Đi Thi Speaking Đạt 9.0 Từ Vựng???
Hello mọi người. Như mọi người đã biết, các thí sinh có thể nhận breakdown điểm từ IDP và BC nên mình cũng thử gửi request điểm breakdown các lần thi của mình ở IDP nhằm xem xét và tự cải thiện bản thân.
Lần mình thi đợt 2020 là lần thi thứ 3 của mình và mình được 8.5 Speaking. Lúc đó mình cũng bất ngờ và không biết tiêu chí nào gánh điểm mà điểm lên cao vậy (bình thường mình expect 8.0 với cả 4 tiêu chí 8.0 thôi). Mình thì khá tự tin vào phát âm và độ trôi chảy khi nói của mình nên đoán là 2 tiêu chí đó là những tiêu chí mình được 9. Cơ mà nó lạ lắm mọi người ạ. Lúc mình nhận điểm Breakdown mình khá sốc vì hóa ra Pronunciation của mình chỉ 8.0, còn điểm Lexical Resource - điểm từ vựng thì lại đạt 9.0.
Dù không quá tự tin với từ vựng của bản thân lắm cơ mà do may mắn đạt được điểm này (và khá stable 8 cho tiêu chí này ở các lần thi sau) nên mình cũng chia sẻ một chút về cách học từ vựng của mình và cách áp dụng nó vào IELTS.
1. Nếu Không Đọc Được Thì Nghe Nhiều Hơn
OK mình biết điều này sẽ đi trái lại rất rất nhiều những bài chia sẻ khác mà các bạn có thể tìm được trên mạng. Nhưng thực sự có những người không thích đọc sách báo thật ấy, cụ thể là mình. Mình dễ bị mất kiên nhẫn khi đọc sách nên chỉ đọc được khoảng 20-30 phút là dừng chứ không đọc cuốn mấy tiếng liền được. Một phần là do loại sách mình đọc thiên về ngoại văn và các chủ đề xã hội nhiều nên có thể sẽ hơi nhàm chán và cần nhiều não lúc đọc nữa. Một phần vì mình là 1 “audio learner” tức là mình học qua việc nói và nghe sẽ tốt hơn và việc nhìn và viết. Thế nên bình thường mình sẽ hay xem news, xem info-video hoặc xem documentary để cập nhật kiến thức, từ vựng, và cách tư duy.
Bình thường thay vì mỗi lần nghe là take note thì mình sẽ lựa chọn việc tự tóm tắt lại những gì mình nghe được bằng một số từ khóa (hoặc từ hay) sau đó sẽ tự present lại những thông tin đó theo cách hiểu của mình. Điều này giúp cho việc mình sử dụng từ vựng khá tự nhiên vì bản thân đã diễn đạt và áp dụng từ đó trong câu hoàn chỉnh và ngữ cảnh cụ thể rồi nên sẽ dễ thuộc dễ nhớ hơn nhiều.
Ngoài ra mình cũng hay xem đi xem lại 1 video nào đó khoảng tầm 2-3 lần nhưng mỗi lần cách nhau một khoảng thời gian nhất định. Điều này vừa giúp mình nhớ được kiến thức vừa giúp mình ôn lại được các từ vựng đã học. Các bạn có thể thử cách này thay vì chỉ xem hay đọc cái gì một lần nhé. Mình tin mỗi lần nghe hay đọc lại bạn lại khám phá ra điều gì đó mới lạ đó :>
2. Hãy Show Từ Vựng Ở Các Câu Hỏi Part 3
Thực ra mình biết nhiều bạn học IELTS chỉ tập trung Part 1 và Part 2 (và nhiều trung tâm dạy IELTS cũng chỉ dạy kỹ 2 part này). Nhưng từ sau khi đi một số workshop và xem một số video chia sẻ về IELTS của các giám khảo / cựu giám khảo thì mình được biết Part 3 mới là nơi giám khảo nghe và đánh giá từ vựng của bạn nhiều nhất. Nếu câu hỏi Part 3 càng khó mà các bạn show được càng nhiều từ vựng tốt thì càng dễ được điểm cao. Bài thi đợt 2020 của mình chính là như vậy đấy các bạn.
Đợt mình thi mình bị vào 2 chủ đề lớn ở Part 3 là “Cultural Identity” và “Global Citizenship”. Nói thật chứ 2 đề này mình đi dạy nhiều mình biết, các bạn cấp 3 nhiều bạn hỏi còn chẳng hiểu thực sự về thuật ngữ “Cultural Identity” luôn chứ chưa nói đến việc trả lời câu hỏi. May mắn là mình là đứa học Culture ra, mà lại còn hay nghe tài liệu về chủ đề này nên có kha khá từ vựng nên xoay xở được. Hôm đó mình may mắn trả lời được tất cả các câu giám khảo hỏi, bao gồm cả những câu follow-up questions (nghe phong phanh những câu này giúp giám khảo xác định được các bạn có học thuộc lòng không á). Ngoài việc trả lời được thì nội dung câu trả lời của mình cực bám sát câu hỏi, đúng trọng tâm chứ không lan man lạc đề. Nhiều bạn cứ bảo giám khảo không chấm idea đâu nói gì chẳng được. Nhưng mà các bạn phải hiểu giám khảo không chấm idea nhưng nếu các bạn không có idea về chủ đề này thì các bạn sẽ bị trừ điểm Lexical Resource thôi, mục Topic Vocabulary ấy các bạn. Thế nên đừng tin mấy đứa trên mạng bảo nói linh tinh lan man cũng được miễn là fluent nha, nó chỉ giữ được điểm Fluency thôi còn điểm từ vựng ra chuồng gà nha.
3. Không Nhất Thiết Phải Có Idioms Trong Bài
Mình nhớ lần mình đi thi thì chỉ dùng đúng 1 cụm. Khi bị hỏi là “Do you usually stay up late at night?” thì mình trả lời là “I’m actually a night owl” thôi chứ không còn một lần nào mình dùng idiomatic expression nữa luôn á. Bản thân mình thấy các cụm từ mà các bạn hay được dạy trên mạng nó rất rất uncommon luôn á, đến cả người bản ngữ trẻ cũng chẳng biết những cụm đấy nó ở đâu ra luôn. Thay vì các bạn cố gắng học mấy cái cụm vừa khó nhớ vừa khó dùng thì có thể tập trung học từ vựng theo chủ đề nhé! Quyển “Vocabulary for IELTS” có khá nhiều từ vựng ổn cho tầm band B2-C1 để các bạn có thể tham khảo đó. Việc học các cụm từ này không chỉ giúp các bạn Speaking tốt mà cả trong Writing, Listening hay Reading thì cũng đều cần luôn. Chứ không phải chỉ thi thoảng mới áp dụng được (mà có khi còn sai) khi học đống idioms.
Vì vậy các bạn nhớ nha, không cần dùng idioms, không cần dùng idioms, không cần dùng idioms - điều quan trọng nhắc lại ba lần.
4. Kết Lại
Việc mình học từ vựng cũng mất rất nhiều thời gian và trong vòng mấy năm trở lại đây từ khi học IELTS mình đã trau dồi từ cực kỳ nhiều nguồn và cố gắng. Cơ mà mình luôn cố truyền đạt cho các bạn những từ vựng vừa phải, không quá đao to búa lớn và sát với chủ đề hơn, vừa áp dụng cho Speaking và cả ba kỹ năng còn lại.
Mong rằng các bạn có thể rút ra được cách học phù hợp cho bản thân và áp dụng thật tốt khi đi thi nhé! :>
Sep 17, 2024