Chọn Ngành Nghề Nào Khi Đi Du Học Mỹ?

Chào các bố mẹ và các em HS !

[Đây là bài viết mang tính chia sẻ và trao đổi, hoàn toàn không có kết luận đúng sai. Mỗi PH/HS tự đưa ra quyết định phù hợp nhất cho gia đình mình]

1. Mục đích sâu sa của du học Mỹ:

- Tôi nhận thấy số đông các PH/HS du học Mỹ đều có mục đích tìm kiếm và ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp đại học. Mục đích này nếu tuân thủ luật pháp của CP Mỹ thì hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, tỷ lệ % có job sau khi ra trường (nhóm STEM) hiện nay dưới 15%, thì e rằng các PH/HS không trù tính phương án B, sẽ trở nên … bất khả thi. Thông thường, nếu ta cứ chăm chắm vào duy nhất một mục tiêu, có thể làm ta thiếu cân nhắc hay thất vọng, suy sụp tinh thần nếu mục tiêu ấy không đạt được.

- Vì vậy, tôi khuyên các PH/HS cần suy nghĩ thấu đáo lại mục đích của mình khi đi du học Mỹ. Hãy thử nghĩ về phương án B, HS có thể dịch chuyển việc làm sang nước khác (thứ 3) nếu tay nghề chuyên môn xuất sắc (Canada, Nhật, Hàn, Âu châu…). Và cũng không nên bỏ qua phương án C: đó là quay về Việt Nam làm việc để tích lũy kinh nghiệm, có thể trở lại Mỹ học ThS/ TS/ MBA và theo đuổi lại phương án A ban đầu

2. Tính đa dạng của nhu cầu xã hội và việc làm:

- Xã hội và thị trường lao động khá phong phú chứ không chỉ quanh quẩn mảng việc trong các ngành STEM. Tuy nhiên, do chính sách tuyển dụng/ thực tập của CP Mỹ đối với mảng ngành STEM, thành ra chúng ta chăm chắm về nó. Điều này khá phổ biến trong việc xây dựng chính sách tuyển dung việc làm, tìm kiếm tài năng của mọi nước, chứ không riêng Mỹ.

- Vì vậy, các em HS cần dồn sức học 2 chuyên ngành (2 major) trong vòng 4-4,5 năm tại Mỹ. Có thể 1 trong 2 maajor thuộc STEM để tăng cao cơ hội thực tập/ kiếm việc tại Mỹ và các nước khác.

- Các PH hãy “tỉnh táo” đánh giá một cách trung thực khả năng con mình. Điều này rất khó do các mẹ (chiếm 95% những người tôi gặp) chi phối bởi cảm xúc, cùng với tâm lý “con hát mẹ khen hay”. Vì vậy, hãy tìm đến các PH khác có nhiều kinh nghiệm, các chuyên gia để lắng nghe họ nhận xét giúp. Người ngoài thường sử dụng 100% yếu tố “lý tính” để đưa ra lời khuyên (các Agent đang nhận phí thù lao từ các mẹ, họ không bao giờ dám nói ra điều…khó nghe với các mẹ đâu ạ).

3. Tài năng và khả năng

- Làm sao để đánh giá con bạn có “tài năng” về một lĩnh vực/ chuyên ngành nào đó ?. Con bạn đoạt giải một kỳ thi năng khiếu làm báo cấp trường/ cấp quận/ cấp thành phố thì liệu có phải là bạn ấy có “tài năng” với ngành truyền thông, báo chí hay không?. Cuộc thi nào cũng có tiêu chí và BTC chấm giải. Khi điều chỉnh tiêu chí và BTC, chắc chắn người đoạt giải sẽ khác. Một “tài năng” được xác lập hạn hẹp như vậy không thể đảm bảo rằng, con bạn có đủ tầm mức thành công tại Mỹ hay toàn cầu. Thông thường, một HS dưới 18 tuổi hoàn toàn bị chi phối bởi cảm xúc vinh quang với giải thưởng kia mà sinh ra ngộ nhận

- Con gái tôi đoạt giải 3 vẽ tranh khi học trung học tại Mỹ. Tuy nhiên, tôi đã rất kiên nhẫn khuyên nhủ bạn ấy không nên theo đuổi ngành nghề nghệ thuật (vẽ). Vẽ nói riêng và nghệ thuật nói chung luôn làm mê hoặc hàng triệu người, nhưng mấy ai sống nổi với nghề ?. Hàng tỉ phụ nữ vào bếp mỗi ngày nhưng có mấy người trở thành đầu bếp danh giá?. Hàng tỉ người hát karaoke rất hay nhưng có mấy người thành ca sĩ ngôi sao?. Và cuối cùng con gái tôi chọn học BA, khi ra trường có job tức thì. Điều thú vị là sau 6 năm, suy nghĩ của cô ấy hoàn toàn thay đổi, cô ấy nói rằng: nghề big data sẽ là nghề của…tương lai !. Hahaha….

- Vì vậy, hoặc con bạn thật sự có “tài năng” để quyết tâm theo đổi ngành nghề nào đó, hoặc sẽ có khả năng. Học hành nghiêm túc, thái đội làm việc đúng mực, cầu thị, luôn học hỏi thì chỉ cần có “khả năng” sẽ ắt tìm ra job. Tất nhiên, để trở thành “ngôi sao”, thành CEO, thành danh cao độ thì cần thêm cái “tài năng” đính kèm

4. Hãy nghĩ về tiêu chí “công dân toàn cầu”:

- Rõ ràng, ngày nay thế giới đã phẳng thì thị trường lao động cũng sẽ phẳng theo, tức các công dân hoàn toàn thuận lợi để dịch chuyển công việc và nghề nghiệp. Muốn vậy, ngay từ bây giờ hãy lấy tiêu chí “công dân toàn cầu” là mục tiêu trong việc chọn trường, chọn nghề. Tiêu chí “công dân toàn cầu” theo ý tôi như sau:

  1. Ngôn ngữ toàn cầu: Ngoài tiếng Anh thông thạo, có thể học thêm 1 ngôn ngữ khác (của số đông người sử dụng)
  2. Ngành nghề toàn cầu: Không cấm HS học hỏi, khám phí một lĩnh vực mà mình yêu thích, có năng khiếu. Nhưng hãy cân nhắc về “khả năng” của mình trong việc học thêm major khác với ngành nghề có tính phổ quát toàn cầu. Ví dụ như chế tạo động cơ máy bay, ô tô, khí động học, quản trị tài chính, nhân sự, AI, môi trường, năng lượng….Những ngành nghề như: triết học, văn học, lịch sử đảng, ngôn ngữ, nghệ thuật (bản địa)…sẽ rất khó dịch chuyển
  3. Tính cách toàn cầu: bao gồm cả đạo đức, tầm nhìn, suy nghĩ, tuân thủ luật pháp. Rất nhiều bố mẹ cố nhồi chữ vào “não” bọn trẻ nhiều kinh khủng. Có những HS mà tôi gặp cuối lớp 10 đã có SAT 1.570. Khi tôi trò chuyện, em ấy gần như nhìn đâu đâu, ngơ ngơ, đầu óc cứ lơ lửng, mắt kính dày cộp, người trông không khỏe. Tất cả kiến thức văn hóa bậc trung học chỉ là nền tảng nhằm phát triển tuy duy và cảm xúc cho con trẻ. Kiến thức đại học là kiến thức nghề (nhưng cũng chỉ nền tảng bậc thấp). Sự học là suốt đời nên HS cần có đủ cả 2 nền tảng nói trên (văn hóa ở trung học và nghề ở ĐH). Tôi nghĩ rằng: thể chất/ sức khỏe và các kỹ năng giao tiếp xã hội, xây dựng networking, phân bổ thời gian giữa học tập và vui chơi là cực kỳ cần thiết. Ra đời thiếu cài này rất…đáng ngại !

Tôi muốn đưa ra câu kết luận: “ Con ngựa hay (là) con ngựa biết chạy đường dài !”


Sep 09, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email