Bài 10 – Làm Sao Để Nuôi Dạy 1 Đứa Con Có Hoài Bão?

Nuôi dạy một đứa trẻ có hoài bão là một điều không dễ, mà một trong những điều đầu tiên khiến cha mẹ bỏ cuộc là tâm lý “Tôi có làm được đâu, làm sao tôi lại yêu cầu con làm?”. Thậm chí, bạn có thể nghe câu hỏi này từ chính con cái của mình: “Bố mẹ có làm được đâu, sao bắt con làm?”.

Nếu bạn không thể trả lời với bản thân, cũng như không thể đưa ra lời giải thích thoả đáng cho con, thì công cuộc nuôi dạy 1 đứa trẻ có hoài bão sẽ thất bại từ trong trứng nước.

Điều đầu tiên, chúng ta cần phân biệt giữa hoài bão, khát vọng và đòi hỏi quá mức từ cha mẹ. Nếu bạn chỉ là bậc cha mẹ không có thành tích, nhưng lại đòi hỏi con thành tích; cha mẹ không thành công, thậm chí là thất bại, lại đòi hỏi con phải thành công. Tệ hơn nữa, cha mẹ cứ so sánh con mình với “con nhà người ta”, mà không nhìn lại mình có bằng “cha mẹ nhà người ta” không. Nếu bạn không làm được, thì đừng đòi hỏi và chê bai con.

Thậm chí, cho dù bạn có là 1 bậc cha mẹ thành công, quyền cao chức trọng, cơ ngơi tiền bạc dư dả một đời dùng không hết, thì bạn cũng không nên và không thể đòi hỏi con một cách vô lý được. Bạn là bạn, con là con. Mỗi người một khác. Mỗi thế hệ sinh ra ở một thời kỳ khác. Không ai giống ai cả. Nên mình đừng so sánh con với mình, hay với bất cứ ai.

Tất cả những gì cta có thể làm và nên làm cho con cái của mình là ươm mầm, khuyến khích con trở thành một người có ước mơ, có hoài bão lớn. Điều này rất khác, khác xa với việc ép buộc con thực hiện những ước mơ dang dở của mình.

- Nếu cuộc đời mình chỉ quanh quẩn ở trường làng, và ước mơ của mình là được đi du học nhưng không thành. Bạn hãy khuyến khích con bước ra thế giới, bằng cách ươm mầm từng chút, từ nhỏ, cho đến khi con tự ấp ủ ước mơ cho chính con. Việc còn lại của bạn là giúp con chinh phục ước mơ đó.

Ngược lại, bạn tuyệt đối đừng ép con phải đi du học cho bằng được, bằng câu nói “thời giờ sướng quá hoá rồ hả con, rồi xưa ba mẹ thèm đi du học gần chết mà có điều kiện đâu”; cũng đừng bao giờ so sánh với con nhà người ta “đã đi du học từ hồi cấp 3 rồi”, cũng đừng chạy theo trend “thời bây giờ phải đi du học mới là ngon, có tấm bằng đại học trường top, trường ivy thì mới danh giá”. Thật ra, những gì bạn nói cũng không sai. Nhưng rõ ràng nó không hay chút nào, bởi nó không đến từ chính mong muốn của con, mà nó lấy những tiêu chuẩn, mong đợi của cha mẹ, của xã hội áp vào con. Đứa nhỏ, đương nhiên, cảm thấy khó chịu bởi “Tại sao mình phải sống đời mình theo tiêu chuẩn hoặc đánh giá của người khác?”.

- Nếu ước mơ của bạn là bác sĩ mà không thành, thì bạn chỉ cần khuyến khích con học cho giỏi để trở thành người giỏi, có thể giúp được cho nhiều người khác, như bác sĩ, dược sĩ, hoặc làm nhà nghiên cứu khoa học, hoặc bất cứ ngành nghề nào con muốn để giúp người.

Bạn tuyệt đối đừng bắt buộc con phải học Y vì nghề đó danh giá, mà cũng đừng bắt con học theo truyền thống gia đình, hoặc tệ hơn là bắt ép con học kinh doanh để kế thừa cơ nghiệp. Tệ ở đây không phải là làm bác sĩ hay làm kinh doanh là công viêc tệ, mà tệ ở chổ cứ ép buộc con sống theo ý muốn của bạn.

Bạn thích làm bác sĩ, nhưng chưa chắc con thích. Bạn làm kinh doanh giỏi, nhưng chưa chắc con giỏi việc làm ăn. Tất cả những gì mà bạn cần làm, chỉ là khuyến khích con học cho giỏi, để con trở thành một người có năng lực cao, có năng lực giỏi nổi trội ở bất cứ ngành nghề nào mà con chọn.

Thực tế, mình còn thấy khá nhiều trường hợp ngược lại. Trong công việc của mình, mình thường đi thăm khách hàng lớn của mình từ nam chí bắc, mình đã gặp nhiều gia đình rất giàu có, là những Nhà phân phối lớn ở tỉnh hoặc khu vực (miền Bắc, Trung, Mekong…), những Đại lý độc quyền, những chuỗi phân phối thành công; họ không khuyến khích con học giỏi, càng không muốn con đi du học. Vì những lý do như sau:

- Con đi du học thì sẽ bị mất con.

- Con đi du học rồi đi làm thì tiền lương được bao nhiêu, sao bằng thừa kế cửa hàng, công ty, cơ nghiệp của gia đình.

- Con đi du học lỡ con làm việc ở nước ngoài, hoặc tệ hơn là định cư luôn ở nước ngoài, thì ai chăm sóc cha mẹ khi về già.

Nói chung, các em bé này, từ khi sinh ra là đã được cha mẹ đặt sẵn ở trong vòng kim cô: chỉ được học và lớn lên ở nơi mình ở, hoặc có học ở Hà Nội hay Saigon, thì học xong cũng phải về quê nhà sống, để tiếp tục thừa kế cơ ngơi mà cha mẹ đã gầy dựng, và phải ở chung với cha mẹ để báo hiếu.

Mỗi lần mình nghe những chia sẻ đầy tự đắc của những PH đó, mình chỉ thở dài, thương cho đứa trẻ. Đúng là “cha mẹ là số phận của con cái”. Sinh ra trong những gia đình giàu có, thừa mứa vật chất như vậy, nhưng chắc gì con đã được làm những gì con thích, sống một cuộc đời như con mong muốn.

“Lòng ta hẹp, hay cuộc đời quá chật?”

Vì tư duy của cha mẹ như vậy, nên cuộc đời của những đứa trẻ này, chỉ quanh quẩn trong không gian chật hẹp mà cha mẹ vẽ lên mà thôi.

Nhưng, bạn và mình, hoàn toàn có quyền nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão cho con. Vì chính con, cho con. Mở ra chân trời rộng lớn cho con, hun đúc cho con đủ can đảm, đủ dũng khí để nuôi dưỡng ước mơ, đồng thời hỗ trợ con tối đa để con đủ năng lực chinh phục mục tiêu mà con theo đuổi.

Vấn đề là, nuôi dạy như thế nào để con trở thành người có hoài bão?

Như vừa phân tích, bạn ĐỪNG LÀM 2 điều:

  1. Đừng ép buộc con sống theo ý nguyện của bạn. Đừng bắt buộc con thực hiện ước mơ dang dở của bạn.
  2. Đừng kìm hãm con trong tầm nhìn của bạn. Đừng vẽ 1 vòng tròn kim cô và trói con mình vào đó suốt đời.

----------------------------------------------------------------------

Các nhà khoa học tại trường ĐH Harvard đã tiến hành 1 nghiên cứu kéo dài 10 năm, bằng cách tiến hành gần 200 cuộc phỏng vấn những người thành công, để tìm hiểu điều gì đã tạo ra ảnh hưởng đến sự thành công của họ.

Phân tích của nghiên cứu đã cho thấy có 1 đặc điểm chung là: những người thành công hầu như đều có bố, mẹ hoặc cả bố và mẹ, luôn đặt niềm tin và khao khát mãnh liệt rằng con mình thành công. Không những truyền khao khát mạnh mẽ đó cho con, các bậc bố mẹ đó luôn dành thời gian cho con cái: họ không chỉ có mặt khi con đạt thành tựu, mà còn trò chuyện, động viên khi con cái thất bại, mất niềm tin.

Vậy, bạn cần nói với con những gì để truyền khát vọng của bạn cho con?

1. DẠY CON BẰNG CÁCH KỂ CHUYỆN

- Đừng dạy con bằng những lời giáo điều sáo rỗng, hãy dạy con bằng những bài học thực tế, gần gũi, sinh động từ những người thật việc thật, mà trong đó, bạn là một nhân vật đóng vai trò quan trọng.

- Đừng dạy con bằng lý thuyết nhàm chán, hãy dạy con thông qua những câu chuyện thực tế của những vĩ nhân, những nhà tư tưởng lớn, những danh nhân được lưu truyền trong lịch sử.

- Hãy kể những câu chuyện thành công, đồng thời hãy kể những câu chuyện thất bại. Một điều thú vị là cta có thể học hỏi được nhiều hơn từ những câu chuyện thất bại.

Cụ thể, bạn nên làm gì?

KỂ CHUYỆN, KỂ CHUYỆN và KỂ CHUYỆN.

Trẻ con rất thích nghe kể chuyện. Tất cả những gì bạn muốn dạy con, hãy khôn khéo lồng vào 1 câu chuyện hấp dẫn, về người thật việc thật. Mình thường kể cho con nghe về ông ngoại của con.

- Ngày xưa, ông cố vì chơi cờ bạc tiêu tan nhà cửa, bà cố gần như phát điên, giữa thời buổi chiến tranh, ông ngoại con phải bỏ xứ (Quảng Nam) mà đi, tha phương vào trong miền Nam lúc ông mới có 16 tuổi. Nhờ “bước ra khỏi luỹ tre làng” mà ông làm ăn đại thành công, trở về rước bà cố vào Saigon, rồi sau đó, ông còn giúp đỡ nhiều bà con dòng họ, cả 2 bên nội ngoại.

--> Bài học về sự dấn thân, bước ra thế giới rộng lớn bên ngoài.

- Ông ngoại con tuy không được học hành từ nhỏ, chỉ biết đọc và viết thôi, nhưng ông ngoại rất thích học và đọc sách. Ông ngoại đã học tiếng Quảng Đông, rồi làm công cho 1 ông chủ người Hoa ở Cholon. Ông chăm chỉ học việc và rất trung thực, thật thà, nên được ông chủ thương, trọng dụng và sau này giúp ông ngoại trở thành chủ 1 hãng vận tải (bây giờ gọi là logistic), có nhà kho, có tàu biển. Lúc nhỏ, mẹ hay được ông ngoại chở ra Cảng Saigon để lên tàu của ông ngoại chơi, oai lắm.

--> Bài học về sự ham học, tự học, chăm chỉ nỗ lực và trung thực, thật thà.

- Ông ngoại con rất thích đọc sách. Ông ngoại mua sách nhiều lắm, sách đầy nhà luôn. Lúc nhỏ xíu, khi mẹ chưa đi học lớp 1, mẹ đã biết đọc và đọc ké nhiều sách của Nguyễn Hiến Lê của ông ngoại. Ngoại con nhờ đọc sách mà làm ăn lớn, giao dịch lớn, thành công lớn. Mẹ cũng nhờ được đọc sách nhiều từ nhỏ nên mới có ngày hôm nay.

--> Bài học về giá trị của việc đọc sách.

Đứa trẻ nào cũng thích nghe kể chuyện, đặc biệt những câu chuyện của gia đình, ông bà, cha mẹ ngày xưa. Kể sao cho trẻ tự hào, chớ đừng kể để dìm hàng trẻ, kiểu như “ngày xưa cha mẹ cực lắm, chớ không có sướng như tụi con đâu…” - kể kiểu đó chẳng bằng chê bai con, thì nó chán, nó lủi đi chổ khác cho lẹ.

Bạn cũng có thể kể cho con nghe những câu chuyện thực tế ở góc nhìn khác: Bà ngoại của con lại rất khác, sinh ra trong gia đình địa chủ miền Nam nhưng bà không sướng chút nào. Bà cố ngoại ít coi trọng chuyện học, con cái lớn lên chỉ chia cho ít ruộng đất, ít của cải là xong (mà con gái được cho rất ít, hoặc không cho gì; vì tài sản chỉ để dành cho con trai thôi). Nhưng “miệng ăn núi lở”, cho nên, con cháu bà sau này bán đất riết mà ăn; bán hết đất thì toàn chạy taxi, làm công nhân, hoặc làm thuê làm mướn qua ngày. May là ông ngoại coi trọng sự học, và nhờ thừa hưởng đức tính ham học đó của ông ngoại mà mẹ có ngày hôm nay đó con, chớ hổng thôi giờ này mẹ chỉ có nước buôn gánh bán bưng mới có cái ăn.

Khi con còn nhỏ, bạn kể chuyện. Nhưng khi con lớn hơn, bạn hãy dạy con bằng cách cùng con đọc sách. Hãy cùng con đọc về cuộc đời của những danh nhân, vĩ nhân thế giới, những nhân vật được lưu danh trong lịch sử.

Cố Đệ Nhất Phu Nhân nước Mỹ Jacqueline Kennedy từng nói: "Có nhiều cách nhỏ bé để mở rộng thế giới của con bạn và tình yêu với sách là cách tốt nhất để làm điều này".

Hãy đọc cho con cái của bạn nghe những cuốn sách nói về những người có cống hiến lớn cho xã hội bởi sự thông minh, lòng nhiệt tình hoặc sự nỗ lực phấn đấu của họ.

Hãy đọc con nghe những câu chuyện tiểu sử của những người có ý chí lớn, có tầm nhìn lớn, có tư tưởng lớn, mang lại giá trị lớn cho nhân loại.

Thông thường, những nhân vật vĩ đại luôn có cách suy nghĩ và tư duy rất khác biệt – nó vượt xa khỏi những suy nghĩ của người đương thời. Thậm chí, vào hàng trăm, hàng ngàn năm sau, khi cta đọc lại, cta vẫn phải ngưỡng mộ vì những tư tưởng lớn đó.

Vì vậy, chọn đọc cho con cuốn sách viết về cuộc đời, tiểu sử, tự truyện của 1 danh nhân nào, là mình và con đã học được rất nhiều từ những tư tưởng lớn của vĩ nhân lưu truyền lại.

2. DẠY CON BẰNG CÁCH LÀM GƯƠNG

Cha mẹ không thể bắt con có hoài bão lớn khi cha thì tối ngày nhậu nhẹt lu bù, về nhà thì ôm tivi. Còn mẹ thì suốt ngày quần áo, ăn diện, chụp hình sống ảo, ôm điện thoại, lướt FB và xem Tiktok.

Khi đứa trẻ thấy cha mẹ sống không có mục tiêu, không có hoài bão, chỉ quanh quẩn ở việc hôm nay ăn gì ngon, ngày mai đi chơi ở đâu vui, thì con cũng sẽ y chang vậy đó.

Tuy giải trí là việc cần, nhưng khi con chỉ thấy cha mẹ quan tâm đơn thuần đến cuộc sống hưởng thụ, lấy việc ăn uống, vui chơi, giải trí làm lẽ sống ngày qua ngày, thì làm sao con có thể nuôi dưỡng những mục tiêu to lớn?

Làm gương ở đây là ngay trong suy nghĩ, quan điểm và hành động, bạn cần luôn luôn thể hiện bản thân là người có khát vọng. Không nhất thiết bạn phải giàu có, thành công, hay giỏi giang thì bạn mới có thể dạy được con thành công. Rất nhiều người mẹ nội trợ, hoặc buôn gánh bán bưng, nhưng họ đã thành công dạy con nên người. Bởi vì, sự cần mẫn, nỗ lực và thái độ khát khao vươn đến thành công của cha mẹ mỗi ngày mới là tấm gương lớn nhất.

Dù mẹ có là người lao công, dù cha có là người bảo vệ; nhưng khi về nhà, bạn hãy tranh thủ thời gian để kể chuyện hoặc đọc sách cho con nghe. Hãy cho con biết là bạn vất vả như thế nào trong công việc hiện tại, nhưng bạn luôn nỗ lực làm việc để nuôi con học hành cho tới nơi tới chốn, với khát khao mong con làm được nhiều chuyện lớn lao hơn, đi xa hơn, và thành công hơn.

Đừng dễ dãi với bản thân, mà cũng đừng dễ dãi trong việc dạy con.

- Thay vì nói: hồi xưa ba mẹ có học hành gì nhiều đâu, mà giờ vẫn tạo ra được cơ ngơi đầy đủ vậy nè; thì bạn hãy nói: Ba mẹ không được ăn học nhiều, nên làm lụng vất vả lắm. Tuy cũng tích luỹ được cơ ngơi đủ để nuôi dạy tụi con, nhưng ba mẹ ước gì được học hành đàng hoàng thì cuộc đời đỡ cực hơn, mà cũng sẽ thành công nhiều hơn. Nên, tụi con ráng ăn học để hơn cha hơn mẹ nha con.

- Thay vì nói: nhiều đứa học dốt mà ra đời làm ăn giàu lắm, con không cần phải học giỏi đâu; thì bạn nên nói: Nhiều người có tố chất làm ăn giỏi mà không chịu học uổng quá. Tuy ra đời thuận lợi làm ăn ra tiền, nhưng nếu không đủ kiến thức thì liệu sự giàu có đó bền vững được bao lâu? Nếu những người có tố chất đó học hành đàng hoàng thì còn thành công đến đâu nữa. Hơn nữa, chỉ có tiền mà không có tri thức thì chỉ là trọc phú; còn người vừa giàu có vừa tri thức thì được gọi là tầng lớp thượng lưu, tinh hoa của xã hội, ai ai cũng nể trọng.

- Thay vì nói: học đại học mà lương không bằng đi xuất khẩu lao động; thì bạn nên nói: Nếu muốn đi nước ngoài làm việc, con hãy học hành đàng hoàng, để xuất khẩu chất xám, chớ đừng bán sức lao động chân tay. Nghề nào cũng vậy, dù trong nước hay xuất ngoại, năng lực càng cao thì thu nhập càng cao, năng lực càng giỏi thì càng được trọng dụng; mà năng lực đến từ việc học hành nghiêm túc chớ không thể nào tự nhiên mà giỏi.

3. DẠY CON BIẾT CHÂN GIÁ TRỊ CỦA CUỘC SỐNG

Dạy con có ước mơ lớn là tốt, nhưng cần phải định hướng đúng đắn. Có những cha mẹ chỉ đánh giá thành công bằng tiền bạc. Cứ hễ làm có tiền thì là thành công, cứ hễ thấy ai đi xe sang, thấy người xài hàng hiệu thì ngưỡng mộ. Cho nên, có đến hàng triệu cô gái trẻ ngưỡng mộ Ngọc Trinh, và vô số các bé nhỏ chỉ mong làm Youtuber, Tiktoker chỉ để “kiếm thật nhiều tiền”.

Thậm chí, có những bậc cha mẹ cho con theo hẳn con đường “game thủ” vì “nghề này kiếm được rất nhiều tiền” (mình tự hỏi, sao họ không cho con học cờ bạc chuyên nghiệp, rồi vào các sòng bài lớn mà chơi, cũng kiếm nhiều tiền lắm đó).

Có những bậc cha mẹ chỉ nghĩ cho con học nghề gì có tiền là được, không kể là con có thích hoặc có khiếu hay không. Có những phụ huynh không cần con học giỏi, chỉ muốn con “làm chủ” bằng cách kinh doanh bất cứ gì có thể: trà sữa, bán hàng xách tay, mở quán cafe, quán ăn, buôn hàng Trung Quốc, đầu cơ đất đai, chơi chứng khoán… (mình gọi là “đầu cơ”, hoặc “chơi”, bởi vì kiểu kinh doanh này hoàn toàn dựa vào may rủi, chớ có kiến thức đầu tư gì đâu).

Kiếm nhiều tiền cũng tốt, nhưng cuộc sống không chỉ có kiếm tiền. Hơn nữa, phấn đấu để trở thành người giỏi giang, thành công, thì tự nhiên tiền bạc sẽ tới. Đừng quy tất cả giá trị sống trên đời vào tiền bạc và vật chất.

- Thay vì trầm trồ áo quần, túi xách hàng hiệu, bạn hãy dạy con trầm trồ những cuốn sách hay, sách quý.

- Thay vì hâm mộ người có xe sang, nhà đẹp, bạn hãy dạy con hâm mộ người có thành tựu ý nghĩa, có cống hiến gía trị.

- Thay vì ngưỡng mộ 1 người có nhiều tiền, bạn hãy dạy con ngưỡng mộ 1 người có nhiều tri thức.

- Thay vì chăm chăm vào việc kiếm tiền và đếm tiền, bạn hãy dạy con đếm bao nhiêu cuốn sách mà con đã đọc, bao nhiêu thành phố mà con đã khám phá, bao nhiêu thành tựu mà con đã gặt hái, bao nhiêu mục tiêu mà con đã đạt được.

Hãy dạy cho con biết giá trị chân chính của những thứ sau:

- Tiền bạc: cuộc sống luôn cần tiền, nhưng khi có đủ ở một mức độ nào đó, thì tiền bạc nhiều hơn bao nhiêu cũng không tạo ra sự nhiều sự khác biệt. Cuối cùng, dù có bao nhiêu tiền, thì mình cũng chỉ ăn ngày 3 bữa, mặc 1 bộ đồ và sống trong 1 căn nhà. Tiền bạc quá nhiều sẽ khiến mình sống xa hoa, thừa mứa phung phí thì càng là một lối sống lệch lạc và vô nghĩa. Vì vậy, kiếm tiền chỉ là một mục tiêu trong nhiều mục tiêu khác của cuộc đời.

- Tri thức: ngược lại, càng có nhiều tri thức, cuộc sống càng trở nên chất lượng. Tri thức mang lại cho cta cuộc sống vật chất đầy đủ, đồng thời lại giúp cho đời sống tinh thần phong phú và vững chãi hơn rất nhiều. Tri thức cũng giúp mình kết nối được với những người tri thức, và khi tri thức được chia sẻ thì ai cũng được nhận tri thức nhiều hơn.

- Thành công: khi ta theo đuổi tri thức bằng cách học tập suốt đời, ta sẽ gặt hái những thành tựu nho nhỏ. Bằng việc liên tục học hỏi và cải thiện bản thân, ta làm tốt việc này, rồi đến làm tốt việc khác. Cứ thế, những thành tựu nho nhỏ sẽ tích luỹ lại tạo thành sự thành công cho cuộc đời ta. Công thức thành công chỉ giản dị thế thôi.

- Hạnh phúc: là một khái niệm ai cũng nhắc tới. Nhưng hạnh phúc không bao giờ đồng nghĩa với những thú vui dễ dãi, với niềm vui nông cạn của lối sống hưởng thụ, những rong chơi buông thả. Hạnh phúc bền vững chỉ có được khi bạn có đủ sự sung túc về tiền bạc, sự tích luỹ bề dày tri thức và sự thành công được cộng đồng ghi nhận. Hạnh phúc chỉ thật sự viên mãn khi ta có đủ những giá trị chân chính đó.

Những giá trị sống ở trên, có thể gọi là nhân sinh quan của một người. Khi con có 1 hệ giá trị sống đúng đắn, nhận thức nhân sinh quan đúng đắn, thì bạn sẽ thành công trong việc nuôi dạy 1 đứa con có hoài bão.

4. DẠY CON BIẾT SỐNG THEO LẼ PHẢI

Có nhiều người, cứ hễ thấy có lợi cho mình thì thích, thì khen; mà hễ ai làm gì động chạm đến mình thì sửng cồ lên, bất chấp người đó nói sai hay đúng.

Ngoài ra, còn có những người sống rất cảm tính, “Khi thương thì củ ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo”. Cứ hễ ghét rồi là cái gì cũng chê, mà hễ thương rồi thì cái gì cũng tốt. Cái này rất dở.

Làm người thì nên công minh, công bằng. Không phải cứ là chồng con mình, hoặc là cha mẹ mình, thì dù sai lè, mình phải bênh vực. Không phải cứ là kẻ thù của mình thì mọi thứ đều xấu xa, tệ hại. Ai cũng có cái đúng, cái sai; ai cũng có cái hay, cái dở. Làm người chính trực, mình nhất định phải dạy con biết đúng biết sai, biết hay biết dở, biết phân biệt phải trái, biết lẽ phải ở đâu.

Cho dù là kẻ thù của mình, thì mình vẫn không nói thêm nói bớt cho người ta. Mà cho dù là người thân nhất của mình, thì mình vẫn không bao giờ bao biện khi họ có lỗi.

Những người dù có mang đến lợi lộc cho mình, nhưng nếu không phải là người đáng tin cậy, thì mình cũng từ chối, không muốn dính dáng tới.

Hôm trước, nhân tổng thống Biden qua thăm VN, bố của K nói đùa rằng “Trước giờ bố không thích Biden, nhưng giờ bố thấy Biden mang đến lợi ích cho VN, thì bố thích ổng rồi”.

Mình nghe qua cũng cười, nhưng sau đó, mình có giải thích thêm với K “Không phải cứ ai mang đến lợi ích của mình thì mình lập tức thích họ và khen họ tốt đâu con. Sau này, ra đời, con sẽ thấy có nhiều người mang đến cho con tiền bạc, cho con lợi ích nào đó (vì họ cần con làm cho họ 1 điều gì đó). Nhưng nếu họ thật sự là người không tốt, thì con phải nhìn nhận cho đúng là họ không tốt. Mà đã không phải là người tốt, thì mình không bao giờ thích, không bao giờ khen và không bao giờ giao du thân thiết với họ. Nếu công việc buộc mình phải giao dịch với họ, thì mình chỉ làm ở mức tối thiểu cần thiết mà thôi”.

Đôi lúc, vì lẽ phải mà bạn cần phải lên tiếng, dù bạn có bị nghi ngờ, có bị tiếng oan, nhưng cái cần làm thì cũng phải làm. Vì bảo vệ lẽ phải là một việc làm chính nghĩa, vì nói lời trung thực là một điều nên làm, vì trung thực là một đức tính đáng quý.

Làm người chân chính thì phải sống theo lẽ phải. Dù mình phải đi ngược chiều đám đông, dù mình bị tấn công, hay bị cô lập. Nhưng mình cần hướng theo lẽ phải, như vạn vật luôn hướng về phía mặt trời.

Có những người “sống khôn khéo, có EQ cao”, biết rằng nói như vậy sẽ làm mất lòng 1 số người, gây đụng chạm với 1 số người… thôi, tôi chả dại gì; ai tôi cũng khen, ai tôi cũng vĩ hoà vi quý. Những người đó, cuối cùng, cũng chả được lòng ai, người tốt không ưa mà người xấu cũng không quý.

Bởi người hiểu biết thì không bao giờ đánh giá cao những người “khôn khéo” như vậy, người chính trực không bao giờ thích những người “gió chiều nào theo chiều đó”. Mà người xấu thì với ai họ cũng xấu, người xấu có yêu quý thật lòng với ai bao giờ; kết thân với những người xấu đó để làm gì, chơi với người xấu tính thì chỉ có hại nhiều hơn lợi.

Nếu ta chỉ dạy con mình lối sống “khôn khéo, có EQ cao”, chỉ chăm chăm vào các tiểu xảo lấy lòng người khác, mà mục đích không phải vì thật tâm yêu thương hay kính trọng người đó; mà chỉ hòng mưu lợi cho bản thân (theo kiểu của Đắc Nhân Tâm), thì cuộc đời của con mình chỉ quanh quẩn trong vòng danh lợi, tiền bạc mà thôi. Cái khéo đó là cái khéo giả dối, mà mình nên tránh. Bởi, một người thật sự thông minh, chỉ ngày 1 ngày 2, người ta sẽ nhìn thấu tâm can của người giả nhân giả nghĩa.

Dạy con biết phân biệt đúng sai, hay dở rất quan trọng.

- Dạy con biết kiếm tiền là đúng. Nhưng kiếm tiền bất chấp là dở.

- Dạy con biết tạo mối quan hệ tốt là đúng. Nhưng giả dối, giả lả lấy lòng người khác dù lòng không thích là dở.

- Dạy con sống ôn hoà, tránh thị phi, sân si là đúng. Nhưng sống kiểu “giậu đổ bìm leo”, thấy người thất thế thì bỏ, mà thấy người thắng thế thì theo là thật tệ.

- Dạy con sống “khôn khéo” chỉ biết lo cho thân mình, cho lợi ích của mình, thì cũng không sai, nhưng đó là một lối sống ích kỷ, chả có gì hay.

Dạy con sống biết đúng biết sai, biết phải biết trái, biết trên biết dưới, biết trước biết sau, biết ơn biết nghĩa, biết mình biết ta; đó mới là lẽ phải ở đời.

Làm một người có hoài bão lớn, thì hoài bão đó phải lớn hơn bản thân cá nhân mình, hoài bão đó phải đủ lớn để tạo ảnh hưởng cho nhiều người khác, và lớn hơn là cho cộng đồng, xã hội.

Người có hoài bão, thì sẽ biết nghĩ lớn, nghĩ rộng; không chỉ cho bản thân mình, mà còn cho người khác. Người sống có hoài bão không bao giờ là người sống ích kỷ cho riêng mình.

 


Phạm Hương - Aug 10, 2024

3 1 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL