Nhận Diện Tính Cách Con Bạn

Tôi/ YFU Vietnam đã sắp đặt cho khoảng 400 HS tham gia chương trình trao đổi văn hóa/ chương trình giáo dục trung học lựa chọn trong 27 năm qua. Tôi là người theo dõi, quản lý HS trong suốt chương trình, từ lúc lên đường cho đến khi kết thúc. Vì vậy, tôi đã nhận diện, rút tỉa ra 3 nhóm tính cách của HSSV/ bạn trẻ. Viết ra đây, hầu chia sẻ cho các bố mẹ biết mà điều chỉnh trong quá trình giáo dục, định hướng các cháu:

Nhóm 1: Biết lắng nghe, biết hỏi- thảo luận và biết điều chỉnh (chiếm khoảng 15- 20%)

Kiến thức là vô tận và sự hiểu biết của chúng ta luôn có hạn, chưa kể những gì ta biết đã thay đổi sau vài năm nếu không cập nhập. Một bạn trẻ từ 15-20 tuổi, chắc chắn kiến thức và kinh nghiệm còn khá ít ỏi. Vì vậy, việc lắng nghe, học hỏi, thảo luận và điều chỉnh bản thân là một việc làm thường xuyên và cực kỳ quan trong nếu muốn thành công. Chưa nói, khi sang Mỹ du học thì gần như mọi thứ đều mới mẻ. Ngoài chuyện học hành chuyên môn, còn các vấn đề như hòa nhập văn hóa, lối sống, ứng xử, luật pháp...v.v. Nếu không học hỏi từ những người đi trước, người có kinh nghiệm thì chắc chắn sẽ sai phạm, rủi ro.

Giải pháp: Gia đình nên lưu ý động viên, tạo động lực tiếp tục cho các bạn ấy. Gia đình cố gắng tìm kiếm các "kênh, mối quan hệ" tối ưu hơn để giúp các bạn ấy có thể hỏi han, học hỏi và điều chỉnh. Ví dụ như dạy con cách giao tiếp với thầy cô giáo sư ĐH, tiếp cận với Giáo sư Việt Nam tại Mỹ, kết nối với các anh chị DHS đã thành danh, "tầm sư học đạo" với người am tường hơn mình để giúp con có nơi chốn học hỏi thêm. Nhóm này sẽ dễ thành công hơn tất thảy về đường học thuật và kiếm việc làm đúng đắn tại Mỹ hoặc ngay khi về Việt Nam đúng chuyên môn.

Nhóm 2: Chịu lắng nghe, thi thoảng mới hỏi, ít khi thảo luận và làm qua loa cho xong (chiếm khoảng 50- 60%)

Nhóm này khá phổ biến. Do phần lớn bố mẹ ở quê nhà cũng còn mơ hồ về văn hóa Mỹ, kiến thức ngoại ngữ giới hạn, thông tin nhặt nhãnh trên internet và điều kiện xa xôi nên khi trao đổi với con cũng không đầy đủ hoặc không đúng lúc (múi giờ khác nhau). Các bạn HSSV sau khi sang Mỹ mở mang nhiều ra và có chút "tự hào" là mình đã biết, bố mẹ ở nhà không nắm rõ hơn mình. Dù các bạn vẫn "ngoan" lắng nghe nhưng không có thảo luận gì. Gặp phải vấn đề liên quan mà ba mẹ yêu cầu gay gắt thì vẫn làm nhưng rất qua loa. Đến khi "hậu quả" ập đến sát nút mới kêu gào, cuống cuồng nhờ vả cha mẹ, người thân.

Giải pháp: Nhóm này cha mẹ hết sức lưu ý, dành thời gian theo dõi sát sao hơn. Nếu ba mẹ không am hiểu thì nên "thành thật" tìm kiếm người am hiểu và giúp kết nối với con ở Mỹ. Lưu ý về các nhóm bạn bè mà con đang giao du. "Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ biết bạn là ai"- thành ngữ đã nói như vậy và "lựa bạn mà chơi". Do thiếu hiểu biết, xa nhà, không ai giám sát, bạn trẻ sẽ "học hỏi" rất nhanh nhóm bạn bè lớn tuổi hơn. Nếu lỡ giao du với 1 vài anh chị hay vi phạm pháp luật thì rất dễ con mình bắt chước vi phạm theo. Ba mẹ hết sức cẩn thận và thường xuyên để mắt đến con mình. Lơ là thì chẳng mấy chốc gia nhập nhóm 3.

Nhóm 3: Không lắng nghe, hiếm khi hỏi hay thảo luận và thích làm theo ý mình nghĩ và luôn cho mình đã hiểu biết mọi thứ (chiếm khoảng 20-30%)

Nhóm này tôi gặp không hề ít. Tôi dùng thành ngữ "chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng" để miêu tả các bạn nhóm này. Các bạn ấy nghĩ rằng, mình đi du học được là "giỏi' rồi. Điều này có phần đúng nếu so sánh với số đông nhiều bạn trẻ ở quê nhà không thể du học. Nhiều bạn học tại VN không hẳn kém mà do điều kinh tế gia đình có hạn hoặc gia đình sinh sống các tỉnh thành xa, đầu vào tiếng Anh hạn chế. Tiếng Anh chỉ là kỹ năng mềm, việc một bạn trẻ giỏi tiếng Anh không hẳn tư duy và kiến thức khác của bạn ấy cũng xuất sắc theo.

Giải pháp: Nói một cách thành thật, nhóm này không nên đi du học. Nhóm này chơi nhiều hơn học mà có học thì học những thứ linh tinh ngoài xã hội chứ không chú tâm vào học thuật chuyên môn nghiệp vụ ở trường. Nhận diện rõ nhất là ở các gia đình kinh tế dư dả, nuông chiều con, ba thì bận bịu sự nghiệp, giao khoán 100% cho mẹ và mẹ rất cưng chiều. Hoăc một số bạn sức học vừa phải, tiếng Anh khiêm tốn, cố vào trường TOP rồi đuối, bơi không kịp và buông tay vui chơi, nhiều năm không về do GPA thấp sợ vướng visa. Hoặc một số bạn ban đầu thuộc nhóm 2, nhưng chơi thân với bạn xấu rồi theo bạn, kiếm được tí tiền làm chui rồi thích kiếm tiền tiêu xài hơn là vất vả sự học. Nếu bạn phát hiện con bạn nối dối với cha mẹ thì đích thực bạn ấy đã chen chân vào nhóm 3 này rồi.

Bác chia sẻ tí kinh nghiệm mà bác đã quan sát nhiều năm. Bác không nói "cụ thể" ai, con nhà ai và cũng không hề đả kích ai hết. Bác chỉ mong "vẽ" lên 3 bức tranh chung nhất để bố mẹ nhận diện về con mình mà tìm giải pháp giáo dục và quản lý hiệu quả.


Sep 09, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email