Giáo Dục Toàn Diện: Trường Học Không Đủ Thì Cha Mẹ Làm Thêm!

Sau khi người Việt Nam chúng ta so sánh và nhận ra nền giáo dục phổ thông của mình dành cho trẻ em thật là phiến diện, chúng ta đã bắt đầu nói nhiều hơn về giáo dục toàn diện (comprehensive education). Điều này thật đáng mừng, vì để thay đổi được nhận thức giáo dục từ phiến diện sang toàn diện là một bước tiến bộ rất dài và khó khăn.

Vậy giáo dục toàn diện là cái gì, và nó bao gồm cái gì trong đó? Trước hết, hãy nhìn vào mặt đối lập của nó là giáo dục phiến diện. Đặc trưng dễ nhận thấy của giáo dục phiến diện chính là giáo dục vì điểm số, có phân ra môn chính và môn phụ, coi trọng thành tích học tập quan trọng hơn trải nghiệm học tập, lý thuyết hơn thực hành… Sản phẩm đầu ra của giáo dục là những con người bị khiếm khuyết, không trọn vẹn, thường là những con người “nở nang cơ bắp” ở các phần số và chữ, và “teo tóp” ở những khí cạnh như sức khỏe, thể lực, sự năng động, khả năng cảm thụ nghệ thuật, kỹ năng sống, sự vững chãi về tâm lý, cảm xúc, tình cảm…

Ngày nay đã có nhiều cha mẹ không hài lòng với những đứa trẻ “khuyết thiếu” như vậy. Đó có thể là những đứa trẻ thành tích đầy mình như không hề hạnh phúc, vui vẻ. Chúng có thể làm việc hiệu quả, nhưng không phải là một cá thể sinh động, đầy màu sắc, trọn vẹn. Và họ bắt đầu đi tìm giáo dục toàn diện cho con.

Giáo dục toàn diện ngày ngay thường bao gồm những “bộ phận” chính như thế này: Toán, Ngôn ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Thể thao, Nghệ thuật, Kỹ năng sống, và Năng khiếu đặc biệt. Xin trình bày từng “bộ phận” để các bậc cha mẹ có thể tính toán chiến lược bổ sung cho con.

TOÁN:

Môn Toán của Việt Nam không quá tệ như nhiều người nghĩ. Nếu con đáp ứng được yêu cầu môn Toán chương trình Việt Nam, con cũng có thể học Toán của phương Tây không mấy khó khăn. Còn về thi SAT thì học sinh châu Á có điểm thi SAT phần Toán rất cao, và khá thành công ở đại học phương Tây. Con tôi học chương trình Anh, tôi cũng chưa thật sự yên tâm lắm về môn Toán. Lý do là chương trình phương Tây không sử dụng sách giáo khoa ổn định và chặt chẽ như của châu Á ở bậc tiểu học, nên bé thường để tài liệu tản mát, rời rạc. Một số trường quốc tế dạy chương trình phương Tây gần đây chuyển hướng sử dụng giáo trình Toán Singapore để dạy cho học sinh sau khi học sinh Anh – Mỹ tỏ ra thua kém học sinh châu Á về Toán. Cá nhân tôi thì vẫn kèm toán cho con hết tiểu học, lên trung học thì dự định sẽ nhờ sinh viên gia sư Toán kèm cho con. Tôi rất ngưỡng mộ những sinh viên tỉnh lẻ giỏi toán, nhiều em tôi gặp vô cùng thông minh và đầy đam mê khi học toán. Tôi mong những gia sư vượt khó học giỏi như vậy có thể truyền động lực cho con mình khi bé bước vào trung học.

NGÔN NGỮ

Thứ nhất là ngôn ngữ mẹ đẻ, tiếng Việt. Nếu bạn thấy con dùng tiếng Việt nói và viết chưa tốt, một cách hay để bổ sung là cho bé đọc sách văn học, bao gồm cả văn học Việt Nam và văn học dịch. Bé nào thích thơ nữa lại càng tốt, vì những bé có thể cảm nhận được vẻ đẹp của thơ ca, sẽ có khả năng cảm thụ ngôn ngữ tốt. Các nội dung tuyển chọn trong sách giáo khoa Việt Nam khá hay, tôi không hiểu sao nhiều người cứ chê đến vậy. Có lẽ cái đáng phàn nàn chỉ là cách dạy môn văn và tiếng Việt quá máy móc khiến học sinh chán ngay tiếng mẹ đẻ của mình thôi.

Ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh. Tiếng Anh không phải là ngoại ngữ nữa rồi, mà là ngôn ngữ của học tập và công việc. Tiếng Anh ESL được Cambridge chia ra làm 6 cấp độ: A1, A2, B1, B2, C1, C2. Bạn chỉ có thể gọi là chuẩn bị tiếng Anh chu đáo cho con nếu tốt nghiệp phổ thông, bé có trình độ C1, C2. Tính một cách đại khái, hết cấp 1 bé phải có trình độ A2, hết cấp 2 có trình độ B2, hết cấp 3 có trình độ C2 thì mới có thể hoàn toàn tự tin được. Mọi cấp độ thấp hơn, như 6.5 điểm IELTS đủ điểm học đại học, hay hết cấp 3 có trình độ B1 theo chuẩn của Việt Nam đều là các mức độ đại trà, tối thiểu.

Nhóm thứ 3 trong học phần ngôn ngữ là tiếng nước ngoài. Chọn ngôn ngữ nào để học đây? Nếu bạn hướng tới châu Á thì phải học tiếng Trung, nó sẽ là ngôn ngữ quan trọng dù bạn thích hay không thích văn hóa Trung Quốc. Tiếng Nhật và tiếng Hàn cũng ngày càng hữu dụng khi Việt Nam ngày càng có nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa với các nước này. Để kết nối với châu Âu thì có các ngôn ngữ Pháp, Tây Ban Nha, Đức…, còn với châu Mỹ thì tiếng Tây Ban Nha đáng lựa chọn. Dù Việt Nam là thuộc địa của Pháp, và chúng ta là thành viên tổ chức các nước nói tiếng Pháp, nhưng chúng ta phải chấp nhận sự thật là tiếng Pháp ngày càng mất vị thế của mình so với tiếng Trung và tiếng Tây Ban Nha. Tôi từng học tiếng Pháp 3-4 lần mà không thành công, học xong rồi quên, một phần vì không có cơ hội dùng và thực hành nữa.

KHOA HỌC TỰ NHIÊN (SCIENCE)

Dạy khoa học là điểm yếu của giáo dục Việt Nam. Quá nhiều lý thuyết, quá ít thực hành. Và dạy khoa học không dẫn tới tư duy khoa học, tinh thần khoa học, sự sáng tạo, phát minh, chế tạo. Tôi nghĩ phương Tây dạy khoa học tốt hơn châu Á nhiều, do vậy tốt hơn là đi theo họ. Giáo dục phương Tây có thế mạnh là khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, tìm tòi, chế tạo, nuôi dưỡng niềm đam mê khám phá tri thức mới, hơn là ngồi học cho thuộc các khái niệm cũ kỹ theo kiểu châu Á, nên họ dẫn dắt nền khoa học toàn cầu. Việt Nam dù sao vẫn là vùng trũng về khoa học, và chúng ta phải mạnh dạn để con em mình học hỏi phương Tây ở lĩnh vực này.

KHOA HỌC XÃ HỘI (SOCIAL STUDIES)

Khoa học xã hội là về con người và cuộc sống. Đừng quá quan trọng sách giáo khoa. Hãy cho con bạn được tìm hiểu xã hội thông qua cuộc sống thực để chúng tự cảm nhận và suy ngẫm. Có 1.001 cách học các môn khoa học xã hội. Ngoài sách ra, bạn có thể cho trẻ đi du lịch khám phá, vui chơi ở các lễ hội dân gian, làm các công việc từ thiện, cộng đồng. Một đứa trẻ ngây ngô có thể là vì cha mẹ không cho chúng tiếp xúc thật sâu và tương tác với cuộc sống sinh động ở môi trường xung quanh. Đứa trẻ thành thị được cha mẹ bảo bọc từng miếng ăn, giấc ngủ có thể là đứa trẻ bị tước đi môi trường để tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống xã hội. Cha mẹ có thể chính là các giáo viên dạy khoa học xã hội tốt nhất cho con mình thông qua cuộc sống.

GIÁO DỤC THỂ CHẤT

Việt Nam thích những đứa trẻ học nhiều, mắt cận, thư sinh. Phương Tây thích những đứa trẻ mạnh mẽ, năng động, hoạt bát. Niềm tự hào của học sinh trung học phương Tây là biết chơi bao nhiêu môn thể thao, và là thủ lĩnh ở các đội thể thao nào, chứ không phải Toán, Lý, Hóa bao nhiêu điểm. Với người Việt Nam, một trong những dân tộc có thể hình khiếm tốn nhất dù so với châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, hay ngay tại châu Á, thì việc chơi nhiều thể thao hơn để cải thiện thể lực và sức khỏe là không bao giờ đủ. Lối văn hóa nhậu nhẹt của người Việt sẽ chỉ dẫn tới những thanh niên bụng to và lười vận động, chứ không có lợi ích gì cho các cô cậu thanh niên ưu tú chúng ta cần cho tương lai. Khi con bạn bước vào trung học (lớp 6), thì đây là cơ hội cuối cùng, giai đoạn vàng cuối cùng để chúng phát triển chiều cao lý tưởng mà chúng mong ước. Thể thao, chất lượng giấc ngủ và dinh dưỡng khoa học là 3 thứ mà người Việt cần học và làm theo phương Tây, thay vì bám khư khư vào bữa ăn truyền thống, cũng như thói quen xem thể thao qua TV chứ không chơi thể thao ngoài trời của rất nhiều gia đình Việt chúng ta.

NGHỆ THUẬT

I’m so sorry, nhưng người Việt chúng ta horrible về cảm thụ nghệ thuật. Lý do là chúng ta không được dạy dỗ chu đáo từ nhỏ về nghệ thuật. Có các hình thức nghệ thuật như thế này:

Nghệ thuật thị giác (Visual Art): hội họa, điêu khác, nhiếp ảnh

Nghệ thuật ứng dụng (Applied Art): kiến trúc, thiết kế

Nghệ thuật biễu diễn (Performing Arts): khiêu vũ, âm nhạc, điện ảnh, kịch nghệ, xiếc, ảo thuật…

Học sinh của chúng ta được học những gì trong số những bộ môn nghệ thuật này? Hiện nay chương trình chính thống rất nghèo nàn sự lựa chọn, và những trường lớp ngoài giờ thì nhóm có chất lượng rất hiếm, nhóm trường xoàng xĩnh thì rất nhiều.

GIAO TIẾP XÃ HỘI/KỸ NĂNG SỐNG/PHẨM CHẤT

Thay vì đi học các lớp kỹ năng sống, và cảm xúc, hãy cho trẻ được sống cuộc sống chân thực và có những cảm xúc thực sự. Một tuần ở với ông bà, cô chú khác một lớp học kỹ năng. Một trại hè ở nước ngoài tốt hơn nhiều lần rao giảng của cha mẹ về tư duy hội nhập. Một lần đi làm từ thiện tốt hơn một bài học về đạo đức trong sách giáo khoa.

NĂNG KHIẾU ĐẶC BIỆT

Phần cuối cùng của giáo dục toàn diện là việc tìm hiểu xem con bạn có tài năng gì? Ngoài học giỏi, chúng chơi môn thể thao hay nghệ thuật nào giỏi? Chúng có say mê gì đặc biệt? Ngay cả khi không có gì nổi trội cũng không sao, tài năng có thể nảy nở ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời. Nhiệm vụ của cha mẹ chỉ là kiên nhẫn gieo trồng, kiên nhẫn quan sát, không để những ảo tưởng hay sự vô tâm che khuất cái nhìn chân thực về tài năng của con. Tài năng của đứa trẻ ở đâu, bạn là người phải đi tìm. Và bằng tình yêu cha mẹ dành cho con, bạn chắc chắn sẽ tìm ra ít nhất là một tài năng, vì không có đứa trẻ nào không có một tài năng nào đó còn ẩn giấu.

Đến đây thì bạn đã có thể thấy, giáo dục toàn diện là giáo dục sâu sắc và cân bằng giữa rất nhiều thái cực: thể chất và trí tuệ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, lý thuyết và thực hành, dân tộc và quốc tế… Dù rằng ai cũng sẽ có một nghề nghiệp chuyên môn, có sở trường riêng, nhưng một đứa trẻ được giáo dục toàn diện từ bậc phổ thông chắc chắn sẽ thăng bằng và phong phú hơn một đứa trẻ phát triển “lệch”. Và nếu chương trình học ở trường hiện còn đang “lệch”, cha mẹ hoàn toàn có thể tìm cách cân bằng lại cho con!

 


Aug 22, 2024

6 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL