[EDU-KIDS] Phương pháp 3-7

 
1. Phương pháp 3-7 là thương hiệu của tôi. Bất cứ ai nói đến phương pháp này đều là học trò của tôi hoặc truyền nhân của họ. Mọi học viên loại trung bình trở lên đã từng học với tôi một khóa học do tôi dạy, bất cứ đề tài gì, đều phải biết phương pháp này.
 
2. Đây là phương pháp rèn luyện tư duy dựa trên kỹ năng đọc viết và trình bày do tôi tự phát triển cho bản thân. Cốt lõi của phương pháp này là năng lực đọc siêu tốc, có thể khắc phục điểm yếu cho học sinh Việt Nam về đọc. Cho đến nay, một học sinh theo tôi 5 năm qua chuẩn bị lên đường du học, phương pháp này là món hành trang tôi tặng con để chuẩn bị cho hành trình trước mắt. Con đã kiên nhẫn đọc một cuốn sách khó về lịch sử triết học từ Aristoteles đến Shoppenhauer, Nietzche từ khi 9 tuổi và điều đó đã trở thành bản lĩnh của con.
 
3. Nếu con em của bạn du học tại Mỹ, thách thức đầu tiên mà chúng phải đối phó là các bài tập đọc hàng tuần từ hàng chục trang trở lên, có khi tới 100-200 trang. Nếu chỉ đọc chúng từ đầu đến cuối cũng sẽ tối tăm mặt mũi, chưa nói chuyện hiểu, cho dù bằng bản ngữ cũng sẽ là thách thức. Nhiều em bị áp lực đến mức tự kỷ. Nhiều em bản lĩnh hoặc thông minh hơn, cũng không thể thực hiện được hết khối lượng đọc này, cho dù có thể xoay xở để có điểm số tốt, về lâu về dài khoản thiếu hụt đó sẽ gây bất lợi.
 
4. Đọc nhanh, nắm được bản chất phải có một kỹ thuật hiệu quả và đương nhiên phải biết bỏ qua những phần không quan trọng hoặc trùng lặp. Bài tập của tôi bắt đầu khá đơn giản: Cho một câu chuyện, hãy kể lại với 20 câu, sau đó là 10 câu, 5 câu, 3 câu. Và cuối cùng nếu được nói một câu về câu chuyện đó, em sẽ nói gì. Khi phỏng vấn gần 100 em lứa tuổi từ 8-14, hầu hết không thể kể lại câu chuyện trong vòng 10 câu.
 
5. Một số lượng lớn các em không thể kể được câu chuyện, cho dù các em được chọn câu chuyện mà các em đã biết, chứ không phải là câu chuyện do tôi giao cho. Điều đó cho thấy, bên cạnh kỹ năng đọc và trình bày, tư duy của các bé cũng có vấn đề ở chỗ chỉ biết chi tiết nhưng không nắm được điểm cốt yếu, không biết chọn chi tiết nào quan trọng hơn các chi tiết khác và vì thế không khái quát được vấn đề.
 
6. Trong số các đệ tử được chọn chỉ có 1 người theo được. Có lẽ lý do quan trọng là sự nhận thức của cha mẹ và sự nghi ngờ đối với việc dạy miễn phí.
 
7. Mỗi cuốn sách, câu chuyện, bài viết đều có một thông điệp duy nhất. Từ mỗi thông điệp, luôn có thể tách ra thành một số thông điệp nhỏ, chi tiết hơn, trả lời cho các câu hỏi về thông điệp gốc. Nếu chúng ta chia một thông điệp thành quá nhiều chi tiết, chẳng hạn 20, chúng ta sẽ không thể nhớ được cách chia. Vì vậy tôi khuyến cáo, chỉ chia thành 3-7 điểm. 3 là con số lý tưởng. Chẳng hạn nói về lòng yêu nước, chúng ta có thể về các thể hiện của lòng yêu nước (không chỉ hô khẩu hiệu), lòng căm thù giặc và mối quan hệ chuyển hóa giữa hai mặt yêu-ghét. 7 là con số tới hạn mà não chúng ta có thể quản lý bằng một logic nào đó. 7 là số người bạn có thể quản lý tốt, số người lý tưởng trong một nhóm làm việc.
 
8. Mỗi thông điệp con lại chia thành từ 3-7 thông điệp nhỏ nữa, với các câu hỏi phù hợp. Và cứ thế bạn có thể kéo dài tùy ý thành một bản trình bày trong 5 phút, 15 phút, nửa tiếng, hai giờ, hoặc thành một cuốn sách dày vài trăm trang. Các thông điệp này sẽ tạo thành một cây 3-7, ở mỗi nút có từ 3-7 nhánh. Đọc chính là từ văn bản, tạo ra cây 3-7. Viết chính là từ cây 3-7 tạo thành văn bản. Văn bản chúng ta viết lại sau khi đọc một bài viết, một cuốn sách, không nhất thiết giống như văn bản đầu, thậm chí có thể có điểm trái ngược, sáng tạo mới. Đọc và viết chính là cách học sáng tạo. Trình bày, cũng là một cách tái lập văn bản dưới dạng văn nói, bảng trình chiếu, từ cây 3-7.
 
9. Tôi đã từng nói chuyện với một học sinh 10 tuổi trong vòng 15 phút, khi bé phàn nàn không biết viết gì hơn nửa trang với một đề văn kiểu như "phân tích bài thơ Mẹ Suốt của Tố Hữu". Tôi nói: "Bác có cách để con viết dài bao nhiêu tùy ý". Tôi nói sơ qua phương pháp 3-7, và chỉ cho bé thấy, chỉ cần phát triển cây 3 lớp sẽ có 27-340 ý để viết, thừa đủ để viết 4-10 trang. Một thời gian sau em đó trở thành một học sinh giỏi văn.
 
10. Cuối năm nay, rảnh một chút tôi sẽ mở một lớp dạy cho các phụ huynh. Nếu họ dạy được cho con thì tốt. Bởi tôi sẽ mở một lớp lứa học sinh thứ 2, lần này sẽ đông hơn. Bên cạnh phương pháp 3-7 sẽ có mô hình Hướng Dương gồm 3 thành phần: a. kể lại câu chuyện, b. Chơi và học bằng Tháo và lắp, c. Nhóm huynh đệ và dự án xã hội.


Jul 06, 2024

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email