Nên Cho Con Học IELTS Khi Nào? Điểm IELTS Bao Nhiêu Là Giỏi Tiếng Anh?

Thời gian qua, nhiều phụ huynh (PH) sốt sắng việc chuẩn bị cho con học IELTS từ quá sớm. Điều này cũng dễ hiểu vì chứng chỉ IELTS được coi như giấy thông hành vào nhiều trường đại học và miễn thi môn tiếng Anh tốt nghiệp cấp 3. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra là nên học IELTS khi nào? Điểm IELTS bao nhiêu thì được coi là giỏi tiếng Anh? Bài viết này sẽ chia sẻ một số lời khuyên cho PH và học sinh (HS) về vấn đề này.

1. Học IELTS từ khi nào?

IELTS là viết tắt của International English Language Testing System, là bài kiểm tra năng lực tiếng Anh được công nhận rộng rãi trên toàn cầu. IELTS được hầu hết các trường đại học ở các nước Anh, Mỹ, Úc, Canada, New Zealand và nhiều quốc gia khác chấp nhận.

Về câu hỏi học IELTS từ thời điểm nào, thực tế là không có thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, việc thi IELTS có thể bị giới hạn bởi độ tuổi tối thiểu tùy theo quy định của từng đơn vị tổ chức thi như IDP và BC.

2. Có nên cho con học IELTS từ quá sớm?

Điều quan trọng là PH cần xác định rõ mục đích học IELTS của con em mình. Đối với học sinh cấp 1, chứng chỉ IELTS hoàn toàn không cần thiết. Việc học IELTS quá sớm, đặc biệt khi chưa có mục tiêu cụ thể, sẽ tạo áp lực không đáng có và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm yêu thích ngôn ngữ của trẻ. Ở độ tuổi này, trẻ nên được học tiếng Anh thông qua các chương trình học chuẩn Cambridge như KET, PET hay FCE với nội dung và kiến thức phù hợp lứa tuổi.

Học sinh từ lớp 8 có thể bắt đầu học IELTS nếu có mục đích học thuật rõ ràng, ví dụ như du học cấp 3. Lứa tuổi này cũng đã có sự phát triển về mặt nhận thức và tiếp thu, giúp các em dễ dàng tiếp cận các kiến thức và vấn đề xã hội trong bài thi IELTS hơn.

Học sinh cấp 3 luyện thi IELTS có thể phục vụ cho mục đích xét tuyển đại học. Tuy nhiên, các em cần nhớ rằng IELTS chỉ là một trong nhiều yếu tố để đánh giá năng lực của bản thân. Việc trau dồi vốn từ vựng, kỹ năng đọc hiểu, nghe nói vẫn nên được duy trì thường xuyên.

3. Nhưng có nên cho con học IELTS từ quá sớm hay không?

Trước hết các PH cần xác định là học IELTS để làm gì và IELTS đo lường khả năng ngôn ngữ gì ở con em mình. Khi con đang học cấp 1, lúc này chứng chỉ IELTS hoàn toàn không cần thiết và không phù hợp với các con. Vì sao tôi lại nói như vậy? Là vì bọn trẻ chả cần dùng chứng chỉ này vào việc gì cả. Còn nếu để thi vì sũ diện của bố mẹ thì tôi không muốn nói nữa. Hiện có nhiều bố mẹ ép con học IELTS và thi điểm cao để khoe khoang là chính chứ không hoàn toàn để phục vụ mục đích học thuật. Tôi nói như thế động chạm tới quý vị thì mong quý vị lượng thứ. Bọn trẻ nhỏ nên học theo các chương trình học chuẩn Cambridge như KET, PET hay FCE với những nội dung và kiến thức phù hợp với lứa tuổi. Học IELTS quá sớm sẽ khiến các con vô cùng vất vả vì phải bàn tới những vấn đề xã hội phức tạp mà các em chưa hề có chút trải nghiệm hay suy nghĩ nào cả. Tôi lấy ví dụ thế này: các em lớp 5 lớp 6 mà đã phải bàn những vấn đề như nên đánh thuế vào rượu hay thuốc lá, nhân bản vô tính, cha mẹ nên giáo dục con cái như thế nào hay viện trợ phát triển thậm chí cả những vấn đề vai trò của truyền thông hay vấn đề du học hay học trong nước....còn rất nhiều vấn đề khác trong các đề thi IELTS. Những vấn đề này ngay cả một sinh viên đại học còn ôm đầu vò tai giật tóc móc mắt còn chả viết nổi cho ra nhẽ huống chi mấy học sinh cấp 1 cấp 2. Hơn nữa lượng từ vựng và nội dung các bài đọc, bài nghe là tương đối khó với các em nhỏ. Thế nên học IELTS quá sớm thực sự là áp lực với bọn trẻ nhỏ và nhiều khi có tác dụng phụ tiêu cực tới sự yêu thích ngôn ngữ vốn đã nong manh ở trẻ. Tôi nói luôn là IELTS không phù hợp với trẻ từ lớp 1 đến lớp 7. Trong độ tuổi này bọn trẻ cần học theo kiểu khám phá hơn là luyện thi mà IELTS là luyện thi chứ không phải là học ngôn ngữ. Tất nhiên trong quá trình luyện thi sẽ có bổ sung ngôn ngữ nhưng học ngôn ngữ là một quá trình khác hẳn với luyện thi. Học ngôn ngữ là thấm dần qua thời gian, không thể chín ép, không thể ăn vã, không thể định dạng ngay.

Với các em học sinh từ lớp 8 thì việc học IELTS có thể hợp lý hơn. Trước hết, đây là độ tuổi mà chứng chỉ IELTS có thể cần thiết cho mục đích học thuật. Ví dụ, các em muốn đi du học cấp 3 ở các nước nói tiếng Anh thì cần phải thi IELTS để đáp ứng điều kiện đầu vào. Đây là tôi nói về mục đích sử dụng chứng chỉ IELTS. Thêm nữa, về năng lực nhân thức và tiếp thu, thì lứa tuổi này có thể cũng già dặn hơn chút. Các em có thể manh nha những suy nghĩ về các vấn đề xã hội hoặc ít ra cũng hiểu phần nào khi được giảng về các vấn đề. Tôi nói như thế có thể hơi chủ quan vì năng lực ngôn ngữ và nhân thức của bọn trẻ ngày nay khác xưa khá nhiều vì một học sinh lớp 4 có thể có năng lực ngôn ngữ và nhận thức tương đương học sinh lớp 8, và ranh giới này giữa học sinh lớp 7 và học sinh lớp 9 cũng có thể gần tương đương. Đây là những đánh giá chủ quan của tôi qua quá trình quan sát học sinh. Nhiều khi sự đột biến trong tư duy tiếp nhận và nhận thức khiến nhiều nghiên cứu khoa học bị lỗi thời cũng nên. Nhưng nói sao nói thì đến lớp 8, học sinh vẫn có độ chin chắn nhất định, trưởng thành hơn về mặt sinh học cũng như mặt xã hội. Kể cả như vậy, thì các phụ huynh cũng chỉ nên cho con học IELTS khi mà con cần chứng chỉ này cho một mục đích cụ thể nào đó ví dụ như du học hay nộp làm điều kiện môn tiếng Anh cho các trường chuyên, hay các điều kiện học thuật khác. Tôi xin nhấn mạnh là các phụ huynh không nên cho con học IELTS chỉ vì thấy con nhà người ta học IELTS còn con nhà mình thì học tiếng Anh phổ thông. Tư duy như vậy là tư duy bầy đàn. Chúng ta nên nhớ rằng IELTS không phải là thước đo năng lực ngôn ngữ duy nhất và đạt điểm nhất định không thể đánh giá được điều gì cả nhất là khi các con còn nhỏ. Có nhiều chương trình tiếng Anh vừa hay lại vừa phù hợp với các con từ lớp 1 tới lớp 9, xây dựng cho các con năng lực ngôn ngữ, nhận thức, bổ sung các kỹ năng phân tích, phê phán, lập luận rất hữu ích.

Với các học sinh cấp 3 thì luyện thi IELTS còn có chút tác dụng là vì nhiều trường đại học Việt Nam chấp nhận kết quả IELTS như một điều kiện cần cho tuyển sinh đầu vào. Nhiều nơi còn coi như một điều kiện đủ. Về tính bất hợp lý của nó tôi không bàn tới ở đây. Tôi chỉ muốn nói là các em lớp 10 có thể tham gia một lớp luyện IELTS, nhưng việc tự học tiếng Anh, nâng cao năng lực tiếng Anh không thể trông chờ vào mấy buổi luyện thi IELTS. Các em vẫn nên tập nghe đài, đọc báo lấy từ vựng, lấy thông tin, đọc các báo chính thống về các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế, khoa học. Các em cũng nên tìm tòi thêm các sách giáo khoa chuyên đề về các môn khoa học để biết thêm từ chuyên ngành. Thôi thì các trường dành cơ hội xét tuyển dựa trên kết quả IELTS thì là một lợi thế cho các em ở tỉnh thành lớn thì các em cứ đón nhận, còn sự bất bình đẳng nếu có từ quy trình này thì các em chưa phải lo nghĩ vội. Người lớn sẽ nghĩ dùm!

4. Điểm IELTS cao có phải là giỏi tiếng Anh?

Trước hết tôi xin chia sẻ thế này! Thế nào là giỏi tiếng Anh thì tôi không bàn ở đây vì tôi đã có cả một bài viết dài về vấn đề này rồi. Tôi nói luôn là tiếng Anh là thứ ngôn ngữ mà học cả đời không giỏi được đâu. Ai cũng phải cần cù bù thông minh thôi. Học ngoại ngữ là anh phải tích cóp từ vựng hàng ngày, lười đọc báo là từ ngữ hao mòn ngay, chứ học cái IELTS đã thấm vào đâu mà coi là giỏi! Nên nhớ là IELTS chỉ là chứng chỉ năng lực ngôn ngữ tối thiểu cho một học sinh vào học một trường cấp 3 hay đại học ở nước nói tiếng Anh thôi! Đã là người Việt Nam, sinh ra trên đất Việt Nam, uống nước lã ăn quả xanh thì đừng bao giờ nhận mình giỏi tiếng Anh!

Tôi nói rõ thêm để các phụ huynh hiểu. IELTS thì không có điểm tối thiểu nhưng có điểm tối đa là 9.0. Người Anh không thích điểm 10 nên 9.0 là cao nhất rồi. Các em đi thi có thể được 5.0, 5.5, 6.0, 6.5, 7.0, 7.5, 8.0, 8.5 và 9.0. Do ngày này bọn trẻ học tiếng Anh từ sớm và cha mẹ đầu tư luyện IELTS nhiều nên có rất nhiều em mới lớp 7, 8 đã đạt tới 8.0 thậm chí có em đạt tới 8.5. Tôi nói thế này nhé: đạt điểm IELTS cao thì chưa chắc chắn là năng lực tiếng Anh tốt, và ngay cả khi năng lực tiếng Anh tốt cũng chưa hẳn đã đạt điểm IELTS cao như mong muốn. Vì sao lại thế? Là vì IELTS là dạng bài thi cố định, không thay đổi định dạng qua hàng ngàn lần thi. Những dạng bài kiểu này có một đặc điểm là càng luyện nhiều thì thành tích thi càng cải thiện. Thi IELTS đòi hỏi các kỹ năng làm bài thi nhiều hơn là kỹ năng ngôn ngữ. Nhiều em làm đi làm lại tới điểm tối đa bài đọc, bài nghe nhưng không hẳn đã hiểu bài đọc đó nói về cái gì đâu vì kỹ năng đọc sẽ giúp các em làm được bài đọc chứ không cần hiểu. Tôi nói như thế là sự thật đấy, nhiều khi có thể hơi chủ quan những cái này khoa học ngôn ngữ đã chứng minh rồi.

Các học sinh Việt Nam có một đặc điểm chung khi thi IELTS là đạt điểm đọc và nghe rất cao và thường kém bài thi nói và đặc biệt kém bài thi viết. Vì sao lại thế? Vấn đề là thế này. Bài thi nghe và bài thi viết không đòi hỏi ngôn ngữ tái sinh, mà chỉ đòi hỏi ngôn ngữ nhận biết và kỹ năng làm bài. Còn bài thi viết đòi hỏi ngôn ngữ tái sinh. Nghĩa là học sinh phải thuộc từ vựng, cấu trúc và tái hiện lại từ vựng và cấu trúc trong khung logic thể hiện cấu trúc bài luận, tư duy, lập luận và phân tích. Bài thi viết cũng đòi hỏi kiến thức xã hội và từ vựng phù hợp với từng chủ đề. Có khi các em đọc đề còn không hiểu thì còn viết sao nổi! Ví dụ đề bài có cụm từ như juvenile delinquency hay xenophobia hay civil union thì quả là đánh đố các em học sinh phổ thông, đánh đố ngay cả với sinh viên đại học hay người lớn đi thi ấy chứ. Vì thế nên IELTS không phải là thước đo năng lực ngôn ngữ phù hợp với mọi lứa tuổi vì một chủ đề lại áp cho nhiều lứa tuổi nên sẽ ra nhiều sản phẩm khác nhau nhưng lại được chấm bởi một khung giống nhau. Khung chấm IELTS thường bao gồm: task achievement (hiểu đầu bài), lexical range (lượng từ vựng), grammatical accuracy (ngữ pháp chính xác), và cohesion/coherence (viết mạch lạc).

Hơn nữa, IELTS không hẳn đã đo lường hết năng lực ngôn ngữ của một học sinh. Tôi lấy ví dụ thực tế từ kinh nghiệm của tôi. Một học sinh được 8.0 IELTS nhưng khi đến học tôi lại rất lơ ngơ về từ vựng và khi viết bài thì rất lủng củng. Tôi cũng không hiểu vì sao em ấy lại có thể được 8.0 IELTS. Tôi quan sát thì thấy các em học cách làm bài tập tiếng Anh chứ không học tiếng Anh. Hai vấn đề này là hoàn toàn khác biệt đó! Học cách làm bài tập tiếng Anh thì học sinh chỉ chú trọng trả lời sao cho đúng câu hỏi và thường bỏ qua ý nghĩa của bài đọc, ý nghĩa của từ vựng, chi tiết từng cấu trúc, văn phạm của bài đọc. Đến khi đi sâu vào những chi tiết của ngôn ngữ thì các em rất lúng túng, hỏi chữ “tác” thì bảo chữ “tội”. Khi viết luận cũng vậy, không biết viết hay, viết phong phú, viết sâu sắc mà chỉ viết theo khuôn mẫu IELTS. Tôi xin nói luôn là đề thi viết của IELTS là một hạn chế rất lớn vì IELTS không khuyến khích học sinh triển khai ý tối đa mà đòi hỏi tối thiểu.

Điều này khác với bài thi TOEFL iBT nơi mà các học sinh có thể thoải mái triển khai ý, múa bút, vung văn mà không hề bị trừ điểm. Với bài thi TOEFL iBT các em càng viết dài, càng viết hay thì điểm lại càng cao, còn với bài thi IELTS, các em mà viết quá 350 hay 400 chữ là có khi còn bị trừ điểm. Chính vì thế nên đi luyện IELTS, nhất là luyện viết IELTS các em sẽ bị rập khuôn nghe rất sao mòn, nhiều khi phát dị ứng luôn (đấy là với tôi). Tôi chỉ cần nghe em nào nói câu nào đầu tiên khi viết bài là tôi biết ngay em đó đi học IELTS ở đâu đó và học theo kiểu rập khuôn. Ví dụ thế này. Khi viết luận các em thương bắt đầu bằng cụm từ: In this day and age, nowadays. Những kiểu viết rập khuôn này nghe rất sáo mòn. Hay khi viết phần giới thiệu của một bài luận cũng thế. Các em chỉ viết 3, 4 dòng là hết. Điều này là đúng kiểu viết IELTS mẫu, còn xét về viết hàn lâm là rất dở. Đó là những hạn chế cơ bản của đề thi viết IELTS mà có lẽ ngay chính những giáo viên dạy IELTS cũng bị rập khuôn theo. Bọn trẻ cứ đi luyện IELTS sớm và hình thành văn phong rập khuôn theo mẫu như thế là rất tệ, văn cùn, cộc, còi qua thời gian.

Một hệ lụy nữa của việc lấy điểm IELTS làm mốc giỏi tiếng Anh là vấn đề tự mãn. Nhiều khi học IELTS cố sống cố chết rồi thi lấy điểm 7, điểm 8 rồi tự mãn với kết quả này là điều đáng lo nhất. Bọn trẻ sẽ luôn mang tâm lý: tao 7, 8 IELTS rồi như thế là tiếng Anh tao bơ phếch rồi, tao chả cần học nữa! Hay chính cha mẹ cũng có tâm lý này rồi buông xuôi kệ con làm gì thì làm, việc học tiếng Anh liên tục không còn quan trọng. Đây là một sai lầm cực nghiêm trọng. Nên nhớ là điểm IELTS chỉ đo năng lực ngôn ngữ tại một thời điểm nhất định. Có thể một tháng sau lơ là đọc và nghe, tiếng Anh sẽ bị hao mòn và chính đứa trẻ ấy sẽ không thể giữ được thành tích điểm số nếu thi lại IELTS.

Bố mẹ cũng không nên đem điểm IELTS của con khoe ra trên mạng làm gì. Đó là một dạng thụ đắc “hư vinh” làm hư chính bản thân mình và bọn trẻ. Tự sướng không được bao lâu nhưng bọn trẻ tự mãn là hỏng. Bố mẹ nên nhớ là 7.0 hay 8.0 IELTS chả nói lên điều gì về năng lực ngôn ngữ thực sự của các con mình cả. Sang đến Mỹ hay Anh là bò ra mà học hết và trong con mắt các thầy cô mấy đứa học sinh quốc tế đều là bặp bẹ nói viết tiếng Anh cả. Chỉ cần so con mình với tụi tây nói tiếng Việt sõi sang đây học đại học Việt Nam thì biết. Có nói sõi đến máy thì vẫn là mấy đứa ngọng tiếng Việt mà thôi. Tôi nói thế các bố mẹ đọc bài này cũng đừng rủa tôi cay nghiệt. Tôi khuyên thật đấy. Tôi cũng nói luôn mấy thầy cô cũng bỏ ngay cái kiểu đem mấy điểm IELTS của các học sinh khoe lên trên mạng để chứng tỏ mình luyện giỏi. Không có ai luyện giỏi hết mà 90% vẫn là do công sức của học sinh, và học sinh ấy phải mất cả 10 năm để học tiếng Anh ở khắp nơi, chứ có phải học mỗi thầy cô ấy đâu. Làm gì có chuyện học sinh này luyện chỗ nọ 3 tháng mà thi được 8.0 IELTS. Tôi cũng nói thẳng thế mong các thầy cô đọc bài này thông cảm! Tôi cũng chỉ muốn nói thật!

5. Vậy trẻ em cấp 1, 2, 3 nên học tiếng Anh như thế nào?

Tôi cũng nói thẳng thế này. Học ngoại ngữ là cả một quá trình dài. Trong 9 năm học phổ thông đầu đời, bố mẹ nên chọn cho con học một chương trình tiếng Anh ổn định. Bản thân các con nên tìm tòi thêm từ YouTube, Internet, đọc thêm truyện, nghe e-book thường xuyên thành thói quen hàng ngày. Tôi lấy ví dụ các con có thể nghe các truyện trinh thám, truyện lịch sử bằng tiếng Anh trên YouTube. Radio book miến phí tha hồ nghe. Hàng ngày thay vì lướt mạng vô vị thì vào các kênh tin tức đọc báo, bật TV lên thì xem phim lên Netflix. Bọn trẻ nhỏ hình thành các thói quen nghe Radio Book càng sớm càng tốt vừa đỡ đọc hại mắt, lại vừa nhập tâm ngôn ngữ sớm. Các con cũng nên luyện các kỹ năng viết, đọc, hay tranh biện. Nền tảng tiếng Anh được bồi đắp hàng ngày sẽ rất vững vàng, và khi đó đi chỉ cần dành một thời gian ngắn luyện đề là có thể thi IELTS được ngay. IELTS phản ánh rất chính xác năng lực tiếng Anh thực tế của các em. Nên nhớ là không nên đâm đầu học IELTS sớm làm gì cả, mà nên rèn luyện nhiều nhóm kỹ năng hỗ trợ học tập, nghiên cứu để rèn luyện khả năng tự học. Điều này còn tốt cho cả việc học tiếng Anh và các môn học khác. Các em nên nhớ tiếng Anh chỉ là một môn học, tuy quan trọng nhưng không quyết định việc phát triển tư tuy toàn điện của các em.

Những gì tôi chia sẻ chưa chạm hết mọi ngõ ngách tâm tư của các phụ huynh được. Tôi biết chứ! Tôi có thể viết 10,000 từ để chia sẻ. Nhưng tôi cứ tạm dừng để đón nhận các ý kiến, câu hỏi cụ thể của các phụ huynh. Tôi sẽ chia sẻ thêm vào một dịp khác. Mong các cảnh sát chính tả lượng thứ cho văn chua như mắm của tôi.

6. Tự học IELTS miễn phí:

Ngoài việc tham gia các khóa học, bạn có thể tự ôn luyện IELTS hiệu quả với chương trình tự học 5 tuần của British Council: 

General:

Academic

Kết hợp 5 tuần tự học của BC này với các tài liệu của IELTS NgocBach thì đi thi các bạn sẽ rất tự tin đấy

 


Oct 02, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email