốn chia sẻ một số trải nghiệm và suy nghĩ về cách giúp con sống tốt/thành công khi bước vào đời. Góc nhìn này có thể khác với số đông, nhưng những trải nghiệm của mình đều là sự thật 100%.
Chúng ta thường nghĩ học sinh trường chuyên lớp chọn sẽ thành công hơn người thường vì họ có kiến thức, sự chăm chỉ, tinh thần trách nhiệm, khả năng tư duy, tính tự lập, tệp bạn bè "giá trị", khả năng cống hiến, sức sáng tạo, sự bền bỉ... Tất cả những điều đó đều đúng. Nhưng không phải trường chuyên lớp chọn "cho" các bạn ấy những phẩm chất đó, mà chính quá trình "đua" vào trường chuyên lớp chọn đã rèn luyện cho các bạn ấy những phẩm chất đó.
Để có được một suất đỗ vào trường chuyên, khi các bạn khác đang chơi hoặc ngủ, thì các bạn kia đi học thêm và làm bài tập nâng cao. Chỉ có những con người vừa chăm chỉ, vừa cố gắng, biết tự đặt ra mục tiêu thì mới có đủ nghị lực để học hành như vậy.
Để giải được toán nâng cao, các bạn ấy phải học cách tư duy, suy luận và trình bày mạch lạc.
Để làm được bài thi ngữ văn vào chuyên, các bạn ấy phải đọc rất nhiều sách, tích lũy vốn từ, vốn kiến thức xã hội, phải luyện cách viết, phải học cách trình bày, phải viết chữ rõ ràng, dễ đọc dễ hiểu; phải hành văn theo chuẩn mực và đầy đủ nội dung.
Để được điểm cao môn tiếng Anh, các bạn ấy phải bỏ ra rất nhiều giờ luyện tập để tích lũy đủ vốn từ, đọc hiểu nghe hiểu, luyện nói luyện ngữ pháp, mà ta thường gọi nôm na là "luyện đề", nhưng đằng sau 2 từ ngắn gọn ấy là biết bao công sức khổ luyện. Không có bạn nhỏ nào lười nhác và ngại tư duy mà lại đỗ điểm cao cho những môn thi ấy. Thêm vào đó, trong môi trường nhiều học sinh tài năng, các bạn ấy sẽ ra sức rèn luyện nhiều kỹ năng mềm. Ngoài ra, một chút yếu tố "doping" là mong ước "vượt lên trên bạn bè đồng trang lứa" sẽ là động lực thôi thúc các bạn ấy tiếp tục phấn đấu sau khi ra trường.
Đó chính là những phẩm chất giúp cho những học sinh xuất sắc trở thành những người thành công, chứ không phải cái hồ sơ "học sinh trường chuyên lớp chọn".
Tiếp theo, mình muốn kể các bạn nghe những câu chuyện này:
Mình thích mạng xã hội và mười mấy năm "ngao du" trên mạng xã hội, mình ngộ ra rất nhiều điều về cuộc sống, về suy nghĩ, cách hành động, về tư duy và quan điểm của con người. Mình xin đưa 1 ví dụ để các bạn dễ hình dung. Mình thích may vá thêu thùa nên gia nhập nhiều nhóm may mặc, các nhóm làm đồ thủ công, v.v... Nhờ thế, mình biết đến khá nhiều người có xuất phát điểm không được tốt lắm, và dù khá chăm chỉ và cần mẫn, nhưng các bạn ấy gặp vô vàn khó khăn, không thể vượt qua được nghịch cảnh. Vì xoay về hướng nào cũng gặp phải cản trở; lại toàn những cản trở đòi hỏi phải có kiến thức, có năng lực, có kinh nghiệm có tố chất thì mới vượt qua được.
Ví dụ: có nhiều bạn nữ làm công nhân ngành may, da giày; lúc còn trẻ, các bạn dễ dàng xin vào các nhà máy để làm công nhân. Nhưng sau 10-15 năm, các bạn đã có gia đình, có con cái, tuổi tác dần lớn và lại phải chăm sóc đưa đón con đi học, bạn không thể đi làm nhà máy được nữa. Khi đó, bạn làm gì để có thu nhập nuôi bản thân mình và con cái? Đi xin việc ko ai nhận. Muốn nhận hàng gia công thì cũng ko dễ vì đơn giá gia công của các xưởng nhỏ rất bèo bọt, trong khi họ vốn là công nhân may theo chuyền, chỉ biết may theo công đoạn; đã có tuổi tác lại nặng gánh gia đình nên rất ngại học cắt may bài bản để có thể mở tiệm. Buôn bán thì không có vốn và cũng không có kinh nghiệm, không có hiểu biết gì về thị trường và các mặt hàng. Muốn học thêm để có các kỹ năng khác cũng ko biết bắt đầu từ đâu, cũng không có ai để chỉ dạy; và có học thì cũng không bằng các bạn trẻ được học hành bài bản.
Với nam thanh niên cũng vậy. Nếu không giỏi văn hóa thì phải giỏi nghề; giỏi 1 nghề cụ thể cũng chưa đủ để yên tâm sống một đời. Kiến thức nghề nghiệp lạc hậu vô cùng nhanh. Chưa kịp ra trường thì kiến thức mà các bạn đang học đã lỗi thời rồi. Nếu không có tinh thần học hỏi và liên tục tự học, các bạn có thể dựa vào đâu để sống được cho cả một quãng đời dài mấy mươi năm. Ấy là chưa kể gánh nặng phải chăm sóc báo hiếu cha mẹ già và nuôi dưỡng con cái.
Thế nên, các bạn hãy tha lỗi cho mình nếu như mình nói, xã hội ta không có chỗ đứng cho những người ngại học, lười tìm hiểu và không muốn học hỏi. Đừng nghĩ là cứ học nghề đi cho "dễ sống, đỡ áp lực thi cử". Sai rồi đó bạn ơi! Nghề nào cũng phải học; kể cả nghề giúp việc nhà, rửa xe ô tô, giao hàng hay bán buôn ngoài chợ cũng phải học. Tại sao cô A chỉ là giúp việc nhà nhưng lương tháng vài chục triệu, có tiếng nói có sự tôn trọng hết mực của chủ nhà; nhưng cô B chỉ nhận mức lương vài triệu. Đó là do cô A tuy chỉ là người giúp việc, nhưng cô biết nấu ăn ngon, dọn dẹp nhà cửa rất khéo; cô giống như một "quản gia" cho chủ nhà, có thể quản lý nhiều công việc khác nhau như chăm sóc trẻ em, tính toán chi tiêu chợ búa cơm nước, giao tiếp tốt với mọi người trong gia đình, sử dụng thành thạo các loại đồ điện gia dụng, các thiết bị thông minh trong nhà. Còn cô B, cô chỉ có thể làm các công việc đơn giản như lau dọn nhà cửa, phụ việc vặt, phụ bếp v.v...
Đó mới chỉ là những nghề đơn giản trong cuộc sống. Còn rất nhiều nghề đòi hỏi bạn phải không ngừng học hỏi và tìm tòi để thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Chưa kể là phải học để sử dụng công nghệ hiện đại như kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; các kỹ năng như livestream, bán hàng qua TikTok, xây dựng mạng lưới; rồi còn phải có sự hiểu biết về luật pháp (để tránh phạm pháp) hiểu biết về xã hội (để tránh rơi vào bẫy lừa đảo và làm hài lòng khách hàng) v.v... Muôn vàn thứ cần phải học và chắc chắn đó sẽ là trở ngại lớn đối với người ngại học hỏi. Kể cả đi làm công nhân, thì cũng phải học hỏi rất nhiều thứ, vì máy móc và công nghệ ngày càng hiện đại. Nếu không nắm vững những yêu cầu kỹ thuật, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng khi phải vận hành những máy móc phức tạp.
Mình xin kể 1 câu chuyện khác, nghe xong mà không biết nên cười hay nên khóc. Trên 1 diễn đàn khá đông thành viên, có vài bạn sinh viên đăng bài ẩn danh, với nội dung than phiền chương trình học ở đại học. Các bạn phàn nàn sao thầy cô giảng ít quá, tiền đóng thì nhiều mà toàn bắt sinh viên phải tự học tự nghiên cứu; rồi những trục trặc khi phải sống cuộc đời sinh viên; không quen nếp học nếp thi, v.v... Một lần khác, có một status cũng rất hot, nói về việc một doanh nghiệp khi phỏng vấn tuyển dụng đã yêu cầu ứng viên phải mang theo một bản Kế hoạch kinh doanh. Tin đó đã khiến rất nhiều bạn trẻ "sôi máu", chỉ trích, phê phán doanh nghiệp là "bóc lột, muốn ăn sẵn". Rồi còn nhiều tin bài tương tự, nói về việc các bạn trẻ ngày nay đi làm không muốn cống hiến, không có khái niệm cống hiến, chỉ là sự đổi chác sòng phẳng giữa bên sử dụng lao động và người sử dụng lao động.
Những tin tức như vậy, các bạn có thể thấy rất nhiều và ngày càng phổ biến. Những suy nghĩ ở trên kia, mình biết, không ít người đồng tình. Đấy là điều rất đáng lo ngại, và rất khó để thay đổi, bởi vì các bạn ấy đã quá thiếu thông tin, quá thiếu góc nhìn, và quá thiếu những cơ hội để có thể giúp bạn ấy thay đổi suy nghĩ.
Đại học không phải là trường cấp 4. Đại học đòi hỏi cách học và cách tư duy hoàn toàn khác với bậc học phổ thông. Đại học là "cây cầu nối" giữa kiến thức sách vở và cuộc đời thật. Vì thế, thành công ở đại học gần như chắc chắn đồng nghĩa với việc người thanh niên đó sẽ thành công khi bước vào đời thật.
Lại nói về chuyện một doanh nghiệp khi tuyển dụng đã đòi hỏi ứng viên mang theo bản Kế hoạch kinh doanh. Chao ôi, liệu các ứng viên có biết rằng, chỉ trong vòng 2 phút, ChatGPT (bản miễn phí) sẽ viết ra cho bạn 1 bản Kế hoạch kinh doanh tươm tất hơn 90% những nội dung mà một bạn sinh viên mới ra trường tự làm hay không (tự làm, không được dùng GG search, không copy sao chép ở đâu). 2 phút cho nội dung làm bằng ChatGPT; và độ 1 tiếng đồng hồ nữa để sử dụng các phần mềm có AI hỗ trợ, xuất ra những bản trình chiếu đẹp long lanh, thậm chí có cả video clip minh họa; nếu bạn muốn, còn có thể tạo ra cả phiên bản hoạt hình có lồng tiếng, khớp tiếng nói, chỉnh sửa âm thanh chuyên nghiệp kèm thêm hiệu ứng điện ảnh nữa kia. Vậy, bạn nghĩ bạn là ai, bạn tài giỏi đến đâu để thuyết phục doanh nghiệp trao cơ hội việc làm cho bạn? Họ đã cho bạn cơ hội để chứng tỏ hiểu biết và năng lực của bản thân, còn bạn, bạn lại chỉ muốn chứng tỏ sự ích kỷ, lười nhác và lạc hậu của mình.
Mình nghĩ, để có thể giúp con cái chúng ta vào đời thuận lợi, tốt đẹp và bình an, không gì tốt hơn là hãy rèn con những phẩm chất của một người thành công. Đó là:
-
Không sợ học và có khả năng học tốt những môn học thuộc nghề nghiệp của mình. Tại sao học bạ trường chuyên được coi trọng, tại sao điểm A* được coi trọng, là bởi vì những học sinh ấy đã chứng tỏ họ có năng lực và có sự quyết tâm, có nỗ lực lớn lao để đạt được thành quả. Những con người ấy có tiềm lực rất lớn để đạt được thành công, khác hẳn 80% còn lại.
-
Chỉn chu trong mọi việc. Sự chỉn chu, tính kỷ luật và khả năng đạt đến sự hoàn hảo là yếu tố vô cùng cần thiết để làm việc trong những ngành nghề đòi hỏi sự chính xác và độ an toàn gần như tuyệt đối, chẳng hạn như Y dược, chế tạo và vận hành các thiết bị tinh xảo. Bạn muốn đi lái máy cày thì chả có gì khó khăn nhưng để trở thành phi công lái máy bay dân dụng hoặc máy bay chiến đấu thì bạn phải ở cái tầm rất khác biệt.
-
Kỹ năng mềm tốt (kỹ năng giao tiếp/trình bày/thuyết phục/đàm phán/kết nối; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng lãnh đạo; các kỹ năng sử dụng tA, tin học; khả năng lập kế hoạch v.v...). Kỹ năng mềm không phải là mấy cái mánh khóe thảo mai thảo quả lấy lòng người, đội trên đạp dưới. Kỹ năng mềm mới là chất xúc tác giúp cho kiến thức học hành "có đất dụng võ". Một người dù học giỏi đến đâu mà không có kỹ năng mềm để thích nghi với xã hội, với cộng đồng, với mạng lưới cộng sự, với khách hàng, với đối tác, v.v..., thì cũng là người vô dụng.
-
Khả năng vận dụng và sáng tạo. Bạn hãy hình dung khả năng vận dụng và sáng tạo của mỗi người sẽ không khác gì một cỗ máy. Có những người chỉ cần học hết đại học, nhưng họ ứng dụng vô cùng tốt, nên kiếm sống tốt và thành công rực rỡ. Trái lại, không ít người dù bằng cấp rất cao, nhưng vẫn loay hoay không làm gì ra nhiều tiền để sống tốt; đành bằng lòng với cuộc sống "ba cọc ba đồng". Thế nên, không phải cứ học nhiều là tốt, còn phải xem khả năng vận dụng những điều đã học của mình đến đâu. Khả năng vận dụng càng cao thì bạn là một "cỗ máy" có hiệu suất càng cao, càng lý tưởng. Còn học rất nhiều và vận dụng được rất ít thì chỉ là sự lãng phí không hơn không kém; trừ trường hợp người ấy thích học và ko phải bận tâm đến chuyện kiếm tiền.
Vì vậy, thay vì quá chú trọng vào khối lượng kiến thức và các điểm số, mình cho rằng, chúng ta nên chú trọng đến việc rèn luyện 4 phẩm chất trên đây cho con. Mà 4 phẩm chất nói trên thì chả liên quan gì đến tên tuổi của trường. Nó liên quan mật thiết đến tố chất + phẩm chất của con, và sự định hướng cũng như giáo dục gia đình, bắt đầu từ cấp 1. Chúng ta thường vô tình "liên kết" 4 phẩm chất trên đây với vài mô hình trường lớp, và tin rằng các bạn nhỏ được như thế là nhờ trường A hay trường B. Trong đa số trường hợp, việc công nhận như vậy chỉ giúp nâng tầm, "leo rank" là chính; bởi vì các trường xịn như vậy, họ không mất công đào tạo đâu, họ chỉ đơn giản là sàng lọc và nhận vào những đứa trẻ với những phẩm chất như vậy mà thôi. Cho nên, không phải là học sinh trường chuyên ra đời thì dễ thành công, mà là các bạn ấy đã mang sẵn những yếu tố để thành công trong người rồi! Đã có những phẩm chất ấy thì dù học trường làng, trường tư hay trường quốc tế, trường quèn hay trường xịn thì các bạn đều thành công hết! Thậm chí, với nền tảng là "học sinh trường quèn" sự thành công đó còn mang nhiều tự hào và ý nghĩa hơn bình thường ấy chứ.
Mỗi đứa trẻ đều là một "viên ngọc thô" của bố mẹ. Mài giũa ntn là do chúng ta. Bố mẹ hãy cố gắng dành tâm huyết để rèn luyện phẩm chất cho con mình trước đã nhé, vì kiến thức luôn có thể học, có thể cập nhật, có thể tìm hiểu và học hỏi khi các con thực sự muốn học. Chỉ có phẩm chất là phải rèn luyện từ tấm bé; và phải không ngừng rèn luyện. Sau này, sẽ chẳng ai quan tâm con đã từng học ở trường nào lớp nào, họ chỉ quan tâm "con là người như thế nào". "Là người như thế nào" hoàn toàn do chúng ta tự quyết, trường lớp liên quan gì đâu? Vì thế, nếu con chưa đỗ đạt vào ngôi trường mơ ước, thì bố mẹ hãy bình tĩnh nhìn lại xem, con có thật sự cần phải đỗ, phải học ở ngôi trường đó hay không? Con có thể học kiến thức ở bất cứ nơi đâu, với bất cứ thầy cô nào nổi tiếng nhất. Con có thể rèn luyện phẩm chất ở bất cứ môi trường nào cơ mà? Và con luôn có thể bắt đầu hành trình mới kể từ ngày hôm nay.
Thế nhé, đó là những điều mình ấp ủ từ lâu, nhưng mãi đến hôm nay mới có 1 lý do hợp lý để chia sẻ cùng các bố mẹ.
Nguồn tham khảo: Nguyên Ánh Nguyên
Jun 15, 2024