Bài 4: ĐỌC SÁCH CẦN ĐỌC SÂU
Series ĐỌC SÁCH
Việc đọc sách chẳng những giúp cho con cái học tốt, mà còn mang lại nhiều ý nghĩa lâu dài trong suốt cuộc đời của một người. Nhưng, nếu không đọc sách, chỉ đọc báo online, thì liệu có được không?
Mình cho rằng, tin tức online, nội dung trên mạng xã hội là thường những thông tin nhanh, đăng tải về các sự kiện nóng hổi, dồn dập. Tin này chưa kịp giảm nhiệt, thì tin khác đã được chia sẻ tràn lan. Việc đọc các thông tin, bài viết kiểu đó không mang lại giá trị gì nhiều ngoài việc cập nhật tin tức hàng ngày.
Trừ phi bạn vào các trang web chính thống, có tính học thuật để đọc sâu thì tốt, chớ việc đọc lướt tin tức online không phải là điều cần được khuyến khích; phần vì nội dung trên báo online xã hội không phải là kiến thức giá trị mà bạn cần phải tích luỹ; phần vì nội dung trên mạng xã hội có tỉ lệ là thông tin rác, tin nhảm, tin giả rất cao; nếu người đọc chưa tích luỹ đủ kiến thức, chưa có đủ kỹ năng phân tích đúng sai, chưa rèn luyện được khả năng phản biện với các thông tin giả đó, thì sẽ bị nguy cơ tiếp thu “rác” vào đầu óc mình, làm lệch lạc nhận thức và tư duy của mình.
Gần đây có câu nói “Ngày xưa, muốn có kiến thức thì nhờ đọc báo chí. Bây giờ, phải có kiến thức thì mới đọc được báo chí”. Ý muốn nói là, người phải có đủ kiến thức mới đọc và phân biệt được đúng sai, hay dở của các loại thông tin rác trên mạng hiện nay. Nhiều báo mạng cũng không sàng lọc cẩn thận, báo nào cũng muốn cập nhật thông tin nên cứ hễ có bài viết nào mới là lập tức trích đăng ồ ạt mà không có sự kiểm duyệt cẩn thận, như bài “Vụ kiện trường mầm non với câu chuyện chim thiên nga bị cắt cánh”.
Gần đây có thêm bài "giáo dục Đức" được chia sẻ khá nhiều, nhưng lại không có dẫn nguồn đáng tin cậy gì cả. Đọc những bài viết mông lung, sơ sài, hời hợt, mà nội dung thì phạm vào vô vàn lỗi nguỵ biện, sẽ làm cho tâm trí cta bị xáo trộn 1 cách vô ích.
Ngoài nguy cơ nói trên, mạng xã hội, với sự bùng nổ của nó, khiến cho con người bị nghiện, nghiện lướt mạng, nghiện sống ảo. Càng lướt mạng liên tục làm cho con người càng dễ sao nhãng, khó tập trung. Đây là sự khác nhau cơ bản giữa đọc sâu và đọc lướt thông tin trên mạng.
Bện cạnh việc chọn nội dung đọc, việc đọc sâu (deep reading) là điều quan trọng không kém. Đọc sâu là một quá trình đọc chủ động, sâu sắc và chú tâm, để nâng cao khả năng hiểu và thưởng thức nội dung. Ngược lại với đọc sâu là học lướt và đọc hời hợt – là những hình thức đọc tin tức online, hay lướt mạng xã hội.
Marcus Fabius Quintilianus, một nhà giáo dục và nhà hùng biện người La Mã, từng nói rằng: "Chúng ta phải xây dựng tâm trí của mình thông qua đọc sâu hơn là đọc rộng".
Thuật ngữ “đọc sâu” được đặt ra bởi Sven Birkerts trong The Gutenberg Elegies (1994): "Việc đọc, vì chúng ta kiểm soát được nó, nên nó thích ứng với nhu cầu và nhịp đọc của chúng ta. Chúng ta có thể tự do đọc theo sự thúc đẩy liên tưởng chủ quan của chúng ta. Tôi đặt ra thuật ngữ này là đọc sâu: lãnh hội một cuốn sách một cách chậm rãi và trầm tư”.
So sánh giữa việc đọc sâu và đọc lướt, Maryanne Wolf và Mirit Barzillai, trong “Tầm quan trọng của việc đọc hiểu sâu” - Thử thách toàn diện đứa trẻ: Những suy ngẫm về các phương pháp hay nhất trong học tập, giảng dạy và lãnh đạo, do Marge Scherer biên tập, ASCD, 2009, nhận định:
“Bằng cách đọc sâu, chúng tôi muốn nói đến một loạt các quy trình phức tạp thúc đẩy sự hiểu biết, các quy trình bao gồm khả năng lập luận và suy luận, kỹ năng loại suy, phân tích phản biện, suy nghĩ tương phản và hiểu biết sâu sắc. Người đọc lão luyện cần một phần nghìn giây để thực hiện các quy trình này; bộ não trẻ con cần nhiều năm để phát triển chúng. Cả hai chiều thời gian quan trọng này đều có khả năng bị đe dọa bởi sự xâm lấn của nền văn hóa kỹ thuật số với sự truyền tải thông tin nhanh chóng tức thời; và bộ nhận thức con người đang bị truyền thông chi phối có thể làm giảm đi sự sâu sắc trong cách đọc và suy nghĩ của chúng ta."
Thực hành đọc sâu là một quá trình rèn luyện, mà cha mẹ cần chủ động và dành thời gian dài để giúp con hình thành. Kỹ năng này cần có nhiều thời gian và nỗ lực để thực hành. Mình tạm chia sẻ một số lưu ý khi thực hành kỹ năng đọc sâu:
Đọc sách giấy để giúp rèn luyện khả năng đọc sâu
Đọc sách giấy có nhiều ưu điểm. Mình thường hay khuyến khích con gái mang theo một cuốn sách khi tụi mình ra ngoài. Lúc tụi mình đi công việc mà phải mang con theo, khi tụi mình làm việc thì con gái mình ngồi cạnh bên đọc sách. Lúc đi ăn ngoài, đi uống cafe; trong lúc chờ thức ăn, thức uống được mang ra, con gái mình cũng tranh thủ đọc sách. Khi tụi mình đi du lịch ở nước ngoài, trong ba lô của con, lúc nào cũng có sách để con đọc ở những quãng thời gian chết.
Đọc sách giấy sẽ không bị phân tâm như đọc ebook trên laptop hoặc IPad. Khi mở laptop/ iPad các con thường bị “sa ngã” và sa đà vào việc lướt mạng, xem Youtube, hoặc chơi game. Nhưng với sách giấy, các con chỉ có thể chăm chú vào từng con chữ.
Đọc sách với Kindle thì không bị phân tâm bởi Tiktok hoặc các loại game, nhưng đối với trẻ nhỏ, màn hình của Kindle khá nhạt nhẽo, không hấp dẫn. Con gái mình, gần như thờ ơ với Kindle, và thường chỉ chọn đọc sách giấy mà thôi. Kindle nên được ưu tiên dùng đến khi đi du lịch, để đỡ phải mang theo sách nặng.
Điều thú vị của sách giấy là khi mình đọc, mình cầm nắm cuốn sách, vuốt nhẹ bề mặt giấy của trang sách, mình lật giở từng trang của sách; tất cả các trải nghiệm xúc giác đó ảnh hưởng tích cực đến quá trình đọc của mình, giúp bộ não của mình lưu giữ thông tin tốt hơn hết thảy các hình thức khác (như sách nói và sách điện tử).
Đối với các em bé nhỏ, hoặc các bé mới làm quen với việc đọc sách, thì cta nên ưu tiên sách giấy. Với những bạn nhỏ đã đọc nhiều và đọc sâu như bạn K nhà mình, thì cta có thể dùng Kindle cho tiện và đỡ tốn kém chi phí mua sách (thường là không ít).
Dùng bút màu highlight đánh dấu
Khi đọc đến một vài chổ, hoặc khó hiểu, hoặc thú vị, hoặc giá trị, mình có thể dùng bút highlight đánh dấu đoạn nội dung mình chú ý. Để sau này, mình có thể đọc đi đọc lại. Khi mình chú tâm vào những thông tin mà mình muốn đào sâu, muốn suy nghĩ thêm về nó, muốn thảo luận sâu hơn về nó; đó chính là đọc chủ động, đọc sâu.
Luôn có một bút chì để ghi chú
Trong lúc vừa đọc, vừa suy gẫm, bạn hoàn toàn có thể có những suy nghĩ, lập luận về một đoạn nội dung nào đó. Hãy ghi chú bằng bút chì bên cạnh. Hãy ghi ngay những suy nghĩ, ý tưởng đó để khỏi quên. Sau này, khi xem lại, bạn sẽ nhanh chóng nhớ lại toàn bộ luồng suy nghĩ và tư duy của mình.
Hãy dùng bút chì để ghi chú, đừng bao giờ dùng bút mực. Sau này, khi đọc lại, có thể mình sẽ xoá đi những nhận định cũ (vốn non nớt) và viết vào đó những suy nghĩ mới.
Hơn hết, nếu sau này mình muốn tặng sách đã đọc cho ai đó, mình chỉ cần tẩy xoá những nét bút chì viết nhẹ nhàng đi, thì sách vẫn còn mới nguyên đến 90% để tặng cho người đọc mới.
Đọc ít nhất nữa giờ trong mỗi phiên đọc
Ai cũng nói đọc sách giúp cho người ta thông minh hơn, nhưng ít ai để ý thấy rằng, việc đọc sách giúp cho chúng ta tập trung hơn. Ở trẻ em, mức độ tập trung tỉ lệ thuận với việc học giỏi, ở người lớn sự tập trung mang lại hiệu quả làm việc cao.
Trẻ kém tập trung thì học lơ mơ, mà trẻ tập trung học hành thì kết quả sẽ rất tốt. Như một lẽ tự nhiên, trẻ con càng nhỏ thì sự tập trung càng ngắn. Tuy vậy, việc đọc sách có thể giúp trẻ kéo dài sự tập trung hơn mức độ bình thường. Vì vậy, cha mẹ nên khuyến khích con đọc sách ít nhất 30 phút cho mỗi lần đọc. Cố gắng tạo môi trường thuận lợi để trẻ tập trung vào trang sách. Đừng cứ mỗi 5 – 10 phút thì làm phiền con, gọi con ăn cơm, sai vặt con, hỏi chuyện này chuyện nọ. Để thực hành đọc sâu, cần tập trung đọc ít nhất 30 phút, hạn chế sự phân tâm bởi môi trường xung quanh.
Khi K nhà mình học lớp 6 và 7 ở trường ĐTL, trường cũng khá quan tâm đến hoạt động đọc sách, nên đầu giờ mỗi ngày sẽ có 15 phút đọc sách. Với trẻ con, chỉ với 15 phút, thì chỉ vừa đủ cho chúng mở cặp, lục lọi và mang ra cuốn sách, chưa kịp tập trung đọc được vài trang thì đã hết giờ. Mình đã từng khuyến nghị với Ban Giám Hiệu nhà trường về vấn đề này, nhưng nhà trường không hề lưu tâm. Có lẽ, trường ĐTL, cũng giống như nhiều trường công khác, họ chỉ làm cho có phong trào, chớ họ không thực sự theo dõi và đánh giá hiệu quả thực sự của nó.
Thực hành đọc sâu như rèn luyện cơ bắp cho não
Đọc sách là một hoạt động luyện tập của não bộ, và, tương tự như luyện tập cơ bắp, não cũng cần thời lượng đủ lâu để đạt kết quả. Lúc đầu tiên, trẻ không chịu đọc sách chữ, bạn cần đọc cùng con. Thời lượng đọc từ 15 phút, rồi tăng dần lên 20 phút và nữa tiếng. Từ việc đọc sách cùng con, bạn từ từ khuyến khích con đọc độc lập, và đọc sâu.
Kiên nhẫn với con, đồng hành cùng con. Tuỳ theo độ tuổi của trẻ, bạn chọn những loại sách hấp dẫn với trẻ - nên là sách giấy, hình ảnh minh hoạ đẹp, đề tài thú vị, phù hợp với sở thích của con. Tăng độ khó dần dần. Từ truyện tranh sang sách chữ có nhiều hình minh hoạ, rồi chủ yếu là sách chữ. Từ truyện cổ tích sang thần thoại, từ truyện dã sử sang lịch sử. Từ văn học thiếu nhi sang văn học kinh điển. Từ sách giải trí sang sách kiến thức.
Cứ thế, mỗi ngày, cha mẹ cần kiên nhẫn, và đồng hành cùng con, để giúp con luyện tập thói quen đọc sâu cho não bộ.
Đọc sâu vào một chủ đề
Theo mình, đây là cách hiệu quả nhất.
Có thể thấy rằng, trong bộ SGK chứa không ít kiến thức xã hội. Nhưng, vì nhiều lý do, các kiến thức đó rất là nông. Nếu so sánh 1 bài học trong SGK, độ dài 2 trang, với 1 cuốn sách viết về chủ đề đó, dài 500 trang, thì dĩ nhiên, đọc sách sẽ mang lại kiến thứ sâu hơn rất nhiều.
Nhưng, nếu chỉ đọc 1 cuốn sách, vẫn chưa đủ. Bạn cần đọc thêm vài cuốn về chủ đề đó, bạn sẽ tìm thấy nhiều thông tin thú vị hơn, nhiều góc nhìn độc đáo và khác biệt hơn.
Ví dụ, bạn vô tình đọc các bài báo viết về cuộc chiến tranh giữa Irasel và Hamas. Trong khuôn khổ vài trăm từ của 1 trang báo mạng, nó chỉ cung cấp cho bạn vài thông tin tối thiểu. Và bạn biết rồi đó, 1 phần của sự thật không phải là sự thật. Nếu bạn muốn tìm hiểu thật sự về cuộc chiến này, bạn cần đọc nhiều hơn.
Đầu tiên, có thể mình sẽ thắc mắc: Do Thái và Irasel có gì khác nhau không? Thế là bạn cần tìm đọc 2 cuốn: Lịch sử Do Thái, và Lịch sử Irasel, câu chuyện về sự hồi sinh của 1 dân tộc.
Nhưng, đọc lịch sử có thể xa xôi quá, bạn muốn đọc dưới góc nhìn thực tế sinh động hơn. Hãy tìm đọc cuốn Tiểu sử David Ben-Gurion, lịch sử hình thành nhà nước Irasel. Ngài David Ben-Gurion là thủ tướng đầu tiên của Israel. Ấp ủ hoài bão về công cuộc phục quốc của người Do Thái từ đầu đời, David Ben-Gurion đã đóng vai trò then chốt trong sự thành lập nhà nước Israel.
Rồi để hiểu thêm về các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông, bạn có thể đọc cuốn “Con đường Hồi Giáo”.
Xen lẫn với việc đọc, bạn có thể vào kênh Hội Đồng Cừu của bạn Nguyen Quoc Tan Trung để nghe thêm về chủ đề này.
Nếu bạn vẫn chưa thoả mãn, bạn có thể tìm đọc thêm từ các tài liệu uy tín và chuẩn xác mà Tấn Trung đã dẫn nguồn, dẫn link (đa phần bằng TA, nhưng bạn có thể tạm dùng Google Translate để đọc). Đọc đến mức độ đó, là bạn đã đọc rất sâu rồi.
Nếu bạn muốn mở rộng hơn nữa, để tìm hiểu vùng đất Ả Rập này như nào, mà chiến tranh lại nổ ra liên miên, thì bạn cần đọc cuốn “Laurence xứ Ả Rập”.
Đại tá người Anh Laurence là 1 nhân vật lịch sử có thật, được Vương Quốc Anh cử đến Ả Rập, thời thế chiến thứ 1. Lawrence trải qua cuộc giằng xé lương tâm khi chứng kiến bạo lực trong chiến tranh, sự tàn bạo của quân Thổ và số phận của những bộ lạc sống trên sa mạc yếu ớt, về bổn phận với quốc gia và về nhận thức bản thân mình là ai. Nhân vật này đã được nước Anh và Hoa Kỳ đồng thực hiện 1 bộ phim, có tên “Laurence of Arab” vào năm 1962. Phim dựa trên cuộc đời thật của ông. Bộ phim được xem như 1 trong những tác phẩm điện ảnh giá trị về chủ đề lịch sử của bán đảo Ả Rập.
Sau khi đọc và xem chừng đó thứ, mình tin rằng, sự hiểu biết của bạn về Trung Đông sẽ sâu sắc hơn nhiều.
Nếu con bạn là một bạn nhỏ tuổi teen, và con có quan tâm đến lịch sử, thì bạn hoàn toàn có thể đồng hành cùng con trong việc khám phá kiến thức thú vị của miền đất Hồi giáo này.
Đọc sâu nhờ đặt câu hỏi
Việc đọc sâu, hiểu đơn giản là tập trung đắm chìm vào trang sách. Đôi khi, dừng lại, và tự hỏi “điều này có nghĩa gì”, “tại sao nó lại diễn ra như vậy”, “nếu là mình, mình sẽ làm như nào”, hoặc “nếu sự kiện đó không xảy ra, thì liệu kết quả có khác đi không? Khác như thế nào?”
Việc đặt các câu hỏi chính là quá trình đào sâu tư duy, mà thông thường, một người đọc trưởng thành mới có thể làm tốt.
Với trẻ con, cha mẹ cần giúp con làm quen với việc đặt câu hỏi. Buổi đầu, cha mẹ đọc sách cùng con. Sau mỗi đoạn, mỗi trang, bạn dừng lại và thảo luận. Chủ động hỏi con về cảm nghĩ của con, nhận xét của con. Tiếp theo là giúp con đặt câu hỏi, với những kỹ thuật như sau:
- K, khi đọc đến đoạn này, con biết mẹ nghĩ gì không? – Mẹ nghĩ gì hả mẹ?
- Mẹ đố K mẹ thích nhất nhân vật nào trong Cuốn theo chiều gió? – Nhân vật nào mẹ thích nhất vậy mẹ?
- K, con có biết tại sao cô Scarlette xấu tính như vậy mà mẹ vẫn thích cổ không? – Tại sao mẹ lại có thể thích cô Scarlette xấu tính đó được vậy mẹ?
Lúc đầu, con sẽ lặp lại câu hỏi mà mình đã gợi ra. Sau đó, con từ từ sẽ chủ động đặt ra những câu hỏi của chính con.
Kỹ thuật này không khó. Điều khó nhất của nó nằm ở chổ cha mẹ phải đọc những gì con đọc, thì mới có thể thảo luận với con. Đứa nhỏ cần có cha mẹ đồng hành đúng nghĩa: trẻ cần có người hiểu cảm xúc, suy nghĩ của chúng; cần có người chia sẻ với chúng, cần có người bàn ra tán vào câu chuyện thì sự thích thú, hứng khởi mới được khơi gợi đủ lâu dài để trở thành sở thích và thói quen suốt đời.
Việc đọc sách cùng con này đòi hỏi thời gian và không gian thích hợp. Nhà mình chọn thời điểm trước khi ngủ. Lúc này, mình chấp nhận không thể đọc sách giấy, mà là đọc ngay trên điện thoại của mình. Mỗi tối, khi hai mẹ con nằm trên giường với nhau, mình mở điện thoại ra, rồi yêu cầu con đọc to, đọc diễn cảm. Đôi lúc, mình có thể thay phiên đọc với con. Những loại sách mà mình chọn đọc trong thời điểm này là sách văn học Việt Nam và những sách hồi ký, biên khảo về văn hoá, lịch sử.
Mình muốn con đọc nhiều sách văn học Việt Nam để con thấm vào tâm hồn những tinh tuý của văn hoá và ngôn ngữ tiếng Việt. Sách hồi ký của các danh nhân/ vĩ nhân giúp con hiểu và học hỏi tư tưởng từ họ. Sách hồi ký, biên khảo về văn hoá, lịch sử giúp mình hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn, về quá khứ của mảnh đất nơi chúng ta sinh ra.
Khác với những loại sách kiến thức và sách văn học nước ngoài (mà mình khuyến khích con đọc hoàn toàn bằng tiếng Anh); những loại sách này, mình chọn hoàn toàn bằng tiếng Việt, phần vì mình muốn con thẩm thấu thật nhiều về ngôn ngữ, văn hoá và lịch sử của dân tộc Việt, phần vì mình muốn cùng đọc để thảo luận với con.
Để đồng hành với con trong việc đọc sách, thì cta buộc lòng phải chọn sách Tiếng Việt (vì đa phần cha mẹ không thể đọc nổi sách TA). Và vì vậy, việc lựa chọn sách TV cho con cũng là một nhiệm vụ quan trọng, mà mình sẽ viết trong bài sau.
Nguồn tham khảo: Facebook
Jun 11, 2024