Suy Ngẫm Về Sự Học Khai Phóng Và Tư Duy Thực Học- Thầy Giản Tư Trung

Nguồn tham khảo: Lizzie Duong https://www.facebook.com/groups/570788080008873/?multi_permalinks=1671412336613103&ref=share

GỬI GENZ, BỐ MẸ VÀ NGƯỜI QUAN TÂM ĐẾN GIÁO DỤC 1 PODCAST ĐÁNG SUY NGẪM VỀ SỰ HỌC KHAI PHÓNG VÀ TƯ DUY THỰC HỌC

Mình xin chia sẻ với bố mẹ 1 bài podcast khá hay và giá trị để suy ngẫm từ Nhà hoạt động Giáo dục, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE - Thầy giáo Giản Tư Trung. Thầy Trung là người đã dành phân nửa cuộc đời của mình để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
 
Theo cá nhân mình thấy tiêu đề Podcast sẽ có phần gây tranh cãi đôi chút nhưng nội dung Thầy chia sẻ hoàn toàn rất bình dị, súc tích, khiêm nhường với tư duy tiến bộ và có thể học hỏi. Như MC Quốc Khánh chia sẻ đầu video, bàn về sự học không lúc nào là không thích hợp, bởi ta đang sống trong một kỷ nguyên đầy biến động, nhiều sự thay đổi và để có thể thích nghi, tồn tại với điều này, học tập không ngừng là con đường phù hợp nhất.
 

Bản chất của sự học khai phóng?

 
Trong podcast, Thầy Trung cho chúng ta hiểu rõ về góc nhìn và bản chất cốt lõi của sự học khai phóng bằng cách nói dân dã, dễ hiểu, dễ được truyền cảm hứng, nhấn mạnh tầm quan trọng của khai mở tâm trí và giải phóng tất cả tiềm năng của con người. Sự học đơn thuần giúp mình hiểu rõ tri thức, nhìn thấy thế giới; sự học khai phóng lại giúp con người ta nhìn thấu chính mình. Thay vì “full mind”, sự học khai phóng sẽ cho con trẻ 1 trí tuệ “open mind”.
 

Để có thể tự lực khai phóng?

 
Chúng ta thường nghe nói đến cuộc cách mạng giáo dục khai phóng hay cải cách giáo dục, nhưng có vẻ chúng khá vĩ mô, xa vời. Để có thể cho thế hệ con trẻ sớm được khai minh và giải phóng tiềm năng, phụ huynh có thể thu nhỏ lại thành hành trình cách mạng sự học, bởi sự học là chuyện của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm đến sự học mà không khai phóng, kết quả sẽ không đi đến gốc rễ căn cơ. Hành trình này đòi hỏi sự rèn luyện và nhận thức chính mình bên cạnh việc nhận thức thế giới và con người xung quanh. Thay vì phủ nhận thành công của 1 phát minh nào đó không hiệu quả với chính mình, con người sẽ biết cách nhìn nhận lại bản thân đã đủ phát triển để có thể thích ứng với sự biến động của xã hội chưa. Điều này giúp chúng ta và các thế hệ tiếp theo không ngừng trau dồi và phát triển bản thân để khám phá tài năng tiềm ẩn của chính mình.
 

Động lực học thực, làm thực, và sống thực?

 
Tại sao mọi người đều muốn sống thực, nhưng xã hội đang dần đi trên con đường “sống ảo”?
 
Thầy trích dẫn câu nói của Fukuzawa Yukichi - nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà đấu tranh xã hội và nhà giáo dục, tác giả quyển “Khuyến học” nổi tiếng, rằng: “Trời không sinh ra người đứng trên người, trời cũng không sinh ra người đứng dưới người. Tất cả đều do sự học mà ra”. Khi ta có đức tin thúc đẩy động lực cách mạng bản thân, ta hoàn toàn có thể tạo ra động lực thực học. Và hành trình này bắt đầu như thế nào, bố mẹ có thể hiểu rõ hơn thông qua podcast để có thể suy ngẫm, giáo dục tư tưởng phù hợp cho con trên hành trình thực học.
 
Có những học trò doanh nhân của Thầy ban đầu não nề về cách mạng sự học, bảo rằng “em học bao năm giờ lại phải quay về ngẫm cốt lõi của sự học sao Thầy?” Nhưng sau khi đàm đạo cùng Thầy họ lại vỡ lẽ ra rằng, tưởng chừng như đã học mấy chục năm, lại có vẻ như họ chưa từng thực học...khi tư duy lại về sự học, họ sẽ kiến tạo được 1 sự học khác. Có bao nhiêu phần trăm dân số sống với đam mê và dấn thân, có bao nhiêu phần trăm sống trong sự nhập nhằng đối phó và mơ hồ? Theo Thầy, vấn đề đặt ra không phải để ta trả lời, mà là để tự mình suy ngẫm, cũng không cần phải nhìn vào những số liệu ai cũng ước lượng được đó để đắn đo, mà là để ta nhìn vào bản thân mình.
 

Làm sao để có thực lực, thực làm, xây dựng thực giá trị và sống thực?

 
Tất cả bắt nguồn từ thực học và tư duy khai phóng. Xin kính mời bố mẹ và các bạn trẻ đang quan tâm đến sự học và giáo dục xem thêm trong podcast của Thầy để chiêm nghiệm các khía cạnh niềm tin thực học, động lực cuộc sống, nuôi dưỡng tâm hồn và đời sống tinh thần, lộ trình khai sáng, và đích đến của sự học đích thực.
 
 
Rất hy vọng sự chia sẻ này sẽ mang lại giá trị nho nhỏ cho các anh chị, các bố mẹ và các bạn đang quan tâm đến học tập và giáo dục.
“Khi thế giới bên trong nhỏ, người ta phải sống với thế giới bên ngoài nhiều hơn, nhưng khi thế giới bên trong của mình đủ lớn, mình sẽ sống thực với thế giới bên trong của mình” - Thầy Giản Tư Trung.


Jun 26, 2023

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL