Giải Mã "Trường Tốt"

Cứ mỗi mùa tuyển sinh hàng năm, chúng ta lại thấy rất nhiều câu hỏi xoay quanh chủ đề:” Em xin review trường ABC XYZ”, cả công khai lẫn kín đáo inbox cho nhau. Vậy thì, đâu là những yếu tố cần được chú ý khi đánh giá mức độ “tốt” của một ngôi trường nhỉ? Các bạn có thường dùng những yếu tố sau đây để đánh giá về chất lượng của một ngôi trường không?

  1. Chất lượng giáo dục: Tìm hiểu về chất lượng giáo dục tại trường bằng cách đọc thông tin trên trang web của trường; đánh giá từ phụ huynh và học sinh hiện tại, cũng như báo cáo đánh giá/xếp hạng của cơ quan chủ quản.
  2. Chương trình giảng dạy: Xem xét liệu trường có cung cấp chương trình giảng dạy phù hợp với phong cách học của con bạn không. Một số trường có các chương trình đặc biệt như STEM, nghệ thuật sân khấu, thể thao, hoặc giáo dục đặc biệt cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt.
  3. Môi trường học tập: Ghé thăm trường để đánh giá môi trường học tập và xem liệu nó có phản ánh giá trị và mục tiêu giáo dục của gia đình bạn không.
  4. Cơ sở vật chất: Kiểm tra cơ sở vật chất của trường bao gồm phòng học, thư viện, phòng thể dục, và khu vực ngoại khóa như sân chơi.
  5. Phương pháp giảng dạy và quy mô lớp học: Tìm hiểu về phương pháp giảng dạy mà trường sử dụng và kích thước lớp học. Một số phụ huynh quan tâm đến việc con mình có thể nhận được sự chú ý cá nhân đúng mức không.
  6. Vị trí và an toàn: Xem xét vị trí của trường so với nhà bạn và xem liệu nó có an toàn hay không.
  7. Chi phí và hỗ trợ tài chính: Xem xét chi phí học phí và xem liệu trường có cung cấp các hỗ trợ tài chính hoặc học bổng không.

Mỗi gia đình có những ưu tiên và giá trị riêng, vì vậy hãy chọn trường phù hợp nhất với nhu cầu và mong muốn của gia đình bạn.

====> Sau khi đọc đến đây, chắc bạn sẽ gật gù bảo, ừ nhỉ, chả sai tẹo nào.

Nhưng mà, các bạn sẽ rất ngạc nhiên nếu biết rằng toàn bộ nội dung trên đây đều do ChatGPT viết. Bạn thấy “nó” giỏi không? Càng ngày càng thông minh, nó thông minh hơn phụ huynh chúng ta nhiều rồi, vì có lẽ đến 80% phụ huynh chúng ta không thể viết đúng và đủ tất cả các nội dung trên đây cho bản thân. Những ý kiến trên đã trở thành quá phổ biến, nên mới trở thành nguồn để “huấn luyện” AI.

Để phản biện lại ý kiến trên của AI, liệu chúng ta có thể xem xét khái niệm “trường tốt” ở một góc độ hoàn toàn khác hay không?

Có thật sự là con chúng ta “học tốt” nhờ được học ở “trường tốt”?

Mình cho rằng, chính tâm thế “con phải vào học trường tốt” là điều quan trọng nhất và chủ yếu nhất để có được một đứa con “học tốt”. Hay nói cách khác, trước khi vào được “trường tốt” thì bản thân đứa trẻ đã được chuẩn bị quá tốt để trở thành một học sinh xuất sắc. Một đứa trẻ chưa vào lớp Một đã đọc thông viết thạo cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, lại còn được học đàn, học vẽ, học thêm vài môn thể thao như bơi lội, trượt patin, dance sport, học hát học múa học võ, thậm chí thi luôn cả chứng chỉ Movers, Flyers trước khi chính thức trở thành học sinh lớp Một => vậy bạn có thật sự tin rằng em bé đó học tốt là nhờ được học ở trường ABC nào đó không? Trường tiểu học nào dạy được em bé như vậy, trong khi em vẫn còn đang là bé mầm non? Với một học sinh đã có trình độ vượt trội so với cấp lớp (grade) mà em sẽ theo học, thì trường học cung cấp được cho em những kiến thức gì để tiếp tục vượt trội?

Chương trình học của trường ABC XYZ nào đó “rất tốt”, giúp cho các con có kiến thức vượt trội.

Bản chất chương trình “vượt trội” của bất cứ trường phổ thông nào, cũng không nằm ngoài chiến lược “cung cấp thật nhiều kiến thức, với khối lượng bài tập đồ sộ” để học sinh phải luyện tập thật nhiều, luyện tập không ngừng. Nhiều trường “tham” đến mức, môn nào cũng là “mũi nhọn”; đẩy mạnh các môn “mũi nhọn” đã đành, cả các môn ngoại khóa/môn phụ cũng không chịu kém cạnh.

Học nhiều, luyện tập nhiều thì đương nhiên các con sẽ giỏi. Các con giỏi rồi thì sẽ thi thố và sẽ đạt hàng loạt giải cao; trường tha hồ vinh danh các con, bố mẹ hãnh diện => càng tạo sức hút, càng đẩy tên tuổi và thứ hạng của trường lên cao; và trường càng hot thì học phí và các chi phí khác cũng tưng bừng “lên hạng”.

Hai quan điểm trái ngược “Con học giỏi thì ở đâu cũng giỏi” và “con cần có môi trường bè bạn thật giỏi để có động lực học giỏi”

Mình tin là số lượng các phụ huynh có con thuộc vế sau sẽ có tỷ lệ áp đảo so với phụ huynh ở vế trước, đúng không ạ? Mặt khác, rất ít phụ huynh dám “đánh cược” để con học ở một trường “thường” (thay vì trường chuyên/CLC) để có đối chứng so sánh với kết quả học tập ở trường chuyên chọn.

Vậy thì, khúc mắc ở đây là gì? Mình cho rằng, đó là vì định kiến lâu đời từ thế hệ phụ huynh đi trước truyền lại. Thế hệ 6x, 7x, có lẽ chỉ có trường chuyên chọn mới tập hợp được những nguồn lực tốt nhất để đào tạo học sinh giỏi: giáo viên, tài liệu, học cụ, và các ưu đãi về vật chất của thời bao cấp. Thời ấy, nếu không phải là học sinh trường chuyên lớp chọn, chắc chắn học sinh không thể được học tập cùng với các giáo viên giỏi, cũng không có cơ hội được chọn vào đội tuyển, và cũng chẳng có tài liệu học tập để nâng cao trình độ.

Nhưng ngày nay thì rất khác. Chỉ cần con bạn chịu học, và gia đình có khả năng tài chính, con bạn có thể học với những giáo viên tài năng nhất và tiếp cận các chương trình /giáo trình học tiên tiến nhất. Bằng chứng cụ thể và hiển nhiên là ngày càng nhiều học sinh trường tư thục có kết quả học tập vượt trội và bền vững về tất cả các khía cạnh.

Ngoài ra, khái niệm “môi trường bè bạn” cũng đã thay đổi rất nhiều. Ngày trước, khi chưa có mạng internet, chưa có khái niệm “mạng xã hội” thì trẻ em chỉ có thể kết bạn ở trường học, ở khu phố. Việc theo học trường chuyên chọn gần như là cách duy nhất để con kết nối với tệp bạn bè giỏi giang và đồng chí hướng.

Ngày nay thì sao, chỉ cần con bạn giỏi, không ngại trải nghiệm, thi thố cọ xát; chỉ cần phụ huynh cầu tiến, tích cực tìm hiểu và kết nối, con của bạn tự khắc thiết lập được mạng lưới bạn bè, thông tin và mối quan hệ, thậm chí là xuyên quốc gia. Các cuộc thi “mở” nhận thí sinh tự do cũng ngày càng nhiều. Học sinh không thiếu cơ hội để chứng tỏ năng lực của bản thân.

Vì thế, mình tin rằng, ngoài mô hình truyền thống là trường chuyên lớp chọn, trường “thường”, mô hình trường học “cá nhân hóa” sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, để đáp ứng nhu cầu của những học sinh có năng lực và gia đình có điều kiện để tối ưu hóa khả năng của bản thân. Những bạn nhỏ này chỉ cần một ngôi trường có chương trình học thuật “nhẹ nhàng” để không mất nhiều thời gian cho các bài học, bài tập ở trường. Thời gian còn lại, họ dành cho các chương trình nâng cao, được thiết kế riêng biệt cho mỗi cá nhân. Những kết quả học tập mà chúng ta đang thấy xuất hiện ngày càng phổ biến trên các phương tiện truyền thông như: các giải thưởng từ cuộc thi quốc tế, điểm thi TOEFL, điểm thi SAT, IELTS, điểm thi AS/ A-level, IB, AP... chưa bao giờ là kết quả của chương trình giáo dục phổ thông đại chúng. Nó là kết quả của lộ trình “cá nhân hóa” của từng học sinh, và xuất hiện ở bất cứ nơi đâu. Với học sinh “hệ thường”, có thể các bạn sẽ không có một số quyền lợi như tham gia vào đội tuyển HSG quốc gia của một vài kì thi. Nhưng bù lại, các bạn lại được “toàn quyền” tham gia rất nhiều kỳ thi khác để chứng tỏ năng lực.

Một điểm tích cực khác mà có thể bạn thấy khó tin, nhưng nó lại là sự thật: những nhân tố tích cực, tức là những học sinh với năng lực học thuật nổi bật, một khi theo học tại các trường “thường” lại nhanh chóng trở thành tâm điểm và thu hút được lượng lớn bạn bè xung quanh, tạo dựng nên phong trào học tập và thi đua mới cho học sinh tại các “trường thường” này. Chẳng mấy chốc, các trường “thường” lại được biết đến như là các “trường hot” phần lớn nhờ vào tên tuổi và sức hút của các nhân tố tích cực này.

Do đó, những câu hỏi mà phụ huynh thường đặt ra: “Trường ABC có tốt không” mình nghĩ, điều đó là ko cần thiết nữa. Thay vì trông đợi ở nhà trường, chúng ta phải hoàn toàn chủ động chuẩn bị, đồng hành và sẵn sàng đầu tư cho con. Bởi vì, yếu tố gia đình mới là nhân tố quan trọng nhất để tạo nên một học sinh giỏi.

Vậy, khi học sinh đã “giỏi sẵn” thì các em mong muốn nhận được điều gì từ trường học?

- Các em muốn có được quyển học bạ với những nhận xét tốt nhất.

- Các em mong muốn nhận được sự công nhận và đánh giá cao; được vinh danh, được khen ngợi, thậm chí là thường xuyên khen ngợi và nêu gương. Nhiều phụ huynh cho rằng, việc thường xuyên khen ngợi và nêu gương các học sinh đạt thành tích sẽ gây áp lực lên các học sinh khác. Tuy nhiên, trường học là môi trường giáo dục, việc khen ngợi và nêu gương thường đem lại động cơ tích cực qua hàng chục thế hệ học sinh.

- Các em mong muốn “được chấp nhận và tạo điều kiện”. Nhiều em học sinh giỏi có những cá tính và sự khác biệt so với số đông, và điều đó đôi khi cũng là yếu tố tạo nên những ưu thế mũi nhọn của em. Do đó, một ngôi trường tốt sẽ là nơi “thấu hiểu và chấp nhận” những góc cạnh đó.

Nói đến yếu tố “tạo điều kiện” thì chúng ta cũng cần biết rằng, ngày nay việc “tạo điều kiện” và “hỗ trợ học sinh” không còn là độc quyền của một trường hay nhóm trường nào đó rồi. Các trường tư thục tốt đã ngày càng năng động, ngoài việc ko ngừng cải tiến chương trình học và giáo dục các kỹ năng mềm, họ còn có rất nhiều hoạt động để tư vấn, hỗ trợ hồ sơ cho học sinh; tìm kiếm cơ hội xin học bổng, liên kết với các tổ chức giáo dục cấp cao hơn để gửi học sinh tham gia các dự án lớn; cấp các chứng nhận/thư giới thiệu để học sinh hoàn thiện hồ sơ xin học bổng bậc đại học... Những cái đó mới là thứ mà gia đình học sinh cần, chứ không phải là chương trình học và những kiến thức học thuật! Đấy, các bạn ngạc nhiên chưa! Đến trường không phải để học kiến thức, mà là để nhận những giá trị cộng thêm này.

Bạn nghĩ sao về những chuẩn mực để đánh giá "trường tốt"? Hãy cùng chia sẻ những mong muốn của chúng ta, biết đâu sẽ có ngôi trường nào đó chịu "lắng tai nghe" thì tốt biết mấy nhỉ!

Nguồn tham khảo: Nguyễn Anh Nguyệt


Jun 15, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL