Bài 5: ĐỌC SÁCH TIẾNG VIỆT TRƯỚC KHI ĐỌC TIẾNG ANH

Series: ĐỌC SÁCH
Trước khi mạn phép đưa ra một danh sách đọc, mình muốn nhắn nhủ với các bạn vài điều. Dù trước giờ mình luôn khuyến khích cho con đi du học, khuyến khích con bước ra thế giới; và vì vậy, mình luôn khuyến khích con học tiếng Anh.
 
Nhưng, là người Việt, con mình cần học tiếng Việt, cần giỏi tiếng Việt, cần hiểu biết về thi ca, văn học và lịch sử, văn hoá dân tộc Việt – trước khi con học và giỏi bất cứ ngoại ngữ nào.
 
Trong chung cư nhà mình có một cặp vợ chồng trẻ có 1 em bé mà tụi mình quen được khi thi thoảng đi cùng thang máy. Em bé đó rất giỏi TA, nói TA không khác gì 1 em bé người Anh/ Mỹ bản xứ.
 
Tò mò, mình hỏi kỹ, thì té ra 2 bạn ấy vốn là dân đi du học về, nên khả năng TA rất tốt. Về công việc thì 2 bạn làm việc online, nên thời gian chủ yếu là ở nhà với con. Vì vậy, 2 bạn tự dạy con học ở nhà hoàn toàn – bằng giáo trình tiếng Anh 100%, em bé không hề đến trường, con chỉ học với mẹ, và chơi với bố.
 
Tuy vậy, điều mình cảm thấy sốc là, em bé đó, không hề nói được một chút tiếng Việt nào, cũng không đọc bất cứ một cuốn sách tiếng Việt nào; và dĩ nhiên con không hề được học hay đọc những bài thơ bằng tiếng Việt, hoặc đọc tác phẩm văn học Việt Nam nào. Quả là điều đáng tiếc.
 
Chọn học ngôn ngữ nào là sự lựa chọn của mỗi người. Nhưng, lựa chọn bỏ hẳn ngôn ngữ mẹ đẻ là một lựa chọn khiến mình cảm thấy quá đáng tiếc. Nếu nhìn ở góc độ tình cảm con người, thì ai cũng cần hiểu về cội nguồn; nếu nhìn ở góc độ cuộc sống thực dụng, thì giỏi tiếng Việt mang đến nhiều cơ hội hơn cho con, bởi cộng đồng người Việt trên toàn cầu cũng không ít.
 
Theo mình, là người Việt, dù chúng ta sinh sống ở đâu, mình vẫn khuyến khích các con nên học tiếng Việt và đọc sách văn học, lịch sử Việt Nam. Trải qua cả ngàn năm Bắc thuộc, rồi Pháp thuộc, tiếng Việt vẫn còn tồn tại đến bây giờ. Đó là điều đáng quý mà chúng ta nên gìn giữ.
 
Khi mình đi công tác hoặc du lịch nước ngoài, ở cái nơi xa lạ hoàn toàn, mà mình nghe ai nói tiếng Việt với mình, thì mình vui mừng không sao tả xiết. Lúc đó, mới thấy tiếng nói quê hương nó ý nghĩa làm sao. Nó chạm đến tận tâm can mình. Nó vượt xa mọi thứ toan tính đời thường, kiểu như học tiếng Anh thì có lợi hơn, học tiếng Trung thì phổ biến hơn.
 
Ai cũng có thể tính toán, suy tính để làm những việc mà mình cho là có lợi cho bản thân. Nhưng tính toán đến mức chủ động bỏ đi ngôn ngữ mẹ đẻ, vứt đi tiếng nói của dân tộc mình, thì mình chỉ biết ngậm ngùi.
 
Có những người Việt xa xứ, sinh sống ở những nơi mà TV chỉ xuất hiện trong phạm vi gia đình, nhưng bằng mọi giá, họ vẫn cố gắng dạy dỗ con TV. Và khả năng nói TV của con cái được xem là một giá trị có ý nghĩa lớn lao mà cả cộng đồng người Việt ít ỏi ở đó rất tự hào.
 
Với những người Việt xa xứ, tiếng Việt dần mai một vì nhiều lý do, nên nếu điều này xảy ra, chẳng qua vì chẳng đặng đừng. Chớ sống ngay tại VN, mà chủ động bỏ đi TV, không dạy cho con 1 chút gì, thì thật là điều đáng tiếc.
 
Với con gái chậm nói của mình, mình thà chậm việc học tiếng Anh, chậm hơn con nhà người ta đến tận 3 - 4 năm, để mình dành thời gian cho con học tiếng Việt. Mình kiên trì đọc thơ, đọc truyện tiếng Việt cho con, để con thấm vào cái hồn quê hương Việt Nam. Tiếng Việt còn, thì nước Việt ta còn. Nên, trước khi đọc sách văn học nước ngoài, trước khi đọc sách tiếng Anh, các bạn hãy tìm đọc thật nhiều văn thơ, sách truyện Việt Nam.
 
Dưới đây mình mạn phép đưa ra các danh sách sách đọc bằng tiếng Việt.

1. Sách lịch sử, văn hoá Việt Nam

Mình khuyến khích các con đọc sách lịch sử Việt Nam. Môn Lịch sử trong trường công, với nội dung trong sách giáo khoa, hơi khô khan, khó học, khiến các con chán nản môn Sử. Tuy vậy, có những sách viết về lịch sử thú vị, mà mình tin rằng cha mẹ và các con sẽ thích.
 
- Việt Nam Sử Lược, tác giả Trần Trọng Kim. Tác giả Trần Trọng Kim là một học giả danh tiếng, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu sử học, văn học, tôn giáo VN. Ông là thủ tướng đầu tiên của chính phủ VN (1945). Việc nhà nước cho phép xuất bản cuốn sách này, sau rất nhiều tranh cãi, là một sự tiến bộ rất lớn, cho thấy sự cởi mở trong quan điểm nhà nước. Trong khi những người chuyên tâm nghiên cứu lịch sử sẽ yêu thích bộ Đại Việt Sử Ký toàn thư, thì với người bình thường, cuốn Việt Nam Sử Lược này súc tích và dễ hiểu hơn. Tác phẩm này là cuốn sách đầu tiên dùng chữ quốc ngữ, hệ thống lại toàn bộ lịch sử Việt Nam, bao gồm 5 thời đại: Thượng Cổ, Bắc thuộc, Tự chủ, Nam Bắc phân tranh và Cận hiện đại – thời nhà Nguyễn, đầu thế kỷ 20 cho đến thời Pháp thuộc. Đây là cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình.
 
- Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 – 1802, tác giả Tạ Chí Đại Trường. Ông là một nhà sử học và nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam. Tác phẩm này của ông được ra đời vào năm 1964, đặt lại vấn đề về vai trò của nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Các lập luận và quan điểm độc đáo của ông được thể hiện trong nhiều tác phẩm nghiên cứu lịch sử, văn hoá có giá trị khác. Ông định cư tại Hoa Kỳ năm 1994, và kể từ năm 2000, ngoài tác phẩm vừa nói, các tác phẩm khác của ông được phát hành tại Việt Nam như Thần, Người và Đất Việt (2014), Những bài dã sử Việt (2014), Người lính thuộc địa Nam Kỳ (2014), Chuyện phiếm sử học (2016).
 
- 10 ngày ở Huế, tác giả Phạm Quỳnh. Ông là một nhà văn hoá, nhà văn và quan đại thần của triều Nguyễn. Ông đi tiên phong trong việc quảng bá chữ quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì dùng chữ Nho, hoặc tiếng Pháp. Ông từng là chủ bút kỳ cựu của Nam Phong tạp chí. Ông nổi tiếng với câu nói “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn. Tiếng ta còn thì nước ta còn”. Ông là thân sinh của nhạc sĩ Phạm Tuyên, chủ tịch Hội Âm Nhạc Hà Nội.
 
- Sài Gòn năm xưa, tác giả Vương Hồng Sển, mang 3 dòng máu: Kinh, Hoa và Khmer. Ông là một nhà văn hoá, học giả, nhà sưu tập đồ cổ. Ông là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ Việt Nam. Ngoài tác phẩm trên, ông còn có nhiều tác phẩm giá trị khác, trong đó, hai cuốn hồi ký Hơn nữa đời hư và Nữa đời còn lại xứng đáng tìm đọc.
 
- Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, tác giả Nguyễn Hiến Lê. Ông là học giả, nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học và nhà hoạt động văn hoá độc lập. Ngoài bút ký này, ông còn nhiều rất tác phẩm giá trị khác.
 
- Lịch sử khẩn hoang miền Nam, tác giả Sơn Nam. Ông là nhà Nam bộ học, với một gia tài đồ sộ các loại sách biên khảo về lịch sử và văn hoá miền Nam. Ông được xem là “ông già Nam bộ”, “pho từ điển sống về miền Nam” hoặc “nhà Nam bộ học”. Sách viết về lịch sử và văn hoá của miền Nam của ông mới thật sự có giá trị (còn tác phẩm Đất Rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi cũng chỉ là 1 tác phẩm văn học hư cấu thôi. Nên gần đây, mọi người cứ đua nhau khen chê về sự sai lệch lịch sử giữa truyện ĐRPN với bộ phim của TT – mà xét ra, cả 2 đều là tác phẩm hư cấu mà thôi). Tác giả Sơn Nam viết biên khảo cũng có, mà truyện ngắn cũng có (khi cta đọc, cta nên phân biệt được đâu là sáng tác hư cấu nhé. Tránh sa vào nhưng tranh cãi vô nghĩa). Bạn có thể đọc cuốn "Thiên Địa Hội và cuộc Minh Tân", thể loại biên khảo của ông, để hiểu thêm về vai trò của Thiên Địa Hội tại miền Nam ngày xưa nhé.
 
Kể từ đầu thế kỷ 20, các tác phẩm lịch sử ở miền Bắc chủ yếu là sách lịch sử cách mạng, vốn đã được học rất nhiều trong sách giáo khoa, nên mình không đề cập ở đây nữa.

2. Sách hồi ký, tiểu sử, tự truyện của tác giả Việt Nam

Ngoài ra, thể loại sách hồi ký hoặc tiểu sử của các danh nhân nổi tiếng cũng giúp chúng ta hiểu sâu sắc thêm về đời sống của những thời đã qua. Sách hồi ký và tiểu sử của danh nhân Việt Nam gồm có nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, văn hoá đến thi ca, âm nhạc, hội hoạ; tuỳ theo sở thích mà chọn đọc.
 
- Một cơn gió bụi: hồi ký Trần Trọng Kim
- Cát bụi chân ai: hồi ký Tô Hoài
- Hơn nữa đời hư: hồi ký Vương Hồng Sển
- Hồi ký song đôi: hồi ký Huy Cận
- Những ngày thơ ấu: hồi ký Nguyên Hồng
- 40 năm nói láo: hồi ký Vũ Bằng
- Việt Nam, một thế kỷ qua: hồi ký Nguyễn Tường Bách (em trai nhà văn Nhất Linh và Thạch Lam)
- Bóng ngày qua: hồi ký Quách Tấn (nhà thơ)
- Hồi ký Trần Văn Khê
- Hồi ký Nguyễn Hiến Lê
- Hồi ký Phạm Duy
- Hồi ký Sơn Nam
- Lê Giản hồi ký
- Hồi ký Phan Văn Vịnh
- Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng
 
Đọc hồi ký của những nhân vật thuộc về lịch sử này, sẽ thấy được những chi tiết đắt giá mà ít khi sách lịch sử chính thống nói đến. Hơn nữa, cta còn cảm nhận được một cách sinh động, chân thực những chi tiết về đời sống, tinh thần, văn hoá... của xã hội thời xưa. Rất thú vị. Rất đáng để đọc.

3. Sách văn học Việt Nam:

Ngoài các tác phẩm nổi bật của Nam Cao, Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Kim Lân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan… – mà chúng ta đã được học ở trường, các bạn nên tìm thêm đọc thêm các tác phẩm khác của họ. Bên cạnh đó, mình đề xuất thêm những tác giả bên dưới.
 
Theo mình, chúng ta nên tìm đọc càng nhiều tác giả càng tốt. Hãy tìm hiểu và chọn một vài tác phẩm tiêu biểu của tác giả để đọc cùng con. Nếu thích, mình có thể đọc thêm những tác phẩm khác của tác giả đó. Nếu không, thì ít nhất mình cũng đã tiếp cận và có sự hiểu biết ít nhiều về tác giả và tác phẩm.
 
Với nhà mình, K có khuynh hướng đọc sâu. Khi con đọc Nguyễn Huy Thiệp, bắt đầu là truyện Tướng về hưu; con rất thích và đòi mẹ tìm tất cả các tác phẩm của ông mà đọc. Việc này cũng tốt, nhưng nó sẽ chiếm quá nhiều thời gian, dẫn đến con không còn cơ hội để đọc những tác giả/ tác phẩm khác. Vì vậy, khi con đọc đủ những tác phẩm nổi bật nhất của một tác giả, mình tìm cách “dụ dỗ” con đọc những tác phẩm khác, tác giả khác và nội dung khác.
 
Giúp con đọc phong phú là điều cần làm. Đừng chỉ chăm chăm đọc những gì con thích. Mình biết một phụ huynh, có đứa con bằng tuổi K nhà mình. Bạn bé đó cũng rất thích đọc sách và đọc khá nhiều. Tiếc là, bạn thích chơi thể theo, nên bạn chỉ chọn những sách tiểu sử của các ngôi sao bóng đá, ngôi sao thể thao. Vì vậy, tuy đọc nhiều, nhưng bạn không mở mang được kiến thức bao nhiêu. Việc đọc phong phú là điều quan trọng. Để mở mang trí óc, chúng ta cần đọc, tìm hiểu những gì mới mẻ. Việc tiếp cận với những lĩnh vực nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng ta sẽ giúp chúng ta mở rộng tri thức hơn là chỉ quanh quẩn với sở trường của mình.
 
Trong phần này, tuy chỉ trong phạm vi văn chương, nhưng mình cũng khuyên chúng ta đọc phong phú. Nên chọn những tác giả miền Bắc, đồng thời cũng chọn tác giả miền Nam. Nên chọn các tác phẩm văn học tiền chiến, và cũng nên đọc các tác phẩm trong thời kỳ chiến tranh. Chọn đọc tiểu thuyết lịch sử, đồng thời chọn đọc tác phẩm lãng mạn. Đọc tác phẩm dành cho thiếu nhi và cho cả người lớn. Đọc phong phú, đọc đa dạng thì nhận thức và tư duy sẽ cởi mở hơn, đa chiều hơn, mà cũng sâu sắc hơn.
 
Các bạn có thể chọn đọc một hoặc vài tác phẩm của các tác giả trong danh sách sau:
 
- Hồ Biểu Chánh: là một nhà văn tiên phong của miền Nam vào đầu thế kỷ 20. Với gia tài sáng tác đồ sộ, ông đã đóng góp to lớn cho hình thành thể loại tiểu thuyết trên chặng đường phôi thai của thời kỳ đầu văn học chữ quốc ngữ. Cốt truyện đơn giản, triết lý “ở hiền gặp lành”, cách diễn đạt nôm na, bình dị. Điểm đặc biệt là văn phong rặt Nam Kỳ (y hệt như kiểu nói chuyện của bà ngoại mình khi bà còn sống). Ông là người có tác phẩm được chuyển thể điện ảnh nhiều nhất. Các tác phẩm nổi bật đã được hãng phim của Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh và các hãng phim chuyển thể thành phim : Con nhà nghèo, Chúa tàu Kim Quy, Lòng dạ đàn bà, Ngọn cỏ gió đùa, Con nhà giàu, Duyên định kim tiền…
 
- Tô Hoài: nhà văn có nhiều sách dành cho thiếu nhi, nổi bật là Dế mèn phiêu lưu ký. Trong nhiều tác phẩm phong phú các thể loại của ông, có các tác phẩm dành cho thiếu nhi như Đảo hoang (Sự tích dưa hấu – Mai An Tiêm), Truyện nỏ thần, Mẹ mìn bố mìn, Nhà Chử (Chử Đồng Tử - Tiên Dung).
 
- Nguyên Hồng: mang hồi ức của tuổi thơ cơ cực vào sáng tác, nên ông được xem là nhà văn của người cùng khổ. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Bỉ vỏ và cuốn tự truyện Những ngày thơ ấu. Ngoài ra, ông sáng tác rất nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết khác.
 
- Nguyễn Huy Tưởng: là tác giả sáng tác nhiều truyện lịch sử dành cho thiếu nhi, như Lá cờ thêu sáu chữ vàng, An Dương Vương xây thành ốc, Đêm hội Long Trì, Sống mãi với Thủ Đô và nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi khác.
 
- Thạch Lam – Nguyễn Tường Lân: là một nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn nổi tiếng thời kỳ tiền chiến. Ông là em của hai nhà văn nổi tiếng khác: Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam và Hoàng Đạo – Nguyễn Tường Long, và là anh của nhà văn bác sĩ Nguyễn Tường Bách. Thạch Lam có lời văn đẹp, tinh tế, sâu sắc mà bình dị. Các tác phẩm của ông: Hà Nội 36 phố phường, Gió lạnh đầu mùa, Nắng trong vườn, Ngày mới, Sợi tóc, Hai đứa trẻ.
 
- Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam: là anh trai của nhà văn Thạch Lam. Nhất Linh nổi tiếng với hàng loạt tiểu thuyết Gánh hàng hoa, Bướm trắng, Đôi bạn, Đoạn tuyệt, Lạnh Lùng. Các tập truyện ngắn của ông: Nho Phong, Người quay tơ, Anh phải sống, Hai buổi chiều vàng, Đi Tây, Tối tăm, Thế rồi một buổi chiều, Thương chồng, Những ngày diễm ảo.
 
- Khái Hưng: là nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, ông có vài tác phẩm sáng tác chung với Nhất Linh. Những tác phẩm nổi bật của ông: Nữa chừng xuân, Dọc đường gió bụi, Tiêu Sơn tráng sĩ…
 
- Thế Lữ: là nhà thơ nổi tiếng, nhưng bên cạnh đó, ông cũng là tác giả của gần 40 truyện, vừa và ngắn. Thế Lữ nổi bật với ba thể loại truyện, truyện kinh dị, trinh thám và lãng mạn núi rừng. Các tác phẩm của ông: Vàng và máu, Bên đường Thiên Lôi, Lê Phong và Mai Hương, Gói thuốc lá, Đòn hẹn, Tay đại bợm, Gió trăng ngàn, Trại Bồ Tùng Linh.
 
- Hồ Dzếnh: là nhà thơ, nhưng ông vẫn có sáng tác văn xuôi. Vốn gốc người Minh Hương, Trung Hoa, cha người Quảng Đông, mẹ người Việt, các tác phẩm của ông đặc sắc, thể hiện nếp sống của người Hoa trong cộng đồng người Việt. Ông kể chuyện mộc mạc, chân thực, mà làm cho người Việt Nam rụng động tận đáy lòng. Các tác phẩm văn học của ông: Chân trời cũ, Dĩ vãng, Những vành khăn trắng, Tiếng kêu trong máu, Cô gái Bình Xuyên, Một truyện tình 15 năm về trước, Cuốn sách không tên.
 
- Thanh Tịnh: nhà thơ, nhà văn. Ông nổi tiếng với truyện ngắn Tôi đi học, được đưa vào sách giáo khoa. Các truyện ngắn khác của ông: Quê mẹ, Chị và em, Con so về nhà mẹ, Ngậm ngãi tìm trầm, Những giọt nước biển.
 
- Võ Hồng: được đánh giá là một trong những nhà văn lớn của văn học Việt Nam. Nhiều tác phẩm của ông được trích giảng trong sách giáo khoa trước năm 1975. Văn của ông sinh động, chân thực, tinh tế và rung cảm. Các tiểu thuyết của ông: Hoa bươm bướm, Gió cuốn, Thiên đường ở trên cao, Trong vùng rêu im lặng. Các truyện ngắn của ông gồm có: Mùa gặt, Hoài cố nhân, Lá vẫn xanh, Vết hằn năm tháng, Con suối mùa xuân, Vẫy tay ngậm ngùi, Vùng trời thơ ấu. Ngoài ra, ông còn có hai tuỳ bút: Một bông hồng cho Cha, Trầm tư.
 
- Phùng Quán: nổi tiếng với tác phẩm Tuổi thơ dữ dội. Ông là cháu của nhà thơ Tố Hữu, và ông cũng sáng tác thơ.
 
- Hoàng Ngọc Phách: tác giả của tác phẩm nổi tiếng Tố Tâm – là một trong những tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của văn học Việt Nam, được dịch sang tiếng Pháp.
 
- Lê Văn Trương: nhà văn viết nhiều tác phẩm đề cao đời sống gia đình, như Một người cha, Người anh cả, Người vợ lý tưởng, Người vợ hoàn toàn, Một đứa bé mồ côi, Con đường hạnh phúc, Đứa con hạnh phúc. Ngoài ra, ông còn viết một loạt tác phẩm phê phán thói trưởng giả của nhà giàu, như Trong ao tù trưởng giả, Một lương tâm trong gió lốc, Đứa cháu đồng bạc, Một cô gái mới, Chồng chúng ta...
 
- Nguyễn Huy Thiệp: sáng tác từ năm 21 tuổi, nhưng mãi đến năm 36 tuổi, ông mới vụt sáng. Ông được xem là người đạt đỉnh cao nghệ thuật văn chương với một loạt các truyện ngắn: Tướng về hưu, Không có vua, Tuổi 20 yêu dấu, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết...
 
- Dương Thu Hương: tuy sau này quan điểm của bà đối lập với nhà nước, nhưng trong lĩnh vực văn chương, các tác phẩm của bà có giá trị lớn. Bốn tác phẩm lớn của bà là Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù, Tiểu thuyết vô đề và Chốn vắng.
 
- Phạm Thị Hoài: là một nhà văn hiện đại, có tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước, hiện đang sống ở Đức. Tác phẩm Thiên sứ của bà được dịch sang nhiều thứ tiếng (tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Đức và Phần Lan). Ngoài ra, bà còn có các tác phẩm: Mê lộ, Man nương, Marie Sến.
 
Trên đây là một số các nhà văn lớn tiêu biểu trong nền văn chương Việt Nam, mà mình yêu thích. Danh sách này có thể chưa đầy đủ và hoàn chỉnh, các bạn có thể tìm đọc thêm những tên tuổi mới như Bảo Ninh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lý Lan, Nguyễn Ngọc Tư...
 
P/S: Tấm hình này chụp chung với chú tài xế shuttle bus của trường Stanford (là xe bus free, chạy trong khuôn viên trường, đưa người từ trong trường ra đến trạm xe bus/ hoặc xe tram bên ngoài).
 
Lúc mình và K bước lên xe, mình kêu con, để chắc ăn, con lên hỏi chú tài xế xem xe này có chở ra tận tram station không? Khi con vừa "excuse me" với chú, thì chú hỏi "Con hỏi gì con?" bằng TV. Ôi chao, 2 mẹ con vui quá chừng vui.
 
Té ra chú là người Việt, làm việc cho trường Stanford. Rồi khi đến điểm dừng, xuống xe, 2 chú cháu chụp chung tấm ảnh làm kỷ niệm.
 
Nói với nhau vài câu TV mà sao ấm lòng. Chia tay nhau cũng cảm động bùi ngùi lắm đó...


Jun 11, 2024

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL