Học cách Lạc quan - Learned Optimism

Sau khi đọc sách Học cách Lạc quan - Learned Optimism, mình lại đặt nốt 4 quyển sách còn lại của Martin Seligman về để đọc và dụ ông con đọc cùng. Theo Seligman, tác giả của trường phái tâm lý học tích cực, lạc quan là thứ có thể rèn luyện và học được, giúp ta sống khỏe mạnh, hạnh phúc, và thành công hơn.

Seligman bắt đầu sự nghiệp trong ngành tâm lý bằng những nghiên cứu về tình trạng bất lực tập nhiễm - learned helplessness (cách dịch do anh Phan Phương Đạt đề xuất). Seligman đã cùng cộng sự thực hiện các thí nghiệm trên chó, chuột và người. Khi ở trong những tình huống khó chịu, nếu đã nhiều lần thử nhiều phương cách mà không thoát khỏi được tình trạng khó chịu, cả chó, chuột và con người đều buông xuôi, tới mức khi có cơ hội họ cũng không buồn thử tự giải thoát bản thân thêm một lần nữa. Nhưng nếu ta có thể bị nhiễm tâm lý bất lực thì cũng có thể học cách từ bỏ nó.

Gốc rễ của chứng trầm cảm là do cách chúng ta tự lý giải với bản thân về những sự việc và biến cố xảy ra trong cuộc sống, hay còn gọi là explanatory style. Với người lạc quan, khi điều tốt xảy ra, họ thường tin rằng đó là do cá nhân họ có tài năng, họ đã nỗ lực nên được đền đáp, và những điều tốt đẹp sẽ xảy ra thường xuyên - permanent, trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống - pervasive. Khi điều xấu xảy ra, người lạc quan thường tin rằng điều đó chỉ có tính tạm thời, giới hạn trong tình huống cụ thể và không phản ánh tính cách, năng lực, con người họ. Ngược lại, người bi quan thường đổ hết lỗi cho bản thân - personalisation, khi họ gặp chuyện chẳng lành, và thường khái quát hóa rằng những yếu tố dẫn đến điều chẳng lành có tính cố hữu, bao trùm và do cá nhân họ dốt nát, vô dụng, khiến lòng tự tôn của họ bị bào mòn và tổn thương.

Những gia đình trải qua biến cố và suy thoái kinh tế rồi sau đó phục hồi thì con cái họ có xu hướng tin rằng tình trạng kinh tế gia đình xuống dốc hay những biến cố chỉ là tạm thời và có thể thay đổi. Nhưng con cái của những gia đình nghèo từ thế hệ này qua thế hệ khác có xu hướng nghĩ rằng nghèo đói là cố hữu, bất biến, nên ít cầu tiến.

Số liệu cho thấy giữa nam và nữ thì nữ có tỷ lệ trầm cảm cao hơn nam. Điều này là do phụ nữ thường suy nghĩ, phân tích quá nhiều về những điều không hay xảy ra trong cuộc đời họ, trong khi nam giới thường có xu hướng hành động và xao lãng khỏi những điều khó chịu. Nghiên cứu cho thấy trẻ em thường bị ảnh hưởng bởi cách mà mẹ chúng tự lý giải về những sự việc quanh mình vì những người mẹ vẫn thường dành nhiều thời gian với trẻ hơn những người cha.

Các nghiên cứu cũng cho thấy sự lạc quan ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất. Khả năng miễn dịch của những con chuột bị đặt vào tình trạng bất lực cũng suy yếu do các tế bào T và NK không nhân lên nhanh chóng để tấn công chống lại các nhân tố nguy cơ ngoại lai.

Người bi quan sẽ không tin rằng họ có thể làm gì để cải thiện sức khỏe, và vì thế sức khỏe thể chất của họ càng xuống dốc. Đã có nghiên cứu cho thấy người bi quan sẽ gặp các bệnh truyền nhiễm và có tần suất phải đi khám bác sỹ gấp đôi so với người lạc quan. Một nghiên cứu cũng theo dõi 69 phụ nữ mắc ung thư vú trong 5 năm. Những người không bị tái nhiễm là những người đã đối diện với ung thư với tinh thần “chiến đấu”, trong khi những người chết hoặc tái nhiễm ung thư thường đối diện với bệnh tật với thái độ bất lực và cam chịu.

Viện Ung thư Quốc gia Anh đã phỏng vấn 34 phụ nữ ung thư vú về cuộc sống, hôn nhân, con cái, công việc và bệnh tật. Sau đó, những người này được điều trị bằng các phương pháp như bức xạ và hóa trị. Sau các đợt điều trị, có người đã chết trong vòng vài tháng, hoặc một năm. Những người đã sống sót sau điều trị thường có cuộc sống lạc quan và viên mãn trước khi phát hiện ung thư.

Chính trị cũng bị ảnh hưởng bởi tinh thần lạc quan và ngược lại. Con người có xu hướng có cảm tình và ủng hộ những người lạc quan. Seligman đã sử dụng kỹ thuật phân tích bài phát biểu của những nhân vật có ảnh hưởng đương thời và những người đã qua đời để hiểu về tương quan giữa mức độ lạc quan với thành công của họ. Sau đó, một học trò của ông là Harold Zullow đã dùng chính kỹ thuật này để phân tích và lý giải tại sao các ứng cử viên đã chiến thắng trong các kỳ bầu cử tổng thống ở Mỹ suốt từ năm 1900 tới 1984, thậm chí dự đoán được chiến thắng khi kỳ bầu cử đang diễn ra vào năm 1988 khi George Bush đã chiến thắng Michael Dukakis để trở thành tổng thống Mỹ.

Học cách lạc quan không phải là tự hô lên những điều tích cực. Cốt lõi là cách mà ta nghĩ về thất bại và hành động khi ta gặp phải những bất trắc trong đời. Dù là trẻ em, hay người lớn, trong học tập, công việc hay cuộc sống, lạc quan sẽ giúp chúng ta đứng lên từ thất bại, nỗ lực bước tiếp, dám mạo hiểm, với niềm tin thất bạn chỉ là một thử thách trên con đường dẫn tới chiến thắng, thua keo này ta bày keo khác. Thành công thường không tới với người tài năng nhất, mà tới với người vừa tài năng, có động cơ mạnh mẽ, vừa lạc quan, kiên trì vượt khó. Nếu người ta tin rằng điều xấu sẽ luôn xảy ra với bản thân, điều đó sẽ trở thành sự thật. Khi bi quan, dù có tài năng thực sự thì ta cũng khó có thể thành công và hạnh phúc.

Seligman đã thiết kế bài test giúp công ty bảo hiểm Met Life ở Mỹ tuyển được những người bán bảo hiểm lạc quan và thành công nhất. Tuy nhiên, khi được Met Life đề nghị giúp thay đổi những nhà quản lý bi quan, ông đã từ chối vì thực ra các công ty cũng cần những người bi quan. Nếu nhân sự ở các bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm, marketing, truyền thông, bán hàng, gây quỹ và gọi vốn cần là những người lạc quan và có niềm tin vào phát minh, sáng kiến và thành công thì những nhân sự ở các bộ phận kiểm soát, tài chính, đàm phán hợp đồng, pháp lý, dự toán tài chính và kỹ thuật, kiểm soát chất lượng, quản lý nhân sự và quan hệ lao động cần là những người nhìn nhận đúng thực tế, phản biện, nhìn ra những lỗ hổng, những nguy cơ. Người bi quan thực ra nhìn nhận thực tế chính xác hơn người lạc quan.

Vì vậy, nguyên tắc căn bản là chúng ta không nên quá lạc quan nếu cái giá phải trả là quá cao. Chiến lược lạc quan sẽ có hại khi người phi công bỏ qua một quy trình an toàn quyết định sinh mệnh của hàng trăm con người, hay người say xỉn quyết định lái xe trong tình trạng không tỉnh táo.

Seligman đề xuất mô hình ABCDE, giúp cá nhân phân tích và đảo ngược tình trạng bi quan bằng cách viết ra những sự kiện, suy nghĩ, cảm xúc và hành động.

A - Adversity: điều bất như ý

B - Belief: niềm tin hay cách mà ta diễn giải điều bất như ý

C - Consequences: ảnh hưởng của điều bất như ý và niềm tin tới cảm xúc và hành động của bản thân.

D - Disputation: tự chống lại niềm tin không đúng

E - Energisation: tìm bằng chứng để tự chống lại những suy nghĩ tiêu cực và vực dậy bản thân.

Cha mẹ cũng có thể giúp con chuyển suy nghĩ bi quan thành suy nghĩ lạc quan. Ví dụ:

A - Adversity: Thầy Minner quát tôi trước cả lớp và tất cả mọi người cười ồ.

B - Belief: Thầy ghét tôi và cả lớp nghĩ tôi là đứa ngốc.

C - Consequences: Tôi cảm thấy buồn và ước gì mình có thể chui xuống đất.

D - Disputation: Thầy Minner quát tôi không có nghĩa là thầy ghét tôi. Thầy đã từng quát tất cả học sinh trong lớp, mặc dù thầy nói rất quý lớp tôi. Tôi đã cư xử hơi ngốc nghếch, nên tôi không giận khi thầy bực mình. Cả lớp đã từng bị thầy quát, nên tôi không tin cả lớp nghĩ tôi là đứa ngốc.

E - Energisation: Tôi vẫn cảm thấy hơi buồn vì bị thầy quát, nhưng đã đỡ hơn trước. Tôi không còn cảm thấy phải chui xuống đất vì xấu hổ nữa.

Seligman nổi tiếng với mô hình PERMA, theo đó sự bình an thân tâm - wellbeing của con người không chỉ có được nhờ những cảm xúc tích cực - positive emotion, như lạc quan và hạnh phúc, mà chúng ta cần sự tham gia tập trung - engagement với những thế mạnh của bản thân và công việc khiến chúng ta đạt đến tình trạng cuốn - flow và thỏa mãn - contentment. Chúng ta cần những mối quan hệ - relationship trong gia đình và xã hội lành mạnh để tạo ra mạng lưới tương hỗ, cần có được ý nghĩa trong đời - meaning nhờ theo đuổi những mục tiêu, niềm tin, và tạo ra ảnh hưởng tích cực cho một lý tưởng hay cộng đồng và cuối cùng là cần thành tựu - achievement, kết quả của việc đạt được những mục tiêu và cảm thấy mãn nguyện, trọn vẹn.

Cá nhân mình thấy bản thân đúng kiểu người bipolar, khi lạc quan thì lạc quan cao vút, khi bi quan thì lộn nhào xuống vực sâu. Mình cũng rất ghét xu hướng tích cực độc hại - toxic positivity và hay lạc quan cuồng bạo - cruel optimism đang lan tràn trên khắp cõi mạng, nhưng mình cũng tin vào tác động tích cực của sự lạc quan có chủ ý và có căn cứ, cân bằng với thực tế. Sách Học cách Lạc quan - Learned Optimism đã được dịch ra tiếng Việt và có bài trắc nghiệm để bạn biết bản thân thuộc tuýp lạc quan hay bi quan, hay giao động giữa các thái cực. Mình sẽ đọc tiếp các quyển The Hope Circuit, Authentic Happiness, The Optimistic Child và Flourish và viết giới thiệu tiếp khi đọc xong.

TEXVN tham khảo nguồn từ chị Nguyễn Yến Khanh

 


Jul 26, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email