Tham Khảo 10 Bước Cơ Bản Giúp Con Đọc Sách Hiệu Quả

Thời gian vừa rồi em và các thầy cô, phụ huynh đã gợi ý rất nhiều đầu sách cũng như tài liệu cho các con. Hôm nay em cũng xin chia sẻ cho bố mẹ một số bước đọc sách hiệu quả để con tập cách thảo luận về sách cũng như tăng cường khả năng ghi nhớ thông tin.

Bước 1: Chọn đầu sách phù hợp

Khi bắt đầu chọn sách đọc, bên cạnh sách tham khảo học tập, phụ huynh có thể cân nhắc 5 yếu tố: “sở thích - chủ đề - độ tuổi - nội dung - trình độ” để tuyển chọn ra các đầu sách phù hợp với mục tiêu học tập của con.

Để có cái nhìn tổng quan, bố mẹ hãy xem trước phần giới thiệu, mục lục sách và tóm tắt chương. Dành thời gian đọc nhanh trước từ 2-3 trang cũng là một cách cẩn thận để chọn sách hợp với con.

Bước 2: Lên lịch đọc sách

Đừng quá cố gắng nhồi nhét con đọc sách, hay tính số lượng sách con đọc được trong tháng; mà hãy giúp con phân bổ thời gian để quản lý việc đọc sách đều đặn, tập trung vào nội dung và ghi nhớ thông tin. Với các trẻ mới bắt đầu đọc, việc quy định số chương hoặc số trang cần đọc mỗi ngày sẽ duy trì được tính nhất quán cho trẻ.

Bước 3: Đọc sách tích cực

Đọc tích cực ở đây có thể được hiểu như sau: đọc vừa tập trung vừa thư giãn, không đặt tâm lý căng thẳng, không đọc qua loa đối phó, đọc với tinh thần tò mò muốn tiếp thu kiến thức. Khi đọc, bố mẹ hãy khuyến khích con tương tác trực tiếp với văn bản:

- Đánh dấu hoặc gạch chân các khái niệm chính và đoạn văn quan trọng.

- Ghi chú vào lề hoặc trong một cuốn sổ tay riêng.

- Đặt câu hỏi về tài liệu để hiểu sâu hơn.

Em đã từng chia sẻ một bài viết làm sao để chinh phục sách level khó với cách ghi chú đánh dấu thông minh. Mời bố mẹ tham khảo lại tại đây: 

https://www.facebook.com/groups/homeschoolingcungconhoctainha/posts/2226245477741719

Tất tần tật về ghi chú và đánh dấu sách: Làm sao để chinh phục sách level khó?

Bước 4: Tóm tắt sau mỗi phần/chương

Sau khi hoàn thành phần nội dung cần đọc trong ngày, con hãy viết một bản tóm tắt ngắn gọn bằng chính lời văn của riêng mình - có thể là tổng hợp kiến thức đúc kết được, hoặc cũng có thể là cảm nhận của con về chương sách hôm nay, v.v.

Bất kể loại hình tóm tắt nào được thực hành ngay sau khi đọc cũng sẽ củng cố khả năng đọc hiểu cho trẻ.

Bước 5: Tạo sơ đồ tư duy hoặc mô hình trực quan

Để củng cố cho bước tóm tắt số 4 với nội dung chữ, thì trong bước 5 con sẽ cần hiểu rõ về văn bản, sắp xếp thông tin theo hình ảnh qua việc tạo sơ đồ tư duy hoặc biểu đồ/mô hình. Điều này giúp kết nối các ý tưởng con đã đọc và tăng cường trí nhớ hơn, chỉ cần nghĩ tới hình ảnh sơ đồ mình đã thiết kế là nhớ cả nội dung.

Bước 6: Cùng con thảo luận về những gì đã đọc

Bước này rất quan trọng, thảo luận với con về nội dung sách sẽ cho bố mẹ biết mức độ nhận thức và suy nghĩ của trẻ. Việc thảo luận không chỉ giúp ghi nhớ kiến thức lâu hơn bởi cơ chế trích xuất thông tin của bộ não, mà còn tăng khả năng tư duy phản biện, kỹ năng thuyết phục và giao tiếp.

Trong các cuộc thảo luận, hãy đặt các câu hỏi mở (điều chỉnh tùy nội dung) cho con như:

  • Tuần qua nội dung sách yêu thích nhất của con là gì? Ý chính của phần đó là gì?
  • Nhân vật đã thay đổi như thế nào trong suốt câu chuyện? (khá quan trọng với sách văn học)
  • Con thấy kiến thức này phố biến trong đời thường không? Ví dụ con đã thấy được áp dụng như thế nào?
  • ...

Bước 7: Liên hệ với trải nghiệm cá nhân

Từ câu hỏi gợi ý phía trên, bố mẹ cũng có thể nhận ra việc liên hệ kiến thức từ sách với cuộc sống, các sự kiện và trải nghiệm cá nhân của con cũng rất quan trọng. Việc tạo sợi dây kết nối này sẽ giúp con ngày càng có động lực và cảm hứng đọc sách hơn.

Bước 8: Không chỉ đọc 1 lần

Khi kết thúc 1 quyển sách, đừng bỏ quên chúng, thỉnh thoảng phụ huynh hãy khuyến khích con xem lại một số chương yêu thích, những ghi chú và tóm tắt đã làm theo định kỳ.

Việc xem lại nội dung sách định kỳ không những là chìa khóa để con ghi nhớ lâu dài, mà còn thông qua đó củng cố/cập nhật những thông tin mới cho ghi chú của mình.

Bước 9: Học và thực hành phân tích văn bản

Với trình độ cao hơn, con nên được khuyến khích phân tích nội dung sách/văn bản với những topic chính:

  • Mục đích và quan điểm của tác giả.
  • Cách hành văn của tác giả.
  • Bối cảnh câu chuyện, lịch sử hoặc văn hóa.
  • Diễn biến tâm lý nhân vật.
  • Những diễn giải và phê bình của cá nhân con.
  • ...

Bước 10: Áp dụng những gì con đã học được từ sách vào cuộc sống

Đừng để kiến thức chỉ nằm trên trang giấy, từ những buổi trò chuyện về sách cùng nhau, gia đình hoàn toàn có thể cùng con áp dụng những hiểu biết từ sách vào đời sống thực.

>>> Với việc thực hành văn hóa đọc cho con theo 10 bước tham khảo phía trên, các bạn nhỏ sẽ ngày càng nâng cao khả năng đọc hiểu và ghi nhớ tài liệu hơn; từ đó dễ dàng yêu thích việc đọc với những trải nghiệm phong phú.

Nếu bố mẹ đang tìm kiếm một chương trình học quốc tế đề cao việc thực hành đọc và tự tìm tòi nghiên cứu với sự hướng dẫn kỹ lưỡng từ giáo viên nước ngoài, mời phụ huynh tham khảo chương trình học theo chuẩn Anh Quốc tại Nisai, với giáo trình chất lượng cao phục vụ nghiên cứu học tập. Chi tiết bố mẹ liên hệ em để tìm được lộ trình phù hợp với con nhất nhé ạ!


Oct 25, 2024

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email