Trường Chuyên Để Làm Gì?

 

Đã có nhiều người viết về mô hình trường chuyên. Ví dụ TS Nguyễn Quốc Toàn có bài rất hay trên VNExpress: Lời thách đố với các trường chuyên. Gần đây một số anh chị chuyên Ams đưa ra ý kiến phản biện về mô hình chuyên Hà Nội – Amsterdam. Các anh chị là học sinh trường chuyên, thậm chí là của chính trường Ams, chia sẻ với tư cách của “người trong cuộc”. Tôi không học trường chuyên, thì tôi chia sẻ góc nhìn của một “người ngoài cuộc” thì chắc cũng hợp lý.

Tranh luận về trường chuyên có hai vấn đề cần tách ra: Thứ nhất là mô hình dạy môn chuyên có nên tồn tại hay không? Thứ hai là trường chuyên là một dạng trường VIP, như thế có phá hỏng công bằng trong giáo dục công lập không?

Ở câu chuyện thứ nhất, trường chuyên đào tạo môn chuyên tôi không thấy có gì sai cả. Vì nó là môn chuyên ở khối trung học phổ thông (tức sau khi đã hoàn thành 9 năm giáo dục cơ bản, bản chất là dự bị đại học) thì việc đào tạo theo môn chuyên sâu khá giống với mô hình A level với tổ hợp 3-4 môn chuyên của hệ thống Anh và chương trình Cambridge đang gây sốt ở Việt Nam. Nếu chúng ta chuộng mô hình Cambridge đến vậy và thấy đó là tiên tiến thì cũng không có lý do gì không thể chấp nhận mô hình dạy môn chuyên của các trường chuyên. Trước đây các trường phổ thông bình thường cũng có mô hình phân ban, từng bị chỉ trích, nhưng thực ra phân ban hay không phân ban có thể coi như các lựa chọn khác nhau như chương trình Anh (phân ban, chuyên sâu, chuẩn bị cho chuyên ngành đại học) hay chương trình Mỹ (học rộng đủ 24 tín chỉ, chuẩn bị kiến thức rộng thay vì bó hẹp vào các môn chuyên ngành đại học từ sớm). Lựa chọn nào cũng có ưu và nhược điểm, và nhược điểm của mô hình này là ưu điểm của mô hình kia. Học sinh và phụ huynh cũng nên nghĩ thoáng, nếu thích mô hình chuyên sâu như A level thì chọn học trường chuyên, còn thích học rộng kiểu libral arts (giáo dục khai phóng) kiểu Mỹ thì chọn học trường không chuyên. Đến đây thì chuyển sang câu chuyện thứ hai, trường chuyên có phải là trường VIP không, và nó có nên tồn tại không?

Nếu hiểu trường VIP là trường tuyển được toàn các học sinh ưu tú, có sức học thuộc nhóm 5-10% cao nhất thì trường chuyên đúng là trường VIP. Chúng ta có mô hình chuyên quốc gia (nằm tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM bao gồm cả trường chuyên nằm trong trường đại học), tuyển sinh cả nước và hệ thống trường chuyên tỉnh (hầu hết các tỉnh đều có trường chuyên, tuyển học sinh giỏi trong khắp tỉnh). Nếu hiểu học giỏi là một loại tài năng bên cạnh các năng khiếu khác như âm nhạc, thể thao, thì việc lập trường chuyên để phục vụ các em có “năng khiếu học tập” vượt trội cũng không có gì quá đáng, vì bên cạnh trường chuyên, nhà nước còn có nhiều các trường năng khiếu và chuyên biệt khác, như trường năng khiếu âm nhạc, trường năng khiếu thể dục thể thao…

Nếu hiểu trường chuyên là trường VIP theo nghĩa trường được đầu tư tiền bạc nhiều hơn các trường khác thì đó là một vấn đề tranh luận hợp lý liên quan đến việc trường chuyên có ảnh hưởng hay không đến công bằng giáo dục – một sứ mệnh của giáo dục công lập ở khắp nơi trên thế giới. Theo tôi biết về trường Hà Nội – Amsterdam thì lịch sử ra đời của trường là từ khoản tiền quyên góp của người dân thành phố Amsterdam (Hà Lan) để ủng hộ nhân dân Việt Nam trong chiến tranh, chính vì vậy tên trường có chữ Ams này. Ở Việt Nam có nhiều trường có cái tên “Tây” như vậy như trường Việt Nam – Cu Ba, trường Hermann Gmeiner, vv.. Còn việc trường Ams có được cơ ngơi 400 tỷ đồng trên khu đất 5 ha thì đó là món quà của thành phố Hà Nội tặng cho trường nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội như một cách tôn vinh truyền thống hiếu học tại Hà Nội, cũng như thể hiện sự quan tâm tới việc đào tạo nhân tài của một ngôi trường đã chứng tỏ được là trường xuất sắc về thành tích.

Đầu tư cho trường VIP vì đó là trường đào tạo nhân tài, điều đó có gì sai với nguyên tắc công bằng trong giáo dục không? Theo tôi biết thì không có gì sai, vì mô hình đó có ở nhiều nước. Việc lập trường để đào tạo nhân tài trong hệ thống công sẽ không có gì bất công, nếu trường tuyển sinh dành cho tất cả các đối tượng không phân biệt giàu nghèo, chỉ phân biệt trình độ. Không phân biệt giàu nghèo thể hiện ở chỗ không thu học phí cao hơn một trường công khác khiến học sinh nghèo đậu vào trường không thể theo học nổi. Còn phân biệt trình độ thể hiện qua việc thi tuyển công khai, chọn lựa học sinh theo các tiêu chí minh bạch mà ai cũng được biết.

Nếu trường chuyên được xem như trường đào tạo nhân tài học thuật cho đất nước, cho tỉnh/thành phố, thì việc không đầu tư nhiều hơn trường khác mới bị xem là lạ lùng. Nếu trường chuyên không được đầu tư nhiều hơn, tôi dám chắc dư luận xã hội sẽ lại dậy sóng với thắc mắc: tại sao trường chuyên không được đầu tư đúng mức.

Đầu tư cho trường chuyên, trường đào tạo nhân tài, thì đạo lý công bằng trong giáo dục nằm ở đâu? Nó nằm ở chỗ học sinh trong trường đào tạo nhân tài được định hướng là sẽ phụng sự cho đất nước, và được kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều hơn cho đất nước sau này. Có lẽ việc đóng góp này nên được hiểu theo nghĩa rộng lớn, không phải là cựu sinh viên sau này cần phải quay về trường đóng góp vào một cái quỹ trả nghĩa trực tiếp cho trường, mà là trả lại cho xã hội thông qua sản phẩm khoa học trìn độ cao, thông qua những chính sách sáng suốt, thông qua những cống hiến làm xã hội phát triển nhanh hơn, tốt đẹp hơn. Nếu theo nghĩa đó thì việc đầu tư cho trường chuyên không có gì là không công bằng. Nếu chúng ta thấy khó hiểu thì có thể hình dung câu chuyện Việt Nam như thế này: gia đình nông dân, nhà nghèo con đông, chỉ có thằng anh có sức học tốt, cha mẹ bèn đầu tư cho nó học hết khả năng. Nghĩa vụ bất thành văn của nó là sau này đi làm rồi thì quay lại đóng góp cho cả nhà, hoặc là tìm cách kéo đàn em 5-7 đứa ở phía sau lên. Đó là đạo lý đang được áp dụng với các trường chuyên định hướng đào tạo nhân tài.

Khi nào thì trường chuyên trở thành bất công?

- Đó là khi trường chuyên thu phí cao hơn trường bình thường, trở thành một dạng trường dịch vụ cho những ai có khả năng chi trả học phí cao hơn bình thường, loại bỏ những học sinh không thể trả mức học phí đó. Theo nghĩa này thì trường công chất lượng cao, hệ chất lượng cao trong trường công đáng lên án hơn trường chuyên.

- Đó là khi việc tuyển chọn không minh bạch, có gian dối mà những người có ưu thế có thể “chạy” được suất vào trường chuyên bằng tiền, bằng quyền lực, bằng mối quan hệ.

- Đó là khi học sinh trường chuyên từ chối ưu tiên phụng sự đất nước trong lựa chọn của mình, và trường chuyên trở thành nơi sử dụng ngân sách ưu tiên của quốc gia để đào tạo nhân tài cho một quốc gia khác (điều này chỉ đúng trong phạm vi quốc gia, còn trên lý thuyết thì nhân tài là tài sản của cả nhân loại)

- Đó là khi trường từ bỏ giảng dạy chương trình quốc gia để giảng dạy các chương trình quốc tế vì thừa nhận chương trình quốc gia thấp kém hơn chương trình quốc tế hay chương trình nước ngoài.

Tôi không thấy có gì bức xúc với trường chuyên nếu nó vẫn tiếp tục là trường công lập thu học phí như trường công khác, định hướng đào tạo nhân tài, lựa chọn áp dụng mô hình môn chuyên sâu như A level, minh bạch trong tuyển chọn học sinh. Học sinh học trường chuyên lại càng không nên băn khoăn là mình có gì sai không. Có lẽ học sinh trường chuyên chỉ nên tập trung vào những gì được kỳ vọng của trường chuyên: đó là quay lại đóng góp cho đất nước nơi dành nguồn lực ưu tiên để đào tạo nhân tài, là tiếp tục đóng góp cho cộng đồng lớn hơn. Đó là luật bất thành văn của các trường đào tạo nhân tài, mà luật này chẳng bao giờ ghi trong văn bản nào cả.

Texvn Tham Khảo Từ Nguồn Harry Bùi Khánh Nguyên - Anh Cá Heo - Diễn giả độc lập về giáo dục


Aug 16, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL