ĐỪNG NGẠI HỌC THÊM!
Trong khi tôi kịch liệt phản đối trường học Việt Nam dạy thêm để dạy lại chương trình phổ thông cho phần lớn học sinh, thì tôi lại khuyến khích học sinh học thêm tất cả những gì trường học không dạy. Với kết quả giáo dục như hiện nay, thì con cái của chúng ta còn cần học thêm nhiều lắm. Dưới đây là một vài lưu ý dành cho học sinh quan tâm tới việc học thêm.
1/ Bộ “tứ” quan trọng trong học thêm:
Có 4 thứ quan trọng mà tôi khuyến khích học thêm với những học sinh có kế hoạch du học.
Thứ nhất là tiếng Anh, tất nhiên rồi. Học tiếng Anh không chỉ là học ngoại ngữ để giao tiếp với người nước ngoài, mà còn là cơ hội học lại về kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ mà chúng ta chưa được dạy tốt lắm trong tiếng Việt. Thực sự thì hệ thống tài liệu và phương pháp dạy tiếng Anh phong phú và khoa học hơn trong tiếng Việt.
Ví dụ, chương trình dạy viết trong tiếng Việt không chặt chẽ, chu đáo được như trong tiếng Anh. Trong tiếng Anh, học sinh học viết câu, viết đoạn, viết bài rồi nâng dần lên viết luận (composition), viết học thuật (college writing, academic writing), viết báo cáo khoa học (journal). Việc dạy môn Ngữ văn trong chương trình tiếng Việt cũng thường bị phàn nàn về sự máy móc, rập khuôn dẫn đến rất nhiều học sinh sử dụng từ vựng nghèo nàn, ngữ pháp sai nhiều, vừa không nắm được các kỹ thuật viết cơ bản vừa đánh mất sự sáng tạo khi viết (nói chung học sinh Việt Nam rất sợ viết và sợ văn).
Trước đây, do cách tiếp cận sai lầm là chỉ dạy Văn (thơ, văn, kịch) để dạy tiếng Việt đã dẫn tới những hạn chế trong năng lực viết của người học. Rất may sau đó hệ thống giáo dục của chúng ta đã sửa bằng cách thiết kế môn Ngữ văn gồm hai phần là Ngữ (ngôn ngữ) và Văn (văn học) riêng biệt để vừa dạy học sinh năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ qua đa dạng các văn bản và thể loại, vừa dạy cảm thụ tinh hoa ngôn ngữ qua văn học. Cho nên, việc học ngôn ngữ thông qua tiếng Anh một lần nữa giúp học sinh phát triển khả năng song ngữ thông qua việc so sánh giữa hai ngôn ngữ Anh - Việt, đồng thời bổ sung năng lực ngôn ngữ nói chung. Học tốt tiếng Anh sẽ có tác dụng tích cực với việc sử dụng tiếng Việt, và ngược lại, học tốt tiếng Việt sẽ hỗ trợ quá trình học tiếng Anh thành công.
- Thứ hai là học thêm toán. Tư duy logic gồm có hai phần quan trọng là tư duy ngôn ngữ và tư duy tính toán. Nếu như tư duy ngôn ngữ chúng ta đã nói ở trên, thì tư duy toán là 1/2 trong tư duy logic cần có để học đại học. Đại học Mỹ rất khác hệ thống giáo dục châu Âu. Nếu như muốn vào đại học Anh, học sinh phải chứng tỏ năng lực qua điểm thi của 3 môn A level (giống với các khối thi đại học A, B, C, D… của Việt Nam áp dụng), thì đại học Mỹ quan niệm rằng, chỉ cần có tư duy logic tốt thì có thể học đại học bất kể chuyên ngành gì. Đó là lý do bài thi SAT được thiết kế để kiểm tra tư duy logic về ngôn ngữ và toán. Không phải chỉ dùng cho việc du học, việc học tốt môn toán sẽ giúp học sinh có nhiều lựa chọn ngành học hơn rất nhiều so với việc phải “né” môn học này ngay cả học đại học trong nước. Ở trong hệ thống đại học Mỹ thì bạn khó lòng mà “né” được môn toán, vì chương trình đại cương, dù dành cho chuyên ngành kỹ thuật hay kinh tế thì tối thiểu đều có các môn Giải tích 1 & 2, Xác suất thống kê là ít nhất. Yếu môn toán thì việc học đại học sẽ vô cùng trần ai, do vậy nếu cần phải học thêm môn toán để tự tin với toán ở đại học thì đừng ngại. Bạn có thể cho con học với giáo viên, gia sư, sinh viên sư phạm toán, sinh viên bách khoa, sinh viên kinh tế… Giỏi toán cũng chính là một trong các bí quyết thành công của rất nhiều sinh viên Việt Nam trên giảng đường đại học nước ngoài!
- Thứ ba là học thêm thể dục, thể thao: Đây là phần khá yếu của hệ thống trường Việt Nam, một phần vì chúng ta thích học sinh học nhiều, ít vận động, một phần vì cơ sở vật chất hạn chế của trường học. Vận động nhiều là một nhu cầu, cũng là một nghĩa vụ của học sinh trung học. Cha mẹ đều biết câu “một đầu óc minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện”. Học sinh của chúng ta hoàn toàn thua kém học sinh các nước phương Tây về thể hình và thể lực. Ngay trong khu vực châu Á, nếu chỉ so với Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… học sinh của chúng ta cũng có thể “theo không nổi” rồi. Đó là lý do cha mẹ cần đầu tư cho con rèn luyện thể hình - thể lực - thể chất - thể dục - thể thao không ít hơn 5 giờ/tuần ở lứa tuổi trung học. Vì chiều cao, sức mạnh, sức bền, sức sống của các em. Cách đơn giản nhất là “hành” các con đi bộ nhiều vào, chơi thể thao nhiều vào, ăn những bữa ăn dinh dưỡng có tính toán, đừng để con thiếu ngủ vì học nhiều. Nếu các em “bận hơn cả tổng thống Mỹ” thì vẫn có thể tập nhanh 5 phút với nhảy dây, nhảy tại chỗ, kéo xà, hít đất… được. Bạn cũng có thể ghi danh cho con vào các câu lạc bộ thể thao ngoài giờ, thuê gia sư kèm con chơi bằng được 5 môn cơ bản (bơi lội, bóng đá, bóng rổ, võ thuật, cầu lông), hoặc lập các nhóm chơi thể thao ngay trong khu hàng xóm của bạn, hoặc bạn (học) chơi thể thao với con - lợi cả đôi đường. Hôm nay con cái bạn có thể oán trách bạn bắt chúng tập luyện như quân đội, nhưng sau này chúng sẽ cần quay lại cảm ơn cha mẹ đã cho chúng một tài khoản sức khỏe sung mãn để học tập, làm việc, hưởng thức cuộc sống và tận hưởng cuộc đời của chúng.
- Thứ tư là học thêm về nghệ thuật: Nếu chúng ta chỉ dồn sức cho trẻ học để vào được trường này trường nọ, để ra trường có được việc làm tốt, đó đơn thuần chỉ là “kiếm sống”. Cuộc sống cần nhiều hơn thế. Để có một cuộc sống trọn vẹn với nhiều giá trị và màu sắc, các con cần được học thành công tối thiểu một bộ môn nghệ thuật. Điều đó làm cho chúng có nhiều cảm xúc hơn, có nhiều sự sáng tạo, thăng hoa hơn, đẹp hơn, thiện lành hơn thay vì chỉ trở thành một “cỗ máy kiếm tiền”. Nghệ thuật giúp các con đối thoại được với chính mình ở mức độ sâu sắc nhất.
2/ Đừng ngại thuê gia sư:
Tôi chỉ có thể nói chi phí Kết Nối Gia Sư ở Việt Nam rất rẻ và họ có thể rất hiệu quả đấy. Con của tôi học đàn, học bơi, học toán, học boxing, học cưỡi ngựa… thành công đều là nhờ công của các gia sư ngoài giờ chứ không phải trong trường. Trong trường học, nhiều khi số tiết học bị hạn chế, giáo viên không thể dạy 1 kèm 1 được, mà dạy chung cho nhiều học sinh do vậy không thể theo sát từng em. Do vậy, chỉ học trong trường mà chơi đàn piano thành thạo, hay bơi được thành thục cả 4 kiểu là hiếm đấy. Các em cần phải được bổ túc thêm ngoài giờ.
Vì là chương trình học thêm với gia sư ngoài giờ, nên giờ giấc học linh động, thậm chí thầy cô cũng có thể thay đổi để cho phù hợp. Tốt nhất là kiếm được những gia sư giỏi chuyên môn và gây ấn tượng tốt với các em. Con của tôi rất ngưỡng mộ gia sư dạy bơi vì chú là một cảnh sát phòng cháy chữa cháy giỏi, rất chuyên tâm học đàn vì cô giáo tốt nghiệp nhạc viện ra mà học sinh “muốn học kiểu gì cô chơi theo kiểu đó” được. Hoặc gia sư toán là một cựu sinh viên bách hoa đã có thâm niên “đấu vật” với tất cả những kiểu toán trừu tượng, lắt léo kiểu Việt Nam rồi.
Nhiều khi tôi thấy học sinh tốn quá nhiều sức lực, thời gian và tiền bạc vào học thêm những thứ không cần thiết, trong khi những thứ quan trọng cho tương lai thì lại không đầu tư. Theo quan điểm của tôi, học sinh đã học từ mức trung bình trở lên thì không cần đi học lại chương trình phổ thông chính khóa nữa, mà các em cần học những cái thiết thực hơn như giao tiếp tiếng Anh, viết học thuật tiếng Anh, viết sáng tạo tiếng Việt, tranh luận - hùng biện, học nâng cao toán, học vẽ, học chơi thể thao đồng đội, tập luyện để phát triển chiều cao… Tiền bạc của gia đình rất nên đầu tư vào đúng chỗ để phát triển năng lực thực sự cho các em, đầu tư vào chất lượng con người của các em.
3/ Quản lý thời gian hợp lý:
Trước hết là đặt mục tiêu. Thế hệ các em khác thế hệ trước là làm gì cũng phải có mục tiêu xa, và kế hoạch gần. Quản lý cuộc đời thực ra là việc quản trị các mục tiêu để về đích. Người thành công chính là người đạt được mục tiêu của mình đề ra. Và kỹ năng lãnh đạo không phải là cái gì to tát, xa vời, mà các em học kỹ năng lãnh đạo trước hết là để lãnh đạo bản thân cho tốt.
Để có mục tiêu tốt, cần có tầm nhìn xa. Tôi thấy rất nhiều trường hợp học chỉ vì ganh đua vài điểm số cụ thể mà quên đi tầm nhìn xa và rộng cho tương lai. Trong rất nhiều trường hợp thì cần từ chối làm học sinh giỏi toàn diện, cần có đủ dũng cảm từ chối một cuộc thi học sinh giỏi vì nó không phù hợp hoặc không thực chất, từ chối việc học thêm để làm hài lòng giáo viên hay nhà trường.
Tiếp đó là cần có hế hoạch hành động của năm, của tháng và thời khóa biểu hoạt động của từng tuần và to-do list mỗi ngày. Các em muốn sống chung với thanh niên các xã hội phát triển thì phải học cách lập kế hoạch chu đáo, tỉ mỉ và chi tiết.
Cuối cùng và rất quan trọng là quản lý thời gian. Quỹ thời gian của mọi người là như nhau, nhưng trong khi một số người có thể làm được rất nhiều việc trong một tuần, thì có người sẽ sống như thể họ sẽ sống tới 200 tuổi. Thời gian cũng là một dạng tài nguyên được trao cho mỗi đứa trẻ dưới dạng tài khoản, tương tự như sức khỏe. Đứa trẻ nào biết tiết kiệm tài nguyên này có thể có đủ thời gian để sống một cuộc đời phong phú, giàu có hơn rất nhiều một đứa trẻ lãng phí thời gian. Liên quan đến việc quản lý việc học thêm, rất cần có kế hoạch chặt chẽ để việc học thêm không gây quá tải cho trẻ, để thời gian học thêm là khoảng thời gian học tập chất lượng, học tập có mục tiêu, có chủ đích, sự tập trung và say mê, thay vì cách học lấy tiếng đồng hồ ra để đo việc học tập.
Mong rằng là các cha mẹ bình tĩnh, chúng ta không quá dị ứng với học thêm, mà chọn lựa những thứ cần học thêm một cách kỹ lưỡng để đứa trẻ của chúng ta khỏe mạnh hơn, nhiều thời gian hơn và vẫn học được nhiều hơn, học những thứ thực sự hữu ích.
Chia sẻ bởi anh Harry
Texvn tham khảo từ nguồn Đồng Hành...
Jan 09, 2025