Chọn và liên lạc với giáo sư hướng dẫn như thế nào? Điều nên và không nên làm
Bước liên lạc và xin giáo sư hướng dẫn chấp thuận được xem như một bước bắt buộc trước khi xin hồ sơ nhập học (admission) và hồ sơ học bổng (scholarship) ở bậc tiến sĩ. Hầu như bất cứ hồ sơ admission và scholarship nào đều yêu cầu bạn phải cung cấp bằng chứng về việc đã liên lạc và được sự chấp thuận sẽ nhận hướng dẫn của giáo sư thuộc trường/khoa mình đang xin. Được biết, có nhiều đại học/khoa, nơi các giáo sư là những người kéo dự án về, đứng quản lý các dự án, thì tiếng nói của họ còn quan trọng hơn nữa đối với việc quyết định của hội đồng học bổng của đại học/khoa.
Những điều nên làm khi tiếp cận với giáo sư hướng dẫn:
1. Duy trì mối quan hệ
Cũng như đối với xin thư giới thiệu, xin giáo sư hướng dẫn nhiều khi gói gọn ở việc duy trì và xây dựng mối quan hệ đã có. Chẳng hạn, khi bạn đã làm với giáo sư ở bậc đại học, hay thạc sĩ, mà định hướng của giáo sư và của bạn khá tương đồng, có thể tiếp tục phát triển lên ở bậc Tiến sĩ.
Một số cách để duy trì mối quan hệ:
- Xin làm trợ lý nghiên cứu, giảng dạy
- Xin tham gia hỗ trợ dự án
- Xin xuất bản cùng
Đây sẽ là bước đầu tư không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai. Sau đó, kể cả khi không còn học nữa, bạn cũng nên duy trì mối quan hệ với giáo sư, vì biết đâu một ngày đẹp giời, bạn đã trút được hoặc bị oằn vai bởi gánh lo cơm áo gạo tiền, lại có chí hướng/mong muốn chạy trốn để vào PhD?
2. Tìm kiếm từ rộng đến hẹp
Bắt đầu từ chọn trường. Mình nên chọn các trường đại học phù hợp với định hướng nghiên cứu và sự sẵn có của học bổng (dĩ nhiên!). Ở Úc thường mùa học bổng thường sẽ mở khoảng 5 tháng trước thời điểm bắt đầu Semester 1 (tầm cuối tháng 2 đầu tháng 3) và Semester 2 (tầm tháng 7). Các bạn cần tìm vào trang của trường mình để xác định vì thời gian mở có thể khác nhau.
Các bước tìm kiếm:
- Tìm các khoa liên quan đến chủ đề nghiên cứu (ví dụ: khoa nhân học, xã hội học, nghiên cứu phát triển)
- Đọc profiles (hồ sơ) của các giáo sư
- Tham khảo nghiên cứu của họ
- Tìm chỉ số trích dẫn qua ví dụ như Scopus, Google Scholar, Researchgate
- Tìm liên hệ giữa nghiên cứu của họ và đề tài của mình
Sau đó, chọn "nạn nhân" để đầu tư thời gian (Đùa nhé!).
3. Mỗi thời điểm một người
Lưu ý là mỗi khoa, mỗi thời điểm chỉ nên lựa chọn một giáo sư để liên lạc thôi vì họ có thể trao đổi với nhau. Mình gửi nhiều người họ cũng có thể biết qua trao đổi với nhau (đừng tưởng giáo sư họ không chat chit, buôn dưa lê dưa hấu nhé), và như thế không hay. Mình có nhớ lại, ngày đầu đến gặp hai giáo hướng dẫn, thầy cô còn bảo nhớ lại hồi đó đi ăn trưa bảo hồ sơ của thằng này (ý là mình) có khả năng đậu cao. Đấy, bàn cả lúc ăn trưa cơ mà!
4. Biết mình biết ta
Mình cần xác định được năng lực của mình ở đâu và xác định một cách chiến lược nên rải hồ sơ ở “hạng” trường nào.
Cách tiếp cận của mình là cân bằng giữa các lựa chọn để tối ưu khả năng thành công. Để làm điều đó, mình cân nhắc một tỷ lệ phù hợp giữa các trường tốp đầu, tốp giữa, và tốp thấp hơn chút xíu. Đậu học bổng nhiều lúc cũng tùy thuộc vào may mắn. Do đó, để đảm bảo “quăng lưới” thành công và có nhiều lựa chọn, mình cần có các quyết định chiến lược.
Một vài điều có thể cân nhắc:
- Chia đều khoảng 30% cho các trường xếp hạng cao, trung bình, và thấp (ví dụ theo QS World University Rankings);
- Không chọn giáo sư có thâm niên quá cao. Giáo sư thâm niên thường ít có thời gian trả lời thư và hướng dẫn và họ cũng thường chọn khắt khe hơn;
- Tập trung vào Associate Professor hoặc Senior Lecturer, vì họ thường có nhiều thời gian hơn cho sinh viên trong quá trình làm tiến sĩ;
- Chọn các giáo sư phản hồi thư “nhiệt tình” với mình;
- Chọn các giáo sư để “Accepting PhD students” trên hồ sơ của họ trên Website trường.
5. Liên lạc email
Giờ đây khi mình bắt đầu có sinh viên nghiên cứu sinh đầu tiên, mình thường nhận được email từ các bạn xin làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của mình. Thông thường mình rất hứng thú trả lời các bạn sinh viên xin hướng dẫn học tiến sĩ vì nghĩ ngày xưa mình khi biên thư cho các giáo sư, mình cũng non nớt, hồi hộp, và mong ngóng như các bạn. Chỉ có nhiều lúc gặp những tình huống cũng dở khóc dở cười, không biết phải phản hồi thế nào. Nhiều bạn viết thư không đầu, không đuôi, không chào, không tạm biệt, không rõ nội dung, không xuống dòng, không chấm câu, v.v. Hơn hết, đây là vấn đề thể hiện sự thiếu tôn trọng cá nhân.
Những điểm cần chú ý khi viết email:
a. Tiêu đề email:
- Phải chào hỏi đúng chức danh (ví dụ, Professor, Associate Professor) và đúng tên;
- Ngắn gọn, súc tích;
- Làm rõ ý định. Ví dụ: "Prospective PhD student seeking to study Vietnam's disasters"
b. Nội dung email đầu tiên:
- Giới thiệu sơ lược đề tài nghiên cứu của mình;
- Nhấn mạnh sự tương đồng của đề tài bản thân với mối quan tâm nghiên cứu (“research interests”) của họ;
- Hỏi họ có quan tâm đến đề tài không;
- Thêm tài khoản ví dụ Google Scholar, Researchgate hoặc Academia.edu trong phần tái bút để họ có thể tham khảo nếu cần.
c. Các email tiếp theo:
- Chỉ gửi nếu họ phản hồi;
- Hỏi về việc đặt tên họ vào hồ sơ admission và scholarship;
- Hỏi về việc chỉnh sửa đề xuất nghiên cứu (research proposal) để làm hồ sơ mạnh hơn.
6. Làm cho giáo sư hứng thú
Điều quan trọng nhất là thể hiện sự tôn trọng. Dân học thuật (academic) rất hứng thú nếu ai đó đọc (và khen) tác phẩm của họ. Dĩ nhiên là cần đọc “trúng”, khen “đúng”.
Những điểm cần nêu trong thư:
- Vì sao bạn biết giáo sư?
- Vì sao bạn chọn giáo sư?
- Giáo sư có mối quan tâm nghiên cứu nào trùng với đề tài bạn?
- Đề tài của bạn sẽ giúp phát triển nghiên cứu của họ thế nào?
Để làm được điều này, cần:
- Đọc hồ sơ giáo sư;
- Đọc mối quan tâm nghiên cứu;
- Đọc xuất bản phẩm của họ;
- Đọc dự án nghiên cứu họ đang làm;
- Đọc các đề tài của các sinh viên tiến sĩ họ đang hướng dẫn.
7. Chọn thời điểm gửi thư
Chiến lược về thời gian:
- Gửi vào buổi sáng, đúng giờ họ bắt đầu làm việc;
- Tránh gửi giữa sáng (lúc công việc bận rộn);
- Tránh gửi chiều tối hoặc tối (lúc họ chuẩn bị về nghỉ ngơi);
- Sử dụng chức năng hẹn giờ của Gmail để gửi email đúng thời gian cần thiết.
8. Chăm chỉ kết nối
Kiểu như giới showbiz, mình cũng cần chăm đi dự events. Events ở đây là các hội thảo, hội nghị, seminar trong và ngoài ngành.
Ví dụ kinh nghiệm của mình:
- Dự một sự kiện do Chính phủ Úc tổ chức ở Hà Nội;
- Trao đổi với một chị người Úc rời đại sứ quán Úc về nước làm tiến sĩ;
- Kết nối với nhóm nghiên cứu qua chị ấy;
- Được giáo sư chủ động phỏng vấn qua Skype.
Kết quả tích cực:
- Sau khi phỏng vấn thành công, có thêm một giáo sư đầu ngành (leading scholar) tham gia hướng dẫn;
- Họ nhiệt tình ủng hộ trong quá trình nộp hồ sơ (gồm xem và góp ý hồ sơ);
- Viết thư ủng hộ (supportting letter) gửi cho hội đồng xét duyệt của trường;
- Hứa hỗ trợ thêm kinh phí làm thực địa và đi hội thảo trong quá trình làm tiến sĩ.
Kinh nghiệm là cứ đi kết nối nhiều vào, mạnh dạn trình bày ý tưởng, và nắm bắt mọi cơ hội tới.
#PhDlife #KinhNghiemPhD #HocBong #StudyAbroad #Tips #Academia
Nov 07, 2024