Chương Trình Du Học Trao Đổi Văn Hóa: Ai Là Người Thích Hợp?

[Trước hết, danh xưng "Ai" trong bài viết này là học sinh chứ không phải bố mẹ, dù biết rằng số đông thành viên trong group là phụ huynh. Và đây là bài viết dài có tính chuyên môn sâu, mong mn kiên nhẫn đọc]

I- BẠN ĐÃ HIỂU ĐẦY ĐỦ, ĐÚNG VỀ CHƯƠNG TRÌNH NÀY CHƯA?

Một sự vật hay hiện tượng, muốn đánh giá hay lựa chọn thì trước tiên chúng ta cần hiểu đầy đủ, đúng đắn về nó. Nếu không, ắt sẽ xảy ra sai sót hoặc ngộ nhận. Đối với du học, một sai sót nhỏ có thể dẫn đến …tai hại lớn mà chúng ta không thể lường định.

Chương trình du học trao đổi văn hóa (DHTĐVH) này ra đời tại Mỹ năm 1951 bởi tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Youth For Understanding (YFU) để đưa 75 thanh thiếu niên Đức & Áo đầu tiên tham gia nhằm xoa dịu vết thương chiến tranh thế giới lần thứ 2 gây ra đối với thanh thiếu niên. Họ được sắp đặt sống cùng gia đình bảo trợ (GĐBT) bản xứ và học 1 năm tại trường công lập Mỹ. Chương trình này đã được YFU phát triển rộng khắp thế giới và hiện nay có khoảng 60 nước thành viên tham gia.

Phần lớn các nước có nền giáo dục tiên tiến đều giảng dạy theo phương pháp khai phóng và học theo tín chỉ. Họ khuyến khích bạn trẻ dưới 18 tuổi mạnh dạn bước ra khỏi "nơi ở" quen thuộc của mình (gia đình, vòng tay bố mẹ và nơi sinh sống) để bước ra thế giới khám phá văn hoá, mở rộng tầm nhìn và thay đổi nhận thức...Tuy nhiên, ở nước ta nói riêng, châu Á nói chung lại có cách nhìn khác biệt, coi trọng vấn đề học thuật hơn các hoạt động giao lưu văn hoá và hoạt động cộng đồng khai phóng bạn trẻ. Chính nhận thức này, khiến cha mẹ yêu cầu tiêu chí học thuật cao hơn trao đổi văn hóa của chương trình. Nhận thức và suy nghĩ như vầy là không theo kịp với sự tiến bộ chung của toàn cầu.

II- CÓ MẤY LOẠI CHƯƠNG TRÌNH DHTĐVH HIỆN NAY?

Trước đây, do yếu tố lịch sử nên chương trình này chỉ thuần tuý là... "giao lưu văn hoá" thông thường. Tuy nhiên, nhu cầu phổ rộng của giáo dục việc làm trong thế giới phẳng, khiến cho HSSV từ nước này đến nước kia học tập và làm việc trở thành cấp thiết. Vì vậy, chương trình DHTĐVH cũng thay đổi theo. Hiện nay, có 5 loại chương trình DHTĐVH khác nhau để học sinh lựa chọn:

  1. Trao đổi văn hóa và hoàn tất chương trình PTTH: Chỉ phù hợp với học sinh nào đã cơ bản thông thạo ngôn ngữ nước đến và tham gia vào chương trình học tập tại trường trung học cùng học sinh bản xứ. Đây là cách tốt nhất để giúp bạn trẻ chuẩn bị hành trang du học bậc đại học
  2. Trao đổi văn hóa, trải nghiệm và học thêm 1 ngoại ngữ mới: Càng biết nhiều ngoại ngữ càng tốt nên chọn cách này giúp cho nhiều bạn trẻ học được đến 3-4 ngoại ngữ trong một thời gian khá ngắn. Thông qua trao đổi văn hóa và sống cùng GĐBT bản, đóng góp đáng kể vào vốn sống và từ vựng của học ngôn ngữ mới.
  3. Trao đổi văn hóa và nâng cao trình độ ngoaị ngữ: Không gì nhanh nhất để thông thạo ngoại ngữ bằng cách bằng "nhúng” mình hẳn vào môi trường văn hóa – ngôn ngữ (nước đến), trải nghiệm sống và học tập với trường lớp 100% học sinh bản ngữ
  4. Trao đổi văn hóa để trải nghiệm nghề, khám phá bản thân về một lĩnh vực chuyên ngành yêu thích nhằm định hướng tài năng (hoặc năng lực) trong bạn. Ví dụ về lĩnh vực chuyên ngành yêu thích như nấu ăn, nhà hàng, làm bánh, nghệ thuật, múa, âm nhạc, thời trang, thể thao….Điều này giúp bạn trẻ xác định năng khiếu và đam mê nghề mà lựa chọn sau khi xong bậc trung học
  5. Trao đổi văn hóa và hoạt động tình nguyện quốc tế: Bạn muốn mình có một hồ sơ, lý lịch đẹp nhằm nộp đơn xét cấp học bổng hoặc chỉ muốn mình đóng góp vào sứ mệnh chia sẻ cộng đồng bằng một việc làm tình nguyện ở một quốc gia hay khu vực nào đó.

III- LỢI ÍCH CỦA CHƯƠNG TRÌNH DHTĐVH

Rõ ràng, bất kể chương trình nào cũng đều có những mặt ưu- nhược và không thể nói tốt với tất cả mọi người. Vấn đề quan trọng nhất, là làm sao PH/HSSV đủ nhận thức mình đang có nhu cầu nào và chương trình nào phù hợp để lựa chọn. Hoặc là bạn phải chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình, hoặc là bạn phải tìm kiếm một chuyên gia/ một đơn vị/ một tổ chức đáng tin cậy để tư vấn.

Chương trình có 4 lợi ích cốt lõi sau:

  1. Cải thiện các kỹ năng ngoại ngữ: Bạn trẻ không còn là một vị khách nữa mà đã trở thành thành viên gia đình thực sự, hòa vào cuộc sống gia đình chủ, trải nghiệm lối sống địa phương và truyền thống văn hóa ở đó. HS sẽ tự đến trường tham gia vào quá trình học tập một cách bình thường cùng HS nước sở tại, gặp gỡ thêm các bạn nước khác trên thế giới. HS sống và học tập trong một môi trường hoàn toàn xa lạ nhưng tinh khiết, nghe ngoại ngữ hàng ngày, nói, đọc và viết một cách tự nhiên. Điều đó sẽ giúp HS làm chủ khả năng ngôn ngữ tại nước mình đến giao lưu sau khi kết thúc chương trình.
  2. Tăng tính độc lập của của bạn trẻ: Theo quy định, HS sẽ sống một năm trong gia đình bảo trợ bản xứ tình nguyện. Bạn trẻ sẽ tự chăm sóc bản thân, khả năng sống độc lập, tự vượt qua khó khăn và giải quyết vấn đề của chính mình.
  3. Cải thiện khả năng học tập: Tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến của phương Tây để nâng cao chất lượng tổng thể cho học sinh, nhấn mạnh tư duy độc lập, linh hoạt trong việc sử dụng các kiến thức, trong đó cải thiện sự hiểu biết và khả năng tự học.
  4. Mở rộng tầm nhìn để trở thành công dân toàn cầu: Trong quá trình trao đổi văn hóa một học kỳ hoặc một năm học, tổ chức nước chủ nhà sẽ sắp xếp cho học sinh tham gia các chuyến tham quan ngoại khóa, thể thao, các cuộc thi, các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí và mở rộng tầm nhìn.

IV- MỘT SỐ SAI LẦM PHỔ BIẾN KHI CHỌN CHƯƠNG TRÌNH DHTĐVH MỸ

- Chương trình này là “học bổng toàn phần PTTH Mỹ” dành cho HS xuất sắc là con của bạn

- Không nắm rõ ưu và nhược của chương trình, cũng các quy định chung về hệ thống giáo dục Mỹ

- Không biết tổ chức nào sắp xếp chương trình, sắp đặt nhà host và quản lý HS suốt cả năm học

- Đơn vị tư vấn/ đại lý du học là người chịu hoàn toàn trách nhiệm về chương trình này

- Không hiểu đầy đủ tiêu chuẩn lựa chọn học sinh của chương trình.

- “Đồng hoá" chương trình này với chương trình du học tự túc bởi yếu tố chi phí thấp (được tư vân là học bổng)

- Không chuẩn bị hành trang cho HS để tham gia loại chương trình như thế này

- HS không được huấn luyện (hay nói chính xác hơn là định hướng trước khi khởi hành) một cách nghiêm túc, nhằm trang bị cho HS chuẩn bị và hiểu biết đầy đủ 6 chủ đề cốt lõi:

  1. Trường học và cách học tại Mỹ;
  2. Hoà nhập văn hoá và chống sốc văn hoá ở Mỹ;
  3. Xây dựng mối quan hệ với GĐBT bản xứ và cách thức xử lý khủng hoảng nếu có;
  4. Đi lại và du lịch an toàn ở Mỹ ;
  5. Bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe và;
  6. Phân biệt chủng tộc và lạm dụng tình dục trong học đường, trong xã hội Mỹ.

Tóm lại: Chương trình du học trao đổi văn hóa quốc tế ngày nay rất khác với chương trình khởi nguồn từ 1951 và không chỉ mỗi nước Mỹ mới có chương trình này. Tuy nhiên, những giá trị cốt lõi của chương trình vẫn không thể mất đi. Theo tôi, chương trình này chỉ thích hợp với một số HS nhất định, chứ không thể dành cho mọi em. Khâu phỏng vấn lựa chọn và xét duyệt đòi hỏi hết sức cẩn thận. Người phỏng vấn các em phải có nhiều kinh nghiệm và đặt lợi của các em lên hàng đầu.


Sep 13, 2024

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email