Xây dựng nguyên tắc cho con

Phần 1: Nguyên tắc của mẹ

Em xin chia sẻ quan điểm bản thân về hành trình nuôi dạy con. Sẽ có nhiều phần, từ từ em viết. Mong sẽ giúp được cho các bố mẹ ở đây ít nhiều. Phần đầu tiên sẽ là nguyên tắc làm mẹ, của mẹ.
1- Nguyên tắc đầu tiên là tránh xa STRESS, càng xa càng tốt
Căng thẳng, lo âu, stress chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra các chất có hại cho cơ thể, gây đến các bệnh tật nguy hiểm. Và khi các mẹ stress bọn trẻ sẽ cảm nhận được qua mùi mồ hôi, qua ánh mắt,... Do đó khi mẹ đang stress, tránh tiếp xúc với con. Khi về nhà với con, làm ơn để stress ở ngoài cửa. Mọi người sẽ bảo trẻ con thì biết gì, nhầm đấy ạ, trẻ con chúng nhạy cảm lắm, có khi nó biết mẹ bất ổn trước cả khi người lớn biết. Nếu cho con ăn hoặc dạy con học làm mẹ stress, hãy để người khác làm việc đó.
2-Thống nhất quan điểm giáo dục
Trước khi làm gì với trẻ, nên thống nhất quan điểm giữa người lớn với nhau, bố mẹ ông bà, cô dì chú bác giúp việc sống chung. Không gì tệ hơn cho 1 đứa trẻ nếu bố nói 1 đằng, mẹ làm 1 nẻo, ông mắng là hư, bà lại bảo ngoan. Hãy bỏ chút thời gian, ngồi lại với nhau, nói những thứ mình muốn làm, định làm với trẻ, rồi thống nhất chọn cái mà mình cho rằng phù hợp nhất với con.
3-Làm gương cho trẻ
1 ông bố hút thuốc thì ko thể cấm con mình hút thuốc được, có chăng nó ko hút trước mặt bố thôi. 1 bà mẹ suốt ngày mắng chửi, quát tháo con thì sẽ chứng kiến con mắng chửi, quát tháo anh em bạn bè của nó thôi. Đừng hi vọng con điều gì mà bản thân mình ko làm được. Nếu mình ko sống đàng hoàng tử tế, chấp hành pháp luật, bạn hy vọng con bạn sẽ học những thứ đó ở đâu??? Đơn giản là nếu bố ko bao giờ rửa bát cho mẹ, con gái sẽ hiển nhiên coi việc chồng ko rửa bát là bình thường. Muốn con lễ phép chào hỏi người khác hay mời mọi người ăn cơm, bố mẹ hãy làm trước cho trẻ học theo. Đừng yêu cầu chúng nó gọn gàng sạch sẽ trong khi bố mẹ bừa bộn.
4-Muốn được người khác đối xử thế nào, hãy đối xử với người khác như vậy
Nghe rất lý thuyết nhưng đúng thế đấy ạ. Muốn con mời mẹ ăn cơm, hãy mời con ăn cơm. Muốn con chào mẹ trước khi đi học, hãy chào con khi nó đi học. Muốn con kể chuyện ở lớp nó, hãy kể chuyện ở cơ quan cho nó nghe. Muốn con hỏi ý kiến mình, hãy hỏi con ý kiến của nó về những việc mình đang băn khoăn.
5-Đừng kỳ vọng nhiều quá
Làm tất cả những cái trên rồi mà nó vẫn ko như mình muốn. Kệ thôi, nó là con mình mà, nó ko như mình muốn đơn giản vì nó là con mình haha. Vì muốn là 1 chuyện, làm đc hay ko lại là chuyện rất khác. Vậy nên bình tĩnh, từ từ nhé.
6-Hàng ngày nhắc nhở
Nghề làm bố mẹ là hàng ngày nhắc nhở, con chưa dọn nhà, con chưa làm bài tập, con chưa để dép lên giá, con chưa chào mẹ khi đi học về, bla bla... Việc của mình là nhắc nó, ko cáu, ko giận, ko quy kết tội lỗi gì cả, chỉ đơn giản là nhắc nhở nó vì đấy là yêu cầu của nghề làm bố mẹ.
7-Tận hưởng từng phút giây bên nhau
Tuổi thơ của bọn trẻ rất ngắn, bạn nào du học sớm thì 15 tuổi đã xa mẹ rồi. Đừng mắng con hay căng thẳng gì, cố gắng tận hưởng hết sức thời gian còn ở cạnh nhau. Mọi người thường chỉ nhắc nhau quan tâm ở cạnh bố mẹ già vì còn ít thời gian, thực tế là bọn trẻ cũng vậy, chúng nó sẽ sớm sống xa bố mẹ. Hãy yêu thương nhau khi còn có thể, ôm hôn khi còn có cơ hội ạ.

Phần 2: Xây dựng nguyên tắc cho con

Mỗi gia đình sẽ có những nguyên tắc chuẩn mực khác nhau để dạy hoặc hướng dẫn con. Dưới đây là những nguyên tắc mà em thấy là cơ bản nhất, quan trọng nhất. Thỉnh thoảng em lại lôi ra nhai đi nhai lại, cho đến khi chúng nó thuộc lòng.
1- Mạng sống của con là của mẹ
Em thường xuyên nhắc chúng nó là để sinh ra con, mẹ đã phải đánh cược cả mạng sống của mẹ. Mỗi lần nằm lên bàn mổ đẻ là bác sĩ lại lắc đầu dọa có thể phải chọn cứu mẹ hay cứu con. Vậy nên mạng sống của con là của mẹ. Không 1 ai có quyền tước đi nó, kể cả bản thân con. Nhớ cho kỹ vào. Kể cả khi phải rút máy thở của con hay hiến xác, thì người được pháp luật cho phép quyết định cũng là bố mẹ, ko phải vợ chồng hay con cái của con đâu nhé.
Ở VN chưa cho phép cái chết nhân đạo, chứ ở 1 số nơi cho phép, kể cả khi cá nhân muốn vậy, cũng phải được sự đồng ý của mẹ. Thằng con em lúc nghe vậy ko tin, đi google 1 hồi thì gật gù công nhận. Đến giờ thì thuộc lòng rồi.
2- Gia đình là số 1
Con có thể sẽ có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, người quen,... Nhưng gia đình con thì chỉ có 1. Nên dù ông bà, bố mẹ, anh chị em, vợ chồng hoặc con cái của con, một ngày nào đó có bị tâm thần, dở hơi cởi truồng ngoài đường thì họ vẫn là gia đình của con. Con phải có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ những người đó. Đồng thời, gia đình cũng luôn là của con, dù con vấp ngã, thất bại, đau đớn đến đâu, cứ về nhà với mẹ, mẹ luôn ở đây chờ con. Sau này dù mỗi đứa sống ở 1 nước, chỉ cần anh/em con kêu cứu, lập tức vứt hết mọi thứ, đến ngay cạnh nó hoặc mang nó về ngay cho mẹ.
3- Con là cá thể duy nhất
Trên đời này có 7 tỷ người nhưng sẽ chỉ có 1 mình con như vậy, ko ai giống con hoàn toàn cả. Vậy nên con ko cần phải giống ai cả, trừ khi con muốn thế. Hãy làm mọi thứ con cảm thấy vui và hạnh phúc, vì con chỉ sống có 1 lần. Hãy tận hưởng từng phút giây còn được sống, còn được cười, còn được ăn các món ăn ngon, còn được đi du lịch. Đời người rất ngắn, người nào may mắn thì đc 60 năm, ko may thì ít hơn rất nhiều. Từng đó thời gian, để làm những thứ mình thích, mình vui còn chưa đủ. Đừng để tâm những thứ làm mình buồn mình cáu. Mong ước duy nhất của mẹ là con được hạnh phúc, vậy nên nếu con gặp bất kỳ chuyện gì, ai đó hoặc mối quan hệ nào làm con thấy buồn, hãy chia sẻ với mẹ. Mẹ sẽ cố gắng hết sức để có thể làm được cái gì đó thay đổi.
4- Tôn trọng tự do của người khác
Vì con được khuyến khích làm những thứ con thích, nên đôi lúc sẽ làm người khác ko thích. Đơn giản là con muốn bật nhạc to, nhưng thằng em lại muốn ngủ. Vậy con phải đeo tai nghe vào hoặc sang phòng khác bật nhạc to. Nếu con muốn làm mọi thứ con thích và ko quan tâm đến người bên cạnh, xin mời con lên rừng sống. Mọi quan hệ chung đụng đều phải trả giá, mọi tổ chức hoạt động đều có quy định. Nếu con muốn tham gia, con phải tuân thủ để ko làm phiền người khác. Giống như đi học phải mặc đồng phục, nếu con nhất định ko mặc, con có thể ở nhà.
Vậy tôn trọng tự do của người khác và tôn trọng tự do của mình phải lựa thế nào???
Cái gì mà con vui, người khác cũng vui --> làm luôn, làm ngay, suy nghĩ gì nữa
Cái gì mà con vui, người khác ko vui --> lựa chọn thời điểm khác, địa điểm khác hoặc cách khác để thực hiện
Cái gì mà con ko vui, nhưng người khác rất vui --> xem xét xem con có thực sự muốn thực hiện hay ko, có cách nào khác ko, người đó có xứng đáng ko
Cái gì mà con ko vui, người khác cũng ko vui --> dở hơi à mà thực hiện
5- Cuối cùng là không nói dối
Con có thể lựa chọn ko nói, còn đã nói ra thì phải nói thật. Lý do vì nếu con đau bụng mà lại nói dối là con đau răng. Chúng ta sẽ nhổ răng đi, và như thế con sẽ vừa đau bụng vừa đau răng, tình hình còn tệ hơn lúc chưa nói gì. Vậy nên đừng nói dối nhé. Sẽ có rất nhiều lúc chúng nó bảo con ko kể cho mẹ nghe được. OK fine, lúc nào cảm thấy kể được thì mẹ ngồi đây nghe nhé.
Phần cuối là xây dựng thói quen cho con ạ.

Phần 3: Xây dựng thói quen cho bố mẹ

Em định viết phần xây dựng thói quen cho con là cuối cùng, chợt nhớ ra là bố mẹ cũng cần có thói quen tốt trước. Đây hoàn toàn là quan điểm cá nhân ạ.
1- Sống tích cực
Nói thì rất đơn giản nhưng thực hiện thì thật sự rất vất vả. Em chỉ hiểu và cố gắng thực hiện được mấy năm gần đây thôi. Cố gắng để nhà là tổ ấm, là nơi mọi bão dông dừng sau cánh cửa. Mọi muộn phiền, lo lắng, stress đều để lại ngoài đường. Khi có bất kỳ điều gì làm em lên cơn, em lôi chồng ra đường, ra quán cafe, mắng chửi đánh đập gì cũng được, nhưng về nhà với con là chỉ có cười vui thôi. Ngày nào 2vc cũng đi bộ 30 phút, ko phải để tập thể dục, vì đi mãi chả toát tí mồ hôi nào, 30 phút đó là để nói hết những bức xúc, những thứ chưa vừa lòng, ấm ức các kiểu, thậm chí kể cả nói xấu bố mẹ chồng hay lũ giặc con ở nhà. Tất cả được giải quyết bên ngoài hết.
Sống tích cực với con là ko chê bai, nói xấu, phán xét tất cả những gì xung quanh con. Em cố gắng ko phán xét bạn bè con, phụ huynh của bạn bè con, thầy cô giáo của con, ông bà, anh chị em của con. Ko phải vì họ luôn tốt, mà vì em ko muốn con mất niềm tin. Em muốn con hiểu: họ vì 1 lý do nào đó, buộc phải làm những việc như vậy, và mình nên thông cảm cho việc đó. Nếu những việc họ làm gây tổn thương cho con, mình sẽ tránh tiếp xúc một chút chứ ko oán trách hay giận gì cả.
Đến giờ, ơn giời, lũ con em vẫn thấy cuộc đời màu hồng. Thầy cô và các bạn luôn lo lắng là nó dễ bị lợi dụng quá. Em lại nghĩ nó có cái giá trị để người khác lợi dụng là ngon rồi, ít nhất ko phải đứa vô tích sự haha.
2- Sống tự nguyện
Ở nhà em ko có ai bị ép phải làm gì, ai muốn làm gì cũng được, tôn trọng tự do của người khác là được. Vì ko có ai phải làm gì, mọi việc trong nhà đều là tự nguyện muốn làm. Ai giỏi kiếm tiền cứ kiếm, ai giỏi nấu ăn cứ nấu. Mọi việc là của chung, ko là trách nhiệm của riêng ai hết. Vì thế sẽ nảy sinh 1 số vấn đề như sau:
Mọi việc được phân chia theo khả năng và ý muốn của mọi người, sẽ cần 1 buổi để họp nghiêm túc về việc ai sẽ làm việc gì, như thế nào, lúc nào. Sau đó cứ thế thực hiện.
Vì là tự nguyện nên sẽ có lúc tôi ko muốn làm nữa, OK fine, mẹ ko nấu ăn thì ta đi ăn hàng hoặc nhịn, con ko muốn rửa bát thì nhờ bố, bố tự nguyện rửa thì tốt, mà bố từ chối thì để mai con rửa.
Vì là tự nguyện, ko phải trách nhiệm, nên ai làm gì cũng nên được cảm ơn. Mặc dù con nhận đổ rác, nhưng khi quên thì mẹ nhắc nhở, và khi con làm xong thì mẹ cảm ơn.
Sẽ có những việc ko ai muốn làm, chúng ta cùng bàn bạc giải quyết hoặc cùng làm. Ví dụ nhà em đã từng thuê giúp việc theo giờ 1tr/tháng, chỉ để là quần áo, vì ko ai muốn làm.
Vậy tại sao con ko muốn rửa bát mà vẫn tự giác làm hàng ngày??? Vì con yêu mẹ, con giúp mẹ thì mẹ sẽ có nhiều thời gian chơi với con hơn. Là lựa chọn tự nguyện, là mong muốn được chia sẻ vất vả với mẹ chứ ko phải là nghĩa vụ hay trách nhiệm.
3- Tôn trọng con
Con từ khi ra khỏi bụng mẹ đã là 1 cá thể độc lập. Nó có quyền riêng của nó. Em chấp nhận điều đó và tôn trọng con. Con có quyền ko ăn món nó chán, có quyền ko học môn nó ghét, có quyền ko làm những việc nó ko muốn. Ví dụ nó kiên quyết ko đi học nữa, bỏ học từ năm lớp 4. Có ức chế ko, có ạ, có điên tiết ko, có ạ. Em bỏ thời gian để giải thích về những hậu quả của lựa chọn đó, nếu con cảm thấy con sống được với những hậu quả đó, mẹ luôn đồng ý. Nó bỏ học ở nhà ko làm gì, ko tivi, ko điện thoại, chỉ có ăn ngủ và đọc sách. Sau 1 tuần, nó xin em đi học trở lại. Nếu kéo dài 1 tháng, 1 năm thì sao, dạ ko sao, con sẽ sống vất vả hơn rất nhiều, nhưng học ko bao giờ là muộn cả, để con chán ghét việc mình làm thì tệ hơn rất nhiều. 1 đứa trẻ lớp 4 sao có thể đủ kiến thức để tự quyết định được việc đó??? ko sao, nó có thể quyết định lại mà. Nhưng cái đi theo nó đến hết đời là mẹ luôn ở đây và ủng hộ con, miễn là con đã nghĩ thật kỹ trước khi làm và chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình
4- Chiều con nhưng nghiêm khắc
Ở nhà em ko có cấm đoán, mọi luật trong nhà đều được bàn công khai. Sau khi thống nhất thì cùng làm và luật được đặt ra để thực hiện chứ ko phải cho vui. Mọi thứ được xây dựng trên tinh thần tốt nhất cho con. Ví dụ: kẹo để khắp nhà, nhưng luật chỉ ăn 1 cái, ipad điện thoại máy tính máy chơi game mỗi người 1 cái, nhưng chỉ chơi khi đã làm xong việc. Mọi quy định về thưởng phạt đều được thảo luận trước khi thực hiện nên ko có ấm ức hay ghen tỵ.
5-Con là 1 thành viên của gia đình
Mọi quyết định có liên quan đến cuộc sống của con đều đc em thảo luận trực tiếp với con và lắng nghe ý kiến của con, thống nhất rồi mới làm. Từ việc mua nhà, chuyển nhà, chuyển trường, sinh em bé. Nói với đứa trẻ 5 tuổi việc mua nhà để làm gì??? Để con hiểu là mẹ đang rất cần tiền, mẹ sẽ rất bận để kiếm tiền. Thế nó từ chối thì sao??? Dạ em đợi, em từng đợi 2 năm để con đồng ý chuyển trường, ko sao cả, miễn con vui.
6- Giữ danh dự cho con và tránh xa truyền thông hết sức có thể
Cái này chắc mọi người sẽ thấy ngạc nhiên. Xin nhắc lại, đây là quan điểm cá nhân ạ. Em tuyệt đối ko đưa thông tin của các con lên mạng XH, càng ko bao giờ kể tội hay bêu nó lên. Nó là con em, nếu nó có lỗi gì, đấy là do em dạy bảo chưa tốt. Tại sao lại tránh xa truyền thông, vì họ viết bài ca ngợi con mình ko phải vì con, mà vì họ. Mọi thông tin về thành tích của con được nhà trường đưa lên, em ko bao giờ share hay tag, ko ai biết thằng đấy là con con ai luôn. Các con còn quá bé nhỏ để có thể xử lý được sự nổi tiếng, ứng phó đc với cái bẫy truyền thông. Kiểu như bán bánh mỳ đỗ thủ khoa, thủ khoa đi bán bánh mỳ vậy.


Jun 06, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL