Học Toán và Giỏi Toán - Nam Nguyễn
(Status “ăn theo người nổi tiếng” – có một bác viết “Toán học là gì?” và lôi đề thi toán THPT năm nay ra “đập” – từng bài một - và coi việc ra đề như thế là “khủng bố”, “phản động” - rất được sự quan tâm và “chăm sóc” của cộng đồng mạng. Mình cũng ném đá xem sao...)
Giỏi toán có 3 loại thôi:
1) Giải các bài toán nhanh, đa dạng, thường để thi, trong thời gian nhất định phải làm đủ một số bài toán nào đó với mức độ khó dễ khác nhau. Ở Việt Nam chủ yếu dạy và học toán kiểu này, tóm lại là luyện thi cho gà nòi.
2) Tìm và giaỉ quyết những vấn đề mới, hóc búa trong toán học. Ví dụ Ngô Bảo Châu là một trong những đại biểu ít ỏi của Việt Nam ở thể loại này.
3) Dùng những kiến thức toán học đã có của nhân loại để giải quyết những vấn đề khác, của ngành khoa học khác hay trong cuộc sống.
Tao thực ra thuộc loại 1, “nhanh” lắm đấy, nhưng bản chất là sẽ hành động theo loại 3, vì điều kiện làm việc và quỹ thời gian chả còn nhiều để theo loại 2 nữa. Ở nước ngoài bọn giỏi loại 3 này đầy, còn ở Việt Nam “éo” có bọn loại 3 này đâu...”
Vốn bản tính “dân dã”, bác này đã giải thích cho tôi thế nào là “giỏi toán”. Cái câu cuối cùng này có lẽ phần nào “bào chữa” được cho bác ấy về nhận định đã được giang cư mận cho cả một trận mưa gạch đá: “Việt Nam làm “éo” gì có nền toán học!”. Vâng, phải nói rõ hơn và không phải là có cơ sở hoàn toàn chắc chắn rằng Việt Nam không có người giỏi toán loại 3 đâu (mặc dù hậu sinh bọn tôi vẫn cứ hy vọng hão huyền là có đấy, ít nhất là có bác ấy chứ ai!).
Tôi thấy bác ấy vò đầu bứt tóc, đúng kỳ bóng đá thế giới mà chót hứa với trẻ con, nên đang làm mấy bài thi của nợ của bọn học sinh thi đại học mới đây, vừa làm vừa chửi xa xả bọn ra đề, rồi chửi nhau với bọn chọc ngoáy bác ấy trên mạng, bác bảo chúng nó là “phản động”... Tôi mới rón rén xui: “Em có “chém” về bác một bài từ năm ngoái, chưa kịp đăng, hay bác ngó qua rồi cho em quẳng lên Phây? Chia lửa với bác, mà không thì bác lại bị thêm đợt gạch đá nữa là cùng chứ gì?”. Khích bác các kiểu rồi mà không được – “cấm mày viết về anh, để cho tao tự do!”. Ngạo nghễ lắm! Thì thôi, bỏ hết tên họ, nick ra, cứ đăng thôi, mềnh cũng tự do mà...
Bất kỳ ai khác mà lộng ngôn như thế về toán học có lẽ đều không được, nhưng có một người nói như vậy mọi người “trong nghề” hay hiểu việc có lẽ đều bỏ qua (và phải công nhận là có phần chí lý) – đó chính là bác này. Bởi vì bác này không chỉ nói có mỗi thế thôi đâu, mà còn nói nhiều, nói kỹ là vì sao như thế, và quan trọng hơn là bác này “lèm bèm” nói như thế độ ba chục năm nay rồi! Thế nên việc bác ấy đả phá đề thi đại học môn toán năm nay và lại nhận hàng rổ đá với gạch thì cũng “thường thôi” – chuyện đúng sai thì tôi chả bàn, vì một là tôi “tuổi gì” để bàn với luận với bác này về toán, thứ nữa thì chưa bàn cũng biết là bác này chuyện nào chứ chuyện này không thể sai được đâu. Có bàn thì bàn một vấn đề hay hơn nhiều: thế nào là học toán, giỏi toán và để làm gì!
Ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) có một dòng họ rất nhiều người học giỏi. Cụ Giải nguyên Lê Thước có người anh họ sau này là nhà toán học hàng đầu VIệt Nam là Lê Văn Thiêm. Ít người biết đến người cháu họ của ông Thiêm và là con cưng của cụ Thước là Lê Thiệu Huy, một liệt sỹ hy sinh bên Lào khi được phân công bảo vệ Hoàng thân Xuphanuvông đã lấy thân mình che đạn cho Ngài (và trở thành ân nhân suốt đời của Hoàng thân). Người đời nhớ nhất đến ông Huy lại không phải vì nghĩa cử anh hùng ấy, mà vì ông học quá giỏi, nhất là toán, đến mức bao nhiêu năm sau vẫn còn được truyền tụng, và tuy học trường Y bởi chiến tranh ông không đi Pháp học được thì người đời vẫn nhìn thấy ở ông một nhà toán học sáng giá của tương lai. Tiếc thay... Thế còn nhân vật của chúng ta cũng thuộc dòng họ ấy về bên đằng ngoại, cha anh sinh thời hoàn cảnh khá khó khăn và không có điều kiện học cao, và mẹ anh chính là người hầu như giải đáp mọi thắc mắc của anh thời thơ ấu, chính bà truyền cho anh niềm đam mê học hành...
Vốn thuộc “giỏi loại 1” tất nhiên anh giỏi toán rồi (thời xưa “giỏi” với “giỏi toán” hình như người ta coi là đồng nghĩa đấy!?) chưa kể là con ngoan, cháu Bác Hồ, học sinh tiêu biểu nữa: từ bé đến lớn luôn được giải thưởng các kỳ thì giỏi toán miền Bắc, chuyên toán tổng hợp, rồi khoa toán đại học Lomonosov (MGU ở Moscow, CCCP). Năm ấy học toán ở đây toàn người Việt giỏi và sau này trở nên rất tiếng tăm, cũng như nói chung trường ấy trước và sau năm ấy rất nhiều người Việt giỏi giang ra đời cả. Bác này cũng giỏi lắm, nhưng anh ta khá khác người! Từ lúc sinh viên anh đã ít giao du với hội bạn Việt Nam, thế nên bị đơn vị “ghét” lắm và nhiều lúc họp hành họ cũng muốn lôi anh ra mà “xử đẹp”, may mà anh học giỏi nên cũng vô sự! Sau này anh bảo thời gian ấy anh để suy nghĩ xem vì sao bọn tây nó giỏi, bọn Do Thái càng giỏi, người Việt mình có học giỏi thì tây chúng nó vẫn giỏi khác cơ! Tức là vấn đề không phải ở toán đâu... Anh nghĩ cả lúc còn sinh viên, cả lúc sang làm luận án phó tiến sỹ, cả lúc chứng kiến Liên Xô sụp đổ, và có lẽ đến giờ vẫn chưa thôi nghĩ về điều đó!
Về dạy toán ở trường Đại học kỹ thuật quân sự, nơi rất nhiều giáo viên giỏi, đa số cũng từ nước ngoài về như anh, tính ngạo nghễ của anh không hề bớt, mà có lẽ còn trầm trọng hơn. “Thằng này chả biết chó gì” – đấy là đánh giá của anh đối với đại đa số đồng nghiệp, học viên, năm trên, năm dưới hay kể cả nhiều “cây đa cây đề” trong ngành! “Nó có biết tí đấy, đừng đùa” – là đánh giá rất cao của anh về một số ít người mà chúng tôi có nghe thấy, tất nhiên những nhân vật đấy không nhiều và phải có gì đó rất nổi trội mới là anh nể đôi phần như thế! Toán thì khỏi nói rồi, mình anh dạy “cân” cả khoa. Hồi đó chưa có internet nhưng trên trường ở Vĩnh Yên thì cũng buồn, anh giải khuây bằng cách có ai cần tìm hiểu về đề tài bất kỳ, tự nhiên hay xã hội, có gì khó thì nhờ anh nghiên cứu, chỉ sau một tuần hay chục ngày anh sẽ hiểu rõ vấn đề ấy và giảng lại cho nghe, ít nhất cũng phải như bọn thạc sỹ trong ngành! Tức là anh có khả năng học (chủ yếu đọc và tự tìm hiểu) rất kinh khủng! Còn khổ cho đứa nào mà bảo vệ cái đề tài gì có anh ngồi trong hội đồng, chỉ cần anh hỏi xoáy đôi câu vào bản chất vấn đề thì lại từ một người đang chuẩn bị kỹ lưỡng bỗng nhiên trở thành đứa “chả hiểu cái mẹ gì!” ngay. Nhiều lúc các vị đang sang sảng giọng trên học đường thấy loáng thoáng anh đi qua trong sân lập tức hạ giọng, khép luôn cửa...
Hồi đó có phong trào ra quân, đồng nghiệp ra ào ào, “ăn nên làm ra” nhiều lắm, bác này với tính cách “người trời” tất nhiên cũng chả hợp với quân ngũ, chưa bao giờ được giữ chức tổ phó chứ chưa nói đến tổ trưởng hay chức sắc gì hơn, MGU mời anh đích danh sang lại nhưng nhà trường không cho đi nữa, nên anh từ chối đề nghị lên thiếu tá, anh ra quân! Sang Liên Xô với tư cách cá nhân thôi, thế mà trường cũ ưu ái anh lắm, những tưởng ấm chỗ để vừa đi buôn vừa làm khoa học tốt, nhưng rồi Liên Bang sụp đổ, thế là về nước lại đi dậy toán – chả hiểu tính teamwork của bác ấy kém hay ngạo mạn quá mà chả ai rủ đi “đánh quả” cả... Anh về dạy toán ở Đại học xây dựng, rồi sau cộng tác với Ban Cơ yếu (là nơi rất cần người có kỹ năng đặc biệt về toán). Ngoài ra một số bạn bè mời anh phụ trách phần “xây dựng hệ thống” – tức là hoàn thiện cách quản lý doanh nghiệp trên nền tảng IT. Chức danh thì đầy, nhưng công việc chỉ thế thôi, chứ lấn sân hơn nữa cũng phiền, các “sếp” cũng ngại cái tính hay chê của anh lắm, chê gì thì chê chứ cấm chê đến lãnh đạo, mà anh thì chê tuốt! Mà chê toàn đúng, chả cãi được đâu! Thế cũng coi như hết một đời hoạt động, đến lúc về hưu, U70 rồi...
Đấy là về phần “đời”, còn phần “đạo” thì những người thân quen với anh đều biết, toán học còn lâu mới buông tha anh. Không biết có chủ động hay không, nhưng anh đã từ lâu chuẩn bị cho mình trở thành người “loại 3” như trên anh phân tích. Tất nhiên là trong mớ kiến thức khổng lồ và khá hỗn độn mà anh nạp vào cho mình, anh ấy sẽ tìm ứng dụng cho những chủ đề mình thích nhất. Ví dụ vì rất thích nhà toán học Fourier và chuỗi Fourier mà anh bỏ rất nhiều công sức ra tìm hiểu về âm thanh, cách phát âm tiếng Việt, giải thích cách hiểu của rất nhiều từ gốc Việt (ai đọc bài của bác này về cách phát âm mới hiểu sao lại liên quan đến chuỗi Fourier nhé!). Đấy là một ví dụ thôi...
Thời gian cuối anh dành để làm hai việc chính. Việc đầu tiên liên quan khá sát với duyên nợ của anh đối với ngành giáo dục, môn toán: anh muốn viết một giáo trình toán đại cương đầy đủ cho học sinh từ lớp 1 cho đến hết đại học (dành cho người học các chuyên ngành không phải toán) – và nó chỉ được phép dày có 99 trang thôi! Viết thật rõ ràng, chặt chẽ, không khó hiểu và học thế là đủ! Anh đã viết rồi và đang chỉnh sửa nó, với tính cẩn thận có thừa của mình thì tôi nghĩ anh sẽ viết nên một tác phẩm hoàn hảo! Anh chưa cho ai xem, chỉ giải thích vì sao 99 trang là đủ: anh sẽ bỏ hẳn phần lượng giác đi! Lượng giác cũng chỉ là đại số mà thôi. Cái này thì tôi hiểu được, tất cả những công thức mà bọn trẻ lảm nhảm học thuộc lòng kiểu “sin cộng sin bằng 2 sin cos“ cho dễ nhớ (mà giáo viên hay ghẹo chúng nó là “ngu cộng ngu bằng hai ngu dốt”) đúng là bỏ đi cho rảnh nợ, nhất là vào thời buổi internet thế này! Nếu giáo trình này được đăng ký bán trước khi xuất bản, tôi tin nó sẽ có một doanh thu kỷ lục đấy! Rất khó, nhưng trong tầm tay...
Việc thứ hai mới đích thị thuộc “loại 3” – gian khó hơn nhiều! Bác này muốn hiểu được các vĩ nhân trong khoa học thực sự đã nghĩ gì, và vì sao họ có được những ý tưởng, công trình phát minh để đời như vậy – qua đó anh muốn hiểu vũ trụ, thế giới này và loài người hơn nữa! Điều đó trước kia hầu như không tưởng, nhưng bây giờ tra cứu tiện lắm, anh bảo “học một tuần bây giờ bằng ngày xưa học cả năm” – anh nghiên cứu lại lịch sử toán học và một bộ môn có rất nhiều liên quan tới nó là vật lý, học thật nghiêm túc với sức đọc hiểu kỳ lạ của mình! Ví dụ: anh nghiên cứu rất kỹ Einstein – một thiên tài vĩ đại nhưng theo anh ông chưa được chuẩn bị tối đa về mặt toán học. Anh say đắm trước cái phát minh “nhỏ bé” của ông đã mang lại cho ông giải Nobel vật lý – nó rất ngắn gọn và đẹp. Thế còn thuyết tương đối hẹp, thuyết tương đối mở rộng!? Nhiều cái ông Einstein này cũng “đoán mò” và ngay toán học lúc đó cũng còn chưa phát triển đủ cho các suy đoán của ông...
Trong các vĩ nhân thì bác ấy khâm phục nhất nhà toán học Đức Gauss (hơn cả Newton) – người chỉ dùng 3 điểm trên mặt đất có thể đo các góc và các cạnh tam giác, từ đó tính ra được độ cong bề mặt hay kích thước của trái đất! Lời giải không thể đẹp hơn! Nhưng rồi anh quyết tâm tập trung với vật lý lượng tử, nơi trí tưởng tượng và kiến thức toán cao cấp vô cùng cần thiết, nơi mà có lẽ bí mật của vật chất cũng được ẩn giấu tại đây. Anh đặt mình vào vị trí của Heisenberg, của Dirac, của nền toán học và vật lý của những năm đó, họ đã nghĩ gì, giả định như thế nào, dùng tới những công cụ toán học gì... Anh bảo chúng tôi: “Sẽ như họ, anh sẽ đưa ra những giả thuyết của mình với những công cụ toán học hiện đại, còn cộng đồng khoa học sẽ phải kiểm chứng nó bằng thực nghiệm sau vài chục năm!”. Cụ thể là gì, sẽ nhanh nhất phải mất 3 năm, còn bây giờ anh “học” đã – học bằng cách hiểu được, thực chất vì sao mà những nhà vật lý vĩ đại đã nghĩ như vậy!
Tôi được một số lần làm khán giả để xem các đại diện của “giới vật lý” nước nhà cả Nam lẫn Bắc phản bác cách anh hiểu vấn đề, cách anh “học vật lý” và các kết luận anh đưa ra. Toàn những người quen nhau cả, hầu hết đều giỏi cả, đào tạo siêu bài bản cả, cũng đều chả lạ gì với bác này và đều không bảo thủ. Họ rất không ưng cái cách anh “dùng toán học cao cấp để soi vật lý lượng tử” – họ đều bảo anh vật lý khác toán, phải làm thí nghiệm, phải viết bài lên tạp chí chuyên ngành, phải đi hội thảo, phải có môi trường học thuật... Còn anh thì “bướng” vô cùng (thế nên tôi coi gạch đá của MXH đối với anh ấy, nếu có cũng là “muỗi đốt inox”), đại loại là “Chúng mày phản bác tao phải vào đúng chủ đề cơ! Chứ nếu tao cũng “làm vật lý” y hệt như chúng mày, thì kết quả cũng sẽ y như thế thôi, lại chả biết chó gì sất, giống chúng mày thôi! Việt Nam làm “éo” gì có ngành vật lý đúng nghĩa...” (các bác vật lý tha cho em tội mạo muội của thằng đánh máy nhé! Hehe). Tôi càng không đủ tầm để phân định ai đúng, ai sai về vật lý, nhưng tôi hiểu (và có lẽ anh cũng hiểu) là anh không đúng cả đâu, anh đang “học” mà, nhưng mỗi lần bị phản bác như thế anh lại giỏi lên đấy! Anh chấp nhận bị phản bác, nhiều khi phê phán khá nặng nề, bác ấy bảo với tôi “Mày tưởng anh nói gì cũng là cái anh nghĩ à, anh đang học cả chúng nó đấy!” Và như trong buổi tranh luận rất hay ngày hôm nay tôi học thêm được một điều bổ ích, là người Do Thái tranh luận với nhau không cần thiết phải có bên đúng, bên sai đâu – nhưng có thể bổ ích cho tất cả mọi người tham gia... Có lẽ trong anh có chất Do Thái thì phải?!
Cũng bởi tò mò, lúc trước tôi tìm hiểu xem các “nhà toán” khác ngại gì bác này, hay bác này khác người cái gì? Dần dần mới hiểu ra, bác này từ bé tới tận bây giờ cảm nhận về toán học nó khác lắm, và bác tìm cho chính mình câu trả lời về cảm nhận đó. Ví dụ tôi và các bạn học toán từ bé đến lớn cứ mặc nhiên coi là sự thường: “cho tam giác với ba đỉnh là A,B, C...” hay “cho đoạn thẳng AB bằng và song song với đoạn CD...” hoặc “...đi từ X đến Y hết một giờ...” – dạy sao thì ta hiểu vậy thôi. Nhưng không, bác này cảm nhận khác cơ, “điểm là thế nào, dù ở đâu không quan trọng với một bài toán cụ thể nhưng mấy điểm ấy vẫn là điểm cụ thể nào đó đấy!” – “bằng nhau hay song song là thế nào?” – ““”đi” tức là thế nào, số điểm là vô hạn thì đi kiểu gì?”... Tức là cái kết quả hay đáp số “đúng” với bác này chỉ là chuyện phụ, rất phụ thôi, bác ấy cảm nhận rất sâu và cụ thể về các dữ kiện trong bài toán – cái này thì các nhà toán học, viện sỹ hay học sinh giỏi loại 1 cũng thường rất “ngại” bác ấy – “vì có hiểu chó gì đâu” – sorry, chúng ta đã và đang được giáo dục để tìm đáp số thôi!
Thế còn cái “bài toán” khủng mà liên quan đến vật lý của bác này thì hiểu thế nào? Việc này quá là “đội đá vá trời”! Nói thật là tôi nghe lần đầu tưởng hiểu sơ sơ (hiểu cái đầu bài thôi đã!), nghe thêm vài lần bác ấy giải thích càng ngày càng thấy khó hiểu, cuối cùng quyết định làm đúng chức năng của “thằng đánh máy”, tức là nhân lúc bác này ngứa mồm mà ghi lại đúng nguyên văn luôn – để ai thích tìm hiểu thì đọc, ai ngại bại não thì bỏ qua luôn đoạn này đi nhé:
“Anh vẫn đang trong quá trình đọc hiểu vật lý, bọn thế giới giỏi ghê người đấy! Nhưng hiểu được ra rằng tất cả chúng nó đều muốn một thứ duy nhất, mà chả đứa nào dám nói ra, mặc dù ai cũng rất khó chịu về sự khác biệt giữa “vật chất” và “năng lượng”! Einstein thì có công vứt bỏ được cái “lực”, thay bằng “không gian” - vậy là còn “vật chất” và “không gian”. “Không gian” thì có “thời gian”, mà có “thời gian” thì có “chuyển động”! Tại sao lại có chuyển động thời gian, tại sao thời gian lại trôi đi?? Có “thời gian” thì có “năng lượng” - phải chăng đếch có “vật chất” mà chỉ có “năng lượng”?
Như vậy Einstein vứt “lực” đi, chỉ để lại “vật chất” và “không gian” – “không gian” bao gồm xyz và thời gian t. t thì tự chuyển động, đếch ai dám cãi - t tự chuyển động tức là mọi thứ đi từ quá khứ tới hiện tại và tới tương lai! Tức là mọi thứ chuyển động - vậy là có “năng lượng” - như vậy cần đếch gì “vật chất”?
Bỏ “vật chất” đi thì tốt – bọn “tây lông” chúng nó cũng đang cố gắng bỏ “vật chất”, nhưng nếu bỏ vật chất đi thì chỉ còn “không gian” và “thời gian”. Vật chất chỉ là các dạng tồn tại của “năng lượng”. Kiểu như con người quan hệ với nhau thành cấu trúc, ví dụ như gia đình - mỗi gia đình là một hạt vật chất, rồi có thể chỉ gồm mẹ cô đơn và con. Cũng có thể có tôn giáo - tôn giáo là hạt vật chất rất lớn...!”
Kiểu như vậy, anh vẫn phải đọc đã, “năng lượng” là cái rất dễ hiểu, nhưng từ “năng lượng” có cấu trúc phải đưa ra được “khối lượng”. Đọc phải từ từ để cảm nhận, nhìn chung 100 thằng “tây lông” làm vật lý lý thuyết cũng chưa được một thằng hiểu đâu! Bọn Việt nhà ta thì chả có ai, bởi cái chính là phải rất am hiểu toán, và phải hiểu toán như là một Thánh Kinh - nó không dính gì tới vật chất cả, vậy mới dùng nó được để nghiên cứu vật lý! Bọn làm toán ú ớ rất nhanh hiểu, nhưng lại hiểu toán như hệ quả của thế giới vật chất là vứt đi! Gần như 100% bọn Việt Nam đều hiểu toán như một thứ từ thế giới vật chất mà ra, thế thì không ra ngoài thế giới phi vật chất được! Khi nghiên cứu thì bọn giỏi toàn là ra ngoài nhìn vào trong, chỉ thằng ngu mới ngồi trong nhà mà cố mô tả ngôi nhà. Phải ra khỏi được nó - dùng toán cao cấp để soi rọi vào vật lý hay cụ thể là vật lý lượng tử là con đường duy nhất, nhưng thôi biết vậy đã, nói trước bước không qua...”
(Có gì không phải các cụ lại đại xá cho, đấy là bỏ hết các mỹ từ đi rồi đấy ạ!)
Đã “học” thì ít ai kiên trì hơn anh, đi đâu anh cũng đều mang theo trong ba lô vài cân tài liệu in sẵn, để nổi hứng lên thì lôi ra đọc. Tính kiên trì (hay gọi là “bướng, gàn”, “cùn” gì cũng được) của anh thì nổi tiếng rồi: hai mươi năm nay anh trèo núi, tuần nào cũng trèo vào chủ nhật, và cũng chỉ trèo mỗi quanh quẩn ba đỉnh Tam Đảo thôi! Không hề chán, không hề có ý định thay đổi tuyến đường, anh rủ được rất nhiều người cùng trèo để chữa bệnh (và có kết quả thật đấy!). Đó cũng là bí mật vì sao đã U70 mà anh khỏe thế, và anh còn “cày” với toán và vật lý lượng tử cho ra vấn đề thì mới thôi! Ít nhất là tôi rất tin như thế!
Những ai đã đọc các bài viết của anh có lẽ nhớ chuyện hồi bé anh đánh con cóc rồi đi đâu cũng thấy trăng sao chạy đuổi theo mình, anh nghĩ Trời sẽ phạt anh mà chết... Thực ra câu chuyện còn nữa, anh về hỏi mẹ và bà kể cho anh về bầu trời, về nàng Nữ Oa luyện đá vá trời. Từ đó anh đã nghĩ: nếu trời mà thủng tức là ngoài trời phải có cái gì khác nữa, có lẽ có trời nữa! Ý nghĩ đó theo anh mãi đến bây giờ. Năm ngoái theo mô hình tính toán của anh, thì ngoài vũ trụ của chúng ta còn có 8 cái vũ trụ nữa chồng lên trên. Tức là cái bánh “chín tầng mây” của trẻ con có ý nghĩa triết lý lắm đấy... Tôi đã viết một status về anh (“Tầng trời thứ 8”) xong lại xóa đi, vì thấy tự nhiên viết về một lão “vừa hâm vừa bướng” thế này cũng vô lý đùng đùng. Hôm nay nhân lúc thấy bác già này đang nhận được trận gạch đá tưng bừng của giang cư mận, xin cũng khôi phục lại bài để “ăn theo người nổi tiếng”. Chúc bác “học giỏi”, trộm vía!
Ghi chú: nếu ai đi chùa, những cái chùa vắng quanh Hà Nội mở rộng, mà thấy một “lão thanh niên” mặc quần áo rằn ri nằm ghế đá dưới tán cây hoa đại trong sân chùa ngủ ngon lành, hay thấy ai lôi một mớ giấy A4 ra ngồi đọc, đích thị là “học sinh” NLA đấy ạ. Học sinh giỏi toán đấy, loại 3...
Ghi chú: "Toán học là gì" là một stt của bác này hay được báo mạng trích đưa lại, kiểu như sau: https://nghiepdoansinhvien.org/2018/06/27/toan-hoc-la-gi/...
Nguồn tham khảo:
Jun 16, 2024