Bằng Đại Học Trở Lên Vô Dụng Khi Nào?

 

Gần đây có một số ý kiến cho rằng tấm bằng đại học là vô dụng. Cụ thể, một Tiktoker nêu ra bốn tấm bằng vô dụng nhất Việt Nam là Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, và Quản trị nhân sự. Một diễn giả chủ đề khởi nghiệp cũng vừa làm “thức tỉnh” sinh viên một trường đại học khi phát biểu rằng học đại học ra rồi cũng đi làm thuê cho những người không có bằng đại học. Vậy tấm bằng đại học có giá trị như thế nào trong xã hội ngày nay? Khi nào thì bằng đại học trở nên vô dụng? Tôi muốn giúp các em học sinh, sinh viên nhìn nhận đa chiều từ những quan điểm trên, thay vì hoang mang.

1.Bằng đại học vô dụng khi chủ nhân của nó không có mục tiêu: Khi một thanh niên đặt mục tiêu chính là kiếm tiền, thì bằng đại học có thể hoặc không thể trở thành phương tiện đồng hành được. Đào tạo đại học nhằm nâng cao tư duy, nhận thức và năng lực chuyên môn trong một chuyên ngành cụ thể để có thể sử dụng cho một hoặc một số nghề nghiệp nhất định. Tùy từng trường, từng ngành, từng phong cách của các nền giáo dục khác nhau mà đào tạo bậc đại học (cử nhân) mang tính khai phóng (học rộng) hay gắn với đào tạo nghề (học chuyên sâu).Nhưng có một điều chắc chắn, nếu người học không biết rõ mục tiêu của mình là gì trong đời thì tấm bằng đại học có thể trở nên vô dụng.

2.Bằng đại học vô dụng khi mục tiêu chính yếu và duy nhất của người trẻ là kiếm tiền: Bằng đại học không phải là “chứng chỉ kiếm tiền”, nếu nó có đảm bảo một đời sống trung lưu thì cũng là vì bằng đại học cho chúng ta một chỗ đứng nhất định trên thị trường lao động. Có vô vàn cách kiếm tiền không cần chuyên môn sâu hay bằng cấp cao, mà thành quả dựa vào những yếu tố khác như sự năng động, nhạy bén, sử dụng các mối quan hệ, đầu cơ, thậm chí là may mắn. Nếu bạn mở một quán cafe hay quán phở, bạn không cần phải học đại học. Nhưng nếu bạn có học đại học ngành quản trị kinh doanh, có thể bạn sẽ sử dụng được một số thứ của học đại học như chiến lược cạnh tranh, quản lý dòng tiền, làm marketing - truyền thông, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp… để có thể phát triển thành nhà hàng lớn, chuỗi nhà hàng, vv…

3.Bằng đại học có thể vô dụng khi bạn chỉ muốn khởi nghiệp: Rất nhiều chương trình đại học đào tạo nguồn lao động cho xã hội, và định hướng cho người học bước vào thị trường lao động với tư cách người làm thuê, do không có trong tay tư liệu sản xuất. Bản chất của việc này là những người làm thuê phải cạnh tranh nhau để có cơ hội tiếp cận với tư liệu sản xuất do các chủ doanh nghiệp nắm giữ. Phẩm chất, năng lực đòi hỏi ở người làm thuê và người làm chủ cũng rất khác. Nếu bạn đi làm thuê với vị thế người làm chủ, hay bạn bước vào khởi nghiệp với tinh thần của người đi làm thuê, đều có thể không phù hợp. Do vậy, khi bạn có định hướng khởi nghiệp, nên chọn những chương trình học hay cách thức học thực dụng hơn hỗ trợ cho định hướng khởi nghiệp. Ngay trong nhóm ngành kinh tế, kinh doanh, vẫn có chuyên ngành hẹp về Entrepreneurship hỗ trợ cho những người muốn khởi nghiệp.

4.Bằng đại học vô dụng khi con người và bằng cấp bất tương xứng: Đó có thể là tình huống bạn có bằng cấp cao, bằng của trường lớn, bằng giỏi nhưng năng lực trên thực tế của bạn không tương xứng. Điều này vẫn thường xảy ra vì không ít sinh viên học giỏi lý thuyết nhưng kém hơn về thực hành mà thành tích học thuật ở trường đại học vẫn cao. Những người giỏi lý thuyết có thể phát huy tốt hơn nếu chọn các công việc nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn, diễn thuyết… thay cho công việc thực hành, khởi nghiệp. Khi đặt vào đúng môi trường thì mỗi người sẽ phát huy được đúng tiềm năng, tố chất, tài năng của mình. “Bắt con cá leo cây” là một cái bẫy trong giáo dục, vì chi phí cơ hội là rất lớn. Một người thích khởi nghiệp, kinh doanh mà phải giam mình trong phòng thí nghiệm, trong giảng đường, hay một người muốn nghiên cứu chuyên sâu về học thuật mà phải chạy doanh số ở công ty, phải đeo bám khách hàng ngoài thị trường đều là các ví dụ về các trường hợp con người ở sai chỗ.

5.Bằng đại học vô dụng khi chúng ta không hành động: Người cầm bằng đại học có cơ hội lớn để thay đổi cuộc đời mình cũng như thay đổi xã hội, vì họ có năng lực tư duy ở trình độ cao, và có khả năng chuyên môn nhất định. Thành viên đầu tiên hay thế hệ đầu tiên trong một gia đình đi học đại học luôn mở ra triển vọng thay đổi cho cả gia đình đó về khả năng bước vào đời sống trung lưu cũng như thay đổi nhận thức. Thế hệ trẻ có bằng đại học cũng được kỳ vọng là thế hệ có khả năng tạo ra những thay đổi đột biến cho xã hội hơn so với một thế hệ không được đào tạo, không biết cách làm, tư duy sai logic. Tuy nhiên, nếu một cá nhân có bằng đại học hay một thế hệ được đào tạo tới trình độ đại học mà lại lựa chọn không hành động, thì sẽ không có thay đổi tích cực nào diễn ra cả. Khi người trẻ không hành động thì tấm bằng đại học trong tay chỉ có ý nghĩa trang trí.

6.Bằng đại học vô dụng khi bạn chọn nhầm trường đại học: Học đại học khác học phổ thông. Nếu như học sinh phổ thông học những thứ tương đối giống nhau trên toàn thế giới, thì học đại học là lúc phải lựa chọn một hướng đi riêng. Đó là lý do tại sao học sinh trung học cần được tư vấn sớm và tư vấn kỹ lưỡng khi chọn học đại học. Khi chọn sai, sẽ làm lãng phí nguồn lực đầu tư cho 3-4 năm học đại học, bao gồm thời gian, công sức, tiền bạc, và các chi phí cơ hội kèm theo. Cũng có một số trường hợp bạn không tìm hiểu kỹ và chọn phải các “diploma mill” (xưởng bằng cấp), là các trường đại học (cả ở trong và ngoài nước) đào tạo kém cỏi, chất lượng giáo dục tệ hại và tất cả những gì trường cần là học phí của bạn.

7.Bằng đại học vô dụng khi chúng ta thiếu tư duy phản biện đúng đắn. Một cách thức kiểm tra tư duy đơn giản là một người có khả năng nhìn sự việc ở hai chiều không, rồi cao hơn là đa chiều. Nếu chỉ có khả năng nhìn ra một mặt của một đồng xu thì không thể nói đó là người có tư duy phản biện, hay người có tư duy logic. Những ví dụ như sau là tư duy một chiều:

- Học đại học ra phải đi làm thuê là kém cỏi

- Không cần học đại học vẫn có thể làm giàu do vậy học đại học là vô nghĩa

- Học đại học ra lương thấp thà không học…

Người có tư duy đúng đắn sẽ nhìn ra nhiều chiều của sự việc, thay vì nhìn thấy toàn ưu điểm hay toàn khuyết điểm của một lựa chọn, sự vật hay hiện tượng khách quan.

Trở lại sự việc một bạn trẻ nêu ra 4 ngành được coi là vô dụng nhất tại Việt Nam hiện nay là Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị nhân sự, thì tôi cho rằng bạn có quyền nói ra điều đó, và trong đó cũng có một phần sự thật, nhưng bạn nói trong bối cảnh tư vấn cho các em học sinh phổ thông đang chọn trường, chọn nghề là không phù hợp, và bạn cũng chưa giải thích đủ thấu đáo nhận định của bạn cho các em.

Đã có nhiều tranh cãi về tấm bằng Quản trị kinh doanh hay Quản trị nói chung có nên đào tạo ở bậc cử nhân không, hay chỉ nên đào tạo sau khi một cử nhân đã đi làm, có kinh nghiệm quản lý và mong muốn học chuyên sâu về quản trị, bao gồm Quản trị kinh doanh, Quản trị nhà hàng - khách sạn, Quản lý giáo dục, Quản trị bệnh viện, vv… Thực ra có nhiều cách tiếp cận khác nhau, và mỗi cách đều có ưu - nhược điểm. Học Quản trị kinh doanh trước rồi mới ra đi làm, tích lũy kinh nghiệm, trải nghiệm công việc quản lý. Hoặc cũng có thể đi làm trước, có kinh nghiệm quản lý nhất định, rồi mới học quản trị để quản trị tốt hơn. Cái sai của sinh viên Quản trị kinh doanh hiện nay là ngộ nhận học Quản trị kinh doanh ra để làm sếp ngay, do vậy sẽ gặp khó khăn khi bị cạnh tranh bởi những sinh viên học chuyên ngành sâu như Tài chính, Marketing, Nhân sự, Kỹ thuật… Để làm sếp, ngoài việc học chuyên ngành quản trị, còn phải vững vàng rất nhiều thứ như năng lực chuyên môn của ngành mình hoạt động, phẩm chất - kỹ năng lãnh đạo, uy tín cá nhân…

Tương tự như Quản trị kinh doanh, tấm bằng Marketing hay Quản trị nhân sự cũng mở ra vô vàn cơ hội trong nhiều lĩnh vực công, tư, kinh doanh hay tổ chức ngoài kinh doanh. Thông thường các tổ chức hiện đại ngày nay, dù là công ty hay tổ chức khác cũng đều có các phòng ban tối thiểu như Sản xuất/Phát triển sản phẩm, Bán hàng, Marketing, Tài chính, Nhân sự… Do vậy các tấm bằng như trên được sinh ra để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các tổ chức vận hành theo cách thức quản trị hiện đại.

Riêng về tấm bằng Ngôn ngữ Anh lại khác. Không phải tổ chức nào cũng cần tuyển dụng chuyên ngành này. Con đường phổ biến nhất của cử nhân Ngôn ngữ Anh là trở thành nhà nghiên cứu ngôn ngữ, giáo viên giảng dạy tiếng Anh, người phiên dịch. Một mặt, triển vọng công việc với sinh viên Ngôn ngữ Anh khá chênh vênh khi công nghệ và sự phổ biến của tiếng Anh khiến người ta ít có nhu cầu tuyển người phiên dịch. Các tổ chức cần nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ cũng không nhiều, nhất là khi nghiên cứu về tiếng Anh đã phổ biến trên toàn thế giới. Giáo viên dạy tiếng Anh người Việt cũng gặp cạnh tranh nghề nghiệp từ giáo viên tiếng Anh người nước ngoài ngay trên sân nhà. Tuy nhiên, một mặt khác, tấm bằng cử nhân Ngôn ngữ Anh vẫn mở ra nhiều cơ hội khác. Về bản chất đây là một chương trình đào tạo khai khóng (liberal art) trong đó sinh viên được tiếp xúc nhiều môn học khác nhau, do vậy có khả năng thích ứng trong nhiều hoàn cảnh. Khác với một học viên học IELTS tại trung tâm Anh ngữ, một cử nhân tiếng Anh được đào tạo chuyên sâu hơn nhiều về ngôn ngữ học tiếng Việt, ngôn ngữ học tiếng Anh, ngoại ngữ thứ hai (tiếng Pháp, Nga, Trung, Nhật…), được đào tạo về văn hóa - văn minh các nước nói tiếng Anh bên cạnh năng lực tiếng Anh tối thiểu trình độ C1 (IELTS 7.0).

Nếu bạn trẻ vẫn còn băn khoăn hay bị ám ảnh bởi các nhận định “học đại học ra cũng đi làm thuê thì đừng mất công học làm gì”, thì tôi khuyên bạn nên dùng tư duy của chính mình để phản biện những gì bạn nghe thấy, nhìn thấy. Vì bạn đã trên 18 tuổi rồi, bạn cần có tư duy của chính mình thay vì cho rằng mình là nạn nhân của truyền thông, bị các nội dung độc hại dẫn dắt. Nên nhớ rằng làm chủ hay làm thuê đều có thành công và thất bại, đều có vinh quang và áp lực kèm theo. Và ở mỗi một thời điểm khác nhau, chúng ta lại có những lựa chọn làm thuê hay làm chủ. Hơn nữa, xã hội ngày nay đều khuyến khích mọi người làm chủ theo những cách khác nhau chứ không phải chỉ là khởi nghiệp. Các lựa chọn đó bao gồm nhiều hình thức đầu tư như mua cổ phiếu công ty, góp vốn kinh doanh, sở hữu và quản lý tài sản, tạo thu nhập thụ động… Do vậy, hãy nhìn thoáng ra và tích cực hơn về chuyện học hay không học đại học.

Texvn Tham Khảo Nguồn Từ Harry Bùi Khánh Nguyên - Anh Cá Heo - Diễn giả độc lập về giáo dục


Aug 17, 2024

2 1 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL