Ước Mơ Xây Dựng Đại Học Đẳng Cấp Quốc Tế Ở Việt Nam

 
ƯỚC MƠ XÂY DỰNG ĐẠI HỌC ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM:
KINH NGHIỆM VÀ BÀI HỌC TỪ HỆ THỐNG ĐẠI HỌC CÔNG LẬP BANG FLORIDA (HOA KỲ)
 

Ngày 27/6, Đại học Florida International University (FIU) sẽ chính thức được công nhận là đại học ưu tú (preeminent state research university) của bang Florida sau khi đạt 11 trên 12 tiêu chí đánh giá, trong đó có tiêu chí đạt top 50 đại học công (public university) của nước Mỹ trên ít nhất 2 bảng xếp hạng uy tín. Trước đó, đã có 3 đại học của bang Florida đạt đẳng cấp preeminent này, là University of Florida (UF), Florida State University (FSU) và University of South Florida (USF). Đại học University of Central Florida (UCF), một trong 5 đại học công lập thuộc nhóm nghiên cứu cao nhất R1 (theo phân loại của Carnegie Classifications), chậm hơn một chút, đặt mục tiêu đạt preeminent vào năm 2027.

Từ một bang được biết tới với mức học phí dễ chịu và chất lượng giáo dục trung bình khá, Florida vươn lên vị trí số 1 về giáo dục đại học (higher education) nhờ chính sách giáo dục hướng tới đại chúng, vì sự thành công của người học, nhấn mạnh vai trò của đại học là giảng dạy - nghiên cứu - phụng sự cộng đồng. Và đặc biệt, nỗ lực cải tổ các đại học theo hướng phân bổ ngân sách theo hai hướng: (1) performance-based funding (cấp ngân sách theo năng lực, thành tích dựa trên các tiêu chí đo lường cụ thể - metrics) và (2) preeminence funding (cấp thêm ngân sách cho việc chứng minh có thể trở thành đại học xuất sắc ở tầm quốc gia). Nhờ chiến lược này mà trong vòng hơn 10 năm thực hiện (2013 - 2024), bang Florida hiện có 4 đại học preeminent (UF, FSU, USF, FIU), 1 đại học emerging preeminent university (UCF), 1 emerging preeminent liberal arts college (New College of Florida - NCF), và các đại học University of Distinction khác như FAU, Florida Poly… Các đại học bang Florida cũng có cuộc lột xác ngoạn mục khi liên tục tiến nhanh trên bảng xếp hạng đại học Mỹ, cũng như có các đại diện tham gia vào hiệp hội của các đại học nghiên cứu uy tín AAU, gồm UF, USF, UM…

Việt Nam đã ấp ủ việc xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế ở trong nước vài chục năm qua, nhưng cho tới thởi điểm này, khó để có thể gọi tên ra đại học nào xứng đáng là đại học quốc tế của Việt Nam, là niềm tự hảo học thuật của đất nước, là think tank dẫn dắt và ảnh hưởng tới khoa học và chính sách của Việt Nam, cũng như trở thành “đối thủ” với các đại học nước ngoài trong việc níu chân sinh viên ở lại trong nước học.

Việc xây dựng một đại học đòi hỏi thời gian. Điều đó hoàn toàn đúng. Nước Anh có nhiều đại học có lịch sử hàng thế kỷ. Nước Mỹ không hiếm các đại học có bề dày kinh nghiệm trong khoảng 100 - 200 năm. Việt Nam lập quốc năm 1945, sang năm tròn 80 năm. Quãng thời gian đó không quá dài với với một trường đại học, nhưng không hề ngắn. Các tổ chức đánh giá, xếp hạng đại học như QS hay Times Higher Education (THE) chọn mốc 50 năm để ghi nhận thành tựu của các đại học trẻ (young university), nghĩa là thực tế chứng minh hoàn toàn có khả năng một đại học có thể thành công trong khoảng thời gian dưới 50 năm. Những cái tên nổi bật trên các bảng xếp hạng đại học trẻ đến từ Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan… ở rất gần chúng ta cho thấy bài học là có khát vọng thực sự, hay biết cách làm hay không thôi, còn thực tế là “có thể làm được”.

Các mô hình đại học gọi nôm na là “đại học đẳng cấp quốc tế” của Việt Nam được khởi động với nguồn vốn vay (trung bình trên dưới 200 triệu USD/đại học) và vốn đối ứng của chính phủ, thử nghiệm với nhiều mô hình và đối tác khác nhau, bao gồm:

- Đại học Việt Đức (VGU, Bình Dương): Với đối tác là một liên minh các đại học Đức, đại học này dạy bằng tiếng Anh, thêm ngoại ngữ phụ tiếng Đức, tập trung vào khối ngành kỹ thuật, bằng cấp do đại học Đức cấp.

- Đại học Việt Pháp (tên gọi chính thức là Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - UTSH): thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, với đối tác là một liên minh các đại học Pháp bảo trợ, dạy bằng tiếng Anh, trường cũng tập trung đào tạo các chương trình kỹ thuật.

- Đại học Việt Nhật (thành viên của Đại học quốc gia Hà Nội): Trường hiện tuyển sinh hạn chế số lượng chuyên ngành và sinh viên, với sự hỗ trợ của nhóm các đại học Nhật.

- Đại học Việt Anh (thực tế trở thành Viện đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng): Từ dự án ban đầu của một đại học, hiện chỉ còn là một Viện, tuyển sinh một số chương trình liên kết chuyển tiếp với đại học ở Anh, và một số chương trình dạy tại chỗ.

Hiện nay các đại học công lập quốc tế này vẫn ở vị trí “thường thường bậc trung” ngay ở trong nền giáo dục trong nước, chưa chứng tỏ được sự vượt trội so với các đại học bình thường khác của Việt Nam như mô hình Đại học quốc gia, Đại học quốc tế, Viện đào tạo quốc tế… của các đại học truyền thống.

Một số nghiên cứu cho thấy các đại học công lập quốc tế kể trên ở trong tình trạng “lỡ cỡ” khi tuyển sinh: chỉ có thể thu hút được sinh viên khá và phải có chút điều kiện tài chính, khó mà thu hút được học sinh giỏi hay xuất sắc. Lý do là nếu các học sinh vừa học giỏi, vừa có điều kiện tài chính sẽ nghĩ đến du học đầu tiên. Các em giỏi thực sự và không có điều kiện tài chính, sẽ tập trung vào việc “săn học bổng”du học hoặc học các đại học công lập hàng top với chi phí thấp và có thể đảm bảo cơ hội việc làm trong nước. Các em sức học khá, trung bìnhcó điều kiện tài chính tốt, cũng sẽ ưu tiên du học.

Quá trình quốc tế hóa của đại học trong nước vẫn diễn ra, dù chậm.`Hầu hết các đại học trong nước đều xây dựng chương trình liên kết quốc tế với đại học nước ngoài. Trong khi mục tiêu chính của việc liên kết giáo dục là học hỏi và chuyển giao công nghệ dạy học và chương trình từ đại học nước ngoài, rất nhiều đại học trong nước trở thành đối tác tuyển sinh và “dạy thuê” cho các đại học “thường thường bậc trung” ở nước ngoài. Sự tác động của các chương trình đơn lẻ từ nước ngoài không đủ để lan tỏa cho toàn bộ trường học tại Việt Nam trong điều kiện yếu kém về quản trị, ngoại ngữ, hạn chế năng lực nghiên cứu, cơ sở vật chất, tài chính hạn hẹp.

Rất nhiều chương trình chất lượng cao hiện có điểm tuyển sinh đầu vào kém hơn hệ bình thường, chỉ thu phí cao hơn và phòng học có thêm máy lạnh, vv… Một số chương trình chuyển hướng sang dạy bằng tiếng Anh, song ở một chừng mực nào đó bị chỉ trích vì cả thầy cô và sinh viên kém cả tiếng Anh lẫn chuyên môn so với hệ bình thường dạy bằng tiếng Việt. Có lẽ chỉ còn hệ cử nhân tài năng là còn tiệm cận với mong đợi về “chuẩn quốc tế” mà các đại học đặt ra.

Trong khi đó, lĩnh vực giáo dục ngoài công lập vẫn tiếp tục sôi động, tìm kiếm các mô hình khác nhau để vừa thích ứng với thị trường, vừa nâng cao chất lượng. Có một vài điểm sáng:

- Đại học RMIT: là phân hiệu nước ngoài của một đại học tầm khá ở Úc, RMIT định vị thực tế hơn bằng cách tập trung vào đào tạo nghề cho thị trường lao động hơn là cố gắng trở thành đại học nghiên cứu, như tại Úc chẳng hạn. Với thời gian học trung bình 3 năm, đào tạo các chuyên ngành thị trường cần nhiều như kinh doanh, thiết kế, học bằng tiếng Anh, toàn bộ học phí chương trình cử nhân trung bình 1 tỷ đồng, đây là một trong những lựa chọn value for money với một số lượng lớn sinh viên với tư duy thực tế “học ra để đi làm”. Hiện RMIT tuyển sinh rất thành công ở cả TP. HCM và Hà Nội.

- Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV): Mô hình tương đối giống với RMIT, nhưng khác ở chỗ BUV không có điểm tựa là chi nhánh của một đại học “mẹ” tại nước ngoài như RMIT. Đổi lại, BUV có một số chương trình tự mình cấp bằng, một số khác “nhờ” đại học đối tác tại Anh cấp bằng. Trường gần đây cũng tiên phong đạt được kiểm định QAA - là một kiểm định chất lượng của chính phủ Anh, giống với hầu hết các đại học tại Anh. BUV chỉ có cơ sở ở phía Bắc, và cũng đang tuyển sinh tốt.

- Đại học Fulbright (FUV): là đại học khai phóng, rất được kỳ vọng để trở thành một đại học nghiên cứu mẫu mực kiểu Mỹ, với sự ủng hộ của cả chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, trường gặp khó khăn khi chưa huy động được nguồn kinh phí dự kiến 70 triệu USD để phát triển trường. Văn hóa ở Việt Nam không giống như ở Mỹ, chưa có tỷ phú người Việt nào tặng các khoản từ thiện (endowment) hàng triệu, hàng tỷ USD vào trường để lại di sản cho thế hệ trẻ. Trong tương lai, nếu có triệu phú, tỉ phú nào của Việt Nam thực sự có tấm lòng với sự nghiệp giáo dục, đừng nên bỏ vốn mở trường làm gì, thay vào đó nên đóng góp, hiến tặng tài sản vào cho các tổ chức chuyên nghiệp và nhiều tiềm năng như Đại học Fulbright để ít nhất Việt Nam có hy vọng xây dựng được một đại học cỡ NUS hay NTU ở trong nước phục vụ cho hàng ngàn/chục ngàn thanh niên Việt mỗi năm. Địa vị của FUV cũng chơi vơi khi không phải đại học Mỹ, hay chi nhánh đại học Mỹ, hay được bảo trợ tài chính bởi chính phủ Mỹ. Hiện đã có khóa sinh viên tốt nghiệp mà campus của trường còn chưa được xây dựng.

- Đại học FPT: Đại học này nằm trong một hệ sinh thái giáo dục nhiều cấp của tập đoàn FPT, và có hậu thuẫn thương hiệu mạnh mẽ từ các công ty công nghệ của tập đoàn này. Các chương trình Khoa học máy tính của đại học FPT hiện nằm trong top 3 các chương trình tốt nhất tại Việt Nam, sau các thương hiệu Bách khoa và Tự nhiên. Chỉ tập trung đào tạo Khoa học máy tính, Kinh doanh, Ngôn ngữ nước ngoài…, đại học FPT là một ví dụ tiêu biểu về thành công của một đại học thuộc doanh nghiệp lấy thị trường lao động làm thước đo chất lượng đào tạo. Nên nhớ, một số đại học thuộc doanh nghiệp hoặc là không về đích, hoặc là không đạt được mức độ thành công như của FPT cả về chất lượng vả thương mại, như Đại học Tân Tạo (tập đoàn Tân Tạo), dự án Đại học FLC (tập đoàn FLC), Đại học VinUni (tập đoàn Vingroup)…

- Đại học Duy Tân: Là một đại học tư thục, trường này giành được sự tự chủ về quản trị để phát triển, khác với Đại học Tôn Đức Thắng vẫn phải vận hành theo cơ chế của một trường công. Trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế, chính Đại học Duy Tân và Đại học Tôn Đức Thắng là hai cái tên giúp Việt Nam lọt vào nhóm 1.000 đại học trên thế giới, và cũng thường xếp cao hơn hai đại học quốc gia của Việt Nam với lịch sử lâu đời hơn rất nhiều. Một số chương trình Khoa học máy tính và Kỹ sư của Đại học Duy Tân đạt kiểm định ABET tại Mỹ, là dấu kiểm định phá đi bất cứ sự nghi ngờ nào về tiêu chuẩn quốc tế của họ.

Khi mô hình đại học quốc tế trong nước chưa định hình được các đại học đầu đàn (flagship), thì rời khỏi đất nước đi du học là một lựa chọn tất yếu. Nhưng chúng ta không nên kỳ vọng thế hệ du học sinh trở lại Việt Nam có thể làm thành một thế hệ với thành tựu lừng lẫy gì bởi lực lượng này không đủ đông đảo về số lượng (khác Trung Quốc, Hàn Quốc), đã bị “ngắt” mất rất nhiều nhân tài ở lại nước ngoài, đồng thời phân tán vì sinh viên học các chuyên ngành khác nhau, trở về từ các nước khác nhau, mối liên kết lỏng lẻo khi về nước.

Để thay đổi số phận đất nước, vẫn cần những đại học hàng đầu ở ngay trong nước, với quy mô đào tạo hàng chục ngàn sinh viên mỗi năm ở đủ các chuyên ngành trọng yếu, và quan trọng hơn cả trường phải là “cỗ máy cái” về nghiên cứu để có thể có ảnh hưởng tới cộng đồng. Chức năng của đại học không phải chỉ có truyền bá kiến thức (giảng day), mà còn là sản sinh kiến thức mới (nghiên cứu), và phụng sự cộng đồng (ứng dụng khoa học vào cuộc sống, tác động đến chính sách kinh tế, xã hội).

Khi thấy các đại học công bố thu học phí hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm, đó là tin buồn chứ không phải tin vui. Những sinh viên nghèo còng lưng đóng học phí mỗi năng tăng mạnh trong khi chất lượng đại học đi lên rất chậm, và hầu như không đạt được yêu cầu của thị trường.

Hãy nhìn vào trình độ phần mềm của Mỹ, Ấn Độ, phim của Hàn Quốc, thương mại điện tử của Trung Quốc, quản lý tài chính của Singapore, Hong Kong… để thấy chúng ta cần lực lượng người lao động có trình độ thế nào để cạnh tranh và phát triển.

Trường hợp phát triển và nâng tầm các đại học công của chính quyền bang Florida là một câu chuyện thành công rất đáng để học hỏi với Bộ giáo dục VN, hoặc với Đại học quốc gia của Việt Nam về hỗ trợ tài chính và định hướng cho các đại học thành viên, đồng thời tạo áp lực thay đổi thông qua những tiêu chuẩn, tiêu chí có thể đo lường được, theo dõi (track) được để về đích.

Xin tìm hiểu thêm cách lập chiến lược, kế hoạch triển khai, và đo đếm hiệu quả vận hành của các đại học công của bang Florida tại đây:

(CẬP NHẬT) CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CỦA ĐẠI HỌC TOP CỦA NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Thời thế đã thay đổi: kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn một chút (dù quốc gia vẫn là nước kém-đang phát triển), Việt Nam được chú ý trên bản đồ đầu tư nước ngoài (FDI). Giao lưu, liên kết trong giáo dục phát triển hơn cùng với quá trình toàn cầu hóa. Các đại học nước ngoài cũng khó “kén cá chọn canh” hơn trước vì phải tuyển sinh viên quốc tế để tồn tại, đặc biệt khi người học có khả năng tự học cao hơn qua môi trường mạng, cũng như các nhà tuyển dụng ở các nước phát triển không quá coi trọng bằng đại học mà coi trọng khả năng làm được việc cũng như sự phù hợp của ứng viên với tính chất công việc, dẫn tới bằng đại học mất giá trên thị trường lao động. Điều đó dẫn tới điểm lợi là nhiều đại học top đã liên kết và giảng dạy hoàn toàn tại Việt Nam, một quốc gia phương Đông vẫn còn tâm lý chuộng bằng cấp, nhất là bằng cấp nước ngoài và của phương Tây.

1/ Đại học Mỹ: Các đại học top 20 của Mỹ chưa có trường nào triển khai chương trình tại Việt Nam.

- Hiện VinUni có chương trình hợp tác, sau khi học cử nhân ở VinUni thì vào học thẳng thạc sĩ của Đại học Illinois Urbana - Champaign (UIUC, hạng 35 theo US News).

- Đại học Northeastern (hạng 53 US News) có chương trình liên kết 2+2 với Đại học Kinh tế TP. HCM (Viện ISB).

- Lâu đời hơn là chương trình Excutive MBA của Đại học Hawaii at Manoa (hạng 170 US News) triển khai tại Việt Nam từ năm 2001, sau một thời gian gián đoạn, đã quay lại tuyển sinh.

2/ Đại học Anh: Các đại học thuộc nhóm top đầu Russell Group có:

- Trường Kinh tế & Chính trị London (LSE) có chương trình tại Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV).

- Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác tại Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM.

3/ Các đại học nhóm Group 8 của Úc:

Có nhiều đại học nhóm Group 8 liên kết ở Việt Nam, bao gồm:

- Đại học Monash: liên kết với Học viện Ngoại giao, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT, Viện đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng), Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Đại học Kinh tế TP. HCM, Đại học Y - Dược TP. HCM, Đại học Bách khoa TP. HCM, Đại học Quốc tế…

- Đại học Queensland: liên kết với Đại học Quốc tế, Đại học Bách khoa TP. HCM

- Đại học Adelaide: liên kết với Đại học Kinh tế TP. HCM, Đại học Bách khoa TP. HCM

- Đại học Sydney: liên kết với Đại học Quốc tế

4/ Canada: Các trường top 3 của Canada gồm University of Toronto, McGill University và University of British Columbia chưa có hoạt động liên kết tại VN.

5/ Singapore:

- Đại học quốc gia Singaore - NUS (hạng 1 Singapore) có chương trình liên kết 3+1 với Đại học Quốc tế, học trong 4 năm lấy bằng cử nhân Đại học quốc tế và bằng Thạc sĩ Đại học NUS

- Đại học Nanyang Technological University - NTU (hạng 2 Singapore): có chương trình International MBA liên kết với Đại học Kinh tế TP. HCM, học 100% tại Việt Nam.

6/ New Zealand:

- Đại học University of Auckland (hạng 1 New Zealand) có chương trình liên kết với Đại học Bách khoa TP. HCM

- Đại học Auckland University of Technology (top 3) có chương trình liên kết với Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM

Ngoài các trường đại học của các nước nói tiếng Anh kể trên, có một số trường đại học lớn của Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… có chương trình đào tạo tại Việt Nam, nhưng do là quốc gia nói ngôn ngữ khác nên “lép vế” hơn và ít được biết tới hoặc ít được ưa chuộng.

 


Aug 19, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL