Học Tiến sĩ ở Cambridge có gì hay? (Phần 1)

Hình ảnh được vẽ theo prompt 2

Mình vừa hoàn thành chương trình năm nhất và bước sang năm thứ hai. Trong năm đầu tiên này, mình cần nghe một chuỗi các bài giảng, tham dự các khoá học kĩ năng, và đặc biệt là làm ba dự án luân chuyển (rotation projects) mỗi cái kéo dài 10 tuần. Mình rất thích chương trình này vì nó cho mình cơ hội được làm nghiên cứu ở các lĩnh vực khác nhau, với các nhóm khác nhau, trước khi quyết định sẽ dành toàn tâm toàn ý cho một đề tài nào đó trong ba năm tiếp theo. Nó còn giúp sinh viên hình thành tư duy phản biện, so sánh điểm giống và khác giữa các lĩnh vực nghiên cứu, và đưa ra sự lựa chọn dựa vào bằng chứng và trải nghiệm.

Mình có nền tảng về ngành vi sinh và bệnh truyền nhiễm. Đề tài thực tập lúc còn học Cử nhân, ba bốn năm đi làm ở OUCRU rồi cả chương trình Thạc sĩ ở Cambridge đều là về mấy bạn vi rút vi khuẩn bé bé xinh xinh. Vì thế mình nghĩ, tội gì mà không thử xem những lĩnh vực nghiên cứu khác nó thế nào.

Dự án đầu tiên mình chọn tham gia là một công trình nghiên cứu quốc gia, xây dựng cây phát sinh loài của tất tần các loài sinh vật ở nước Anh, từ giun dế tới hoa cỏ. Và mình thì phân tích dữ liệu về các loài bướm dối gian. Kích thước bộ gene của loài bướm lớn hơn tới 100 lần so với bộ gene của một vài loài vi khuẩn như 𝘌. 𝘤𝘰𝘭𝘪 hoặc 𝘒. 𝘱𝘯𝘦𝘶𝘮𝘰𝘯𝘪𝘢𝘦, thậm chí gấp tới 10,000 lần so với bộ gene của vi rút sốt xuất huyết hay vi rút cúm. Mình khá trật vật trong vài tuần đầu với việc lập trình xử lí bộ số liệu khủng như vậy. Cộng thêm với việc thầy hướng dẫn siêu bận cũng khiến mình hơi mất phương hướng.

Ở dự án thứ hai, mình đổi gió sang làm thí nghiệm trong phòng lab, tập trung phát triển kỹ thuật chỉnh sửa gene CRISPR-Cas9. Công nghệ này mang lại giải Nobel Hoá học 2020 cho bà Emmanuelle Charpentier và bà Jennifer Anne Doudna, nên mình rất háo hức được học về nó. Tuy nhiên, trong ngày đầu tới lab, nhìn bốn dãy bàn trống trơn không máy móc thiết bị, không hoá chất sinh phẩm. Mình há hốc mồm, may có khẩu trang che lại. Thầy hướng dẫn của mình mới chuyển công tác từ Mỹ qua. Vướng dịch Covid-19, nên mọi hoạt động thiết lập phòng lab gặp nhiều chậm trễ. Thế là hai thầy trò cùng nhau mua sắm online, từ mấy cái ống nghiệm, đồng hồ bấm giờ tới thủ lạnh, kính hiển vi. Mình được chọn màu theo sở thích. Mất không ít thời gian, nên mình vắt chân lên cổ làm thí nghiệm, từ sáng tới tối, đôi lúc cả cuối tuần mà vẫn không kịp tiến độ.

Gần kết thúc dự án về CRISPR là lúc mình phát hiện ra có u ở ngực. Mình đọc nhiều thông tin về ung thư với nỗi lo lắng có nguy cơ bị bệnh. Thế là mình quyết định chọn làm dự án thứ ba nghiên cứu về Ung thư, lão hoá và đột biến để có thêm kiến thức. Và mình cũng có cô giáo hướng dẫn đầu tiên. Thật sự thì cô truyền cảm hứng cho mình rất nhiều, một phụ nữ làm khoa học xinh đẹp và bản lĩnh, lãnh đạo một nhóm nghiên cứu toàn nam giới, ngầu lắm. Mình quay lại công việc viết code dạo. Tài liệu cần đọc cũng tiến hoá từ bươm bướm lên người, nào là sinh học tế bào, miễn dịch, di truyền, vân vân và mây mây. Hầu hết những điều đã được học ở Đại học rồi mà lâu không dùng nên quên sạch.

Có những đêm thức học bài, rồi bắt đầu hoảng vì có quá nhiều thứ cần nhét vào đầu. Bài thuyết trình vào sáng mai, nên thức khuya hay cố gắng dậy sớm để hoàn thành? Hạn nộp báo cáo vào tuần sau mà số liệu và kết quả chưa đâu với đâu. Dự án này chưa xong đã phải nghĩ tới cái tiếp theo. Và cũng có cả rất nhiều lời cầu nguyện “mong là code chạy”, “mong là có vi khuẩn mọc trên đĩa ”, “mong là thầy/ cô sớm trả lời email”, “mong là ngủ dậy không bị đau đầu” bla bla bla.

Học Tiến sĩ khó. Học Tiến sĩ ở Cambridge có thể khó hơn một chút. Nhưng khó nhất vẫn là thuyết phục được bản thân rằng mình có thể làm được. Sẽ là nói dối nếu mình bảo lúc nào cũng tràn đầy hứng khởi, lúc nào cũng biết mình phải làm gì. Nhiều khi cũng oải thấy mồ nhưng vẫn phải bước tiếp. Vì sao? Vì mình biết mình không thể thay đổi cái thí nghiệm mà mình đã làm hỏng hay bài thuyết trình mình đã nói dở tệ, cũng như không thể thay đổi bất kì điều gì mình làm ngày hôm qua. Tuy nhiên, mình có thể rút kinh nghiệm, học từ cái sai để làm tốt hơn hôm nay và ngày mai. Nghe thì có vẻ sáo rỗng, nhưng sự thật là vậy mà.

Mình từng là một người thích nhược tâm, suy nghĩ hết phần thiên hạ, tự tạo áp lực cho bản thân, và dần dần nhận ra một số tác động tiêu cực như căng thẳng nhiều hơn, thiếu tự tin, sợ thử thách. Mình không dám đặt câu hỏi vì sợ người khác đánh giá là dốt, rồi sau đó mất cả đống thời gian tự bơi để tìm ra đáp án. Đôi lúc mình cũng so sánh bản thân với các bạn khác có gia đình có điều kiện, du học từ sớm, ngoại ngữ bài bản. Già hết cả người. Còn bây giờ, mình muốn duy trì một thái độ tích cực, ham học hỏi, chủ động tìm kiếm giúp đỡ khi cần. Nếu có ai đó nghĩ mình dốt thì cũng được, quan trọng là mình vượt qua được rào cản tâm lí để tự giúp mình sáng dạ hơn. Cuối cùng, mình đã học và làm được nhiều hơn mình nghĩ.

Đôi lúc chúng ta cảm thấy thế giới này đang mắc nợ mình một vài điều gì đó, chỉ muốn hét lên “tại sao lại là tôi”. Người nghèo thì vượt khó. Người giàu thì vượt sướng. Người chưa giỏi thì phải học. Người giỏi rồi thì vẫn mất thêm công sức trau dồi. Suy cho cùng, ai cũng có thứ để mà than phiền và lo lắng, song đó là thách thức cá nhân mà chính họ cần tự vượt qua. Vậy nên, nếu thấy mệt, hãy cho bản thân được nghỉ ngơi, chứ đừng từ bỏ. Song muốn đạt điểm A, chắc sẽ phải từ chối vài cuộc vui .

Rest, but don’t quit!

Nguồn tham khảo: My ở Cam


Jun 24, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL