Bài 1: ĐỌC LÀ HỌC HỎI SUỐT ĐỜI

Series: ĐỌC SÁCH
 
Ngạn ngữ Do Thái có câu: Trên thế giới này, có 3 thứ mà người khác không thể cướp được của bạn: Một là thức ăn đã xuống dạ dày. Hai là ước mơ cất giấu trong tim. Ba là những cuốn sách đã đọc in sâu vào não.
 
Chúng ta ai cũng biết rằng, để thành công, việc học hỏi phải diễn ra liên tục, hay còn gọi là học tập suốt đời (long-life learning). Sau khi rời khỏi giảng đường đại học, việc học tập chính là đọc, đọc và đọc. Vì vậy, có thể nói, kỹ năng đọc là một kỹ năng quan trọng nhất để duy trì sự học trong suốt cuộc đời.
 
Ngày nay, giới trẻ thường có xu hướng thích lướt mạng xã hội, xem Youtube, xem Tiktok. Rất ít người thích đọc, và càng ngại đọc những bài viết dài. Đa phần người Việt Nam không có thói quen đọc sách.
 
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam:
 
- Chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên
- 26% không đọc sách
- 44% thỉnh thoảng mới đọc sách
Một khảo sát của báo Dân Trí (năm 2019) nhắm vào đối tượng là giới trẻ cho thấy kết quả đáng quan ngại:
- 98% giới trẻ cho biết họ không hề đọc quyển sách nào trong tuần qua
- 80% bạn trẻ không đụng đến sách suốt một năm qua
- Chỉ 12% bạn trẻ trong nhóm 20-30 tuổi cho biết bản thân có đọc sách
 

NGƯỜI TRẺ VN ÍT ĐỌC SÁCH LÀ DO ĐÂU?

 
Theo mình, đầu tiên là do gia đình: cha mẹ vốn cũng chẳng đọc sách, nên không quan tâm, khuyến khích và xây dựng thói quen đọc sách cho con từ nhỏ.
 
Nguyên nhân thứ hai là do khối lượng kiến thức ở trường quá nhiều, học sinh phải học chính quy, rồi học phụ đạo, rồi học thêm… chồng chéo lên nhau, nên không còn thời gian cho việc đọc sách.
 
Nguyên nhân cuối cùng là nạn nghiện game, nghiện mạng xã hội đã chiếm hết thời gian ít ỏi của người trẻ. Nếu có đọc, họ cũng chỉ đọc những chuyện drama (thị phi), những chuyện giật gân. Với bài viết dài nghiêm túc, họ không thể đọc được và thường lướt qua nhanh chóng.
 
Dù có nhiều nguyên nhân, nhưng theo mình, nguyên nhân lớn nhất vẫn là do gia đình đã không nhận ra tầm quan trọng của việc đọc sách. Rất nhiều bậc cha mẹ trẻ ngày nay rất thích xu hướng giáo dục hiện đại, luôn kêu gọi cho trẻ con chơi vui thoải mái, và càng ít học hành càng tốt.
 
Trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh “tiến bộ” này, suốt ngày ôm sách mà làm gì, “cái thứ đồ mọt sách”, “học nhiều mất tuổi thơ”, hoặc “học nhiều cũng nghèo”, “học nhiều lớn lên cũng đi làm thuê”, nên họ thích cho con chơi hơn là đọc sách. Cha mẹ có quan điểm như vậy, thì làm sao trẻ con chịu ôm lấy cuốn sách mà đọc?
 
Trẻ con dĩ nhiên cần được chơi đùa, vận động. Nhưng, bên cạnh đó, hãy định hướng cho con vào việc đọc sách từ sớm. Thay vì suốt ngày để con gái chơi đồ hàng, chải chuốt đầu tóc, áo quần và trang điểm cho búp bê; cho con trai chơi game, game và game; thì sao mình không chủ động dành phần ưu tiên để cho con “chơi” với sách?
 
Đọc sách là một hoạt động vô cùng hữu ích, có thể làm rất sớm, ngay từ tuổi lên 3; con đã có thể “chơi” với sách rồi. Cho con tiếp xúc với sách sớm là bước đầu tiên, đơn giản mà vô cùng hiệu quả để hướng con vào con đường tri thức.
 
Có thể nói, ĐỌC SÁCH là đặc điểm KHÔNG THỂ THIẾU của người tri thức.
 
Nếu bạn muốn con trở thành người có năng lực cao trong xã hội, từ ngay còn bé, bạn hãy xây dựng thói quen đọc sách. Reading is Learning. Quá trình học hỏi suốt đời diễn ra nhờ đọc sách.

CHỌN SÁCH GIÁ TRỊ MÀ ĐỌC

Theo quan sát, mình thấy, hiện nay, việc đọc sách cũng được nhà trường và thầy cô khuyến khích. Và cha mẹ bây giờ cũng không hề tiếc tiền để mua sách cho con. Tiếc là, dòng sách dành cho trẻ em ít được chọn lọc, và phần lớn là sa vào giải trí quá nhiều.
 
Khi K nhà mình học ở trường ĐTL, nhà trường đặt 1 giá sách ở lối vào sân trường. Học sinh có thể mang sách của mình góp vào đấy và đồng thời cũng có thể mượn sách từ giá sách này. Mình có đôi lần dừng lại để xem tựa sách. Có thể nói, 100% các đầu sách đều là sách fiction: hư cấu, sáng tác và giải trí.
  • Không có 1 cuốn nào thuộc thể loại phi hư cấu (non-fiction).
  • Không có cuốn sách nào thuộc nhóm khoa học xã hội (Social Study).
  • Càng không có những tác phẩm văn học kinh điển của VN và thế giới.
  • Chiếm số lượng lớn trên giá sách của trường là tiểu thuyết ngôn tình lãng mạn dành cho tuổi teen (của Nguyễn Nhật Ánh và cả ngôn tình Trung Quốc).
  • Và vài cuốn văn học nước ngoài hiếm hoi xuất hiện trên giá sách là bộ truyện Sherlock Holmes.
Đấy là giá sách của 1 trường phổ thông cấp 2 nổi tiếng thứ nhì ở SG - chỉ xếp sau Trần Đại Nghĩa.
 
Việc đọc sách cần đa dạng. Ngoài loại sách thú vị, vui nhộn dành cho trẻ em, ngoài các loại sách giải trí (truyện tranh, ngôn tình), nên khuyến khích con đọc nhiều thể loại phong phú hơn.
 
Những loại sách hư cấu thì nên chọn những tác phẩm văn học kinh điển, những loại sách có giá trị nhân bản, giúp trẻ nuôi dưỡng tình cảm tốt đẹp, cảm xúc sâu sắc, tinh thần cao thượng.
 
Đây là yếu tố quan trọng để giúp con hình thành và phát triển EQ một cách tích cực và tự nhiên, trong sáng và thuần khiết - chớ không phải loại EQ khôn ngoan ranh mãnh, chỉ biết khéo léo giả tạo bề ngoài, chỉ biết ngon ngọt lấy lòng người khác hòng mưu lợi cho bản thân.
 
Ngoài các tác phẩm văn học giá trị dành cho trẻ em, cần cho con đọc thêm nhiều về các chủ đề thuộc nhóm khoa học xã hội: lịch sử, tôn giáo, văn hoá, xã hội, tâm lý, triết học, chính trị, kinh tế, luật… Những kiến thức xã hội là nền tảng giúp con phát triển và bồi đắp tư duy.
 
Tất cả các thể loại sách này có phiên bản tiếng Anh, viết riêng cho trẻ em, rất thú vị và hữu ích. Các nhà xuất bản cũng đã chuyển ngữ qua tiếng Việt một số sách hay. Tuỳ vào sự hấp thu của mỗi trẻ, mỗi lứa tuổi, mà bạn từ từ khuyến khích con đọc các tác phẩm lớn, khó hơn, mang tính thử thách hơn.
 
Khi Khuê nhà mình đọc cuốn Việt Nam Sử Lược, có một vài người trề môi dè bĩu “Nhỏ xíu có hiểu gì mà đọc, chỉ làm màu thôi”.
 
Cá nhân mình, mình đọc Tam Quốc Chí lúc hè năm lớp Một, mình vẫn hiểu hết các diễn biến, tình tiết trong câu truyện; mình đặc biệt thích những đoạn về Điêu Thuyền, về Gia Cát Lượng và vẫn nhớ được, kể được rành mạch cho người khác. Dĩ nhiên là mình của năm lớp Một thì không thể nào hiểu hết ý nghĩa của nó như lúc mình đọc lại ở tuổi 30.
 
Tương tự, con gái mình đọc Việt Nam Sử Lược năm lớp Một và con hiểu theo cách của con, hiểu theo độ tuổi của con. Lên lớp 3, con đọc lại, và có những suy nghĩ khác, khiến mình mà mình khá bất ngờ.
 
Một hôm, con nói với mình rằng:
 
- Mẹ ơi, vua An Dương Vương có họ Thục, tên Phán, vốn là vua nước Thục (gọi là Thục Vương). Mà nước Thục này là một nước độc lập gần với nước Văn Lang, chớ hổng phải nước Thục ở tận bên Tàu. Con nghi An Dương Vương là con cháu của Âu Cơ quá mẹ à.
- Tại sao con nghĩ vậy?
- Tại vì lúc Lạc Long Quân và Âu Cơ chia con: 50 người con theo Âu Cơ lên núi, 50 người con theo Lạc Long Quân xuống biển. Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang, là vua Hùng Vương thứ nhất. Còn Âu Cơ với 50 người con đi lên non rồi sau đó như thế nào thì hổng thấy nói.
- Thì sao hả con?
- Thì nước Thục kế bên nước Văn Lang chắc là con cháu của Âu Cơ rồi đó mẹ.
- Ủa, sao con nghĩ vậy?
- Thì con thấy sau khi Thục Phán mang quân sang đánh nước Văn Lang, ông đổi tên nước là Âu Lạc đó mẹ.
- Thì điều đó có liên quan gì hả con?
- Con nghĩ là Âu là từ Âu Cơ, Lạc là từ Lạc Long Quân. Vua Hùng Vương của nước Văn Lang là con cháu của Lạc Long Quân rồi đó. Còn Thục Phán chắc phải là con cháu của Âu Cơ, nên mới ghép tên của tổ tiên mình để đặt tên cho nước mình là Âu Lạc chớ. Chớ nếu hông phải tổ tiên mình, sao mình lấy tên đó đặt cho nước mình làm chi?
 
Lần đó, mình cảm thấy ngỡ ngàng, vì không ngờ một em bé lớp 3 mà có thể đưa ra một lập luận như vậy.
 
Có lẽ chúng ta đã hơi coi thường trẻ con, nghĩ là chúng còn quá nhỏ, không đủ tư duy để đọc và hiểu các tác phẩm lớn, khó, vĩ đại. Nhưng, mình cho rằng, ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, mỗi người có những sự hiểu biết nhất định, sự thẩm thấu nhất định, phù hợp với nhận thức của từng độ tuổi.
 
Trẻ con hiểu theo cách của trẻ con, người lớn hiểu theo trải nghiệm sống của người lớn. Việc cho trẻ em tiếp cận với những tác phẩm giá trị, những tác phẩm lớn ngay từ khi còn nhỏ không phải là điều vô ích, mà ngược lại, nó gieo vào đầu óc trẻ con những hạt mầm tốt đẹp từ sớm.
 
Sau này, niềm tin của mình đã được củng cố vững chắc hơn, khi mình đọc Mortiler J. Adler, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà bách khoa và tác giả nổi tiếng người Mỹ, đã viết trong cuốn “Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại” như sau:
 
“Chúng ta có thể bắt đầu hiểu một số tác phẩm lớn ở độ tuổi khá nhỏ, ví dụ, những câu chuyện trong Kinh Thánh, nhiều phần trong Gulliver phiêu lưu ký, những đoạn trích từ Iliad và Odyssey. Chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết về những tác phẩm lớn này nọ trong suốt cuộc đời chúng ta. Một người trưởng thành, với trí tuệ sâu rộng hơn nhờ những thử thách và kinh nghiệm của cuộc sống, rõ ràng có thể hiểu những tác phẩm lớn nhiều hơn một đứa trẻ non nớt. Nhưng đó là một lợi thế để bắt đầu quá trình học khai phóng thời trẻ trước khi những thói quen tinh thần trở nên khó thay đổi và khi những người mới trưởng thành trở nên quen với việc chấp nhận những thứ hạng bét thay thế cho thứ văn chương và tư tưởng thật sự.
 
Học không bao giờ là quá trễ, nhưng cũng thật khôn ngoan khi bắt đầu học càng sớm càng tốt.
 
Ngày nay, dĩ nhiên những cuốn sách khó như thế đòi hỏi trẻ em phải động não thực sự. Trẻ phải vận dụng tối đa trí thông minh và sức tưởng tượng. Chúng thách thức sự suy nghĩ và học hỏi, và trẻ em phải thể hiện khả năng đối phó với sự thử thách. Trẻ em thích chứng tỏ chúng có thể làm tốt như thế nào trong một hoạt động mới. Chúng không thể ở mãi trong chiếc cũi dành cho trẻ, và chúng sẽ không muốn thế.
 
Độ tuổi và cấp lớp để bắt đầu việc đọc có chọn lọc những tác phẩm lớn như thế thay đổi theo từng trường, gia đình, và từng trẻ. Công việc chính là làm cho trẻ có thái độ và thói quen đọc đúng từ nhỏ. Nếu ta để trẻ quen với những thứ sách dễ đọc có hình ảnh màu sắc rực rỡ, thì khi lớn lên chúng sẽ miễn cưỡng đọc những cuốn sách tốt. Chúng sẽ chấp nhận những thứ sách nhảm nhí vô giá trị thay vì tìm kiếm món ăn tinh thần có giá trị và tốt đẹp.”
 
Hết trích
----
Điều không kém phần quan trọng là cha mẹ phải cùng con trao đổi, bàn luận về những điều con đã đọc và xem. Điều này giúp con cảm thấy thú vị và hào hứng, khuyến khích óc tò mò khám phá tri thức của con. Bạn có thể đặt câu hỏi cho con, cũng như khuyến khích con đặt câu hỏi cho bạn.
 
Theo Socrates, nhà triết học Hy Lạp cổ đại, tin rằng việc luyện tập đặt ra các câu hỏi sâu sắc sẽ giúp tăng khả năng lập luận và tư duy phản biện.
 
Nền giáo dục của chúng ta đặt nặng việc học các môn khoa học tự nhiên, ít chú trọng đến mảng khoa học xã hội; dẫn đến việc học sinh thiếu kiến hụt thức xã hội, thiếu nhận thức về thế giới quan, và khả năng tư duy cũng bị giới hạn đáng kể. Việc khuyến khích con đọc và thảo luận về các chủ đề xã hội sẽ giúp con mở mang hiểu biết, nhận thức và tư duy; giúp con sẵn sàng bước ra thế giới.
 
Xen kẽ với việc đọc sách, bạn có thể cho con xem các phim tài liệu (documentary) về nhiều đề tài phong phú. Sẽ tốt hơn nữa, nếu cuốn sách và bộ phim con xem có cùng một chủ đề. Ví dụ, khi con đang học cuốn sách về lịch sử văn minh Ai Cập, bạn có thể cho con xem bộ phim về các Pharaon Ai Cập. Khi con đọc về lịch sử Mỹ, hãy cho con xem bộ “Những người làm nên nước Mỹ” (The men who built America). Việc kết hợp đọc và xem giúp con cảm nhận thú vị hơn, sinh động hơn và tiếp thu kiến thức sâu hơn.
 
- Để xem các phim documentary, bạn vào Netflix, tìm kiếm (search) từ khoá “documentary” thì sẽ thấy danh sách phim về lịch sử, văn hoá, khám phá thế giới.
 
- Hoặc bạn có thể đăng ký kênh Curiosity Stream. Đây là một kênh được tách ra từ Netflix, chuyên về documentary. Kênh này có nhiều nội dung chứa đựng kiến thức học thuật cho học sinh cấp 3 và sinh viên, với rất nhiều môn. Đặc biệt, kênh có những series có nội dung tương đương trình độ AP (tín chỉ năm nhất bậc đại học Mỹ), với cách trình bày thú vị, dễ hiểu.
 
Nguồn tham khảo: Facebook


Jun 11, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL