Đọc tích cực: Chìa khóa khai phá tri thức và nâng tầm tư duy

Thực trạng đọc của người Việt

Hơn 90% lượng đọc tại Việt Nam là đọc thụ động. Bạn hỏi tôi lấy con số này từ đâu ra? Tôi lấy từ bản thân tôi là một người đọc có chỉ đôi phần tích cực và nằm trong 10% mọt sách. Như vậy thì nếu chỉ có 90% đã là lạc quan.

Đọc tích cực là gì?

Thế nào là đọc tích cực và thụ động. Đọc thụ động là đọc, hiểu, nhớ các kiến thức đã đọc. Thế thôi, cũng đã là tốt rồi, nhưng phí sách, vì mới khai thác tới 10%. Đọc tích cực là đặt câu hỏi, phát hiện mối quan hệ với những kiến thức có từ trước hoặc trong sách khác, phản biện, tạo ra giá trị mới và viết ít nhất một bài luận mới và sâu sắc về những gì đã đọc.

Viết - Công cụ không thể thiếu của đọc tích cực

Đọc tích cực phải gắn liền với viết. Viết ngắn cũng được, hoặc ghi chép cũng được, hoặc nói với người khác về những gì mình đã đọc cũng được. Như vậy đọc phải có cộng đồng. Làm khoa học cao siêu, sáng tạo ra các kiệt tác thực chất cũng chỉ thế mà thôi. Chỉ có điều đọc nhiều hơn, thảo luận nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn và viết nhiều hơn.

Công cụ đọc tích cực: Bản ghi

Công cụ đọc tích cực là bản ghi. Bắt đầu là đọc lướt qua mục lục, lời nói đầu, kết luận, lật vài trang xem văn phong và từ ngữ có quen thuộc không. Đọc tích cực bắt đầu bằng đoán xem cuốn sách định nói gì dựa trên thông tin ban đầu. Tại các trường đại học của Mỹ, các giáo sư giao số lượng đọc rất lớn, mỗi ngày hàng trăm trang. Nếu không đọc nhanh, bạn sẽ không bao giờ đọc kịp. Đoán chính là phương pháp đọc nhanh nhất, vì nó cho bạn bỏ qua một số diễn giải mang tính thủ tục. Nhiều ý tưởng bạn thấy thật dễ hiểu, nhưng trình bày ra cũng mất nhiều trang giấy. Sau khi dự đoán, đọc là để khẳng định lại dự đoán của mình, sẽ nhanh và đỡ mất công hơn nhiều. Bạn có thể bỏ qua một vài đoạn, vì nếu bạn có thể kẻ một đường thẳng hiển nhiên giữa hai điểm, không có tác giả nào lại dở hơi thay thế bằng một đường cong xoắn nhằng nhịt.

Phương pháp 3-7

Tôi có một phương pháp phân chia các ý tưởng gọi là 3-7, dùng để lập đề cương khi viết và hình thành một đề cương không nhất thiết giống hết như của tác giả. Chúng ta sẽ bàn chuyện này vào một dịp khác. Bản ghi của bạn chính là để xây dựng lại đề cương. Nhiều khi bạn hãy tưởng tượng xem tác giả đã nghĩ thế nào, và thật lý thú khi khôi phục lại quá trình suy nghĩ đó. Trong quá trình đó bạn có thể nghĩ đến các cuốn sách khác mà bạn vừa đọc và sắp xếp chúng bên cạnh nhau. Đọc nhiều sách có liên quan sẽ làm bạn định hướng được, cuốn sách bạn đang đọc có gì mới. Đôi khi nó giúp bạn hiểu được các ý tưởng của tác giả từ một cách nhìn khác, có thể dễ dàng hơn cho bạn. Nên lập một dự án đọc về một vấn đề gì đó và đọc các sách liên quan. Dự án như vậy được gọi là đọc rộng. Chẳng hạn bạn muốn tìm hiểu về khởi nghĩa Yên Bái và Nguyễn Thái Học, hẳn bạn cũng muốn biết về Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái khác sau này như thế nào. Bạn sẽ phải đọc về thời kỳ đó, về Phan Bội Châu, về Lương Ngọc Quyến, Phó Đức Chính, Cô Giang,...

Đọc rộng và đọc sâu

Đọc rộng là khi chúng ta muốn thu thập kiến thức chung về một lĩnh vực mới. Khi đọc chúng ta theo chiến lược hiểu. Sơ đồ khối với những mũi tên quan hệ là một phương pháp khá hữu hiệu để đọc hiểu. Bạn sẽ thấy được cấu trúc logic của cuốn sách. Đừng để ý đến câu chữ, hành văn hay các ý tứ sâu xa.

Ngược với đọc rộng là đọc sâu. Đọc sâu được tiến hành, sau đọc rộng. Bạn đã xác định được sách hay bài báo nào cần phải đọc thêm, vì bạn đánh giá nó còn chứa đựng các thông tin mà bạn cần khai thác. Tuy nhiên, trước đó, bạn hãy đọc lại bản ghi và cố gắng đặt ra thật nhiều câu hỏi.

Khi đọc sâu bạn có thể theo các câu hỏi này mà đặt ra nhiều các câu hỏi khác mới hơn. Bạn sẽ luôn luôn hỏi, nếu mình viết lại ý tưởng này, liệu có thể đơn giản, dễ hiểu hoặc hay hơn không. Nếu không, bạn hãy đọc thật kỹ để học lấy ý tưởng đó cũng những cách trình bày lại nó. Bạn phải phân tích kỹ các khái niệm đến mức hiểu được tại sao người ta lại phải định nghĩa nó rắc rối đến như vậy. Bạn có thể thêm hoặc bớt vài điều kiện để xem các khái niệm đó có còn giữ được nội dung hay không. Nếu được, đó chính là sáng tạo của riêng bạn rồi đó. Mặt khác vốn từ của bạn cũng sẽ mở rộng. Việc sử dụng từ chính xác và tinh tế chính là phản ánh mức độ bạn hiểu các khái niệm. Muốn vậy bạn phải thật giàu về vốn từ.

Sáng tạo từ đọc tích cực

Đọc tích cực không chỉ giúp bạn tiếp thu kiến thức mà còn khơi nguồn sáng tạo. Hãy liên hệ kiến thức với những ví dụ thực tế, đặt câu hỏi "nếu mình viết lại ý tưởng này thì sao?" và tìm cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu hơn.

Đôi khi trình bày lại các khái niệm hoặc ý tưởng rất khó khăn vì bạn chưa thể sử dụng chúng một cách thành thục. Bạn hãy lấy một ví dụ, thậm chí một liên tưởng về một khía cạnh của ý tưởng đó thôi cũng được. Hãy quan sát các vật dụng yêu thích trong nhà, các hiện tượng xã hội mà bạn quan tâm. Cố gắng hình thành một ý tưởng tương tự với những vật dụng, hiện tượng đó. Chỉ cần lột tả được 25% ý tưởng thôi cũng đã là một thành công cực kỳ to lớn. Các nhà khoa học lớn thảo luận về các vấn đề cực kỳ phức tạp cũng dùng những chai bia bàn ghế để liên tưởng như vậy.

Đọc tích cực - Viết hiệu quả

Bây giờ bạn hãy ngồi xem lại bản ghi của mình Nếu cần bạn có thể vẽ thêm vài thứ lên đó để thêm sinh động và ấn tượng. Khi tất cả đã bắt đầu vận động trong đầu bạn. Bạn chỉ việc viết xuống những gì bạn thấy. Đề cương đã có sẵn trong bản ghi. Chỉ nhớ rằng ở mỗi đoạn bạn phải có mở đầu và kết thúc. Kết thúc của đoạn trước phải liên hệ với mở đầu của đoạn sau và liên hệ tới chủ đề chính. Nếu bạn làm thường xuyên việc đọc tích cực bạn sẽ trở thành một người đọc tuyệt vời và cũng là một người viết không tồi.

Khi đã nắm vững nội dung, bạn chỉ cần viết ra những gì mình thấy. Bản ghi sẽ là đề cương hoàn hảo cho bài viết của bạn. Hãy nhớ mỗi đoạn văn cần có mở đầu, kết thúc và liên kết với chủ đề chính.

Khi đó vấn đề ở chỗ người ta cho bạn bao nhiêu thời gian và cần bạn viết bao nhiều trang. Bạn không bao giờ phải cắn bút vì không biết viết gì. Và trong một cộng đồng lạ bạn cũng sẽ không phải ngồi đực ra vì không biết nói gì. Đó có phải là thành công hay không, tôi không biết. Nhưng bạn sẽ thấy cuộc đời đáng sống hơn.

Lời kết

Đọc tích cực không chỉ là một phương pháp học tập hiệu quả mà còn là một cách để bạn khám phá thế giới, phát triển tư duy và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hãy áp dụng những phương pháp trên và biến việc đọc thành một hành trình thú vị và bổ ích.

Nguồn tham khảo: https://www.facebook.com/groups/1083339462392081/user/100001966872861/


Jun 04, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email