Bài 2: LỢI ÍCH CỦA VIỆC ĐỌC SÁCH

 
Series: ĐỌC SÁCH
Mark Twain, nhà đại văn hào Mỹ, từng nói “Một người không đọc sách chẳng hơn gì một kẻ không biết đọc”.
 
Chúng ta đã nghe quá nhiều các chuyên gia nói về tầm quan trọng của việc đọc sách. Đã có rất nhiều các nghiên cứu khoa học đưa ra những kết quả tích cực mà việc đọc sách mang lại. Trong khuôn khổ bài viết này, mình chia sẻ thêm trải nghiệm của mình, về việc ý nghĩa và giá trị cụ thể, những lợi ích thực tế của việc đọc sách.

ĐỌC SÁCH GIÚP PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG NÓI & VIẾT

Một cách cơ bản nhất, đọc sách nhiều thì sẽ viết tốt. Văn hay chữ tốt là đều do đọc sách mà ra. Các bạn có thể thấy rằng, bất cứ ai viết tốt, đều do họ đọc rất nhiều thơ văn, đọc nhiều sách vở. Có thể nói, để viết một chữ, chúng ta cần đọc một ngàn chữ. Nói đơn giản, đọc sách giúp chúng ta hoàn thiện và nâng cao khả năng viết lách.
 
Đọc và Viết là một cặp kỹ năng đi cùng nhau. Có đọc nhiều thì viết mới tốt. Nếu trẻ con đọc sách nhiều từ nhỏ, thì môn Văn của con không cần phải lo lắng gì nhiều.
 
Một cách xuyên suốt, môn Văn (và Toán) là môn bắt buộc suốt 12 năm phổ thông. Điều này không chỉ diễn ra ở hệ thống giáo dục Việt Nam, mà ở hệ thống giáo dục các nước như Mỹ, Anh, Úc… đều tương tự. Và không phải ngẫu nhiên mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều bắt buộc học môn Văn suốt 12 năm học hành đầu đời. Bởi, môn Văn chính là nền móng của hai kỹ năng quan trọng: nói và viết. Vì vậy, khi trẻ có thói quen đọc sách, thì con sẽ lợi thế hơn ở môn Văn trong suốt thời học sinh và lợi ích sâu xa suốt đời của nó.
 
Để viết lách tốt thì bao gồm hai yếu tố: kỹ năng viết và nội dung được viết. Rất nhiều những người viết content chuyên nghiệp, hoặc những người viết bài PR thuê, có thể khá giỏi về kỹ năng viết, mà mình tạm gọi là giỏi trong việc sử dụng “trò chơi câu chữ”. Văn mượt mà, ý uyển chuyển, sử dụng từ ngữ trao chuốt, bóng bẩy, câu cú có vần có điệu. Tiếc thay, nội dung viết rất không ổn. Đôi khi, mình đọc bài viết hàng ngàn chữ, mà chả đọc được một ý gì hay, chả học được một điều gì giá trị.
 
Đọc những bài viết như thế, thoạt đầu, mình cũng cảm thấy hay hay. Nhưng càng đọc, mình càng cảm thấy có điều gì sai sai. Bởi toàn bộ bài viết chứa toàn cảm tính chủ quan của người viết, và thiếu đi tính logic trầm trọng. Những bài viết dạng này, chiếm đến 99% nội dung trên mạng xã hội.
 
Để viết ra được nội dung chất lượng, thì người viết cần phải đọc nội dung tốt, từ sách tốt, sách hay, sách gía trị. Ví như một cỗ máy sản xuất vậy, mình cho vào nguyên liệu dỏm, rẻ tiền; thì đầu ra sẽ là phế phẩm. Nên việc chọn lọc sách đọc là việc cực kỳ quan trọng.
 
Dù là trong giao tiếp, nhưng Nói và Viết vẫn là 2 kỹ năng quan trọng nhất để tương tác, làm việc trong mọi mặt của đời sống.
 
Người nói năng thấu tình đạt lý, người viết lách rõ ràng mạch lạc, thì ai mà không thích?

ĐỌC SÁCH GIÚP PHÁT TRIỂN SỰ SÁNG TẠO & TRÍ TUỆ CẢM XÚC

Ở trẻ con, việc đọc sách cổ tích, thần thoại, thế giới loài vật được nhân cách hoá… giúp trí tưởng tượng của con bay xa, kích thích và phát triển sự sáng tạo. Sáng tạo luôn là một phẩm chất quý hiếm nhất trong các loại tố chất mà con người tìm kiếm.
 
Một giá trị vô cùng nhân văn của việc đọc sách văn học là nó hướng chúng ta đến những tình cảm cao đẹp, cao thượng; những giá trị sâu sắc. Thể loại sách văn học phân tích tâm lý, tình cảm rất sâu, nên người đọc sẽ được nâng cao trí tuệ cảm xúc. Nói tóm lại, đọc sách văn học giúp chúng ta sống hướng thiện, tích cực và hình thành nhân cách tốt đẹp.
 
Có thể các bạn cho rằng, những điều này nghe có vẻ sáo rỗng. Nhưng nếu các bạn tìm đọc những tác phẩm văn học kinh điển của thế giới; đọc và suy gẫm đủ lâu về nó, rồi từ từ bạn sẽ cảm nhận được nó.
 
Việc đọc sách có nội dung giá trị nhân bản sẽ giúp chúng ta biết phân biệt đúng sai, biết đâu là lẽ phải, biết lên tiếng trước cái xấu, biết hành xử cho đúng với phẩm giá của người tri thức.

ĐỌC SÁCH GIÚP PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG BẬC CAO

Trong hơn 2 năm qua, có rất nhiều phụ huynh nhắn tin cho mình, xin học lớp Public Speaking và lớp Writing chuyên sâu, đặc biệt là lớp Writing nâng cao của thầy Andy. Mình quan sát thì thấy có những trường hợp như sau:
 
- Một số học sinh gần như không phát huy nhiều ở các lớp này. Bài viết hay bài nói của các con rất cơ bản, rất ngắn. Thầy cho 5 phút để con nói trước lớp về 1 chủ đề, nhưng con chỉ nói được vài câu, trong vòng 1 phút thì con đã hết ý, không còn gì để nói. Trong khi đó, những bạn đọc sách nhiều, có nhiều kiến thức xã hội thì 5 phút hoàn toàn không đủ, khi thầy phát hiệu hết giờ, thì các con vẫn còn ráng nói cho hết ý.
 
- Tương tự, lớp học viết của thầy Andy cũng vậy. Khi thầy yêu cầu viết 1 bài dài 800 – 1.000 chữ, thì K nhà mình vất vả vô cùng, vì phải cố gắng viết sao cho thật súc tích, ráng làm sao gói ghém cho bài viết chuyên chở hết các ý tưởng của con, trong số chữ giới hạn đó. Ngược lại, với các bạn không có gì để viết, thì cố bôi ra cho dài dòng, cốt sao cho đủ 800 chữ.
 
Nguyên nhân là do các con không có đủ kiến thức xã hội để dùng. Hiện nay, với lượng kiến thức xã hội các con học được ở trường phổ thông, thì tuy nhiều, nhưng lại nông. Tuy vẫn có thể đáp ứng đủ cho các con học kỹ năng nói và viết ở cấp độ cơ bản đến trung cấp. Nhưng để học kỹ năng nâng cao (advanced), hoặc chuyên sâu thì không bao giờ đủ.
 
Đó là lý do, những bạn nhỏ học bên ngoài xin vào học lớp Public Speaking/ Debate chỉ tiến bộ đến một mức độ nào đó, rồi chững lại. Bởi, con đã xài hết vốn liếng rồi, càng về sau, ở các khoá nâng cao, con theo không nổi.
 
Nhìn ra bên ngoài, ta thấy rất nhiều những trường hợp điển hình khác. Khi các bạn lớp 9, 10, 11 học thi IETLS, các bạn rất sợ môn Writing, và đây cũng là môn điểm thấp nhất trong phổ điểm. Mặc dù các bạn đều là HS giỏi, học chăm chỉ, thuộc lòng làu làu “công thức” ngữ pháp, bài thi ngữ pháp trường chuyên Anh cực kỳ lắt léo và hóc búa, các bạn đều vượt qua vèo vèo. Nhưng cái khó nhất mà các bạn nhỏ hay than thở khi thi môn Writing là “chẳng biết viết cái gì”, “không có ý gì để viết”.
 
Tương tự, khi học Debate (Tranh biện), nếu không có đủ kiến thức, thì chỉ có nước cãi cùn, hoặc “cả vú lấp miệng em” chớ có dùng luận điểm để tranh biện đâu. Bởi, muốn tranh biện thắng đối thủ, thì trước hết, cần có đủ kiến thức để nhận biết người ta nói đúng chổ nào, người ta nói sai chổ nào.
Biết chổ đúng, chổ hay của đối phương để đừng dại dột mà xoáy vào tranh cãi ở những luận điểm mà đối thủ đang nắm chắc phần thắng. Ngược lại, biết chổ sai, chổ yếu, chổ lập luận kém cỏi của đối phương mà tập trung phản biện vào phần đó.
 
Mà để tranh biện cho thắng đối thủ, thì kiến thức mình phải sâu hơn, rộng hơn, rồi từ đó, rèn luyện nhiều vào thì lập luận của mình sẽ sắc sảo hơn.
Những kỹ năng phân tích, lập luận, phản biện này - nếu không dựa vào nền tảng kiến thức đủ tốt – thì làm sao mà thực hành cho được?
 
Việc phát âm chuẩn, nói lưu loát, phản xạ nhanh là những điều rất tuyệt vời, nhưng vẫn chưa đủ. Đó chỉ là cái vỏ bên ngoài, nội dung được nói mới là điều quan trọng nhất. Chúng ta nói cái gì để thuyết phục người khác, lập luận như thế nào để người nghe không thể phản bác được: đó mới là ý nghĩa quan trọng của việc học Debate.
 
Nhiều cha mẹ cứ muốn xin vào học lớp Debate, với suy nghĩ đơn giản là cho con rèn kỹ năng nói. Thật ra, các lớp Public Speaking, Debate, và sau này là MUN có ý nghĩa và giá trị cao hơn.
 
- Hùng biện (Public Speaking) là kỹ năng thuyết phục và chinh phục người nghe
- Tranh biện (Debate) là kỹ năng lập luận, phản biện để chinh phục người khác một cách thấu tình đạt lý
- MUN (Phiên họp mô phỏng LHQ) là kỹ năng cao nhất: đưa ra những giải pháp mang tính toàn cầu, thuyết phục mọi người đồng ý thống nhất với nghị quyết mình đưa ra
 
Nếu một bạn nhỏ, không có, hoặc có kiến thức xã hội ít ỏi, thì làm sao có thể thuyết phục và chinh phục được ai? Một bạn nhỏ không có kiến thức xã hội đủ sâu rộng, thì làm sao có thể đưa ra 1 nghị quyết chứa đựng giải pháp có tầm ảnh hưởng toàn cầu?
 
Dù rằng MUN chỉ là một phiên bản mô phỏng cho học sinh thực hành, nhưng để thực hành, các bạn nhỏ vẫn rất cần một nền tảng kiến thức xã hội đủ tốt.
Có thể khẳng định rằng, các kỹ năng chỉ có thể phát triển đến bậc cao và trở thành năng lực suốt đời, khi và chỉ khi được thực hành và rèn luyện thuần thục trên nền tảng học thuật vững chắc.
 
Vì vậy, nếu các con chưa có “nguyên liệu đầu vào” đủ tốt, đủ nhiều, đủ phong phú, thì cha mẹ đừng vội vã cho “luyện kỹ năng”. Các đầu bếp nhà hàng 5, 6, 7 sao có giỏi kỹ năng nấu nướng đến đâu, cũng “bó tay, đầu hàng”, không thể tạo ra món ăn ngon, nếu không được cung cấp đầy đủ nguyên liệu tươi ngon, chất lượng.
 
Và, vì hiện nay, nhà trường, với nhiệm vụ phức tạp và khối lượng kiến thức đồ sộ, cộng với phong cách quản lý mang tính hệ thống cồng kềnh, khó mà đáp ứng được nhu cầu học tập nâng cao này. Nhưng, cta hoàn toàn có thể tự mình tìm đến một giải pháp vô cùng đơn giản. Đó chính là ĐỌC SÁCH.

ĐỌC SÁCH GIÚP BỒI ĐẮP TƯ DUY

Nói ngắn gọn, kiến thức xã hội là nền tảng để các con rèn luyện kỹ năng bậc cao, và hơn nữa, giúp các con hình thành, bồi đắp và phát triển tư duy.
Đọc sách giúp phát triển các tư duy trừu tượng – là tư duy bậc cao. Thông thường, những người không đọc sách, hoặc chỉ đọc những loại sách ngôn tình, sách giải trí, thì tư duy của họ khá đơn giản. Họ không thể hiểu các vấn đề trừu tượng. Những việc cụ thể thì họ mới hiểu, vấn đề nào mà trừu tượng quá, hoặc phức tạp quá, họ từ chối hiểu. Đó là do trí não không được rèn luyện nhờ vào việc đọc các loại sách khó, những tác phẩm lớn.
 
“Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua” - Rene Descartes, nhà triết gia, nhà khoa học, nhà toán học người Pháp, cha đẻ của triết học hiện đại, đã từng nói như vậy.
 
Đặc biệt hiện nay, trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện truyền thông đại chúng, đi kèm với nó là nguồn thông tin ồ ạt, nhưng kém chất lượng, đa số là tin giả, tin rác và thậm chí độc hại. Nếu trẻ em không được bồi đắp và phát triển tư duy lành mạnh và tư tưởng vững vàng nhờ thói quen đọc đúng từ nhỏ, thì các con dễ dàng bị ảnh hưởng và thậm chí bị cuốn vào vòng xoáy độc hại đó.
 
“Kết quả có thể là sinh ra một thế hệ những con người trưởng thành về thể chất nhưng không phát triển về trí tuệ và cảm xúc, hoàn toàn không được chuẩn bị cho những trách nhiệm và những quyết định của cuộc sống trưởng thành. Các nhà văn tiên tri cận đại, như Aldous Huxley và George Orwell, đã vẽ lên những bức tranh khủng khiếp về một xã hội tương lai, trong đó đầu óc con người bị các phương tiện truyền thông đại chúng điều khiển và những phản xạ (của con người) bị các thiết bị kỹ thuật chi phối. Các tác phẩm vĩ đại của nền văn minh cung cấp những nguồn lực văn hóa cốt yếu ngăn không để cho những lời tiên đoán như thế xảy ra. Trẻ em và đầu óc của chúng là phòng tuyến bảo vệ hàng đầu trong cuộc đấu tranh sắp tới để giành quyền lực đối với tinh thần con người” – theo Mortiler J. Adler, trong “Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại”.
 
Đọc các tác phẩm lớn sẽ giúp bồi đắp tư duy và tư tưởng. Đây là điều rất giá trị lớn lao nhất.
 
Là một người có tư duy phát triển, có tư tưởng độc lập, có trí tuệ sâu sắc, có bản lĩnh nội tâm mạnh mẽ; thì có thể bạn không thành công giàu có như đại gia; nhưng bạn sẽ không giờ nghèo khó, thất bại, hoặc chìm đắm trong đau khổ. Dù kiến thức chuyên môn là gì, dù bạn làm công việc nào, hay bạn đang sinh sống ở đâu; bạn sẽ không bao giờ hồ nghi về bản thân, không hoang mang về cuộc sống, không bị dẫn dắt bởi dư luận, không bao giờ phải tự hỏi “hạnh phúc là gì, tiền nhiều để mà chi”. Hơn hết thảy, dù cuộc sống có rất nhiều khó khăn, nhưng chính trí tuệ từ bên trong của bạn sẽ giúp bạn vượt qua nó; chớ không phải chạy nghe theo bất cứ “chiên da online” nào.
 
Nguồn tham khảo: Facebook


Phạm Hương - Jun 11, 2024

3 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email