Bài 3: ĐỌC SÁCH CHỦ ĐỀ KHOA HỌC XÃ HỘI

Series: ĐỌC SÁCH
 
Trước đây, có 1 bạn hỏi mình “Có nên cho con học môn Social Study không?”
 
Giá trị của môn Science thì chắc ai cũng biết rồi, nhưng trong khuôn khổ bài viết này, mình viết về ý nghĩa của kiến thức nhóm Social Study (hoặc còn được gọi là Social Science), mà tiếng Việt gọi là môn Khoa học Xã hội.
 
Theo quan điểm giáo dục truyền thống trước đây, bên cạnh TA, thì chỉ có 3 môn Toán – Lý – Hoá là ngon lành thôi. Ai học giỏi Toán Lý Hoá thì mới gọi là giỏi, mấy môn xã hội như Sử Địa là vứt đi. Thậm chí, mới đây, mình còn đọc được 1 comment trong 1 group du học nổi tiếng, cho rằng “Chỉ nên đi du học các ngành STEM; còn học Sử, Địa thì nên học ở… Hà Nội”.
 
Đó là 1 định kiến.
 
Định kiến này có từ lâu. Và ít ai thấy được giá trị của các môn khoa học xã hội. Nhà trường chỉ dạy cho có. Và học sinh cũng học cho qua. Kết quả là người trẻ ra đời, thiếu hụt kiến thức xã hội trầm trọng.
 
Các bạn chắc đã từng thấy nhiều vị học hàm học vị này nọ, lên tivi, hoặc lên báo chí phát biểu mà như “quên lắp não”. Đó là do họ chỉ học đúng mảng chuyên môn của họ, kiến thức xã hội hoàn toàn trống rỗng. Nên họ nói sai bét mà nói tự tin lắm, nói hùng hồn lắm. Nói như đúng rồi.
 
Chúng ta nên thông cảm cho họ. Bởi, họ không biết cái họ không biết (We don’t know what we don’t know). Khi người ta không biết có những thứ kiến thức đó tồn tại, nên người ta mới mạnh miệng thôi.
 
Mình sẽ từ từ phân tích ra các góc nhìn, để các bạn hiểu về kiến thức môn Social có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân của 1 con người, và đối với tổng thể xã hội.

Logic của Toán học và Logic của Xã hội học

Mới đây, mình có gặp 2 PH rất dễ thương, con 2 bạn học trường quốc tế. Trong đó, có 1 bạn cực giỏi, nên mẹ bạn cho bạn học thêm rất nhiều, mà đặc biệt là chỉ học thêm môn Toán, hết Toán tư duy Mỹ, đến Toán Sing, đến Toán Nhật… vì người mẹ nghĩ rằng học môn Toán là logic rồi, nên bạn nào giỏi Toán thì sẽ có tư duy logic nhất.
 
Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Logic trong Toán học, hoặc logic trong Science tuy khó, nhưng lại rất rõ ràng, đúng là đúng, mà sai là sai. Miễn là người học nắm bắt được công thức, phép tính toán, thì bài toán chỉ có 1 đáp số đúng mà thôi.
 
Nhưng, bài toán ở đời nó chả có công thức nào cả, bài toán ở đời nó phức tạp hơn gấp tỉ lần, nó có cực nhiều biến số gây ảnh hưởng đến kết quả - mà không bao giờ cta có thể kiểm soát hết được.
 
Một phép tính Toán học, dù ai làm, dù làm trong hoàn cảnh nào, thì kết quả của nó chỉ là duy nhất.
 
Một vấn đề trong cuộc sống, cho dù chính bạn là người thực hiện, hoặc giải quyết, nhưng lần 1 cho kết quả khác, mà lần 2 sẽ cho kết quả khác. Không bao giờ giống y như nhau.
 
Logic trong Toán học, so với logic với của ngành khoa học xã hội nó khác nhau rất lớn. Tưởng là Toán học khó, nhưng không, môn Social khó gấp tỉ lần.
Bởi vì, kết quả của bài Toán, chỉ có thể là đúng – sai. Nhưng kết quả giải quyết một vấn đề không chỉ là đúng – sai, mà còn là hay – dở. Mà hay hoặc dở thì biến thiên vô cùng. Cái sự đúng, sự hay ở hiện tại, nó có thể là sai trái và tệ hại trong tương lai.
 
Trong bối cảnh phong trào Black Lives Matter (Người da đen đáng sống) ngày càng lớn mạnh ở Mỹ, nhóm phản đối đệ trình bản kiến nghị với hơn 12.000 chữ ký, yêu cầu chính quyền ngay lập tức dỡ bỏ đài tưởng niệm tổng thống Abraham Lincoln.
 
Ủy ban Nghệ thuật công cộng của Boston phải tổ chức bỏ phiếu và kết quả nhất trí di dời đài tưởng niệm. Kênh ABC ngày 30.12 đưa tin tượng đài nô lệ da đen bên cạnh Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đặt tại thành phố Boston (Mỹ) đã bị dỡ bỏ.
 
Abraham Lincoln là một trong những tổng thống nổi tiếng nhất của nước Mỹ. Ông đã lãnh đạo đất nước vượt qua Nội chiến Hoa Kỳ. Ông thành công trong việc bảo vệ và củng cố chính phủ Liên bang Hợp chủng quốc Mỹ, xoá bỏ chế độ nô lệ và hiện đại hoá nền kinh tế Hoa Kỳ.
 
Lincoln được nhớ đến như là một vị anh hùng dân tộc của Hoa Kỳ, và luôn được xếp hạng là một trong những tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ.
 
Từ vị trí là một vị anh hùng dân tộc, đến nay, 158 năm sau kể từ ngày ông mất, xã hội Mỹ đã chuyến biến đến mức đảo ngược, cộng đồng da đen đòi dỡ bỏ đài tưởng niệm của ông. Cuối cùng, người ta đã di dời nó, đồng thời dỡ bỏ tượng người da đen bên cạnh ông.
 
Các bạn thấy đó, câu chuyện mà mình vừa kể trên, chính là vấn đề thuộc nhóm khoa học xã hội. Vấn đề này, hiện nay vẫn đang được tranh cãi dữ dội tại nước Mỹ. Abraham Lincoln vốn là người xoá bỏ chế độ nô lệ da đen, nhưng cộng đồng người Mỹ da đen tự do ngày hôm nay lại tấn công và đòi đập bỏ tượng của ông? Logic nào cho việc như thế? Có lời giải nào đúng hoặc chính xác cho vấn đề này?

Kiến thức xã hội cần được học hỏi suốt đời

Như đã nói ở trên, việc học Toán và môn Science chỉ diễn ra trong 12 năm phổ thông và 4 năm đại học chuyên ngành (cho những ai theo khối ngành Khoa học tự nhiên). Nhưng kiến thức xã hội là thứ mà chúng ta cần học hỏi cả đời.
 
Đọc đến đây, có lẽ các bạn sẽ thầm hỏi “Wow, chị H có nói quá vấn đề không?”
 
Cta thường nghe rằng “việc đọc sách luôn tốt cho trí não, đọc sách giúp cta mở mang kiến thức và nâng cao nhận thức, tư duy…”. Việc đọc sách chính là việc học hỏi suốt đời. Không có người nào thật sự giỏi mà không đọc sách.
 
Vây, các bạn hãy đến nhà sách tham khảo một vòng. Trong nhà sách, sẽ chia ra các khu:
 
- Textbook: Sách giáo khoa, sách học ngoại ngữ: dành cho việc học tập
- Fiction book: Sách truyện, văn học, sáng tác, hư cấu
- Non-fiction book: khoa học tự nhiên (Science) và xã hội (Social Study)
 
Sau khi cta kết thúc hành trình học tập, thì cta không đọc loại sách textbook nữa, mà cta cũng chỉ đọc sách chuyên môn vừa đủ thôi.
 
Ngoài sách văn học, các thể loại sách mà chúng ta đọc suốt đời, giúp tư duy chúng ta phát triển chính là nhóm sách thuộc mảng kiến thức xã hội.
 
Mình hồi nhỏ, như đã kể, tuy học giỏi nhưng nhà nghèo, nên mình không được học thêm Toán Lý Hoá Sinh gì cả, mình chỉ giỏi đúng 4 phép tính cộng trừ nhân chia mà thôi. Nhưng nhờ đọc sách, đọc vô cùng nhiều sách, mà tư duy của mình ngày càng phát triển.
 
Mình đọc sách gì? Chắc chắc mình không đọc sách Toán, hoặc Science. Mình đọc văn chương nhiều, nhưng văn chương chỉ giúp mình có nhiều cảm xúc hơn, chớ không giúp trí não mình hình thành tư duy logic, tư duy phản biện. Thực tế, để có một tư duy như bây giờ, là do mình đọc sách Social.
 
Các bạn thử nhìn rộng ra. Trên thế giới, có rất nhiều danh nhân đọc sách, trong đó có Bill Gates. Ông đọc rất nhiều sách và mỗi năm, ông thường viết bài bình sách (review). Nếu các bạn search lại các bài review sách hàng năm của ông, sẽ thấy, ông đâu có đọc bao nhiêu sách chuyên môn về Coding, về Computer Science; chủ yếu ông đọc sách mảng Social.
 
Hiểu đơn giản, muốn giỏi thì phải học hỏi suốt đời, mà học hỏi suốt đời bằng đọc sách, mà sách đây chính là sách Social Study - sách xoay quanh về con người, xã hội và mọi vấn đề xoay quanh đời sống – mà chúng ta hay gọi là khoa học xã hội nhân văn.

Môn Social là nền tảng của môn Luận lý học (Logical Thinking)

Theo Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại, chương Giáo dục Khai phóng, cho rằng “Truyền thống khai phóng có từ chương trình giảng dạy thời Trung Cổ. Nó bao gồm hai phần. Phần đầu, tam khoa, bao gồm Ngữ pháp, thuật Hùng biện, và Luận lý.”
 
Nghĩa là, môn Luận lý (Logical Thinking) là một trong những môn được học đầu tiên. Thời đó, những triết gia lỗi lạc thường là những nhà hùng biện xuất sắc. Đứng trước đám đông họ nói gì? Chả lẽ họ mang kiến thức của Toán học, của Science ra mà nói? Không, các nhà hùng biện luôn nói về các chủ đề xã hội.
 
Để nói về Social, thì đương nhiên phải nghiên cứu (study) về Social. Đó là những thứ mà con người cần phải học đầu tiên, trước khi học về Toán và Khoa học.
 
Thời nay, ngoài khái niệm Logical Thinking (Luận lý), cta còn có khái niệm Critical Thinking (tư duy phản biện).
 
Nếu cta cho con đi học kỹ năng Public Speaking (Hùng biện), hoặc kỹ năng Debate (Tranh biện), là vì mục tiêu 2 môn này giúp con phát triển Logical Thinking và Critical Thinking. Nhưng nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy, các chủ đề mang ra để Hùng biện và Tranh biện toàn là các vấn đề Social.
 
Muốn ra hùng biện hoặc tranh biện các vấn đề Social, bạn nghĩ các con có cần phải đọc sách về nó thật nhiều không, có cần phải có kiến thức thì mới có thể tranh biện được không? Hay là chỉ cần có tài cãi nhau, chỉ cần thiệt lanh mồm lanh miệng là thắng?
 
Còn nhớ, có 1 lần, 1 chị học lớp trên, rất giỏi Speaking, đã rủ K nhà mình tổ chức hoạt động Public Speaking. Chị vừa lớn hơn K, vừa rất tháo vát, lanh lẹ, nên K nhường vai trò Leader cho chị. Rồi chị và K trao đổi với nhau sao đó, K về kể với mẹ:
 
- Mẹ ơi, chị muốn mỗi buổi, tụi con talk về 2 topic lận.
- Vậy buổi đầu tiên là 2 topic gì vậy con?
- Dạ "Phân biệt chủng tộc" và "Bất bình đẳng giới tính"
- Rồi sao con?
- Dạ con hỏi chị tại sao phải chọn 2 topic, có nhiều quá không; thì chị trả lời "vì nếu chọn 1 topic thôi thì sẽ không đủ nội dung để nói trong 1 buổi". Mà con thấy, mỗi topic đó nó có rất nhiều thứ, có thể chia ra nhiều phần để nói trong nhiều buổi luôn vẫn chưa hết mà mẹ.
 
Cuối cùng, dù K trao quyền Leader cho chị, nhưng vì chị có ít kiến thức xã hội, nên chị không đưa ra các đề xuất thoả đáng cho nội dung buổi thảo luận được, mà K thì lúc nào cũng nể sợ chị, không dám có ý kiến phản đối. Cuối cùng, hoạt động đó đã không thực hiện được.
 
Làm Leader, mà có ít kiến thức xã hội quá, thì cũng không ổn à nha.
 
Tóm lại, kiến thức Social chính là nguyên liệu để bạn có thể trau đồi kỹ năng Speaking/ Debate, và từ đó phát triển Logical Thinking và Critical Thinking đó ạ. Nói tóm lại, kiến thức môn Social là vô cùng quan trọng, nó giúp cta phát triển tư duy, mà cụ thể là tư duy logic và tư duy phản biện.
 
Nếu các bạn quan sát, sẽ thấy, trên mxh VN, anh hùng bàn phím nhiều vô kể. Tiếc thay là họ không tranh biện, họ chỉ tranh cãi, toàn tấn công cá nhân và dùng những từ ngữ thô tục để chưởi bới lẫn nhau.
 
Người có kiến thức xã hội sẽ dùng kiến thức để phản biện 1 cách văn minh. Người không có kiến thức thì dùng từ ngữ thô tục để tấn công và thoá mạ lẫn nhau. Đó là 1 hiện tượng rất rõ trên mxh.
 
Theo báo Tuổi Trẻ “Nghiên cứu thường niên về Chỉ số văn minh trực tuyến của Microsoft (DCI) cung cấp thông tin trên vào ngày 11-2, Ngày quốc tế an toàn Internet” cho biết:
 
“Theo Microsoft, năm nay chỉ số văn minh trực tuyến toàn cầu xuống thấp đến mức chạm đáy trong vòng 4 năm qua. Và 5 quốc gia kém văn minh nhất, theo thứ tự, là Nam Phi, Peru, Columbia, Nga và Việt Nam. Trong khi đó, các quốc gia văn minh hàng đầu trên Internet là Vương quốc Anh, Hà Lan, Đức, Malaysia và Mỹ.”

Kiến thức xã hội là nền tảng của nhận thức

Cta thường hay nghe mọi người nói “Điều đó không có đúng sai, chỉ là quan điểm cá nhân mà thôi”. Có phải thực sự như vậy? Có phải chúng ta cần tuyệt đối tôn trọng quan điểm cá nhân?
 
Mình thường nghe các anh chị họ mình dặn con khi con đi du học: Không được yêu, không được lấy (chồng/ vợ) là Mỹ đen nha.
 
Người nói thì nghĩ: “Tui đâu có nói gì sai, đây là quan điểm cá nhân của tui mà”. Thử đoán, anh chị họ mình mà ở Mỹ, có dám công khai nói câu đó không?
 
Nếu bạn cảm thấy nó còn xa với mình, bạn hãy thử nghĩ, vô tình bạn nghe 1 người miền Nam nói “Không được yêu, không được lấy Bắc Kỳ nha con”, thì bạn nghĩ sao?
 
Mình còn thấy vài bạn trên FB mình, comment một cách miệt thị cộng đồng chuyển giới bằng ngôn từ nặng nề. Đó là quan điểm cá nhân của bạn ấy và điều đúng đắn là chúng ta nên tôn trọng quan điểm kỳ thị và thái độ thô lỗ đó sao?
 
Có một lần, mình đang xếp hàng mua kem ở Takyshimaya, thì có một nhóm bạn trẻ, trai gái có đủ, cùng vào xếp hàng mua kem. Nghe qua giọng nói, thì chắc là người ở tỉnh, đến SG du lịch. Các bạn trẻ này toàn là trai xinh gái đẹp, nhưng đùa giỡn và nói chuyện vô cùng lớn tiếng ồn ào. Mình có lên tiếng nhắc nhở “Tụi con nói nhỏ xuống được không”, thì các bạn ấy trả lời rằng “Ủa ở đây là nơi công cộng mà cô, đâu phải nhà riêng của cô đâu ạ” và các bạn ấy còn đùa giỡn to hơn, chắc là để chọc tức mình. Đó có thể gọi là “quan điểm cá nhân” của người trẻ không?
 
Có những bố mẹ trẻ dẫn con vào quán cafe chơi, họ để con cái mang giày rồi leo lên bàn ghế, chạy giỡn ồn ào, đụng đổ vỡ ly chén. Nhưng, họ chỉ đơn giản nói “Con nít mà, có biết gì đâu”. Đến nỗi, sau này, có 1 quán cafe ở Đà Nẵng dũng cảm từ chối khách hàng dẫn trẻ em dưới 7 tuổi vào. Thế là xảy ra trận khẩu chiến trên mạng xã hội. 1 bên đồng tình, 1 bên chưởi bới. Đó lại là quan điểm cá nhân mà cta nên tôn trọng sao?
 
Ai cũng có quyền nói ra quan điểm cá nhân. Nhưng, lưu ý rằng, quan điểm của mình thể hiện nhận thức của mình. Nhận thức cao thì có quan điểm đúng đắn, hay ho, tích cực; mà nhận thức kém thì có quan điểm dở tệ, hoặc hẹp hòi, lệch lạc, tiêu cực.
 
Quan điểm, nói thẳng ra, chính là biểu hiện của nhận thức và tư duy của một người. Quan điểm cá nhân chỉ đúng khi mình nêu ra những nhận định cho riêng cá nhân mình, mà không đụng chạm, xúc phạm, gây tổn thương, hoặc ảnh hưởng cho bất cứ ai khác.
 
- Bạn có thể nói: Người SG ăn phở có bỏ thêm tương đen, tương đỏ, rồi nhiều loại rau nữa. Lạ quá ha. Mình ăn không quen, mình thấy không ngon --> Đồng ý đây là quan điểm cá nhân.
 
- Nếu bạn nói: Dân SG ăn phở gì mà kỳ cục, bỏ đủ thứ vô cái tô phở, nhìn hỗn độn, nhìn gớm quá: Đây là một sự xúc phạm.
 
Hãy nhớ rằng, lời nói của bạn, suy nghĩ của bạn, quan điểm của bạn, nói lên con người của bạn.
 
Quan điểm cá nhân, nói rộng hơn, còn là nhân cách của bạn nữa.
 
Bạn thích Putin, bạn đặt tên con trai mình là Putin. Đó thuộc về sở thích, quan điểm cá nhân. Nhưng bạn tán thành cuộc xâm chiếm Ucraina và ca ngợi các hành động của Putin trong cuộc chiến đó thì bạn sai bét rồi. Đó là tội ác chống lại loài người.
 
Cuối cùng, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ đối với Vladimir Putin, Tổng thống Nga và Maria Alekseyevna Lvova-Belova, Ủy viên về Quyền Trẻ em tại Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga, vào ngày 17 tháng 3 năm 2023, cáo buộc việc trục xuất và chuyển giao bất hợp pháp trẻ em từ các khu vực của Ukraine bị chiếm đóng sang Liên bang Nga trong Cuộc xâm lược Ukraina của Nga. Đây là lệnh bắt giam đầu tiên chống lại nhà lãnh đạo của một thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
 
Lúc này, nếu ai đó vẫn còn ngưỡng mộ Putin, thì điều đó tương đương như yêu thích Hitler vậy.
 
Vì vậy, quan điểm cá nhân có thể đúng và sai. Ở mức độ cao hơn, quan điểm đó còn được đánh giá là hay và dở.
 
- Bạn có quyền yêu ghét ai đó, nhưng bạn gọi người ta là “Mỹ đen” là “3 que” là “Bắc kỳ” thì khi đó, bạn sai rồi. Bạn đang kỳ thị người khác.
- Bạn có quyền không thích người chuyển giới, nhưng bạn gọi họ miệt thị là “đồ bóng”, thì bạn sai rồi. Bạn đang xúc phạm người khác.
- Bạn có quyền không thích cái hoạt động kinh doanh chùa chiền, nhưng bạn không được phê phán tất cả sư sãi và Phật tử. Bạn cũng không bao giờ nên gọi người theo đạo Chúa là bọn này bọn nọ.
- Bạn thấy chưa từng nghe qua về phương pháp giáo dục sớm, hoặc bạn sống ở nơi chưa từng thấy trường nào áp dụng các phương pháp đó, nên bạn cho rằng “Toàn bọn chém gió, lừa đảo; nếu nó tốt, thế giới này đã áp dụng hết rồi”. Bạn không biết thêm 1 điều nữa là, vì các phương pháp đó rất đắt tiền, nên chỉ có dân giàu mới áp dụng. Shichida được áp dụng ở trường Nhật, và Montessori được giới hoàng gia Anh áp dụng cho con em của họ. Không ai trách nếu bạn không biết, những đã thiếu hiểu biết mà còn tấn công, xúc phạm người khác, thì bạn sai quá sai.
 
Quan điểm của bạn, suy nghĩ của bạn là biểu hiện của trình độ nhận thức và tư duy của bạn.
 
Trình độ nhận thức của một người có được là do tiếp nhận kiến thức, mà ở đây chủ yếu là từ kiến thức Xã hội.
 
- Kiến thức làm nên Nhận thức
- Nhận thức giúp phát triển Tư duy
Khi bạn tiếp thu nhiều kiến thức (mà phải là kiến thức học thuật, kiến thức đúng đắn, chớ không phải là fake-news), rồi bạn nâng tầm nhận thức, thì tư duy của bạn sẽ từ đó mà phát triển:
- Tư duy logic: khi có đủ kiến thức, bạn sẽ biết phân biệt đúng sai, từ đó hình thành tư duy logic
- Tư duy tích cực: khi bạn có đủ kiến thức, bạn sẽ nhìn thế giới với cái nhìn khách quan hơn, công bằng hơn; và bạn sẽ có nhận thức đúng đắn hơn về bản thân (bạn biết bản thân mình hay dở chổ nào, mạnh yếu ra sao), rồi bạn vượt qua cái tôi hẹp hòi, thì bạn sẽ suy nghĩ tích cực hơn cho người khác: tôn trọng người khác, thừa nhận và học hỏi cái hay của người khác. Ở chiều ngược lại, bạn sẽ thấy một người thiển cận, đầu óc bảo thủ, nhưng lại luôn chê bai, bài xích người khác; họ chỉ biết phàn nàn, chê trách, chớ không đưa ra ý kiến hay ho mang tính xây dựng. Họ chỉ biết tấn công, bĩ bôi người khác, chớ họ không đưa ra được những lý lẽ gì để phản biện. Những gì họ nói và viết, đậm đặc nồng độ tiêu cực.
- Tư duy phản biện: khi bạn đọc nhiều, hiểu rộng và bạn có kinh nghiệm từng trải ở đời sống thực tế, bạn sẽ biết đâu là vàng, đâu là thau; bạn sẽ biết cách lật đi lật lại vấn đề để phản biện. Lúc này, bạn hoàn toàn có thể nói thấu tình đạt lý, cái gì là đúng, cái gì là sai. Chớ hổng phải cứ lạm dụng câu “đây là quan điểm cá nhân, không có đúng sai”.
 
Mình có đứa cháu ruột, học tuy rất giỏi, nhưng nó bỏ bê học hành. Và chị mình, là mẹ nó, thì bênh nó chằm chằm. Đứa nhỏ ngủ ngày, thức đêm, chủ yếu là canh giờ để lên mạng chơi game online với đám bạn của nó. Vậy mà mẹ nó luôn bao che cho nó bằng câu “Thôi kệ nó đi, cuộc đời của nó mà, miễn sao nó vui là được, miễn sao nó hạnh phúc là được”.
 
Đây hoàn toàn là một quan điểm cá nhân. Mình thôi kệ, không nói nữa. Nhưng nếu nói quan điểm này là đúng, là hay thì mình chịu. Chẳng những sai, mà còn lệch lạc.
 
Là bởi vì 2 mẹ con chả có chút kiến thức nào, nên nhận thức hoàn toàn sai lệch. Nếu muốn nói đến khái niệm Hạnh phúc, thì cần phải đọc cho đủ, mới hiểu là:
 
- Những niềm vui nông cạn ngay tại thời điểm hiện tại không phải là hạnh phúc đích thực
- Thậm chí, những niềm vui nông cạn này chính là sự cản trở hành trình đạt được hạnh phúc bền vững
- Hạnh phúc là hệ quả của Thành công. Có thành công thì mới có hạnh phúc. Không thể thất bại, nghèo khổ, dốt nát mà có hạnh phúc được.
Tóm lại, chúng ta cần học hỏi nhiều hơn mỗi ngày, bằng sự đọc sách, mà chủ đạo mà các sách thuộc phạm trù Social.
Kiến thức Social chính là túi khôn của nhân loại.
- Từ những bài học đạo đức đầu đời trong Kinh Thánh, Đức Phật: để bạn biết sống theo lẽ phải
- Từ những bài học đầu đời về quyền của bản thân và trách nhiệm với cộng đồng: để bạn biết bảo vệ bản thân và tôn trọng cộng đồng
- Từ những câu chuyện xa xưa trong lịch sử: học hỏi từ tiền nhân những bài học đắt giá
- Từ những chủ đề về nhân quyền, nữ quyền, bình quyền, quyền phổ quát: hiểu biết về thế giới văn minh
- Từ những vấn đề của giáo dục và phát triển bản thân: học hỏi để phát triển bản thân
- Từ những chủ đề văn hoá, tôn giáo, đa sắc tộc: sống hoà hợp và tôn trọng người khác
- Từ những chủ đề về xã hội, thế giới, toàn cầu hoá: hiểu để có 1 vị trí tốt trong xã hội, để bước ra thế giới, để trở thành công dân toàn cầu
- Từ những vấn đề tâm lý: làm chủ bản thân, không chạy theo ảo vọng, không bị áp lực bởi đám đông, hiểu mình, hiểu người, sống bình an, hạnh phúc
- Từ những chủ đề triết học: hiểu sâu sắc về ý nghĩa của cuộc sống, hiểu về con người, sống cuộc đời như mình muốn
 
Đây là lý do mà mình không bắt bé K học trường chuyên, lớp chọn; hoặc ngày đêm học ôn luyện, ôn thi các giải thi đấu để sưu tầm huy chương (mình rất chọn lọc các kỳ thi thành tích). Vì mình muốn con đọc sách thật nhiều có thể, muốn con hình thành nhận thức đúng đắn và phát triển tư duy thật nhiều có thể.
 
Bài học ở đời, khó hơn bài tập ở trường cả tỉ lần.
 
Và chúng ta phải học hỏi suốt đời.
 
May mắn là, cta hoàn toàn có thể tự học hỏi kiến thức Social nhờ ĐỌC SÁCH.
 
Nguồn tham khảo: Facebook


Phạm Hương - Jun 11, 2024

3 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email