Giáo Viên Việt Nam Có Thể Tự "Quốc Tế Hóa"
Tôi viết bài này riêng cho các thầy cô giáo Việt Nam. Một trong những lý do dẫn tới sự kém năng động của giáo dục là sự bảo hộ quá mức cần thiết với ngành sư phạm và đào tạo ngành sư phạm. Việc hạn chế các cử nhân ngoài sư phạm học thêm nghiệp vụ sư phạm để hành nghề giáo viên đã cản trở cơ hội thu hút được những ứng viên giỏi chuyển sang làm giáo viên.
Việt Nam áp dụng mô hình đào tạo sư phạm của Pháp, là chỉ đào tạo giáo viên ở trường sư phạm, thông qua chương trình cử nhân sư phạm 4 năm. Tuy nhiên, Anh, Canada và Singapore áp dụng rất phổ biến mô hình giáo viên trước hết phải tốt nghiệp cử nhân, sau đó mới học nghiệp vụ giảng dạy sư phạm và thực tập (trong 1 năm) để trở thành giáo viên mà không có bất cứ kết luận nào cách làm như vậy tạo ra những thầy cô giáo chất lượng kém cả.
Ngoài ra, việc hạn chế các trường nước ngoài hợp tác đào tạo ngành giáo dục, sư phạm với Việt Nam cũng làm cho cơ hội đào tạo nâng cao tại chỗ của giáo viên Việt Nam mỏng đi. Giáo viên muốn học nâng cao phải ra nước ngoài, mà việc tìm học bổng không dễ. Có bao nhiêu du học sinh sư phạm tự túc? Với chi phí du học rất lớn và mức thù lao khiêm tốn cho nghề giáo viên, rất hiếm giáo viên dám hoặc có khả năng bỏ tiền ra du học tự túc. Và vì vậy, khoảng cách với đồng nghiệp quốc tế mỗi ngày một xa.
Học sinh Việt Nam thì mỗi ngày một giỏi hơn trước. Các em được tiếp xúc nhiều hơn, có nhiều thông tin, kỹ năng hơn xưa. Nếu giáo viên ngày nay vẫn quen với cách dạy học kiểu đọc – chép thì Google đang làm cho vai trò của giáo viên trở nên mờ nhạt, dư thừa. Học sinh không cần những người thầy đọc – chép nữa. Việc kiên trì học theo hình thức đọc – chép thời Khổng Tử sẽ làm mất đi của các em rất nhiều chi phí cơ hội để học những nội dung khác, hay trải nghiệm học tập thú vị hơn. Chờ đợi trường sư phạm thay đổi sẽ rất lâu, tốt nhất là giáo viên tự mình thay đổi nếu thực sự yêu nghề nghiệp này.
Nếu các giáo viên thực sự mong muốn nâng cấp, vẫn có một số cơ hội như thế này:
1. Các chương trình liên kết đào tạo giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam:
Giáo viên tiếng Anh là nhóm may mắn hơn các đồng nghiệp khác, vì ngoại ngữ là bộ môn hiếm hoi được cho phép liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài. Ví dụ, hiện giáo viên tiếng Anh có thể theo học các chương trình thạc sỹ giảng dạy tiếng Anh sau:
- Ở Hà Nội, có ít nhất 2 lựa chọn: Thạc sỹ TEFL của đại học Southern New Hampshire (Mỹ) liên kết với Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội (Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội trước đây), hoặc thạc sỹ TESOL của Đại học Victoria (Úc) và Đại học Canberra (Úc) liên kết với Trường Đại học Hà Nội (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội trước đây).
- Ở Đà Nẵng, có chương trình Thạc sỹ TESOL của Đại học Nottingham Trent (Anh) liên kết với Viện giáo dục Việt – Anh, Trường Đại học Đà Nẵng
- Ở TP. HCM, có 4 lựa chọn: thạc sỹ TESOL của Đại học Victoria Wellington (New Zealand) liên kết với Trường Đại học Sư phạm TP. HCM, thạc sỹ TESOL của Đại học Benedictine (Mỹ) liên kết với Khoa Ngữ văn Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội nhân văn, Đại học Quốc gia TP. HCM, thạc sỹ TESOL của Đại học Edith Cowan (Úc) liên kết với Đại học mở TP. HCM, và thạc sỹ Ngôn ngữ học ứng dụng của Đại học Curtin (Úc) liên kết với Trung tâm SEAMEO.
2. Chứng chỉ đào tạo giáo viên quốc tế PGCE của Đại học Nottingham (Anh) tổ chức tại TP. HCM.
Các giáo viên đã đạt chuẩn giáo viên Việt Nam theo Luật giáo dục 2019 có thể học thêm chứng chỉ này sẽ có lợi thế khi tham gia giảng dạy các trường song ngữ, quốc tế hoặc thậm chí ra nước ngoài dạy (khối ASEAN chẳng hạn). PGCE là chứng chỉ mà các giáo viên ở Anh học để bước vào sự nghiệp giảng dạy. Tuy khóa học này không mang lại giấy phép hành nghề giáo viên tại Anh (QTS) nhưng nó trang bị những kiến thức nền tảng cho một giáo viên quốc tế. Xem chi tiết tại đây: https://www.nottingham.ac.uk/.../ho-chi-minh-city.aspx
3. Chương trình đào tạo thạc sỹ giáo dục của University of the People (Mỹ) liên kết với tổ chức Tú tài quốc tế.
Đây là đại học không thu học phí, mà chỉ thu phí kiểm tra và thi cử nên rất tiết kiệm chi phí. Trường này cũng đang tìm kiếm kiểm định vùng tại Mỹ với WASC. Những giáo viên đã học trường sư phạm của Việt Nam có thể học nâng cao thông qua chương trình này, sẽ mở rộng kiến thức về phương pháp giảng dạy hiện đại.
Xem chi tiết chương trình: https://www.uopeople.edu/.../deg.../master-of-education-med/
4. Tham gia vào các diễn đàn, hiệp hội giáo viên quốc tế.
Có ba diễn đàn các giáo viên có thể tham gia để cập nhật thông tin. The International Educator (TIE) là diễn đàn dành cho các giáo viên quốc tế, còn The Times Education Supplement (TES) là dịch vụ giáo dục quốc tế dành cho giáo viên toàn cầu. World Education News and Reviews (WENR) cung cấp các tin tức toàn cầu về giáo dục cho các giáo viên.
Ngoài ra thì các giáo viên từng bộ môn, ví dụ Toán, Khoa học xã hội… có thể tham gia các diễn đàn quốc tế dành riêng cho bộ môn của mình.
Thực tế là hiện nay, các hội thảo chuyên đề dành cho giáo viên, cũng như công tác đào tạo nội bộ cho giáo viên của hầu hết các trường là không đầy đủ, ở cả trường công lẫn trường tư. Việt Nam cũng không có một tạp chí khoa học về sư phạm chất lượng và cập nhật để giáo viên có thể cập nhật xu hướng của thế giới, cũng như nắm được các đồng nghiệp quốc tế của mình họ đang dạy cái gì và dạy như thế nào ở khắp nơi trên thế giới. Hy vọng các lựa chọn trên sẽ giúp các giáo viên VN tự nâng cấp mình cho các cơ hội giáo dục quốc tế.
Aug 19, 2024