Chương Trình Học Đọc Bằng Tiếng Anh Cho Trẻ Từ Cấp 2 Trở Lên

Ngày càng có nhiều học sinh đạt SAT trên 1500 hay IELTS 8.0. Nhưng con số này chỉ là hạt muối bỏ bể nếu so với số lượng các con chật vật mãi không giỏi tiếng Anh bất kể tiền bạc và công sức mà các gia đình đã đầu tư. Kể cả trong 1 số group cha mẹ đồng hành cùng con tự học tiếng Anh, các bé thường khởi đầu rất nhanh, nhưng chỉ tiến bộ đến một mức nhất định , rồi cứ loay hoay và dậm chân tại chỗ, nhất là sau khi con lên cấp 2.

Nói ngắn gọn, yếu tố cực kỳ quan trọng để muốn giỏi bất kỳ ngôn ngữ nào là ĐỌC. Cho dù các con sống ngay tại bản xứ, học trường quốc tế đơn ngữ, học lớp chuyên Anh, hay chương trình nhiều tiết tiếng Anh, thì không ai có thể giỏi mà không đọc nhiều.

Vì thế, mình giới thiệu với các gia đình (và cả người lớn muốn nâng cao nền tiếng Anh) một chương trình Đọc online của Mỹ: ACHIEVE3000 LITERACY. Mình đã dùng chương trình này cho con mình, nhóm của con, con của bạn bè, và hơn 200 học sinh khác, đủ để hiểu rõ, và thấy đây là 1 chương trình rất đáng để các gia đình cân nhắc cho học sinh từ cấp 2 trở lên, và cả người lớn.

1. Khái quát:

Achieve3000 là một chương trình học đọc tiếng Anh online dành cho học sinh Mỹ của hãng McGraw Hill, một công ty giáo dục lớn của Mỹ. Chương trình gồm hơn 10,000 bài đọc về nhiều lĩnh vực, và được thiết kế với nhiều kiểu hoạt động, từ trắc nghiệm, câu hỏi thảo luận mở, tới các gợi ý để người học trình bày quan điểm cá nhân về bài đọc.

2. Ưu Nhược Điểm:

2.1. Bài đọc:

Điều tuyệt vời là thông tin trong các bài đọc hay, có tính thời sự và cập nhật với tình hình mới nhất. Phần lớn các bài được lấy từ tin tức thời sự của Associated Press (AP) và một số hãng thông tấn khác. Ví dụ bài đọc về cuộc đua vệ tinh internet vũ trụ giữa Amazon và Space X chẳng hạn.

Nếu phần nội dung mình cho 9.5/10, thì tính năng và giao diện chương trình chỉ đáng 4/10. Công cụ tìm kiếm không thông minh, nên rất khó để học sinh tự tìm được những bài đọc thế này, lẫn giữa các bài đọc về luật pháp Mỹ, quyền công dân của Mỹ mà học sinh Việt Nam thường thấy khó hiểu và không hứng thú. Bài đọc được chia theo “collection”, với những cái tên kiểu “Test Prep Boot Camp”, hay “Smart A”, rất Mỹ và cực kỳ xa lạ đối với trẻ em Việt Nam. Giao diện của tài khoản giáo viên còn tệ hơn, chức năng giao bài vô cùng “tăm tối”, thậm chí còn có lỗi, hic, chức năng report không có điểm gì có thể khen, vì các thông tin được chia ra 1 cách vô cùng vụn vặt, và phải mất nhiều công để tổng hợp. Chính vì sự bất tiện này, mình đã không lựa chọn khi đã dùng thử 1 năm về trước. Đến khi thấy con đọc không tốt những bài về khoa học xã hội, mình mới cần 1 chương trình vừa luyện đọc hiểu, vừa bổ sung nhiều kiến thức xã hội cho con. Lúc này, mình mới bỏ ra nhiều ngày để mò mẫm các chức năng trong tài khoản giáo viên để có thể tìm ra và giao được những bài học hay, cũng như khai thác được các tính năng mình cần để hỗ trợ học sinh như đã từng làm với Razkids.

2.2. Câu hỏi đọc hiểu:

Bộ câu hỏi được xây dựng theo các mục tiêu đề ra trong chuẩn CCSS (Common Core State Standards), nôm na là 1 tiêu chuẩn về năng lực đọc và viết của học sinh Mỹ. Các câu hỏi tập trung vào năng lực phân biệt ý kiến và dữ liệu thực tế (fact and opinion), suy luận (make inferences), hiểu đúng ý đồ của tác giả (author’s purpose) v.v,. Đây là những kỹ năng đọc hiểu cực kỳ quan trọng để học lên cao, cũng như để làm những công việc cần nhiều chất xám, nhưng học sinh Việt Nam lại rất yếu. 115/221 (50%) học sinh trong nhóm luyện đọc hiểu của mình có mức điểm dưới chuẩn trong 1 tháng đầu sử dụng, và sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí cả năm trời để các con cải thiện các kỹ năng này với sự theo dõi và hỗ trợ từ giáo viên.

2.3. Tính hướng nghiệp:

Đây là điều mình mê nhất ở chương trình này. Hướng nghiệp vốn là điều nền giáo dục của chúng ta còn rất yếu. Nhiều khi phải đến lúc vào ĐH, thậm chí lên tới năm 3-4, vấn đề hướng nghiệp mới được đặt ra nghiêm túc.

Ở đây có vô vàn bài viết về các nghề nghiệp khác nhau, từ những nghề cơ bản như đầu bếp, bác sỹ, đạo diễn điện ảnh, còn có những nghề mới trong xã hội hiện đại như ngành công nghiệp e-sport, cung cấp cho học sinh 1 cái nhìn sơ lược về các loại nghề.

Bên cạnh đó, chương trình tích hợp các bài trắc nghiệm thiên hướng nghề nghiệp được xây dựng theo mô hình RIASEC của Holland Code. Sau đó, chương trình sẽ đưa ra mục tiêu về Lexile mà học sinh cần đạt được, đối chiếu với các nghề nghiệp học sinh muốn lựa chọn. Năng lực đọc của học sinh sẽ được đo và theo dõi bằng Lexile Tracker theo College and Career Readiness Standards for Reading, tức là Chuẩn về năng lực đọc hiểu đối với việc học ở bậc Đại học và nghề nghiệp sau này. Ví dụ ảnh dưới là biểu đồ năng lực đọc của con mình hiện tại, khi đối chiếu với mức lexile mục tiêu là 1530L của nghề Luật Sư, thì mình có thể yên tâm là con có năng lực đọc tốt đủ để làm nghề này nếu con lựa chọn trong tương lai.

Các con cần được hướng dẫn để thực hiện bài trắc nghiệm nghề nghiệp, và lựa chọn 1 vài nghề mục tiêu nào đó. Điều này cần làm sau khi các con đã quen với chương trình, xây dựng được thói quen đọc thường xuyên. Ví dụ, với nhóm học sinh của mình, các con được giao 7~10 bài mỗi tuần, và vài tháng sau khi các con đều đặn hoàn thành lượng bài này để tạo thói quen đọc, thì mình mới hướng dẫn các con về tính năng này để các con lựa chọn 1 cách thật nghiêm túc.

À, tài khoản này còn có Writing Center, tức là tính năng giúp học sinh làm quen với cấu trúc, và các yếu tố kỹ thuật khi viết văn nghị luận. Tuy vậy, tính năng này hết sức sơ sài, và hoàn toàn không đồng bộ với các bài đọc. Nếu muốn dùng thì phải có 1 giáo viên giỏi để lập được 1 kế hoạch để đồng bộ với các bài đọc mà vẫn củng cố được kỹ năng viết cần thiết, nhưng làm vậy mất công lắm.

Tóm lại, với mức phí chỉ bằng vài buổi học thêm cho cả 1 năm sử dụng chương trình, đây thực sự là 1 món hời. Tuy vậy, học sinh cấp 2 trở lên thường có “cái tôi” to đùng, và chịu ảnh hưởng từ bạn bè hay thầy cô hơn nhiều so với cha mẹ, trong khi tài khoản giáo viên rất khó dùng, nên các bậc cha mẹ không thể can thiệp vào việc học của con (khác với khi mình hướng dẫn về Razkids dành cho trẻ tiểu học). Vì vậy,

- Học sinh nào có khả năng tự học tốt, tự giác, đã tạo được thói quen đọc, và có kỹ năng tìm kiếm tốt: chương trình rất phù hợp, cha mẹ mua tài khoản về giao cho con là xong.

- Học sinh chưa tự giác, chưa có kỹ năng tìm kiếm tốt: phải có hội nhóm cùng thi đua đọc, nếu không các con sẽ tuột xích.

Còn nếu muốn nâng cao được kỹ năng đọc hiểu một cách hiệu quả trong thời gian ngắn, hiển nhiên là luôn cần có sự theo dõi và hỗ trợ của giáo viên.

Texvn tham khảo từ nguồn Phạm Nha Trang


Jan 05, 2025

17 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email